Ngày đăng: 25/05/2021 14:28
Trải qua các cuộc kháng chiến, bao máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống cho đất nước được độc lập, tự do. Kỷ vật kháng chiến là một phần của cuộc chiến tranh, chiếc cầu nối giữa ký ức và hiện tại của những người đã đi qua cuộc chiến, trở thành những kỷ vật rất đỗi thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ sưu tập đơn tình nguyện, quyêt tâm thư của thanh niên Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là bộ sưu tập có giá trị, được bảo quản khá tốt, đã và đang được chọn lọc để giới thiệu đến công chúng thông qua các trưng bày chuyên đề. Đáng chú ý, trong đó có những hiện vật quý, là những quyết tâm thư, đơn tình nguyện viết bằng máu của những đoàn viên, thanh niên thể hiện quyết tâm sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Trong số những lá đơn tình nguyện, quyết tâm thư đang được bảo quản tại Bảo tàng Nghệ An, có người viết đơn tình nguyện đi B khi chỉ mới 16, 17, 18 tuổi; có người là cán bộ, công nhân, nông dân nhưng cũng có người là học sinh. Không phân biệt nghề nghiệp; không phân biệt nam nữ; tất cả họ tình nguyện lên đường với tinh thần muốn đóng góp sức trẻ của thanh niên, cùng với các tầng lớp nhân dân trong cả nước đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. 18 tuổi, Phạm Khắc Hùng, ở xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn, Đô Lương đã viết trong đơn tình nguyện của mình những dòng rất tâm huyết, thể hiện mong mỏi được vào Nam chiến đấu. Anh viết : “ Trong cuộc kháng chiến đánh Mỹ cứu nước hiện nay, mỗi người thanh niên phải nắm vững bước tiến mới của mình, phải tự hỏi mình đã làm được gì để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Mỗi lần nghe tin một đồng bào ta bị giặc Mỹ giết hại, tôi không nỡ để đời tôi sống sung sướng an hưởng ở ngoài này, mà trong ấy đồng bào đang phải ngày đêm phải đổ máu để giành độc lập cho toàn dân…”. Với trái tim luôn hướng vào Nam, sẵn sàng san sẻ, gánh vác khó khăn đồng cam, cộng khổ,cùng đồng bào miền Nam chiến đấu chống lại kẻ thù là ước mơ cháy bỏng không phải của riêng Phạm Khắc Hùng, mà của chung cả thế hệ thanh niên khi đó. Dẫu biết xung phong vào nơi đạn lửa là đối đầu với hy sinh, mất mát nhưng các anh luôn tâm nguyện: “ Lúc lên đường đi chiến đấu, tôi xin thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Còn một giọt máu còn chiến đấu, quyết tâm giữu trọn lời thề, giữ vững truyền thống Xô Viết anh hùng.” Cha anh, ông Phạm Khắc Diên cũng ghi vào đơn xin hiến đúa con thân yêu của mình cho Tổ quốc. Ông viết: “Gia đình tôi có đứa con đủ tuổi nghĩa vụ, tôi xin gửi lại cho Tổ quốc để con tôi có thể góp một phần nhỏ sức lực vào công cuộc đánh Mỹ cứu nước.”
Những câu chữ được viết giản dị, chân thật, trên những tờ giấy đã ngả màu theo thời gian như chứa đựng bao tâm huyết của những trái tim tuổi trẻ. Anh Trần Hữu Đức, C274, ngày 5 tháng 3 năm 1967 đã lấy máu mình viết lên những quyết tâm sát đá quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trái tim tuổi 20 của anh luôn hướng vào miền Nam thân yêu, anh nguyện: “ quyết tử cho tổ quốc quyêt sinh, để đóng góp một phần nhỏ bé của tôi vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Đây cũng chính là khát khao của lớp lớp con em xứ Nghệ – những đoàn viên thanh niên thời đại Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, thanh niên xứ Nghệ Các anh ra đi mang theo tình yêu quê hương cháy bỏng, ý chí căm thù sâu sắc và lời thề giữ vững truyền thống anh hùng của người con Xô Viết. Với thế hệ thanh niên thời đó, được vào Nam chiến đấu cũng có nghĩa là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng tự hào.
Ở hậu phương, nhiều người đã viết đơn tình nguyện sẵn sàng mỗi người làm việc bằng hai để người thân yên tâm lên đường ra trận. Em Nguyễn Thị Mùi, 16 tuổi, ở đội 4, hợp tác xã Thống Nhất, xã Giang Sơn, huyện Đô Lương đã viết đơn gửi lên Ủy ban Hành chính xã Giang Sơn tháng 9 năm 1969, tha thiết xin cấp trên cho anh trai của mình được tòng quân đi đánh Mỹ, còn bản thân xin đảm nhận mọi công tác của hậu phương. Trong đơn tình nguyện gửi Ban Giám đốc và Hội đồng nghĩa vụ quân sự ngày 2/8/1967, chị Nguyễn Thị Dung và chị Nguyễn Thị Huệ công tác tại Lâm trường Nghĩa Đàn cũng thiết tha xin được gia nhập vào đoàn quân Nam tiến, được góp sức mình bảo vệ tổ quốc thân yêu.
Đọc những tờ đơn tình nguyện, những quyết thư bằng máu của lớp lớp thanh niên Nghệ An trong những năm đánh Mỹ – những tờ đơn viết tay, nét chữ chân phương, lời lẽ chân thực và đôi khi sai chính tả ta mới cảm nhận được những khái niệm như hoài bão, lý tưởng, quả thực đã sống, đã cháy bỏng trong trái tim họ.
Thông qua những kỷ vật kháng chiến, chúng ta hiểu hơn về tâm tư tình cảm của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh với những trái tim đầy nhiệt huyết, có lý tưởng sống cao đẹp. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước để chúng ta có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.
Phan Thị Hà Long
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]