Ngày đăng: 06/05/2021 07:45
Di tích lịch sử quốc gia – đền thờ hai quận công Trần Hưng Học- Trần Hưng Nhượng nằm ở xóm Xuân Hà, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, cách thành phố Vinh khoảng 40 km về phía Tây, cách thị trấn Dùng 20 km về phía Tây-Nam. Đây là di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn thời Lê còn lại của những xã miền núi huyện Thanh Chương.
Đền được triều đình phong kiến nhà Lê cho dân các xã sở tại lập để thờ 2 anh em quận công Trần Hưng Học- Trần Hưng Nhượng. Những võ tướng mưu lược, có công phò vua Lê đánh giặc Nguyễn, góp phần ổn định tình hình đưa lại cho nhân dân Nghệ An- Hà Tĩnh cuộc sống thái bình, thịnh trị, tránh cho đất nước khỏi khổ nạn chiến tranh tương tàn phi nghĩa.
Đền thờ Trần Hưng Học nằm trên một quả đồi thoai thoải, có diện tích 750 m2 trước đây thuộc xã Bích Triều, tổng Bích Triều, nay là thôn Xuân Hà, xã Thanh Xuân, Thanh Chương. Di tích hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như sắc phong, đồ tế khí, bia đá cổ… có niên đại thế kỷ 17.
Hiện vật độc đáo phải kể đến là tấm bia đá 4 mặt, được làm bằng đá cẩm thạch hình trụ chữ nhật, cả 4 mặt đều có hoa văn trang trí và khắc chữ Hán. Bia gồm 3 phần: đế bia là một khối hình vuông có ba cấp, cấp dưới cùng có kích thước 80 cm x 80 cm x 5 cm. Cấp càng cao thì kích thước càng nhỏ dần. Thân bia là khói hộp chữ nhật, cao 80 cm, rộng 50 cm. Đồ án trang trí 4 mặt giống nhau, đường diềm phía dưới thân bia chạm nổi hình 2 con sư tử xù bờm phủ phục ở 2 góc hướng mặt vào giữa. Ở giữa là cảnh từng núi trập trùng. Theo nhân dân địa phương thì hình ảnh hai con sư tử này chính là tượng trưng cho 2 quận công Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng đang canh giữ vùng biên ải, bảo vệ quê hương. Diềm bia ở hai bên trái phải trang trí đăng đối họa tiết hoa cúc dây. Dây cúc mập mạp nhưng mềm mại, hoa, lá được chạm sắc nét rất sinh động.
Đỉnh bia là khối đá liền được chạm khắc đẹp với những đường nét sắc sảo, sinh động. Mặt trước trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, đường trên trang trí 4 lá đề. Trên cùng của đỉnh bia là hình búp sen. Chính những nét chạm nổi trên đá, những họa tiết như rồng chầu mặt nguyệt, hoa dây uốn lượn hình sin mềm mại, sư tử canh giữ núi rừng hiện lên sắc nét làm cho bia trở thành một tác phẩm tuyệt đẹp.
Đặc điểm của bia đã thế kỷ XVII có nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau ( bia một mặt, 2 mặt hay 4 mặt,…). Kỹ thuật sử dụng chủ yếu trong thời kỳ này là kỹ thuật chạm nổi, chạm nét; đặc biệt nét chữ khắc sâu, vuông vức hơn so với thời kỳ trước. Nghệ thuật điêu khắc trang trí đạt đến đỉnh cao và có sự biến đổi, bên cạnh những hình tượng ước lệ thì có sự xuất hiện những hinh ảnh tả thực dân gian. Đặc biệt bia dá giai đoạn này được chạm khắc nhiều biểu tượng của nhà Phật như hình hoa sen, lá đề, hình chữ Vạn…
Tấm bia này do nhân dân góp tiền của dựng vào tháng 5 năm Chính Hòa thứ 19 (1698) để ghi tạc công lao và sự linh thiêng của ông Trần văn Cảnh ( thân sinh của Trần Hưng Học- Trần Hưng Nhượng) là vị thần hoàng được nhân dân thờ ở đình làng. Ngoài nội dung phần chữ ghi ở 4 mặt bia, cách bố cục bài trí các họa tiết hoa văn là một công trình nghệ thuật có giá trị, thể được trình độ điêu luyện và tay nghề cao của người thợ điêu khắc đá xứ Nghệ thế kỷ 17.
Trong di sản văn hóa của dân tộc ta, bia và văn bia không chỉ là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho mỗi giai đoạn lịch sử mà còn là nguồn tư liệu phong phú và đa dạng để chúng ta tìm hiểu về quá khứ của cha ông. Tư liệu khắc trên bia đá là tư liệu gốc, không bị sao chép lại, phản ánh trung thực nhiều mặt hoạt động trong quá khứ của người dân từng vùng nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Bia đá 4 mặt hiện còn rất ít ở Nghệ An.
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]