Ngày đăng: 15/06/2021 10:48
ICOM là tên viết tắt các chữ cái theo tiếng Anh của Hội đồng Quốc tế các bảo tàng (Intenational Council of Museums) được thành lập vào tháng11 năm 1946, tại thủ đô Paris nước Pháp. Tính đến nay, tổ chức này đã có “hơn 25.000 thành viên ở 140 quốc gia tham gia vào các hoạt động tại các tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế” [1]. Hoạt động của ICOM hướng tới 5 mục tiêu chủ yếu:
– Khuyến khích và hỗ trợ việc xây dựng, phát triển và quản lý nghiệp vụ của các bảo tàng thuộc mọi loại hình.
– Nâng cao tri thức và sự hiểu biết về bản chất, chức năng và vai trò của các bảo tàng trong sự nghiệp phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội.
– Tổ chức phối hợp và trợ giúp song phương giữa các bảo tàng và các cán bộ nghiệp vụ bảo tàng ở các nước khác nhau.
– Giới thiệu, ủng hộ và tăng cường mối quan tâm của các cán bộ nghiệp vụ bảo tàng thuộc tất cả các lĩnh vực.
– Tăng cường và phổ biến tri thức về bảo tàng học và các lĩnh vực khác liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng[2].
Nói cách khác, mọi hoạt động của ICOM đều hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn cầu trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của mỗi nước nói riêng và của nhân loại nói chung.
Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, vào tháng 11 năm 1986, trong cuộc họp lần thứ 15 diễn ra tại Buenos Aires (Arhentina), Đại hội đồng ICOM đã nhất trí phê chuẩn một văn bản quan trọng liên quan đến bảo tàng và những người đang làm việc trong lĩnh vực này với tên gọi: “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM”. Bản quy tắc này đã được sửa đổi tại cuộc họp Đại hội đồng ICOM lần thứ XX tại Barcelona (Tây Ban Nha) ngày 7 tháng 6 năm 2001 và sau đó, lại được sửa đổi, bổ xung tại cuộc họp Đại hội đồng lần thứ XXI ở Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 8 tháng 10 năm 2004.
Trong bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM”, ngoài “Lời nói đầu”, phần nội dung đề cập tới 8 vấn đề:
– Bảo tồn, giới thiệu và phát huy các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của nhân loại.
– Bảo tàng duy trì và sở hữu các bộ sưu tập vì mục đích phục vụ xã hội và sự phát triển xã hội.
– Các bảo tàng nắm giữ các di vật nhằm thiết lập và nâng cao kiến thức.
– Các bảo tàng mở ra các cơ hội tôn trọng, hiểu biết và phát huy di sản văn hóa và tự nhiên.
– Các nguồn lực của bảo tàng tạo khả năng cho các dịch vụ và lợi ích khác của công chúng.
– Các bảo tàng liên kết chặt chẽ với những cộng đồng nơi mà các sưu tập có nguồn gốc cũng như phục vụ cho cộng đồng đó.
– Các bảo tàng hoạt động hợp pháp.
– Các bảo tàng hoạt động chuyên môn.
Bài viết này, chỉ đề cập một khía cạnh trong nội dung của văn bản nói trên, đó là công tác sưu tầm hiện vật thông qua việc tiếp nhận từ các cơ quan, tổ chức hay cá nhân.
- Trước hết, liên quan đến vấn đề sưu tầm và phát huy giá trị của các sưu tập có được từ công việc này, ICOM đã đưa ra nguyên tắc chung như sau: “Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các bộ sưu tập như là một phần đóng góp cho việc bảo vệ các di sản tự nhiên, văn hóa và khoa học. Những bộ sưu tập này phải là những di sản cộng đồng có giá trị, có một vị trí đặc biệt đối với luật pháp và được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế. Hàm chứa trong giá trị chung của di sản là khái niệm phục vụ, bao gồm quyền sở hữu hợp pháp, được truyền giữ lâu đời, được thể hiện thành văn bản, được tiếp cận và được định đoạt”[3]. Qua nội dung trên, có thể hiểu, công tác sưu tầm hiện vật, được ICOM xác định là một hoạt động quan trọng của các bảo tàng, bởi đó là công việc góp phần bảo vệ các di sản có giá trị của các cộng đồng và khẳng định rằng, các di sản đó được luật pháp quốc tế bảo vệ. Có lẽ vì vậy mà, trong bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM”, có khá nhiều điều liên quan đến công tác sưu tầm.
Từ việc nghiên cứu văn bản trên và liên hệ với tình hình thực tế, tôi thấy có một số quy tắc trong công tác sưu tầm liên quan đến những vấn đề sau đây mà theo tôi, các bảo tàng Việt Nam rất nên lưu ý:
1.1. Về vấn đề xây dựng chính sách sưu tầm
Trong mục 3.3 (phần 3), bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM” ghi rõ: “Bảo tàng có trách nhiệm thực hiện công tác sưu tầm phải phát triển các chính sách phù hợp với các tiêu chuẩn học thuật, các luật pháp quốc gia và quốc tế và các nghĩa vụ theo hiệp ước”[4]. Điều đó có nghĩa là, các bảo tàng không những cần xây dựng chính sách sưu tầm, mà còn phải phát triển chính sách đó sao cho nó vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý.
Theo tinh thần của bản Quy tắc, để làm tốt việc sưu tầm hiện vật, mỗi bảo tàng cần thường xuyên xem xét chính sách để điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Về cơ bản, hiện vật thu nhận phải phù hợp với mục đích và hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, vẫn có thể thu nhận hiện vật ngoài các chính sách đã được quy định trong các trường hợp ngoại lệ, song, với các trường hợp ngoại lệ đó, lãnh đạo bảo tàng phải xem xét, cân nhắc kỹ càng, đặc biệt là “cần tính đến ý nghĩa của các hiện vật hoặc mẫu vật cũng như bối cảnh của hiện vật này là di sản văn hóa hoặc tự nhiên và các lợi ích đặc biệt của các bảo tàng khác trong việc sưu tầm hiện vật này. Đối với những trường hợp trên, các hiện vật không có giá trị không được sưu tầm”[5].
1.2. Về vấn đề tiếp nhận hiện vật không có nguồn gốc hợp pháp
Theo quy định của ICOM, việc tiếp nhận hiện vật phải “đảm bảo rằng, bất cứ hiện vật hoặc mẫu vật dưới hình thức mua bán, tặng biếu, cho mượn, hay để trao đổi, đều phải có được một cách hợp pháp hoặc được xuất khẩu từ nước xuất xứ của hiện vật đó, hoặc từ một nước trung gian mà tại đó hiện vật được sở hữu hợp pháp”[6]. Như vậy, có thể thấy, một trong những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng theo quan điểm của ICOM, là không được tiếp nhận bất kỳ một hiện vật hay mẫu vật nào, cho dù thông qua hình thức mua, tặng hay trao đổi, khi chưa rõ nguồn gốc của nó. Và, quy định này còn được khẳng định cụ thể hơn nữa (ở mục 2.4, sách đã dẫn) như sau: “Bảo tàng không được sưu tầm hiện vật từ những nơi mà chắc chắn rằng hiện vật có được là do các hành động trái phép, không có chứng cứ khoa học hoặc có chủ đích đối với các tượng đài, các khu vực địa lý và khảo cổ, hoặc từ nơi cư trú của các giống loài tự nhiên. Đồng thời, việc mua bán cũng không được phép nếu như không thông báo về những hiện vật này cho các chủ sở hữu, hoặc cho những người “đóng” trên các vùng đất, hoặc cho các giới trách chính phủ”. Theo tôi, quy tắc này được đưa ra có lẽ xuất phát từ quan điểm mang tính nhất quán của ICOM là: mọi việc buôn bán, trao đổi trái phép các hiện vật liên quan đến lịch sử xã hội, hay các mẫu vật tự nhiên, để xây dựng các sưu tập của các bảo tàng nhà nước cũng như tư nhân đều là khuyến khích việc phá hoại và trộm cắp các di sản văn hóa, việc vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã và luật bảo tồn lịch sử tự nhiên trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Vì thế, ICOM quy định: “các thành viên của bảo tàng không được hỗ trợ việc vận chuyển trái phép, hay buôn bán các tài sản văn hóa và tự nhiên dù là trực tiếp hay gián tiếp”[7]. Thậm chí, liên quan đến vấn đề trên, ICOM còn có quy định cho những người làm công tác trưng bày, rằng: “việc trưng bày hoặc sử dụng các hiện vật không có nguồn gốc là góp phần vào việc kinh doanh bất hợp pháp về tài sản văn hóa”[8]. Từ đó, có thể hiểu, khi vi phạm các quy tắc trên chính là khi các bảo tàng ủng hộ cho thị trường kinh doanh trái phép về di sản văn hóa và vi phạm “đạo đức nghề nghiệp bảo tàng”.
1.3. Về vấn đề tiếp nhận hiện vật có liên quan đến các thành viên của Ban lãnh đạo, các cán bộ bảo tàng, các thân nhân và các cộng sự của họ
Phần 2, mục 2.10 của “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM” có đề cập vấn đề này như sau: “Cần đặc biệt lưu ý khi xem xét bất kỳ hiện vật nào được xem như là hàng hóa, hoặc để bán, hoặc để cung tiến, hay tặng biếu như các hình thức quà tặng không phải chịu thuế, từ các thành viên của các cơ quan quản lý, các cán bộ bảo tàng hoặc gia đình và các cộng sự thân cận của các cán bộ này”. Mặt khác,“các cán bộ bảo tàng, người quản lý, gia đình hoặc những người bạn thân của họ sẽ không được phép mua các hiện vật mà được lấy ra từ một sưu tập thuộc trách nhiệm quản lý của họ”[9] và, “các nhân viên bảo tàng, các cơ quan quản lý, các gia đình, các tổ chức tương tự không được phép chiếm đoạt các hiện vật từ các sưu tập bảo tàng, thậm chí cả trong trường hợp tạm thời cho việc sử dụng cá nhân”[10]. Thiết nghĩ, ICOM đưa ra các quy tắc trên, phải chăng là để bảo đảm tính khách quan, trung thực và công bằng trong việc tiếp nhận cũng như nhượng lại các sưu tập hiện vật bảo tàng?
Riêng về trách nhiệm của các cán bộ, công chức và các chuyên gia của bảo tàng, trong đó có những người làm công tác sưu tầm, ICOM còn quy định cụ thể hơn: “các thành viên của bảo tàng không được tham gia dù trực tiếp hay gián tiếp vào việc buôn bán (mua và bán vì lợi nhuận) các tài sản tự nhiên và văn hóa”[11] và, “các chuyên gia của bảo tàng không được nhận quà biếu hoặc bất kỳ hình thức nào do những người buôn bán, đấu giá hoặc những người khác tặng như một khoản đút lót để mua hoặc nhượng lại các hiện vật cho bảo tàng. Thêm vào đó, một chuyên gia của bảo tàng không được giới thiệu một nhà buôn, một người bán đấu giá cho một quan chức chính quyền[12]. Đồng thời, các cán bộ bảo tàng không được cạnh tranh với bảo tàng mình trong việc thu nhận hiện vật cũng như trong bất kỳ hoạt động sưu tập cá nhân nào[13]. Ngoài ra, các cán bộ bảo tàng “phải nhận thức được rằng, không có một công việc cá nhân hay lợi ích nghề nghiệp nào được tách rời hoàn toàn khỏi tổ chức mà họ đang làm việc. Họ không được thực hiện các công việc được trả lương khác hoặc chấp thuận một công việc bên ngoài nào có ảnh hưởng tới hoặc được coi là bất đồng với lợi ích của bảo tàng”[14].
Cùng với việc quy định các chuyên gia bảo tàng không được nhận quà biếu như là “khoản đút lót” của những người liên quan, ICOM còn đề cập cả việc “các nhân viên của bảo tàng không được nhận quà tặng, các khoản cho vay hay các lợi ích cá nhân khác có thể họ được chào mời liên quan đến công việc của họ trong bảo tàng”[15]. Đồng thời, về mối quan hệ giữa cơ quan quản lý bảo tàng với thuộc cấp của họ, ICOM đã đưa ra quy tắc: “cơ quan quản lý không bao giờ được yêu cầu các cán bộ bảo tàng thực hiện công việc theo cách được xem như trái với những quy định của bản quy tắc, hoặc với luật quốc gia hoặc các quy tắc đạo đức chuyên ngành khác”[16].
1.4. Về việc thu nhận hiện vật của các cộng đồng đương đại
Theo quy định trong bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM”, nếu các hoạt động của bảo tàng liên quan đến một cộng đồng đương đại hoặc di sản của cộng đồng này, thì “việc thu nhận hiện vật chỉ được thực hiện trên cơ sở các bên đã được thông báo và chấp thuận, không được thực hiện việc bóc lột người chủ cũng như người cung cấp thông tin. Cần tuyệt đối tôn trọng yêu cầu mong muốn của cộng đồng liên quan”[17]. Như vậy, ICOM rất quan tâm đến quyền lợi của các cộng đồng và coi trọng các di sản của họ. Và, không chỉ dừng lại ở đó, ICOM còn đề cập cả việc sử dụng các hiện vật thu nhận được như thế nào cho có hiệu quả thông qua quy tắc sau: “việc sử dụng các sưu tập từ cộng đồng đương đại đòi hỏi cần phải tôn trọng giá trị nhân văn và truyền thống cũng như văn hóa của cộng đồng sử dụng chúng. Các sưu tập này cần được sử dụng để phát huy giá trị nhân văn, phát triển xã hội, sự khoan dung và sự tôn trọng chủ trương đa dạng văn hóa, đa ngôn ngữ và xã hội”[18].
1.5. Về vấn đề thẩm định hiện vật
Trong hoạt động của bảo tàng, thẩm định hiện vật trước khi thu nhận cho bảo tàng hoặc thẩm định mang tính dịch vụ là một công việc thường gặp và không ít phức tạp. Chính vì vậy, ICOM đã lưu tâm đến vấn đề này thông qua việc đưa ra quy tắc: “Nếu bảo tàng cung cấp một dịch vụ thẩm định thì hoạt động này cần được thực hiện sao cho không bị coi là đang thu lợi từ hoạt động đó dù trực tiếp hay gián tiếp. Việc xác nhận và đánh giá hiện vật bị nghi ngờ là được thu nhận, vận chuyển, nhập khẩu hoặc xuất khẩu trái phép sẽ không được công bố nếu các cơ quan chức năng chưa được thông báo”[19] và, “các thông tin được mang đến bảo tàng để thẩm định là tuyệt đối bảo mật và không được công bố hoặc chuyển cho bất kỳ một tổ chức hoặc người nào khác mà không có ủy quyền cụ thể của người sở hữu”[20]. Như thế, tính bảo mật và tính phi lợi nhuận trong hoạt động bảo tàng cũng là vấn đề ICOM chú trọng.
- Từ những trình bày trên đây, với tư cách là một cựu bảo tàng viên, tôi có một vài suy nghĩ như sau:
Thứ nhất: “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM” là một văn bản rất cần thiết đối với các bảo tàng cùng những ai làm việc trong lĩnh vực này, bởi đó là những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp chung, có thể áp dụng cho các bảo tàng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thực hiện đúng những quy tắc này sẽ góp phần nâng cao tính pháp lý cũng như tính khoa học của các hoạt động bảo tàng, giúp cho các bảo tàng ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội.
Thứ hai: ở Việt Nam, ý thức được tầm quan trọng của bản Quy tắc trên, năm 2005, Cục Di sản văn hóa đã cho dịch ra tiếng Việt và in trong cuốn sách có tựa đề: “Hội đồng quốc tế các bảo tàng – Lịch sử và Quy tắc đạo đức bảo tàng”. Thiết nghĩ, các cán bộ, công chức đang làm việc trong các bảo tàng cần nghiên cứu và nắm vững các quy tắc đạo đức nghề nghiệp để “hành nghề” cho đúng và tốt hơn. Dĩ nhiên, tất cả những người lãnh đạo bảo tàng cũng rất cần làm tốt công việc đó, bởi theo quan điểm của ICOM thì, giám đốc hoặc người lãnh đạo bảo tàng phải là người có: “khả năng trí tuệ và kiến thức chuyên môn, cùng với tiêu chuẩn cao về đạo đức nghề nghiệp”[21].
Thứ ba: Theo yêu cầu của ICOM, “mỗi thành viên của bảo tàng cần thông thạo về những luật định quốc tế, quốc gia và địa phương có liên quan… để tránh tình trạng bị coi là hoạt động không đúng nguyên tắc”[22]. Điều đó có nghĩa là, những người làm công tác bảo tàng không chỉ cần có kiến thức về chuyên môn, mà phải có đủ kiến thức về pháp luật liên quan đến công việc của mình, kể cả những quy tắc nghề nghiệp, như “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp” của một tổ chức quốc tế như ICOM.
Thứ tư: Xuất phát từ những nhận thức vừa trình bày, theo tôi, trong thời gian tới, trên cơ sở của bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM”, Ngành di sản văn hóa nên tổ chức một cuộc hội thảo khoa học hoặc một đợt tập huấn về đạo đức nghề nghiệp bảo tàng nói chung; cũng có thể tập huấn theo từng chuyên đề cụ thể, trong đó có việc sưu tầm và thu nhận hiện vật cho bảo tàng như đã đề cập trong bài viết này. Tôi tin rằng, qua các hoạt động đó, những người công tác trong lĩnh vực bảo tàng sẽ được nâng cao hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp, góp phần sớm đưa trình độ của các bảo tàng ở Việt Nam lên ngang tầm với các bảo tàng của các nước trong khu vực và trong tương lai, sẽ sánh kịp với bảo tàng của các nước phát triển trên thế giới.
Đinh Thị Ánh Tuyết
PTP. Nghiên cứu – Sưu tầm
Trích Nguồn: TS. Trịnh Thị Hòa
(Tạp chí Di sản văn hóa số 21 – 2007)
[1] Cục Di sản văn hóa (2005), Hội đồng Quốc tế các bảo tàng – Lịch sử và Quy tắc đạo đức bảo tàng (bản dịch), Cục Di sản văn hóa xuất bản, 1(Tr.41), 3(Tr.88), 4(Tr.97), 5(Tr.91), 6(Tr.89), 7(Tr.108), 8(Tr.101), 9(Tr.94), 10(Tr.96), 11(Tr.110), 12(Tr.111), 13(Tr.111), 14(Tr.110), 15(Tr.110), 16(Tr.87), 17(Tr.104), 18(Tr.105), 19(Tr.102), 20(Tr.108), 21(Tr.87), 22(Tr.107).
[2] Timothy Ambrose – Crtspin Paine (2000), Cơ sở bảo tàng (bản dịch), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xuất bản, Tr.(580 – 581).
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]