Ngày đăng: 23/07/2021 15:06
Lý Nhật Quang (sinh năm ?[1]– mất ngày 17 tháng 8 năm Đinh Dậu (1057) là con trai thứ tám của Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ (974 – 1028). Ông là nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Ông là vị thần linh thiêng được thờ ở đền Quả, một trong 4 ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất ở xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng). Đền nằm bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường (vì thế còn có tên là đền Mượu), xã Bạch Đường, huyện Lương Sơn (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), cách thị trấn Đô Lương 3 km, cách Thành phố Vinh 68 km.
Toàn cảnh đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
Đền Quả Sơn – Nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang
Thời Lý, Nghệ An là một vùng đất phên dậu trọng yếu phía Nam của Quốc gia Đại Việt. Sử gia Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX đã nhận định về vị thế của Nghệ An như sau: “ Nghệ An, phía Nam giáp Thuận Hóa, phía Bắc liền Thanh Hóa, phía Tây giáp Ai Lao, phía Đông giáp biển. Núi cao sông sâu, phong tục thuần hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam châu. Người thì thuần hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thứ quý, của lạ. Những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tính linh thiêng. Được khí tốt của núi sông, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền. Lại còn khoảng đất liền với đất người Mãn, người Lạo, làm giới hạn cho hai miền Nam – Bắc, thực là nơi hiểm yếu, như “ thành đồng ao nóng của nước” và là then khóa của các triều đại”.
Nhận thức sâu sắc vị thế và tầm quan trọng đặc biệt của miền đất có tác động đến sự hưng vong, thịnh suy của đất nước, ngay từ đầu thế kỷ XI, vương triều Lý rất chú ý đến việc xây dựng, củng cố và phát triển Nghệ An về nhiều mặt. Chính vì vậy, người đầu tiên được vua Lý Thái Tông (vị vua thứ hai của triều Lý) tin tưởng giao phó công việc trấn trị châu Nghệ An là Uy Minh hầu Lý Nhật Quang.
Theo chính sử, năm 1039 Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An. Năm 1041, Lý Nhật Quang chính thức được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu Uy Minh hầu. Ông chọn vùng Bồi Sơn, tên cũ là Bạch Ðường (gồm các thôn Nhân Trung, Phúc Toàn, Phúc An, Nhân Bồi, Miếu Đường) làm lỵ sở của châu Nghệ An. Phủ lỵ chính thức thiết lập dưới chân núi Qủa Sơn, sát mép Lam Giang thuộc thôn Miếu Đường. Đó là một vị trí quân sự, kinh tế chiến lược, thuận tiện giao thông, phòng thủ.
Tượng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Bảo tàng Nghệ An
Có thể nói, thời kỳ đó, Nghệ An là một vùng biên viễn của đất nước với nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương có tính chất “phản loạn” xảy ra khiến triều đình phải nhiều phen đánh dẹp. Được giao đảm trách Tri châu (người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An), ông luôn lấy đức làm trọng và kiên quyết với bọn quan tham, đạo tặc, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Đại Việt. Vì vậy, trong suốt thời gian ông trị nhậm và nhiều thập kỷ sau đó, miền đất này rất yên bình. Tình hình chính trị – xã hội ổn định là tiền đề thuận lợi để Lý Nhật Quang tiến hành tổ chức hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp cơ sở, động viên sức dân khai khuẩn, mở mang đất đai, lập xóm ấp, chăm lo sản xuất nông nghiệp, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, phát triển kinh tế…
Năm 1044, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trong cuộc Nam chinh này, Uy Minh hầu Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển quân lương từ nguồn cung cấp chủ yếu của Nghệ An đầy đủ cho quân đội. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương và ban cho ông Tiết Việt, được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An. Trong 16 năm được giao giữ chức Tri châu Nghệ An, từ năm 1039 đến khoảng giữa năm 1055(có tài liệu ghi 1940- 1056), với tài thao lược của mình, với tầm nhìn có tính chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt là chính sách khoan thư sức dân, vỗ về dân, lấy việc dân được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị.
Lý Nhật Quang rất quan tâm đến đời sống của nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế. Là một vị Tri châu vừa có tài mà lại vừa có tâm. Bằng đường lối chính trị thân dân, biết khoan thư sức dân, đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, biết quan tâm vỗ về họ, đó là cội rễ để Lý Nhật Quang sớm đi vào lòng dân xứ Nghệ.
Về nông nghiệp: Ông chủ trương cho khai hoang lập ấp với quy mô lớn, ông đã cho dân mở thêm được 5 châu, 22 trại, 56 sách ở Nghệ An.
Ông chủ trương đào và nạo vét các đoạn sông Ða Cái, Bà Hòa để thuận lợi trong việc giao thông đường thủy. Ông khởi xướng việc đắp đê sông Lam tiền thân của đê 42 sau này. Ông còn tu sửa 2 con đường thượng đạo ở miền núi Nghệ An, một từ Đô Lương lên Kỳ Sơn, đặc biệt là con đường thượng đạo từ Nghệ An ra Thanh Hóa, rồi ra Ninh Bình để đến Thăng Long. Ông còn khuyến khích việc phát triển nông nghiệp, thường khuyên dân phải trồng dâu nuôi tằm, chăm lo cày cấy làm ăn, lại chăm chỉ thực hiện lệ cày tịch điền, khuyến khích sản xuất nông nghiệp…
Về thủ công nghiệp: Ông hướng phát triển các nghề thủ công nghiệp để vừa phục vụ cho đời sống vừa phục vụ cho quốc phòng như: khai mỏ, luyện kim, nghề rèn, nghề mộc và đóng thuyền…
Về thương nghiệp, giao thông: ông đã cho mở nhiều chợ búa, bến sông, cửa biển. Ông đã có tầm nhìn rộng mang tính chiến lược khi quyết định mở các cảng biển dọc biển Thanh – Nghệ, mở các tuyến đường thượng đạo để vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng. Hai con đường quan trọng được Lý Nhật Quang cho nhân dân mở dưới thời ông trị nhậm đó là: Đường thứ nhất bắt đầu “từ Đô Lương qua Nghĩa Hành, Nghĩa Phúc, lên nông trường Sông Con, qua Thái Hòa (Nghĩa Đàn) rồi theo đường lên Bãi Chành để nối liền với con đường thượng đạo của Thanh Hóa ra Hoa Lư, Thăng Long”. Đường thứ hai bắt đầu“từ Đô Lương qua Anh Sơn lên Cự Đồn thuộc phủ Trà Lân cũ tức thành Trà Long hay Thành Nam ở huyện Con Cuông hiện tại rồi qua Hội Nguyên lên Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp nước Lào” [2]. Ông còn cho dân mở thêm tuyến đường từ Đô Lương vào tới Đèo Ngang. Hai loại tiền đồng là “Càn Phù Nguyên Bảo” và “Minh Đạo Thông Bảo” đúc thời đó đã được dùng rộng rãi khắp châu Nghệ An phục vụ cho hoạt động thương nghiệp.
Về quân sự – quốc phòng: Tại nơi trấn trị thuộc Đô Lương bây giờ ông lập ra đạo quân Nghiêm Thắng để giữ yên bờ cõi. Bên cạnh là một vị quan giữ chức thu thuế rồi trở thành một vị quan Tri châu – châu Nghệ An, có năng lực và được lòng dân ái mộ, Lý Nhật Quang còn là một vị tướng tài ba trên chiến trận đầy khói lửa đao binh. Dưới thời Lý Nhật Quang, triều đình không phải đưa quân trung ương vào đồn trú mà lực lượng tại chỗ đủ sức đảm bảo xây dựng Nghệ An thành “Thành đồng vách sắt”. Lúc bấy giờ giặc Lão Qua (Lào) thường quẫy nhiễu ở biên giới phía Tây, Lý Nhật Quang phải thân chinh cầm quân dẹp giặc và thu về thắng lợi. Đồng thời, ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của chúa Chiêm Thành. Ông xứng đáng là một nhân vật có tài về quân sự và chính trị. Ông đã biết vận dụng, kết hợp chặt chẽ bộ ba giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và đấu tranh ngoại giao. Người lính vùng này nổi tiếng trung thành, thiện chiến, vì vậy, có câu để đe giặc:
“Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ
Thanh Nghệ luôn còn chục vạn binh”.
Ông làm Tri châu Nghệ An dưới triều vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) và vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) là thời kỳ Phật giáo Thiền tông nhập thế với tư tưởng cốt lõi là Phật tại tâm cực thịnh, hai vua này từng đi tu. Vua Thái Tông là vị vua ban bộ luật Hình Thư (1042) một bộ luật nghiêm khắc mà khoan dung. Và chính vua Lý Thánh Tông là người có công trong việc lập ra phái Thảo Đường. Hoàn toàn có thể nói đây là thời thiên hạ thái bình, vua sáng tôi hiền. Đại Việt sử ký toàn thư có chép về Lý Thái Tông: “Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông”; Về vua Lý Thánh Tông: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu kẻ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt…”.
Về văn hóa: Vào thời Lý, phật giáo rất thịnh hành và được coi là “quốc đạo”. Từ nhà vua cho đến các quan lại, các thái tử đều là Phật tử. Họ được nuôi dạy, trưởng thành trong môi trường giáo dục, văn hóa Phật giáo. Bởi vậy, bản thân Lý Nhật Quang cũng là một Phật tử. Sau khi vào Nghệ An nhậm chức, ông đã cho xây dựng nhiều chùa chiền để nhân dân được tụng kinh niệm Phật. Chỉ tính riêng trong phạm vi phủ lỵ Bạch Đường, đã có đến 8 ngôi chùa từ cỡ tiểu đến trung. Đó cũng là sự góp công không nhỏ trong lĩnh vực văn hóa xã hội và tinh thần của châu Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung mà Lý Nhật Quang đã làm được lúc bấy giờ. Những câu ví đó đưa, phường vải đã cho thấy sự sôi động của các hoạt động kinh tế, văn hoá tại Nghệ An thời bấy giờ.
Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược đò lường cùng anh
Đò lường bến nước trong xanh
Gạo ngon, lụa tốt bến thành ngược xuôi
Hoặc:
Đô Lương dệt gấm, thêu hoa
Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời…
Về giáo dục: Song song với việc chăm lo phát triển văn hóa tinh thần, Lý Nhật Quang còn chủ trương cho xây dựng nhiều trường học. Chính vì vậy, dưới thời ông trị nhậm có rất nhiều người thành danh, đỗ đạt cao. Dưới thời Lý Nhật Quang làm tri châu tại Nghệ An đã có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, trong đó có 4 Trạng Nguyên, 3 Thám Hoa, 2 Hoàng Giáp, 5 Tiến Sỹ, 4 Phó Bảng. Việc chọn Bạch Đường làm phủ lỵ cho cả châu Nghệ An thời đó được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa lý đánh giá rất cao tầm nhìn “xuyên cả thời gian không gian”, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế: vừa là nơi phong cảnh hữu tình hài hòa núi sông (núi Quả và sông Lam), mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự; lại phù hợp về phong thủy, long mạch. Phủ lỵ Bạch Đường có tính ổn định cho nhiều thời đại về sau.
Lý Nhật Quang đã có công xây dựng và phát triển Nghệ An từ một vùng hẻo lánh với nhiều biến loạn thời Lý thành một châu phồn thịnh về mọi mặt, làm hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau, tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử phát triển Nghệ An. Theo sử sách, ông là người dũng cảm, trung hiếu, có tài thao lược. Thuở thiếu thời, ông được vua cha và hoàng tộc rèn cặp, sớm trở thành một trụ cột của nước nhà. Trên cương vị Hoàng tử, Tri châu Nghệ An- Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được các sử học rất đề cao, xếp là 1 trong 9 vị danh nhân của đất nước Đại Việt. Và trong “Việt Điện u linh” của Lý Thế Xuyên nói về Lý Nhật Quang với một ngôn từ rất trang trọng “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết” và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Thế Xuyên những vị thần nào mà công đức lớn hơn được ông xếp lên trên sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được viết đầu tiên.
Năm 1057 ông qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân xứ Nghệ và nhân dân cả nước. Thống kê sơ bộ thì từ Thanh Hóa vào Nghệ An và Hà Tĩnh đã có trên 50 ngôi đền được dựng lên đặt hiệu bụt thờ Ngài. Đặc biệt, có những đền cùng thờ nhiều vị thần nhưng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được chọn làm vị thần chủ của đền. Điều đó chứng tỏ Uy Minh vương Lý Nhật Quang có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của những địa phương trên cũng như đối với nhân dân cả nước.
Đền Quả Sơn là đền thờ chính, được xây cất cạnh lăng mộ vị danh tướng, danh thần Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai vua Lý Công Uẩn). Đền nằm dưới chân núi Qủa (Qủa Sơn), nên có tên gọi đó. Mặt tiền đền hướng ra Sông Lam (còn gọi là sông Cả), dòng sông uốn lượn ngay trước mặt tạo nên vị trí sơn thủy hữu tình. Ngày 12 tháng 2 năm 1999 đền được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia và từ đó đến nay đền đã nhiều lần được tôn tạo, nâng cấp trùng tu trở thành một di tích lịch sử uy nghi, hoành tráng, rất tôn nghiêm, có quy mô rộng lớn trong một khuôn viên xứng đáng với tầm vóc danh thần, danh tướng họ Lý.
Lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức vào hai ngày 19 và 20 tháng Giêng Âm lịch, tục truyền gọi là lễ Hạ linh – hay thường gọi là lễ Tạ ơn chùa Bà Bụt. Nét độc đáo của lễ hội đền Quả Sơn là cuộc hành rước vào sáng sớm ngày 20 với hai cánh quân thủy, bộ.
Lễ hội Đền Quả Sơn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 04/9/2018.
Để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng, danh thần kiệt xuất, các triều đại đã lần lượt ban sắc phong:
– Triều Lý: Uy Minh hầu lên Uy Minh Vương
– Triều Trần: vua Trần Thái Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt đại vương”; vua Trần Nhân Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung đại vương”(1285), và“Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh đại vương”(1288); vua Trần Anh Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh phu hựu đại vương”(1311).
– Triều Lê: Tam tòa Quốc chủ thượng đẳng thần (thời Lê Thánh Tông), Hiển linh hộ quốc hồng huân đại vương (thời Lê Trung Hưng).
– Triều Nguyễn: vua Minh Mạng sắc phong: “Hữu thánh Khuông quốc chi thần” (1821); vua Thiệu Trị sắc phong: “Vệ chính Khuông quốc chi thần”(1843); vua Đồng Khánh sắc phong: “Đặc chuẩn hứa kỳ y cựu phụng tử, dực bảo trung lương, trung đẳng thần”(1886); vua Duy Tân sắc phong: “Đặc chuẩn y cựu phụng tự”(1914); vua Khải Định sắc phong: “Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần”(1917).
Hơn 1.000 năm qua, công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang luôn được nhân dân Xứ Nghệ và nhân dân cả nước khắc sâu ghi nhớ. Công lao và sự nghiệp của ông mãi mãi được tôn vinh trong sử sách và được tôn thờ trong tâm thức của nhân dân cả nước như là một biểu tượng thiêng liêng nhất. Từ một vị quan Tri châu, một vị dũng tướng trên chiến trận đến một vị linh thần đầy uy danh của vùng đất Nghệ An, là một hành trình xuyên suốt, kéo dài từ điểm đầu triều Lý và đồng vọng mãi mãi cùng thời gian với tên gọi Lý Nhật Quang.
Đinh Thị Ánh Tuyết – PTP Nghiên cứu, Sưu tầm
[1] về ngày sinh của ông có nguồn tài liệu ghi chép Lý Nhật Quang sinh năm 995, và tác giả Nguyễn Thị Liễu (trong bài Đền Quả Sơn đăng ở sách Nghệ An Di tích Danh thắng, Sở Văn hóa Thông tin xb, 2001, tr.114) cho rằng Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988), có tài liệu ghi chép ông là em cùng mẹ vua Lý Thái Tông (vua sinh ngày 29/7/1000), hiện chưa có tài liệu nào xác minh được ông sinh chính thức vào năm nào?
[2] nguồn trích Đại Việt sử ký toàn thư
Tài liệu tham khảo:
– Đại Việt sử ký toàn thư (toàn tập) (2009) Nxb Văn học, Hà Nội.
– Hoàng Hữu Yên (1998), Đền Quả Sơn, sự tích- đền miếu, lễ hội, Nxb Nghệ An.
– Ninh Viết Giao (1993), Truyện kể dân gian xứ Nghệ, Nxb Nghệ An.
– Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An.
– Việt điện u linh (1972), Sự tích các vương triều được dân lập đền thờ phụng, Nxb Văn học, Hà Nội
– Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục.
– Đại Nam nhất thống chí (1970) (tập 2), Nxb KHXH Hà Nội.
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]