Tìm hiểu về Hộp xá lị khai quật ở Tháp Nhạn

Ngày đăng: 21/06/2021 08:15

Xá lị (xá lợi) là từ ngữ phiên âm tiếng Phạn: sarira – nghĩa đen là “những hạt cứng”. Theo Tự điển Phật học, xá lị là: “chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật – Thích Ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong các tháp hoặc chùa chiền”.

Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem xác của ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện thấy trong phần tro còn lại có lẫn rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu và được đặt tên là xá lị, được coi là một bảo vật đặc biệt quý hiếm của Phật giáo.

 Việt Nam cũng ghi nhận nhiều trường hợp xuất hiện hạt xá lị khi hỏa thiêu các tăng nhân. Theo ghi nhận của Đại Việt Sử ký toàn thư, thời vua Lý Thái Tông cho biết: “Tháng 4 năm 1034 triều vua Lý Thái Tông có 2 nhà sư là Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm viên tịch. Khi hỏa thiêu xác thân 2 vị này thấy trong đám tro cốt có những hạt xá lị. Nhà vua xuống chiếu đem những hạt này vào thờ ở chùa Trường Thạnh”. Đến thời vua Trần Anh Tông cũng có chép khi Trần Nhân Tông viên tịch, đệ tử là Pháp Loa hỏa thiêu xác thân của ông có thu được 3.000 hạt xá lị sau đó mang xá lị về chùa Tư Phúc.

Hoạt động xây dựng chùa tháp đầu tiên thờ xá lị Phật du nhập vào Việt Nam có nguồn từ Trung Quốc dưới thời vua Tùy Văn Đế. Với ý muốn sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu phục nhân tâm, tái ổn định chính trị xã hội Trung Quốc; sau thời kỳ biến động kéo dài và âm mưu sâu xa hơn nhằm thuần phục Giao Châu- chính quyền của Lý Phật Tử. Nhà Tùy đã ban phát xá lị Phật và cho xây dựng bảo tháp ở Giao Châu. Theo Thiền uyển tập anh, sau khi Lưu Phương tiêu diệt chính quyền Lý Phật Tử, dưới sự tiến cử của Lưu Phương, vua Tùy đã chuyển đến Giao Châu năm hòm xá lị. Năm 604, Pháp Hiền đã nhận 5 hòm xá lị và điệp sắc của nhà Tùy phân phát cho các vùng đất của Giao Châu để xây dựng tháp như: một hòm đặt ở chùa Dâu (602-605), một hòm đặt ở Tường Khánh (Nam Định), một hòm đặt ở Châu Ái (Thanh Hóa), một hòm đặt ở Phong Châu (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và hòm cuối cùng đặt ở đất Châu Hoan (Nghệ An– Hà Tĩnh). Hộp đựng xá lị phát hiện tại Tháp Nhạn này phải chăng là hòm cuối cùng ấy? niên đại của nó cho thấy cùng trùng vào thời điểm Pháp Hiền đem 5 hòm xá lị đến đất Giao Châu.

Trong nhiều năm qua, các nhà Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và khai quật khá nhiều các dấu tích Phật giáo như: Tháp Tường Long (Đồ Sơn-Hải Phòng), Tháp Chương Sơn (Ý Yên- Nam Định), Ghềnh Tháp (Hoa Lư-Ninh Bình), Tháp Phật Tích (Tiên Du-Bắc Ninh), Chùa Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh), Chùa Đậu (Thường Tín-Hà Nội)… và Tháp Nhạn (xã Hồng Long-huyện Nam Đàn-tỉnh Nghệ An).

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường và báo cáo của các nhà tiến hành khai quật Tháp Nhạn vào năm 1985-1986, có thể thấy Tháp được xây toàn bằng gạch. Bề mặt ngoài của tháp được trang trí bởi nhiều viên gạch có trang trí hình Tam thế Phật.

                                                          Gạch thu được lúc khai quật tháp Nhạn năm 1985-1986

Chân tháp có quy mô hình vuông mỗi chiều khoảng 9,6m x 9m, dày 2m. Quanh chân tháp có một hành lang và một đường xây gạch rộng hơn 1m. Chân tháp có quy mô hình gần vuông 9,6m x 9,0m. Với chiều cao này, theo nhận định của các chuyên gia khảo cổ học rất có thể tháp được chia thành nhiều tầng theo kiểu dưới to, trên thu nhỏ dần, công trình phế tích Tháp Nhạn sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Hoan Châu ngày đó.

Ghi nhận trong quá trình khai quật được biết lòng tháp xây theo kiểu giật cấp, dưới to trên nhỏ hay theo kiểu thượng thu hạ thách. Phía trên chân tháp có kích thước 5,75m x 5,6m thì ở dưới đáy cùng là 3,20m x 3,18m. Như vậy, độ chênh từ trên mặt tháp xuống tới đáy chân tháp là khá lớn từ 2,42m đến 2,55m. Bên trong lòng tháp diễn biến khá phức tạp. Đầu tiên là một lớp gạch tháp bị đổ lấp kín lòng tháp. Lớp gạch này có độ dày từ 0,60m-0,70m. Dưới lớp gạch vỡ là một bệ thờ. Bệ thờ cũng được làm bằng gạch, có hình khối hộp chữ nhật dài 0,70m, rộng 0,40m, cao 0,80m. Mặt bệ quay về hướng bắc, có một hốc nhỏ hình chữ nhật. Dưới bệ thờ là một ụ đất màu nâu lẫn trong đó có cuội sỏi to và gạch vụn. Ụ đất này có hình bầu dục bao quanh chân bệ gạch, kích thước: dài theo trục bắc nam 2,50m, dài theo trục đông tây 1,60m, dày chừng 0,30m.

Trên mặt ụ đất và dưới chân bệ thờ (cách mặt đất hiện tại chừng 1,40m) là một hộp bằng đồng nhỏ; bên trong lòng hộp rỗng khi lắc phát ra tiếng kêu song không rõ là vật gì, vì hộp không mở được. Cạnh đó là vài chục mảnh đồng bị vỡ ra từ nhiều loại hình hiện vật khác nhau. Trong đó có một mảnh lớn, hình tròn trang một vành hoa 4 cánh, xung quanh trổ lỗ thủng. Dưới ụ đất là lớp đất nâu, dày chừng 0,10m, không thấy có hiện vật. Dưới lớp đất nâu là lớp than tro đen dày. Lớp than này có hình bầu dục dài 1,80m, rộng 0,80m. Dưới lớp than đen (cách mặt đất hịên tại 1,80m) là một cây gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng ở chính giữa lòng tháp. Cây gỗ rỗng lòng này được ghép từ hai nửa thân cây sau khi đã đẽo rỗng lòng rồi ghép lại với nhau tạo thành một trụ bằng thân cây, cao 1,37m. Phần thân cây chôn chìm dưới đáy tháp là 1,12m.

Hai mảnh thân cây gỗ ghép lại thành một trụ đứng có cấu trúc khá đặc biệt. Cả hai đều chôn phân gốc ở dưới, phần ngọn lên phía trên. Chiều cạnh của gốc dày 5,5cm, phần ngọn dày 3cm. Dưới gốc để bằng, đầu ngọn để vát. Mảnh gỗ phía tây có nhiều điểm đáng chú ý. Cạnh gốc của mảnh gỗ này có một lỗ thủng nửa hình bầu dục dài 0,48m, rộng 0,26m, vết đẽo nham nhở. Phía đầu mảnh gỗ khoét 2 lỗ nhỏ hình hạnh nhân. Trong lòng cây gỗ chôn thẳng đứng có chứa nhiều than tro. Đây là loại than củi đen, to và xốp. Lẫn trong đám than tro này là một hộp hình chữ nhật bằng đồng đã bị gỉ sét. Lớp gỉ đồng có màu xanh còn bám chặt lấy lớp than đen, mềm xung quanh. Chiếc hộp bằng đồng được phát hiện trong tình trạng còn khá nguyên vẹn, cách đầu cây gỗ phía trên khoảng 0,48m, và nằm ngay rìa cạnh phía tây của cây gỗ.

Bên trong lòng hộp bằng đồng là một hộp nhỏ nữa cũng được làm bằng kim loại có màu vàng. Hộp có hình chữ nhật, kích thước dài 8cm, rộng 5cm, cao 5,5cm, nặng 200g, được chia thành 2 phần nắp hộp và thân hộp:

Nắp hộp: giống như nắp mui luyện của những ngôi mộ hợp chất, có gờ mái chờm ra xung quanh. Trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật.

Thân hộp: Diềm nắp ăn khít với thân hộp, trên đó trang trí bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống với 2 đôi cánh là đối xứng nhau như dạng hoa sen cách điệu. Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật. Giữa lòng các ô trống là một mặt phẳng, có màu kim loại vàng. Phần thân hộp ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao.

 Nối giữa nắp và thân hộp là một đường gờ mỏng được tán nhỏ, dài và uốn theo gờ trong thân hộp. Trong lòng hộp, khi mở ra, chúng tôi thấy khoảng 1/3 đáy hộp là than tro do bị nước thấm vào nên đã quánh lại thành một lớp màu đen rất mềm. Trên bề mặt lớp than tro ấy, có 2 nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng.

      

                                                                                        Hộp xá lị

Như vậy trong lòng Tháp Nhạn đã tìm thấy xá lị của Đức Phật. Hộp xá lị Tháp Nhạn có cấu trúc hơi đặc biệt gồm 3 lớp sau:

Lớp 1: Là thân cây khoét rỗng và chôn theo phương thẳng đứng ở chính tâm tháp. Bên trong thân cây này có chứa nhiều than tro.

Lớp 2: Hộp bằng đồng có kích thước dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm. Lớp hộp đồng này cũng chỉ để vừa hộp kim loại có màu vàng ở bên trong.

Lớp 3: Hộp chữ nhật là từ kim loại có màu vàng. Trong lòng hộp có chứa khoảng 1/3 là than tro và 2 nửa viên tròn rỗng, màu trắng đục lẫn trong.

Về phát hiện hộp xá lị trong lòng Tháp Nhạn, GS. Hà Văn Tấn đã viết: “Việc đặt hộp xá lị trong lòng thân cây khoét rỗng cũng gợi chúng ta nhớ tới tục chôn người chết trong những quan tài thân cây khoét rỗng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Các tháp xá lị vẫn được coi là mộ tháp, khác với tháp kỷ niệm. Phải chăng đây là sự tiếp hợp giữa Phật giáo với những truyền thống bản địa lâu đời”.

Căn cứ theo sách “Pháp uyển châu lâm”, do pháp sư Đạo Thế tự Huyển Uẩn soạn vào đời Đường (Trung Quốc), xá lị chia thành các loại: xá lị xương có màu trắng, xá lị thịt có màu đỏ, xá lị tóc có màu đen. Nếu theo cách phân biệt này thì hai nửa viên xá lị được phát hiện tại tháp Nhạn có thể thuộc xá lị xương?.

Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ:“ Có lẽ đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam một dạng hộp như vậy. Hộp được người thợ kim hoàn chế tạo từ phương pháp tán dập nguội, rất gần gũi với hộp đựng xá lị bằng sơn mài tìm thấy ở Miến Điện có niên đại khoảng thế kỷ 8-9 sau Công Nguyên”.

Các nhà khảo cổ học đã xác định niên đại của hộp đựng xá lị cũng như Tháp Nhạn vào khoảng nửa đầu thế kỷ VII( nhà Đường) bới theo các cụ già trong xã thì vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, có một số học giả Pháp ở Trường Viễn đông Bắc Cổ đã về đây khảo cứu và mang đi nhiều di vật quý, trong đó có những viên gạch có khắc dòng chữ: “Trinh quán lục niên”, tức là viên gạch được làm vào thời nhà Đường, có niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu ( năm 627 sau Công Nguyên).

Việc phát hiện hộp xá lị Phật trong lòng Tháp Nhạn phần nào góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lị Đức Phật đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm. Sự xuất hiện Tháp Nhạn ở Nam Đàn (Nghệ An) lúc đó như một sợi chỉ vạch ranh giới giữa một vùng đất theo Phật giáo Đại Thừa với những vùng đất ở phía Nam theo Phật giáo Tiểu thừa hoặc theo đạo Bàlamôn giáo.

Trong 24 hiện vật và nhóm hiện vật được xét công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Hộp đựng xá lị là một trong 3 bảo vật Quốc Gia đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An. Bởi những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan đến Phật giáo và là hiện vật độc bản lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam.

Hiện nay UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương để Bảo tàng Nghệ An xây dựng kế hoạch trưng bày và phát huy giá trị  03 bảo vật quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng đa dạng của công chúng và thu hút khách tham quan đến học tập, ttrair nghiệm tại điểm du lịch – Bảo tàng Nghệ An mới được công nhận của tỉnh.

                                                                                                                                    Đinh Thị Ánh Tuyết

                                                                                                                  Phó Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial