Ngày đăng: 19/08/2024 10:09
Những ngày tháng 7 năm 2024, trời Hà Nội nắng nhẹ xen lẫn những cơn mưa rào mùa hạ. Trong chuyến công tác cùng với các đồng nghiệp Bảo tàng Nghệ An, tôi được đến thăm ông Nguyễn Đình Lương, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (gọi tắt là BTA) từ năm 1995 – 2000.
Đón chúng tôi tại số nhà 179 Đặng Tiến Đông, Gò Đống Đa, Hà Nội là người đàn ông với mái tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu và nụ cười rạng rỡ. Khi chúng tôi đến đã thấy ông đón sẵn ở cổng, sự nồng hậu của ông khiến tôi cảm thấy ông thật gần gũi. Trong phòng khách tại tư gia, mọi thứ đều đơn sơ giản dị. Bộ bàn ghế, chiếc tủ đều phai màu thời gian. Phía sau tủ là chiếc giường kê sát với chiếc bàn nhỏ. Trên bàn để sẵn những lọ thuốc mà ông vẫn dùng hàng ngày. Giờ đây giới hạn về tuổi tác buộc ông phải nghỉ ngơi nhiều hơn, nhưng trên giá sách vẫn còn những cuốn từ điển tiếng Nga, tiếng Anh mà theo lời ông là để dịch tài liệu từ tiếng Nga sang tiếng Việt, tiếng Việt sang tiếng Anh. Ông bảo dù có tuổi rồi nhưng vẫn phải đọc để rèn luyện trí não.
Mặc dù ông tự nhận mình là “củ khoai, củ sắn”, nhưng đằng sau phong thái nông dân, chân thật của ông vẫn toát lên vẻ minh triết của một nhà đàm phán bậc thầy. Ông kể rằng trước khi nhận nhiệm vụ đàm phán với đối tác Hoa Kỳ, ông đã có thâm niên gần 20 năm làm nghề đàm phán với các nước Xã hội chủ nghĩa, Singapore, Na Uy, Thụy Sỹ, Canada… và Hoa Kỳ là thách thức lớn nhất, “cục xương khó gặm”, “quả đắng khó xơi” nhất trong cuộc đời đàm phán quốc tế của ông. Ông đã trải qua 5 năm ròng rã với 11 vòng đàm phán, 7 lần đặt chân đến đất Mỹ, đã từng ngồi bàn đàm phán đấu trí với người Mỹ, bắt tay với Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Nhà Trắng… Bằng chất giọng Nam Đàn trầm ấm cùng lối dẫn chuyện hóm hỉnh, ông bảo rằng: “ Ngày trước cha tôi dạy lại cho tôi là làm nghề cày phải có đường cày thẳng, muốn có đường cày thẳng thì mắt phải nhìn xa, nhìn phía trước,… Ngày đi đàm phán, tôi nhớ lại lời cha”. Nhờ kiên định luôn nhìn xa, nhìn về phía trước mà Nguyễn Đình Lương đã không sờn lòng, vững tin vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức để có thể đàm phán thành công được với nước Mỹ.
Chia sẻ với chúng tôi về 3 hiện vật quý giá nhất trong cuộc đời mình mà ông luôn nâng niu, giữ gìn cẩn thận, ông không giấu được sự xúc động. Mỗi hiện vật lại chứa đựng những câu chuyện thú vị.
Hiện vật quý giá nhất là tập tài liệu có tên: “Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ Thương mại”. Đây là bản chính in ấn tại Mỹ năm 2000. Về nguyên tắc bản chính phải nộp lưu chiểu ở Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên trong cuộc đàm phán này, với vai trò là trưởng đoàn, người chịu trách nhiệm chính, “ linh hồn” trong việc giải bài toán về việc việc ký kết hiệp định nên ông Nguyễn Đình Lương được lưu giữ.
Phần đầu của tài liệu là các văn bản hành chính của Chính phủ cử đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, những bức thư trao đổi giữa hai bên. Thư ông Nguyễn Đình Lương gửi ông Joseph M. Damond Phó trợ lý Đại diện thương mại Hoa kỳ, Phụ trách các vấn đề APEC và Châu Á Thái Bình Dương trao đổi trước vòng kết thúc. Thư của bà Charlene Barshefsky từ Văn phòng Điều hành của Tổng Thống, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ gửi Bộ trưởng Vũ Khoan, thư phúc đáp của Bộ trưởng Vũ Khoan gửi bà Barshefsky xác nhận thỏa thuận của các bên về Chế độ cấp phép đầu tư, về các dự định hợp tác tiếp theo.
Tiếp đó là Bản dự thảo mà phía Mỹ trao cho Việt Nam vào tháng 4 năm 1997 và của Việt Nam tháng 5 năm 1998. Trong đó có 2 màu mực đen và đỏ. Chữ màu đen là dự thảo của Mỹ, chữ màu đỏ là dự thảo của Việt Nam, nhiều trang có bút tích của ông Nguyễn Đình Lương sửa chữa chằng chịt thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với những điều khoản mà phía Mỹ phác thảo. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ, tại thời điểm ấy, Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới, họ có quyền chi phối luật chơi, quy định WTO sao có lợi nhất cho doanh nghiệp Mỹ. Trong khi Việt Nam là quốc gia có trình độ kinh tế phát triển thấp, vừa đặt chân vào thế giới hội nhập, chưa thể lường hết những nguy hiểm, bất trắc ngay phía trước. Vì thế trong bản thảo này, hầu như trang nào cũng được sửa lại, có chương như Thương mại dịch vụ Việt Nam ông Nguyễn Đình Lương viết lại hoàn toàn để đảm bảo được lợi ích của cả hai bên.
Phần cuối tập tài liệu là Bản chính Hiệp định Thương mại song phương BTA, từng trang đều có chữ ký của ông Nguyễn Đình Lương và ông Joseph Damond. Đây là kết quả của chặng đường 5 năm ông và các cộng sự không có ngày lễ, Tết, miệt mài đọc hàng ngàn trang bản hiệp định mà Mỹ đã ký với các nước, hàng chục ngàn trang về quy định của các tổ chức kinh tế thương mại GATT, WTO… để không làm thiệt cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Chính vì thế ông Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đánh giá “Đây là hiệp định Thương mại song phương đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh lớn nhất trong số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với nước ngoài”.
Hiện vật thứ 02 là chiếc bút ký mang nhãn hiệu Waterman là một trong những hãng bút viết của Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Ông Nguyễn Đình Lương đã dùng chiếc bút này ký nháy 600 chữ ký vào từng trang của bản Hiệp định thương mại, cả tiếng Việt và tiếng Anh của hai bên. Chiếc bút được ông Nguyễn Đình Lương cất giữ cẩn thận vẫn còn nguyên hộp, mới tinh và sử dụng tốt.
Hiện vật thứ 03 là Bức ảnh được chụp vào chiều ngày 13/7/2000 tại Mỹ. Khi đó Bộ trưởng Thương mại Việt Nam là ông Vũ Khoan và Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương được mời đến Nhà Trắng để diện kiến Tổng thống Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo tại Vườn Hồng, được CNN truyền hình trực tiếp, Tổng thống Bill Clinton đã đọc bài diễn văn với nội dung chào mừng sự kiện hai nước ký kết Hiệp định Thương mại đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông cảm ơn Bộ trưởng Vũ Khoan và Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Đình Lương đã có đóng góp vào việc hoàn thành văn bản Hiệp định.
Trước đó ông Nguyễn Đình Lương biết rằng đây là lần đầu tiên và lần duy nhất trong đời ông được vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Mỹ. Ông đã bỏ túi chiếc máy ảnh với hy vọng “chớp” được bức ảnh về buổi gặp gỡ lịch sử này. Tuy nhiên tới đó ông được yêu cầu không chụp ảnh bởi lẽ việc này chỉ có các phóng viên Nhà Trắng được phép mà thôi. Thật bất ngờ vào tháng 11 năm 2000, Tổng thống Bill Clintơn thăm Hà Nội, những người bạn Mỹ đã mang theo bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ bắt tay ông phóng to, đóng khung rất đẹp làm quà tặng ông. Các bạn Mỹ đã nhắc đi nhắc lại: đây là món quà đặc biệt vì không phải ai vào Nhà Trắng cũng được chụp ảnh với Tổng thống và không phải ai chụp ảnh với Tổng thống cũng được tặng ảnh”.
Đã tròn 24 năm trôi qua nhưng bức ảnh Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam bắt tay Tổng thống Mỹ vẫn lưu lại được vẹn nguyên khoảnh khắc vừa trang trọng vừa đẹp đẽ khi hai người nhìn thẳng vào mắt nhau với một thái độ trân trọng, chân thành. Ông Nguyễn Đình Lương xem bức ảnh như món quá quý nhất, cũng là chuyện hiếm có trong cuộc đời một nhà đàm phán của mình.
Ban Giám đốc Bảo tàng Nghệ An tiếp nhận các hiện vật quý mà ông Nguyễn Đình Lương trao tặng
Kể từ khi ký kết thành công hiệp định BTA, ông Nguyễn Đình Lương đã đi nhiều tỉnh thành trên cả nước để nói chuyện, phổ biến các điều khoản, nội dung của BTA, gặp gỡ hàng trăm nhà báo, chia sẻ mọi chuyện vui buồn trên hành trình ký kết Hiệp định. Ông cung cấp cho các phóng viên nhiều hình ảnh, tư liệu nhưng 3 hiện vật này ông luôn luôn nâng niu, trân trọng và gìn giữ cẩn thận, xem như đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời, sự nghiệp của mình. Trao tặng lại cho Bảo tàng quê nhà, ông mong muốn những hiện vật này sẽ được trưng bày để công chúng hiểu thêm về một thế hệ đã có công mở đường cho nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Trưng bày- Tuyên truyền- Giáo dục
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]