TRÂM CÀI TÓC – TRANG SỨC TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

Ngày đăng: 17/10/2024 11:57

     Trâm cài tóc là một trong những món trang sức truyền thống quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam xưa. Trâm không chỉ là một phụ kiện làm đẹp mà còn mang giá trị văn hóa, xã hội và thể hiện nét tinh tế trong trang phục của người phụ nữ Việt. Trâm cài tóc xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ khá sớm và đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa trang phục của phụ nữ Việt qua nhiều thời kỳ. Dựa trên các tài liệu lịch sử và hiện vật khảo cổ, trâm cài tóc đã được sử dụng từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN – thế kỷ 1 SCN), nhưng những chiếc trâm với chất liệu cùng loại hình trang trí đã thực sự trở nên phổ biến và đa dạng hơn trong các thời kỳ lịch sử sau đó.

     Các hiện vật khảo cổ từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn cho thấy người Việt cổ đã biết chế tạo các vật dụng trang sức, bao gồm cả trâm cài tóc bằng kim loại như đồng và bạc. Tuy nhiên, kiểu dáng và chất liệu còn khá đơn giản, chủ yếu phục vụ nhu cầu thực dụng là giữ gọn mái tóc. Dưới ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở thời kỳ Bắc thuộc, các loại trâm cài tóc dần trở nên phong phú hơn cả về hình thức và chất liệu. Những chiếc trâm bằng đồng, bạc, ngà voi bắt đầu xuất hiện với thiết kế tinh xảo, dành cho giới quý tộc và những người có địa vị cao trong xã hội. Thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14) là thời kỳ mà nghệ thuật chế tác trâm cài tóc đạt đến sự tinh tế cao. Phụ nữ quý tộc, hoàng gia thường sử dụng các loại trâm bằng vàng, bạc, ngọc và đồi mồi, được chạm trổ phức tạp với các họa tiết như hoa sen, chim phượng, và các hình tượng linh thiêng trong Phật giáo. Trong thời kỳ Lê – Nguyễn từ thế kỷ 15 – 19, Trâm cài tóc trở thành một biểu tượng cho địa vị xã hội và vẻ đẹp nữ tính. Các loại trâm vàng, bạc, và ngọc bích được đính đá quý, chạm khắc tinh xảo xuất hiện phổ biến hơn trong tầng lớp quý tộc. Phong cách trang trí trâm thời này đa dạng, từ đơn giản với các hình hoa lá đến phức tạp với các biểu tượng quyền uy như rồng, phượng. Từ thế kỷ 20 đến nay, mặc dù vai trò của trâm cài tóc dần giảm đi do sự thay đổi trong phong cách thời trang, nhưng chúng vẫn giữ được giá trị văn hóa và thẩm mỹ. Trâm cài tóc tiếp tục xuất hiện trong các dịp lễ truyền thống, các bộ sưu tập cổ vật, và trong các nghi lễ cưới hỏi, thể hiện vẻ đẹp thanh tao và truyền thống của phụ nữ Việt.

     Tại Bảo tàng Nghệ An hiện lưu giữ bộ sưu tập Trâm cài tóc có chất liệu bằng ngà voi với 26 chiếc có nhiều kiểu dáng được chạm khắc khá tinh xảo, đẹp mắt. Trâm thường dài khoảng 9.4cm đến 12 cm, một đầu thon tròn hoặc tạo hình cách điệu và nhọn phần mũi. Nếu như trâm bằng chất liệu ngọc, vàng, bạc của phụ nữ hoàng tộc làm thường được chạm tỉ mỉ, cầu kỳ, đầu trâm gắn cành hoa đào, hoa cúc, bướm … thì đầu trâm ngà lại thường chỉ để trơn hoặc khắc hoa văn hình học đơn giản nhưng vẫn mang đến vẻ đẹp riêng, thanh lịch và quý phái. Bởi màu ngà tự nhiên, càng dùng càng sáng bóng, rất hợp với búi tóc đen được vấn gọn của của chị em. Ngà để làm trâm thường là ngà voi, là một chất liệu hiếm và quý, nên việc sử dụng trâm bằng ngà không chỉ là dấu hiệu của sự giàu sang mà còn thể hiện đẳng cấp, vị thế của người sử dụng.

Sưu tập Trâm cài tóc bằng ngà tại kho cơ sở Bảo tàng Nghệ An

 

Trâm dùng để cài tóc của phụ nữ những nhà giàu có ở thế kỷ XIX

 

Trâm cài tóc được trang trí với những họa tiết hoa văn quen thuộc

     Trong quan niệm dân gian, ngà voi được coi là một chất liệu có thể mang lại sự may mắn và bảo vệ chủ nhân khỏi những điều xấu xa. Trâm bằng ngà không chỉ là món trang sức mà còn được tin rằng có khả năng giúp xua đuổi tà khí, đem lại bình an cho người phụ nữ. Chất liệu lấy từ  ngà của những chú voi, một loài vật mạnh mẽ, còn tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn và quyền lực. Phụ nữ cài trâm ngà có thể xem như mang theo năng lượng tích cực, bảo vệ gia đình và cuộc sống hôn nhân của mình. Ngà voi là chất liệu có độ bền cao và không bị phai mờ theo thời gian, do đó nó còn tượng trưng cho sự vĩnh cửu, p  hẩm giá và đạo đức của người phụ nữ. Trâm ngà không chỉ là món đồ trang trí tóc mà còn mang ý nghĩa sâu xa về sự trường tồn trong tâm hồn và giá trị sống của người phụ nữ.

     Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả khiến chiếc trâm cài ít xuất hiện trên mái tóc của chị em phụ nữ nhưng nó đã trở thành là một loại hình di vật đặc biệt, qua đó chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt, cũng nhu cầu làm đẹp của chị em qua các thời kỳ.

Đào Thị Thu Vân

Phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial