Ngày đăng: 24/03/2021 10:20
Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc xóm 2, xóm 3, hợp tác xã Đại Châu, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn (nay là Thị xã Thái Hòa), tỉnh Nghệ An. Di chỉ Làng Vạc cách sông Hiếu 500 m về phía Tây, cách thành phố Vinh khoảng 100 km về phía Tây- Tây Bắc.
Di tích Làng Vạc được phát hiện vào năm 1972. Cùng năm đó một số hố thăm dò với tổng diện tích là 137 m2 được mở tại khu vực xóm Làng của Làng Vạc. Tiếp nối những kết quả của năm 1972, năm 1973, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật lần thứ nhất với 480 m2. Mùa điền dã năm 1980-1981, Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật lần thứ 2 với 363 m2. Cuối năm 1990, Viện tiến hành khai quật lần 3 với diện tích khai quật 178 m2 tại khu vực xóm Làng với sự tham gia của các nhà khảo cổ học Nhật Bản. Năm 1991, đoàn khai quật tiếp tục khai quật tại xóm Đình với diện tích 88 m2. Năm 1999, do Làng Vạc bị nạn đào trộm cổ vật tàn phá nên Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã khai quật khẩn cấp 18 m2. Như vậy tổng diện tích đã khai quật tại Làng Vạc là 1.264 m2 thuộc hai khu vực xóm làng và xóm Đình.
Bộ sưu tập trống đồng tại Bảo tàng Nghệ An gồm 41 chiếc, trong đó trống đồng Làng Vạc có 15 chiếc thu được qua 02 đợt khai quật. Trong đợt khai quật lần thứ nhất năm 1973, tại Làng Vạc đã phát hiện được 09 chiếc trống trong đó có 05 trống minh khí. Năm 1981, trong đợt khai quật lần thứ 2, phát hiện thêm 05 trống (trong đó 01 trống còn nguyên dạng, 05 trống khác chỉ còn mặt trống, quai hoặc mảnh mặt trống).
Trống đồng Làng Vạc có đường kính trung bình, bé hơn nhiều so với đường kính mặt trống đồng Đông Hiếu (90 cm) hay trống Đồng Hợp (85 cm). Trống trồng Làng Vạc I có chiều cao 29 cm. Đường kính mặt trống 37,8 cm. Nặng 11kg. Trống đồng Làng Vạc II cao 25,4 cm. Đường kính mặt trống 34 cm. Những chiếc trống đồng minh khí phát hiện ở Làng Vạc đường kính cũng chỉ 6 cm. Trống đồng Làng Vạc đều là trống đồng loại I Heger ( H1) có hình dáng cân đối, đẹp mắt với ba phần: tang phình, thân thon, đế choãi, mặt trống thường trùng khít với tang trống, ngôi sao giữa mặt trống thường có từ 8 đến 12 cánh, rìa mặt trống H1 muộn có xuất hiện 4 khối tượng cóc.
Trống minh khí
Có thể nói rằng do thời kỳ văn hóa Đông Sơn chưa có chữ viết nên toàn bộ tâm tư, tình cảm đều được cư dân đưa vào nghệ thuật trang trí, và điều này được thể hiện rõ trên mặt, thân trống đồng Làng Vạc. Các hoa văn hình học, hoa văn ô trám, hoa văn hoa lá được trang trí cân đối, thanh thoát. Ở chính giữa mặt trống luôn là hoa văn mặt trời nhiều tia phản ánh nền tảng kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước và tín ngưỡng thờ cúng thần mặt trời.
Chính giữa mặt trống đồng Làng Vạc I là hoa văn mặt trời 12 tia. Có 4 hình chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Chim có mào và mỏ dài, hai cánh chim xòe ngang thể hiện hình thể đang bay. Đặc biệt trên thân trống đồng Làng Vạc I có trang trí hình 08 con bò đang đứng, sừng cong hình trăng khuyết, u vai nổi cao khá sinh động. Với hình tượng bò cùng với việc phát hiện nhiều lưỡi cày đồng trong di tích, các nhà khoa học cho rằng người Làng Vạc đã biết tận dụng sức kéo của trâu bò trong sản xuất nông nghiệp.
Trống đồng Làng Vạc II cũng có những hoa văn trang trí cân đối, đẹp mắt. Mặt trống là hình sao nổi 0,3 cm, có 10 tia. Giữa các tia có hình chữ V lồng nhau. Trên tang trống có hoa văn hình thuyền và chim xen kẽ. Thân thuyền cong, đuôi thuyền xòe ra như hình nan quạt. Mũi thuyền chia ra làm ba nhánh. Trên thuyền có ba người chèo, mắt là một chấm nổi, tư thế co chân, hai tay đưa ra làm mái chèo, tóc dài hình đuôi ngựa. Xen lẫn những chiếc thuyền là hình sáu con chim đang đứng. Chim có mỏ dài, đuôi xòe rộng, thân chim có chấm nổi.
Về niên đại, nhóm trống đồng sớm ở Làng Vạc có niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên và trống muộn có niên đại đến thế kỷ I sau Công nguyên.
Làng Vạc chính là địa điểm đã khai quật được nhiều trống đồng nhất trong các di tích Đông Sơn ở Việt Nam. Nhờ đó, Nghệ An tự hào là một trong những địa phương có bộ sưu tập trống đồng quý giá, đặc sắc phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An từ hàng ngàn năm trước.
Phan Thị Hà Long
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]