Sưu tập thẻ bài bằng đồng thời Nguyễn tại Bảo tàng Nghệ An

Ngày đăng: 24/03/2021 09:50

Thẻ bài là một biển hiệu nhỏ, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nên có sự phân biệt là: kim bài (bài bằng vàng), ngân bài ( bài bằng bạc), mộc bài ( bài bằng gỗ)…hoặc tùy theo công năng sử dụng mà được gọi là bội bài ( bài để đeo), tín bài ( bài dùng để làm tin), lệnh bài ( bài giao việc)… với mục đích cho người xem nhận biết được danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức vụ và quyền uy của người, vật sở hữu nó;  có những thẻ bài có giá trị như tờ giấy thông hành dùng để ra vào nơi cung cấm hoặc như tờ giấy ủy nhiệm của cấp trên giao việc cho cấp dưới… Ngoài ra còn có loại thẻ bài có công dụng như những chiếc huân, huy chương để làm vật ân thưởng, phong tặng của nhà vua cho các bậc vương công, đại thần, những người có công lớn trong những dịp đặc biệt.

Dưới thời nhà Nguyễn, việc đeo thẻ bài được vua Minh Mạng (1820-1840), chính thức quy định từ năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Trong  Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, tập II, Nxb Thuận Hóa, 2005 có ghi rằng: Năm 1824, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “ Lập ra hai tín bài bằng ngà cho chức vụ thanh tra gọi là Tuần tra. Thẻ bài kích thước như sau: rộng 1 tấc 8 phân, dài 2 tấc 5 ly, được gắn trên một cán ngà dài 1 tấc 4 phân và được chạm viền một khung hoa, ở giữa ghi Phụng chỉ tuần tra. Mặt sau ghi ngày tháng lập thẻ bài”. Năm 1825, nhà vua cho phép làm thẻ bài bằng bạc cho các Thị vệ, thẻ bài 1 tấc 5 phân, rộng 1 tấc. Năm 1826 cho phép là thẻ bài ngà nhỏ cho Ty viên. Năm 1931 cấp thẻ bài cho một quan văn và một quan võ.

Năm 1833 nhà vua có dụ: “ Nay cửa đại cung sửa sang lại, thể chế rất nghiêm, phàm quan viên lớn nhỏ dự đi lại ở cửa cung, phải có thẻ bài để kiểm soát, mới tỏ ra cẩn mật… “.  Cũng năm đó vua có chỉ dụ: “Còn quan viên văn võ lớn nhỏ ở kinh, cho đến thư lại binh lính theo lệ được ra vào cửa đại cung, chuẩn đều chiếu thẻ bài của bản thân mình mà đeo. Viên thủ hộ xét thực cho đi. Nếu không đeo thẻ bài, thì không cho đi qua lại cửa ấy. Ai trái lệnh thì chiếu luật trị tội, để giữ lệnh nghiêm cấm, còn các khoản nên làm đều chuẩn theo nghị trước thi hành.”

Nhìn chung, thẻ bài chủ yếu được cấp cho các quan và những người có nhiệm vụ ra vào làm việc trong cung điện của triều đình khu vực cung cấm.

Đến cuối triều Nguyễn, dưới thời Pháp thuộc, xuất hiện nhiều thẻ bài bằng đồng, trên thẻ có khắc chữ Hán ghi chức vụ của người sở hữu. Riêng về loại thẻ đồng này, Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ khoảng 80 thẻ bài của các lý trưởng, chánh tổng đứng đầu các xã, thôn thuộc các tổng của Nghệ An dưới thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ví dụ như: Vệ Chính thôn lý trưởng”, “ Phan thôn lý trưởng”, “ Đức Hậu thôn lý trưởng”, “Thanh Viên tổng chánh tổng”… tức là thẻ bài của lý trưởng các thôn Vệ Chính ( nay thuộc xã Hưng Phú, Hưng Nguyên), thôn Phan ( thuộc xã Nghi Kim, Nghi Lộc) hay thôn Đức Hậu ( xã Nghi Đức, Nghi Lộc) hay chánh tổng tổng Thanh Viên ( nay là các xã Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) …

Về hình dáng, những tấm thẻ bài này là một miếng đồng lá mỏng có bề khoảng dày 0,2cm, dài  7,8 cm ,rộng 3,4 cm, cấu tạo bởi 2 phần: phần trên tạo hình tựa cái khánh,  giữa có lỗ để xâu dây, được đúc liền với phần thân. Phần thân hình chữ nhật, một mặt trơn, một mặt ở chính giữa khắc chức vụ của người sở hữu bằng chữ Hán theo kiểu chữ chân, đọc từ trên xuống như  “ Văn Phúc thôn lý trưởng” ,“ Thanh Đoài thôn lý trưởng”. Qua thời gian, những chiếc thẻ bài vẫn còn nguyên dạng, chữ Hán khá sắc nét.

Những chiếc thẻ bài tuy nhỏ bé nhưng  thể hiện quyền uy của một lớp người nắm quyền lực của nước ta thời phong kiến.  Khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ thì những chiếc thẻ bài này không còn được dùng như công dụng nó vốn có. Tuy nhiên thẻ bài vẫn là một nguồn sử liệu có giá trị phản ánh chân thực về  văn hóa, lịch sử, mỹ thuật để nghiên cứu về của mỗi triều đại.

Đối với những tấm thẻ bài bằng đồng đang được lưu giữ tại bảo tàng Nghệ An, dù không được làm từ chất liệu quý hiếm nhưng nó có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu về lịch sử địa phương, cung cấp thông tin chính xác về địa danh làng xã xứ Nghệ đầu thế kỷ XX. Đồng thời thẻ bài cũng là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động của quê hương, đất nước. Vì vậy, thẻ bài trở thành cổ vật vô giá, là niềm mơ ước của những nhà sưu tầm hay hoài cổ.

                                                                                                                                                                    Phan Thị Hà Long

                                                                                                                                                         ( Phó Giám đốc- Bảo tàng Nghệ An)

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial