Ngày đăng: 10/04/2023 10:40
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
(trích “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
Tranh dân gian Đông Hồ được biết đến là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất, lâu đời nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất ở nước ta (cùng với tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống). Trước đây, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, tranh Đông Hồ được nhiều người lựa chọn làm vật phẩm trang trí trong nhà, không chỉ mang lại cảm giác ấm cúng mà qua các bức tranh, có thể gợi nhắc cho con cháu những câu chuyện về nhân nghĩa, về yêu thương. Nhưng, cùng với thời gian, giờ đây thú chơi tranh dân gian nói chung, tranh Đông Hồ nói riêng đã đi qua thời huy hoàng của nó, thậm chí có lúc dường như bị chìm khuất giữa nhịp sống thường ngày hối hả. Với những ai quan tâm đến dòng tranh này, thực tế ấy gợi lên nhiều trăn trở, làm thế nào để tranh Đông Hồ vẫn tìm thấy được chỗ đứng phù hợp trong lòng xã hội hiện đại, làm thế nào để những hình thức sinh hoạt văn hóa của cha ông xưa không bị rơi vào quên lãng, tựa như số phận của những ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên: Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay/Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay.
Hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn các nét đẹp trong đời sống văn hóa xưa, và mong muốn khơi gợi lại sự hiểu biết cũng như niềm hứng khởi của thế hệ trẻ với mĩ thuật truyền thống, tháng 2 vừa qua Bảo tàng Nghệ An đã tổ chức chương trình “Vui ngày hội Xuân”, trong đó có hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ. Chương trình đã thu hút được gần 1000 lượt học sinh và công chúng tham gia.
Tham quan Bảo tàng Nghệ An, các em học sinh và công chúng không khỏi trầm trồ, thích thú với không gian mô phỏng về rừng, về biển, không gian vừa mới lạ vừa thân quen của đồng bào các dân tộc cư trú trên đất Nghệ An, với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của quê hương qua những hình ảnh đặc sắc, những di vật được lưu truyền và gìn giữ qua hàng ngàn năm.
Các em học sinh hào hứng tham quan bảo tàng.
Mỗi không gian đều gắn liền với những câu chuyện, những sự kiện lịch sử hấp dẫn về quê hương Nghệ An.
Đến với chương trình trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ. Các em học sinh được xem video clip giới thiệu về làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – nơi xuất xứ của dòng tranh dân gian Đông Hồ, tìm hiểu về quy trình các bước để làm nên một bức tranh hoàn chỉnh, chất liệu đặc biệt giấy dó, giấy điệp dùng để in tranh, các nguyên liệu tự nhiên để tạo nên màu sắc tươi sáng cho một bức tranh như thế nào. Bầu không khí của chương trình càng trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn với phần giao lưu, trả lời các câu hỏi liên quan đến dòng tranh dân gian này. Hầu hết các em đều rất hào hứng, tự tin xung phong lựa chọn các đáp án của câu hỏi.
Các em học sinh hào hứng trả lời các câu hỏi tìm hiểu về tranh Đông Hồ
Tiếp đó, mỗi bạn học sinh đều được tự tay in tranh bằng ván khắc và giấy dó. Sau các thao tác quét mực lên ván in, nhấn khuôn lên giấy dó, ánh mắt của các em không khỏi bất ngờ, thích thú trước mỗi bức tranh hiện ra như: cậu bé chăn trâu thổi sáo, đàn lợn âm dương, đám cưới chuột, vinh quy bái tổ…Đó là những khuôn tranh mang tính thời sự, hơi thở của cuộc sống đời thường, trong đó chứa đựng những ước mơ, khát vọng về sự hoà thuận, sung túc, ấm no hay như ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Các em thực hành in tranh Đông Hồ bằng ván khắc và giấy dó
Sau khi in tranh, các em lại chăm chú tô màu, trang trí cho bức tranh của mình
Những bức tranh hoàn thành sớm và đẹp nhất đã được các cô Bảo tàng tặng những chiếc khung xinh xắn
Các em học sinh còn được tổ chức trò chơi vận động kéo co
Trò chơi nhảy sạp cũng không kém phần hấp dẫn, lôi cuốn.
Chương trình trải nghiệm “Vui ngày hội Xuân” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các em học sinh. Em Quốc Sơn học sinh lớp 2A2 trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em được đến bảo tàng. Lần đầu em được trải nghiệm làm đèn ông sao với cơ quan bố, lần này em đi cùng cô giáo và các bạn, lần nào em cũng thích lắm ạ!”. Bạn Trâm Anh học sinh lớp 4D, trường tiểu học Quang Trung thổ lộ: “Em rất thích đến bảo tàng vì ở đây rất đẹp, có tượng Bác Hồ, có con voi khổng lồ, đến đây em còn được làm tranh Đông Hồ, được chơi nhảy sạp rất vui với các bạn của em”.
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, khi người trẻ khó có điều kiện để tiếp xúc trực tiếp với các nghề thủ công truyền thống thì hoạt động trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ tổ chức tại Bảo tàng Nghệ An là dịp để giới trẻ và công chúng có cơ hội được tìm hiểu, cảm nhận được những nét đẹp độc đáo của dòng tranh này. Từ đó gợi lên niềm yêu thích, tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ dòng tranh quý của dân tộc
Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]