Trưng bày – ngôn ngữ đặc trưng của Bảo tàng. Là thế mạnh trong công tác tuyên truyền giáo dục trực quan

Ngày đăng: 24/03/2021 10:03

           Trong tác phẩm : Bút ký Triết học, Lê Nin viết:  “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức khách quan,nhận thức chân lý.”

Về phương diện lý luận và thực tiễn con người có ba phương thức cơ bản nhất để thu nhận thông tin, đó là: đọc, nghe và nhìn, trong đó 80% thông tin mà não bộ thu nhận được là qua kênh Thị giác. Do đó tất cả các đơn vị thuộc hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, các đơn vị thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa, như Bảo tàng,các khu di tích Lịch sử văn hóa… cần nhận thức và quan tâm thực hiện, khai thác tối đa,hiệu quả chức năng, đặc trưng và thế mạnh của mình, đó là khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động qua hệ thống, hình thức, nội dung Trưng bày đối với công tác tuyên truyền giáo dục công chúng.

Vậy cái gì đã làm làm nên thế mạnh của Bảo tàng  trong công tác tuyên truyền giáo dục trực quan đối với công chúng?

Đó chính là xuất phát từ các chức năng xã hội của công tác  Bảo tàng. Bao gồm có những chức năng cơ bản như sau:

  • Chức năng nghiên cứu khoa học.
  • Chức năng tuyên truyền giáo dục.
  • Chức năng bảo quản di sản văn hóa.
  • Chức năng tài liệu hóa khoa học.
  • Chức năng thông tin, giải trí và thưởng thức.

Chức năng nghiên cứu khoa học của Bảo tàng thông qua các khâu công tác: Nghiên cứu Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Trưng bày và tuyên truyền giáo dục đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của Bảo tàng. Chẳng hạn khi nghiên cứu để trưng bày tuyên truyền giáo dục về tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ Bảo tàng không thể không nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp  hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoặc khi nghiên cứu xây dựng các loại Đề cương để xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng Nghệ An thì không thể không nghiên cứu và tìm hiểu một cách sâu sắc về lịch sử tự nhiên- xã hội của Nghệ An. Hoặc khi  nghiên cứu để trưng bày, giới thiệu về một danh nhân thì không thể không nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân đó.

    Công tác  nghiên cứu khoa học của Bảo tàng là nhằm mục đích sưu tầm bảo quản và trưng bày các Tài liệu, Hiện vật gốc,Sưu tập hiện vật phản ánh về lịch sử tự nhiên- xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu,tuyên truyền giáo dục,tham quan,giải trí và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Do đó công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng là quá trình tích lũy Tài liệu, Hiện vật gốc,Sưu tập gốc có giá trị tiêu biểu,trên cơ sở đó tiến hành tài liệu hóa khoa học, nghiên cứu khai thác nó như nguồn sử liệu đầu tiên của tri thức,là đối tượng trực tiếp của nhận thức cảm tính… Vì vậy công tác  nghiên cứu khoa học nói chung của bảo tàng  và công tác Trưng bày các tài liệu hiện vật gốc,sưu tập gốc nói riêng đóng vai trò quan trọng để bảo tàng thực hiện tốt chức năng Tuyên truyền giáo dục. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: Tài liệu,hiện vật,sưu tập hiện vật bảo tàng được thể hiện thông qua công tác Trưng bày là thế mạnh,là ngôn ngữ đặc trưng  của bảo tàng trong công tác tuyên truyền giáo dục trực quan.

Bởi vì,trước hết Tài liệu, Hiện vật gốc- Bảo tàng với tư cách là nhân tố quan trọng cấu thành di sản văn hóa của mỗi thời đại,mỗi quốc gia,dân tộc…

– Thứ hai Tài liệu Hiện vật gốc- Bảo tàng là di sản văn hóa vật thể (vật chất) phản ánh các giá trị lịch sử-văn hóa và khoa học.( các hiện vật trong Bảo tàng là di tích động sản;các di tích Lịch sử – Văn hóa như Đền ,Chùa…là di tích Bất động sản)

-Thứ ba, Tài liệu Hiện vật gốc hàm chứa những thông tin, kiến thức,hiểu biết, kinh nghiệm sống, được tích lũy trong quá trình hoạt động phát triển  của mỗi con người, mỗi quốc gia,dân tộc và do đó nó trở thành nguồn tư liệu đầu tiên của tri thức.

-Thứ tư, Tài liệu ,Hiện vật gốc là đối tượng trực tiếp của nhận thức có khả năng cung cấp những thông tin nguyên gốc – cơ sở cho nhận thức  khách quan.

 Vì vậy, Bảo tàng được công nhận là thiết chế văn hóa đặc thù vì nó đi sâu vào nghiên cứu sưu tầm, lưu giữ,bảo quản các tài liệu hiện vật..và thông qua các hình thức trưng bày giới thiệu với công chúng những Tài liệu hiện vật gốc – Hiện vật Bảo tàng, những vật chứng quan trọng nhất mang giá trị lịch sử-văn hóa-khoa học.Vì vậy Tài liệu, hình ảnh,hiện vật gốc, các Sưu tập hiện vật trở thành cơ sở, đối tượng nghiên cứu và hoạt động của bảo tàng . Hay nói cách khác không có hiện vật gốc, sưu tập hiện vật thì không có trưng bày bảo tàng, bởi vì sưu tập hiện vật gốc,hiện vật gốc được các nhà chuyên môn, họa sỹ,sắp xếp thể hiện,Trưng bày thông qua các thủ pháp nghệ thuật  như âm thanh, ánh sáng màu sắc,hình khối…trở thành  ngôn ngữ đặc trưng của  bảo tàng,là chiếc cầu nối công chúng đến với các nền văn hóa và ký ức di sản nhân loại.Đúng như trong tác phẩm nổi tiếng của mình – Bộ Tư bản, Các Mác đã nhận xét:

Đối với việc (nghiên cứu) đánh giá những hình thái kinh tế – xã hội đã biến mất,những di vật của những tư liệu lao động cũng có một tầm quan trọng giống như là sự cấu tạo của những xương hóa thạh đối với việc tìm hiểu tổ chức của các loài động vật đã tiêu vong,. Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng đã sản xuất ra cái gì,mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào,với những tư liệu lao động”.

Từ thế mạnh là các hiện vật gốc,sưu tập gốc- là nguồn sử liệu gốc quan trọng, các hiện vật bảo tàng hàm chứa các thông tin gốc về Lịch sử Tự nhiên- Xã hội. Vì vậy các tài liệu hiện vật bảo tàng chứa đựng Thuộc tính thông tin gốc (tính chân thực, chính xác). Đây là thuộc tính cơ bản, là thế mạnh của bảo tàng là “sản phẩm hàng hóa đặc biệt” thông qua hệ thống trưng bày (gian hàng) để thu hút và tạo điều kiện cho công chúng (khách hàng, người tiêu dùng) được (tiêu thụ) tiếp cận,thu nhận thông tin thông qua Thị giác bằng phương pháp  trực quan. Chẳng hạn khi nghiên cứu tìm hiểu về đời sống kinh tế-xã hội của cư dân thời đại Hùng vương trên đất Nghệ An các nhà nghiên cứu,giáo dục học sinh sinh viên ngoại khóa, công chúng tham quan… không thể không tìm hiểu nghiên cứu…và đến bảo tàng Nghệ An để xem các hiện vật như Trống đồng, thạp đồng,dao găm, đồ trang sức…được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Làng Vạc hiện đang lưu giữ và trưng bày  tại bảo tàng Nghệ An. Hay khi tìm hiểu nghiên cứu về đời sống kinh tế – bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì không thể không tới bảo tàng Nghệ An để trực quan những bộ Sưu tập trang phục,những sưu tập công cụ sản xuất… mà qua đó phản ánh được một cách chính xác về trình độ kỹ, mỹ – thuật,chế tác,canh tác…phản ánh một cách chính xác đời sống văn hóa vật chất,văn hóa tinh thần của các dân tộc.

Thông qua hệ thống Trưng bày – Ngôn ngữ đặc trưng của Bảo tàng, các Tài liệu, Hiện vật, Sưu tập hiện vật được nghiên cứu trưng bày không đơn lẻ,tách biệt mà có ý tưởng chủ đề theo một hệ thống logich khoa học, cộng với các tổ hợp, hình tượng nghệ thuật tài liệu khoa học phụ…phương tiện âm thanh ánh sáng nghe nhìn hiện đại, chắc chắn Trưng bày của bảo tàng là ngôn ngữ đặc biệt,là thế mạnh,là công cụ giáo dục có khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi thành phần công chúng.

         Cùng với thuộc tính thông tin gốc, hiện vật bảo tàng còn có thuộc tính Biểu cảm (gây xúc động). Thuộc tính này được xác định bởi sự thể hiện tương quan giữa tính vật chất của Tài liệu, Hiện vật gốc, Sưu tập hiện vật gốc và thông tin, nội dung chân thực của chính hiện vật bảo tàng. Chính thuộc tính chân thực về giá trị vật chất  cùng với  thông tin gốc, chân thực của tài liệu hiện vật đã tạo nên sự thu hút, cảm giác mạnh, có tính  Biểu cảm (biểu hiện cảm xúc,gây xúc động mạnh) đối với mọi tầng lớp công chúng tham quan. Trong đó đáng chú ý nhất là các tài liệu hình ảnh, hiện vật,  kỷ vật,di vật liên quan đến các anh hùng liệt sỹ,danh nhân. Chẳng hạn, những kỷ vật, tài liệu hiện vật lưu niệm về Chủ Tịch Hồ Chí Minh như :Đôi dép cao su,chiếc quạt nan, bộ quần áo Kaky… hay khi trưng bày giới thiệu chuyên đề: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ, trong rất nhiều tài liệu hình ảnh gốc phản ánh nội dung trưng bày của chuyên đề, người xem đặc biệt chú ý đến nội dung bức điện số 1229 của Bác Hồ, khi đang đi công tác xa, nghe tin anh Cả mất nhưng không về được, đã điện cho Uỷ ban kháng chiến Hành chính  Liên khu IV, nhờ chuyển cho dòng họ Nguyễn Sinh, làng Kim Liên, khi biết tin anh Cả Khiêm mất:

 “ Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước..

Hay nội dung “Bức thư Bác Hồ gửi Bác sỹ Vũ Đình Tụng” khi nghe tin người con trai út của bác sỹ đã hy sinh trong khi chiến dấu bảo vệ Hà nội, mùa Đông năm 1946, hiện đang trưng bày tại bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong thư Bác viết:

 “ Tôi được báo cáo rằng: Con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình,cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cái của tôi. Mất một thanh niên thì hình như  tôi mất một đoạn ruột…. Họ là con thảo của Đức chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc.Những thanh niên đó là anh hùng của dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn Ngài sẽ thêm ra sức  giúp việc kháng chiến, để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn của cháu  ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

                                                                                 Tháng 1-1947 – Hồ Chí Minh

  Những tài liệu, hiện vật có khả năng lôi cuốn và gây xúc cảm đến trái tim khối óc của người xem. Đồng thời những thông tin gốc có tính chân thực của các tài liệu, hiện vật, giúp người xem hiểu được tình cảm bao la, sâu sắc, cuộc sống khiêm nhường, giản dị, sự cống hiến hy sinh to lớn của Bác Hồ đối với Nhân dân và sự nghiệp giải phóng dân tộc,thống nhất đất nước. Hay những di vật liệt sỹ được trưng bày tại: Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật Liệt sỹ (Loại hình trưng bày đầu tiên trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam) tại Bảo tàng Quân khu 4. Với hơn 2000 di vật được tìm thấy cùng với hài cốt của các Liệt sỹ, đó là chiếc cối giã trầu được người lính làm bằng vỏ đạn trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt ở giữa đại ngàn Trường sơn, trong tâm hồn người chiến sỹ luôn son sắt với niềm tin ngày chiến thắng mang về tặng Bà,tặng Mẹ. Đó là chiếc lược  được người chiến sỹ làm từ mảnh xác máy bay,là tâm tư tình cảm,là nỗi nhớ niềm thương chưa kịp ngỏ lời,hoặc chưa kịp gửi về cho người yêu nơi quê nhà; là bức thư  viết còn dang giở  trong khoảng khắc bình yên nơi chiến trường giữa 2 trận đánh,không còn lành lặn và thấm đẫm máu của người chiến sỹ, chứa đựng bao nỗi nhớ quê hương và tình yêu của người lính đối với người yêu thương,mãi mãi không về tới  quê nhà. Với thuộc tính biểu cảm, thông tin gốc của những di vật, kỷ vật thiêng liêng đó = hiện vật, nhiều Liệt sỹ đã được xác minh tên, tuổi,đơn vị quê quán…nhiều gia đình người thân,đồng đội xúc động khôn nguôi khi biết được thông tin chính xác phận mộ của các Liệt sỹ. Chính thuộc tính biểu cảm, thuộc tính thông tin  đã làm xúc động biết bao tâm hồn khách tham quan khi trực quan trước các di vật, kỷ vật thiêng liêng của các Liệt sỹ.

Có thể khẳng định rằng: Với chức năng xã hội và thế mạnh của Bảo tàng (so với Lưu trữ,Thư viện.v.v.) như là một trung tâm thông tin có lượng thông tin nguyên gốc chính xác,phong phú,đa dạng,đa chiều, dễ tiếp cận, dễ nhận thức,có tính biểu cảm,được thể hiện thông các Tài liệu, Hiện vật,Sưu tập hiện vật thông qua hệ thống trưng bày có tính logich,khoa học, có giá trị nghệ thuật.. giúp mọi tầng lớp công chúng trong xã hội tiếp thu, tiếp nhận bằng phương pháp trực quan, Bảo tàng đã đang và sẽ là địa chỉ giáo dục cộng đồng, là “giảng đường,học đường” là thiết chế văn hóa đặc biệt đối với mọi tầng lớp công chúng trong xã hội, mà theo tôi nghĩ không có một thiết chế văn hóa nào, phông tư liệu nào ( Thư viện;Lưu trữ.v.v.)  thay thế được chức năng xã hội của Bảo tàng  trong thế kỷ 21.

  1. Bảo tàng với công tác tuyên truyền, giáo dục trực quan về tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Sinh thời V.I.Lê Nin đã chỉ rõ: “ Bảo tàng phải thực hiện chức năng của nhà nước là giáo dục”

Luật di sản văn hóa và Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa- 2009, đã khẳng định vai trò, chức năng tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng trong đời sống xã hội,đồng thời khẳng định nhiệm vụ của Bảo tàng phải: “ tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ lợi ích của toàn xã hội”

Trong các văn kiện của Đảng, khi bàn về phương diện lý luận cách mạng, đảng ta  luôn nhất quán và khẳng định rằng: Chủ nghĩa Mác – Lê Nin,tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là nền tảng, là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt nam.

Tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt tư tưởng của Người mang tầm vóc và phản ánh khát vọng của dân tộc và thời đại – thời đại Hồ Chí Minh.  Đúng như C.Mác đã nhận định: “ Mỗi thời đại xã hội đều cần có những con người vĩ đại” (C.Mác và Ph.ĂngGhen- Toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia- 1993,t7 trang 88}

Bác Hồ của chúng ta là một con Người vĩ đại.

 Vì vậy, vấn đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức  Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tại Lễ Truy điệu Người, trong Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc, đã khẳng định: “ Suốt đời học tập đạo đức tác phong của người, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sỹ trung thành với Đảng với Nhân dân, xứng đáng là đồng chí,là học trò của Hồ Chủ Tịch”. Và những năm sau đó, khẩu hiệu: “ Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác đã được toàn Đảng toàn quân và toàn dân nêu cao thực hiện.

Ngày 27 tháng 3 năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về: “Đẩy mạnh nghiên cứu,tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, nhằm tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức lối sống”.

Năm 2005, Bộ chính trị khóa XI đã quyết định làm điểm việc tổ chức Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả việc làm điểm, ngày 7 tháng 11 năm 2006 Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động: “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ngày 14 tháng 5 năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị 03- CT/TW về việc: “ Tiếp tục đẩy mạnh học tập học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI;Nghị quyết TW 4 khóa XII của đảng tiếp tục khẳng định:  Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên (không còn ở mức làm điểm và vận động) của các tổ chức chính trị xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên “ Phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính  thức trong văn kiện đại hội đảng. Tiếp đó ngày 15/5/2016 Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05- CT/TW về: “ Đẩy mạnh việc học tập và làm theo  tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với trọng tâm là học tập và làm theo phong cách,tác phong Hồ Chí Minh về : Dân chủ, nêu gương, quần chúng, khoa học nói đi đôi với làm…, nhằm tạo động lực trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của đội ngũ đảng viên, nhât là người đứng đầu các cấp, các ngành.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành sinh hoạt chính trị sâu rộng trong xã hội. Thông qua nhiều kênh, phương tiện thông tin tuyên truyền, nhiều thiết chế văn hóa mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tiếp cận, thu nhận được Di sản văn hóa Hồ Chí Minh, nhưng không thể có thiết chế văn hóa nào có thể tuyên tuyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách trực quan, sinh động  như các đơn vị Bảo tàng, các khu di tích LS-VH. Đặc biệt Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm về Chủ Tịch Hồ Chí Minh..như Khu di tích Phủ Chủ Tịch, khu dích tích Kim liên…. với việc lưu giữ, trưng bày và phát huy hàng vạn đơn vị di tích lích sử – văn hóa ( di tích động sản và bất động sản – tài liệu hiện vật gốc) phản ánh một cách đầy đủ chính xác và sinh động về tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Đó là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là di sản văn hóa của dân tộc.  Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, nếu như giai đoạn 1990-2000 mỗi năm đón từ 60 -90 vạn khách tham quan,trong đó có 4-5 vạn khách nước ngoài, thì từ năm 2008 đến nay, hàng năm con số khách tham quan đến bảo tàng từ 1,1 triệu đến 1,3 triệu lượt người. Trong đó khách nước ngoài có khoảng 20-25 vạn.( số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh). Hiện nay và mãi mãi sau này, hệ thống bảo tàng nói chung, bảo tàng Hồ Chí Minh và các khu di tích lưu niệm Hồ Chủ Tịch sẽ là địa chỉ đỏ, là  “học đường” “giảng đường” tốt nhất để nghiên cứu, phát huy, tuyên truyền giáo dục một cách thiết thực hiệu quả nhất về tư tưởng, đạo đức, phong cách và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đối với mọi tầng lớp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Để làm tốt chức năng (công tác) tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa  nói chung, đặc biệt là tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trước hết cần có sự quan tâm của các cấp các ngành;thứ hai hệ thống bảo tàng, di tích cần bám sát và thực hiện tốt các văn bản Chỉ thị, Nghị quyết Chủ trương…của Đảng và Nhà nước để tham mưu, thuyết phục các cấp các ngành nhằm thực hiện tốt chức năng xã hội của Bảo tàng. Đồng thời, ngoài việc trưng bày thường xuyên cố, cố định tại chỗ cần xây dựng ý tưởng nội dung các chuyên đề tổ chức trưng bày lưu động, nhằm tuyên truyền di sản văn hóa Hồ Chí Minh đến với công chúng, đặc biệt là các trường học và vùng sâu vùng xa. Trưng bày bảo tàng nói chung và trưng bày lưu động nói riêng là một khâu công tác, có thể được xem là  “ công cụ chính” của công tác tuyên truyền giáo dục. Bởi vì, Trưng bày là bộ mặt của  bảo tàng, ngôn ngữ của trưng bày bảo tàng là các tài liệu hiện vật, sưu tập hiện vật ( là một bộ phận cấu thành  của di sản văn hóa, là thông điệp của tiền nhân, là mảnh hồn dân tộc). Do đó, Trưng bày là ngôn ngữ đặc trưng, là thế mạnh của bảo tàng trong công tác tuyên truyền giáo dục trực quan, là nhịp cầu nối giữa qúa khứ hiện tại và tương lai./.

                                                                                                                                                               Nguyễn Đức Kiếm

                                                                                                                                                         Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial