THÀNH VINH – TỪ NHỮNG NGÀY MÙA THU THÁNG TÁM 1945

Ngày đăng: 19/08/2024 10:06

        Vinh nằm ngay trên con đường xuyên Việt Bắc – Nam lại hội đủ các tuyến giao thông thủy, bộ, đường không, đường sắt, không chỉ thuận lợi cho việc đi lại trong nước mà còn lưu thông với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

        Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã sớm nhận ra vị trí đắc địa của thành phố Vinh và cho xây dựng thành một trong những đô thị công nghiệp lớn của cả nước. Cuối những năm 1920, đầu 1930, thành phố Vinh là nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng…. nổi tiếng của Pháp. Đồng thời, thành phố Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân, cái nôi của phong trào yêu nước. Vinh là nơi “đứng đầu dậy trước” trong cao trào Cách mạng 1930 -1931 và là nơi giành chính quyền sớm trong Cách mạng tháng Tám (1945), sau Hà Nội. Trong không khí của những ngày thu tháng 8, cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh của thành phố Vinh trong những ngày cách mạng thật là hùng tráng.

        Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, sau vài giờ từ khi nổ súng, quân Nhật làm chủ hoàn toàn thành phố Vinh. Với nhạy cảm chính trị, một số đảng viên trong các trại giam của Pháp đã vượt ngục, trở về các địa phương để hoạt động. Họ đã nhanh chóng liên lạc với tổ chức của Đảng và tiếp nhận chỉ thị của Trung ương về việc “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để gây dựng lực lương để đón thời cơ khởi nghĩa. Số báo ngày 15/6/1945 đã viết: Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải sát cánh dưới lá cờ của Việt Minh, chuẩn bị võ trang khởi nghĩa để cướp chính quyền, giải phóng Tổ quốc, dựng lên một nền độc lập chân chính hoàn toàn cho nước Việt Nam.

        Ngày 8 tháng 8 năm 1945: Đại hội đại biểu Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp tại làng Châu Sơn, xã Phúc Mỹ (Hưng Nguyên). Trong 3 ngày làm việc, Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng và bàn định kế hoạch hành động cho từng phủ, huyện trong tỉnh. Đại hội quyết định chia hai tỉnh làm 6 phân khu và phân công cán bộ trực tiếp phụ trách các phân khu ấy. Phân khu Vinh, gồm Thành phố Vinh và ba huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, nghi Xuân, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Úy ban Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh.

        Ngày 15 tháng 8 năm 1945: Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phát lệnh khởi nghĩa. Nhận được tin phát-xít Nhật đầu hàng đồng minh, Ban thường trực Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp khẩn cấp tại thành phố Vinh quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Thành phố Vinh là chỉ huy sở của một vạn quân đội Nhật đóng ở các huyện xung quanh thành phố nên Việt Minh liên tỉnh chủ trương: “Cần phải chờ kết quả của các địa phương rồi mới định đoạt”. Tuy vậy, thường trực Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh vẫn bám sát diễn biến tình hình, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa ở Vinh.

        Ngày 16 tháng 8 năm 1945: Thanh niên xung phong Vinh cổ động khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh ban tuyên truyền xung phong tổ chức hơn 200 nam nữ thanh niên trong đó có 60 người có xe đạp dương cao cờ đỏ sao vàng, diễu hành qua các phố. Mục đích của cuộc diễu hành là vừa biểu dương lực lượng, gây thanh thế cho Việt Minh, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy đấu tranh, vừa thăm dò thái độ của bộ chỉ huy quân đội Nhật và các tổ chức tay sai của chúng. Vì còn hoang mang, rối loạn trước việc chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh nên bọn chúng làm ngơ, không tỏ thái độ phản ứng trước cuộc diễu hành rầm rộ của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuẩn bị giành chính quyền ở thành phố.

        Ngày 17 tháng 8 năm 1945: Các làng xã xung quanh thành phố giành chính quyền. Nhận được lệnh khởi nghĩa do Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát ra, ngày 17-8-1915 Việt Minh các làng Yên Dũng Thượng (Hưng Dũng), Yên Dũng Hạ (Hưng Thủy), Yên Lưu (Hưng Hòa), Đức Thịnh, Lộc Đa (Hưng Lộc) lãnh đạo nhân dân nồi dậy giành chinh quyền. Bọn hào lý các làng xã này đã phục tùng cách mạng. Ủy ban lâm thời cách mạng của xã được thành lập đề quản lý mọi mặt trong địa phương. Nhân dân các làng xã giành chính quyền đã thúc đầy mạnh mẽ các hoạt động chuẩn bị giành chính quyền ở thành phố Vinh và các làng xã khác.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945: Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa ở thành phố Vinh. Sau khi thị xã Hà Tỉnh và một số huyện ở hai tỉnh giành chính quyền thắng lợi, quân đội Nhật ở Vinh càng hoang mang, bối rối, một số khá đông vứt súng đạn, bán đồ đạc đề chuẩn bị về nước. Trong lúc đó thực dân Pháp đang chuẩn bị cho việc quay trở lại. Trước tình hình ấy, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh vừa gửi thông báo thúc dục các địa phương nhanh chóng giành chinh quyền và tổ chức lực lượng bảo vệ chinh quyền cách mạng. Hội nghị đang họp bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh thì đồng chí Lê Viết Lượng đi dự hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào về. Để vận dụng chủ trương của Trung ương vào tình hình thực tế ở Nghệ Tĩnh, hội nghị đã thảo luận và thống nhất các vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh như sau :

1.Cử ủy ban nhân dân lâm thời cách mạng của tỉnh Nghệ An gồm có 7 ủy viên do đồng chí Lê Viết Lượng làm Chủ tịch.

2.Cử đồng chí Nguyễn Tài làm Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Thị trưởng thành phố Vinh, đại diện cho Việt Minh đến giao thiệp với Bộ chỉ huy quân đội Nhật.

3.Tô chức lực lượng công nhân, nông dân và nhân dân thành phố biều tình.

4.Phân công các ủy viên Ủy ban khởi nghĩa chỉ huy đánh chiếm từng công sở của chính quyền bù nhìn của Nhật.

        Cuộc hội nghị được tiến hành kéo dài suốt buổi chiều và đêm 19 tháng 8 năm 1945, sau đó, mọi người bắt tay vào công việc do hội nghị phân công. Không khí khởi nghĩa dâng trào sục sôi. Khắp thành phố Vinh – Bến Thủy xuất hiện vô số truyền đơn, khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay. Từ một năm trước, Hội Phụ nữ cứu quốc Vinh đã phân công nhau bán tín phiếu được 16.000 đồng bạc Đông Dương. Chị em còn chia nhau đi rải truyền đơn và vận động quyên góp, lấy tiền mua vải đỏ, vải vàng cắt may được 50 lá cờ cỡ lớn và rất nhiều cờ nhỏ cùng băng, biểu ngữ, phù hiệu. Trong khi đó, bọn lính Nhật đã thay đổi thái độ rõ rệt từ khi được tin Chính phủ Nhật đã đại bại, quy hàng. Nếu như trước đó, chúng vẫn láo xược lùng bắt người tình nghi, thu lượm truyền đơn; ban đêm bắn súng chỉ thiên để đe dọa, thị uy, thì trái lại giờ đây, chúng bi quan tuyệt vọng, vứt súng xuống sông, bán tháo đồ đạc chờ ngày về nước. Bộ máy chính quyền bù nhìn rệu rã, tan tác.

        Ngày 21 tháng 8 năm 1945: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị lực lượng được sự chỉ đạo sát sao của các cán bộ Việt Minh, hàng vạn nông dân hai huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc rầm rộ kéo vào thành phố Vinh hợp lực với công nhân và các từng lớp nhân dân khác, khởi nghĩa giành chính quyền. Được sự phân công của tổ chức, đồng chí Nguyễn Tài vào gặp Bộ chỉ huy quân đội Nhật nói rõ thái độ của Việt Minh và yêu cầu họ không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Giữa lúc chúng đang bị động, lúng túng, cộng với sự áp đảo của hàng vạn nhân dân tham gia biều tình trên đường phố, các tướng lĩnh Nhật buộc phải chấp nhận yêu cầu của Việt Minh và hứa giúp Việt Minh 500 khẩu súng và 1 vạn viên đạn…

        Tại sân vận động thành phố, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh cho các đội bảo an, các đoàn tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong… chia thành từng tốp kéo vào chiếm các nhà máy, các công sở cửa chính phủ bù nhìn như: Dinh tỉnh trưởng, Sở mật thám, nhà kho bạc, ngân hàng… Trước sức mạnh ồ ạt của đội quân cách mạng, bọn cầm đầu các công sở phải nhượng bộ một cách êm thấm. Quân cách mạng ngang nhiên kéo vào kiềm soát và niêm phong tất thảy vật dụng, giấy tờ.

Đội tự vệ chiến đấu diễu hành trên đường phố Vinh trong ngày 21/8/1945

(Người cầm cờ đi đầu là danh thủ bóng đá Trần Xuân, đội trưởng)

        10 giờ 30 phút, mấy phát súng nổ vang, báo hiệu sự cáo chung chính quyền đế quốc, phong kiến. Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên cột cờ lớn. Đội tự vệ chiến đấu thành phố Vinh do Trần Xuân làm Đội trưởng được nhận trách nhiệm làm mũi tấn công chủ lực vào chiếm Dinh Tỉnh trưởng Đặng Hướng và Sở Mật thám.

        Đúng 12 giờ ngày 21-8-1945, quần chúng cách mạng đã kéo đến bao vây Dinh Tỉnh trưởng. Toàn bộ các “quan lớn” từ Tỉnh trưởng đến Bố chánh, Án sát đã chờ sẵn trước sảnh đường. Tỉnh trưởng Đặng Hướng tuyên bố quy hàng cách mạng. Ông Lê Viết Lượng thay mặt Uỷ ban cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Chính phủ cách mạng lâm thời Nghệ An do ông Lê Viết Lượng làm Chủ tịch đã ra mắt quần chúng. Ông Nguyễn Tài, Phó Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An được cử làm Thị trưởng Vinh (tức Chủ tịch thành phố). “Cuộc khởi nghĩa chuyển thành cuộc tuần hành thị ủy trong thành phố. Đoàn biểu tình tuần hành đi đến đâu tô thắm cho thành phố một lớp sơn mới đến đó, đánh dấu từ nay quét sạch bao tàn tích nô lệ trên 80 năm của nhân dân ta” (1). Mặc dầu còn một vạn quân Nhật đang đóng ở trong thành phố và các huyện phụ cận, nhưng cuộc khởi nghĩa giành chinh quyền ở Vinh được tiến hành nhanh gọn “không một giọt máu chảy, không một lực lượng phản động nào dám chống lại” (2).

        Bảo Truyền Thanh của nghành Văn hóa Thông tin Nghệ An, số ra năm 1946, nhân một năm ngày dành chính quyền đã có những lời tổng kết về khởi nghĩa cướp chính quyền ở Tp. Vinh như sau: Từ sáng sớm, hàng vạn quần chúng dẫn đầu là lực lượng công nhân, kế đến là lực lượng nông dân ngoại thành đội ngũ chính tề, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng phấp phới rầm rộ kéo vào thành phố hô vang khẩu hiệu đòi cướp chính quyền… Các đoàn quân chia thành từng toán nhỏ, mỗi toán có trách nhiệm chiếm một công sở: Dinh Tỉnh trưởng, Tòa Mật thám, Nhà kho bạc, Ngân hàng… Công nhân tự vệ chiến đấu trong các nhà máy; Điện, Trường Thị, Cưa… và quần chúng đứng dãy dài hai bên đường từ dinh Tỉnh trưởng đến chợ Vinh, cờ đỏ sao vàng phấp phới, tiếng hô đòi lập chính quyền nhân dân chấn động cả thành phố…

        Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh – Bến Thủy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi huy hoàng của cả tỉnh, cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân ngót 80 năm qua, đồng thời kết thúc chế độ phong kiến từng tồn tại mấy mươi thế kỷ. Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “….Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy'”.

                                                                                                                                                                                                Thu Vân

Phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục

        (1), (2) NKL Tổng khởi nghĩa tháng 8 tại Nghệ An, Bảo truyền hình số đặc biệt tháng 8 – 1946.
        Tài liệu tham khảo: 
  • Sự kiện lịch sử Đảng bộ cộng sản Việt Nam, Thành phố Vinh.
  • Lịch sử Đảng bộ Thành phố Vinh.
  • Địa chí thành phố Vinh.
Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial