Quyễn rũ – khăn Piêu của phụ nữ Thái

Ngày đăng: 25/05/2021 14:59

Khăn đội đầu của phụ nữ thì hầu như dân tộc nào cũng có, cũng độc đáo, mang sắc thái riêng, nhưng khăn Piêu của phụ nữ Thái dường như quyến rũ hơn cả. Bởi nó có đường nét cân đối, màu sắc tinh tế, hài hòa với trang phục, đặc biệt nó phản ánh tâm hồn và thẩm mỹ của người con gái Thái. Ngoại trừ một bộ phận phụ nữ tộc Thái trắng đội nón tát thì đa số phụ nữ Thái từ Tây Bắc cho đến miền Tây Nghệ An đều đội khăn Piêu. Người Thái ở Nghệ An gọi khăn là khắn toai nghĩa là khăn quấn đầu. Khăn quấn đầu là trang sức quan trọng, không chỉ có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh mà còn làm tăng lên vẻ đẹp của người phụ nữ trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là lúc đi chơi hay dự lễ hội… Trong đám cưới của người Thái, khăn Piêu còn là tặng vật quí con dâu dành tặng nhà chồng…

Khăn Piêu cũng có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, găn tua rua hai đầu;  có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm. Tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Từ loại vải bông tự dệt, phụ nữ Thái đã tự may trang phục và làm khăn piêu. Để có chiếc khăn Piêu đẹp, trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam….) ở hai đầu khăn.  Chỉ màu để thêu khăn đóng vai trò khá quan trọng. Trước đây, người Thái thường dùng sợi tơ tằm – loại chỉ thêu truyền thống vừa bền sợi, vừa bền màu, tạo nên sắc màu óng ả, nuột nà tăng thêm phần vẻ đẹp nhuần nhị của hoa văn. Vải làm khăn khổ rộng chừng hơn hai gang tay. Phần lớn những chiếc khăn Piêu có khổ gần bằng nhau. Thông thường có độ dài từ 1m50 đến 1m60 với khổ rộng khoảng 40cm. Ngày trước, để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần. Nhưng ngày nay đã có máy may hỗ trợ một số công đoạn nên thời gian ngắn hơn trước rất nhiều.

Khăn Piêu Thái được tập trung trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu, họ ghép mảnh vải đỏ làm viền, vừa bọc cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn. Khăn piêu của phụ nữ Thái Tây Bắc thường trang trí những chiếc cút hình tròn, mỗi cụm từ 3 đến 5 cút để đính vào đầu Piêu. Còn khăn piêu ở các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… ( Nghệ An) thì lại trang trí bằng các tua rua mềm mại, nhiều màu..

Nét đặc biệt là phụ nữ Thái miền Tây Nghệ An không thêu Piêu ở mặt phải (như lối thêu thông thường) mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải. Hoa văn chủ yếu về đề tài cỏ cây, chim thú,… những cảnh vật quen thuộc  găn bó với không gian núi rừng của người Thái. Khăn piêu đẹp hay không không chỉ phụ thuộc vào chất liệu, màu sắc của vải và chỉ thêu mà chủ yếu do tay nghề, khiếu thẩm mỹ và sở thích của từng người quyết định.

Người phụ nữ Thái có thể đội khăn Piêu theo nhiều kiểu khác nhau. Con gái thường đội lộ hoa văn ra trên đầu. Khi đội, một đầu khăn piêu vắt chéo trên đỉnh đầu rồi bẻ vuông góc với mép khăn phủ xuống trán và một đầu khăn vắt ra sau lưng để lộ hoa văn ra phía trước và đằng sau. Người trung tuổi đội lộ một nửa hoa văn ra phía trước, một nửa che ngang…

Phụ Thái từ lúc lọt lòng quen thuộc với hình ảnh bà và mẹ miệt mài bên khung dệt. Lớn lên chút nữa, khi chân biết chạy thì theo mẹ lên rừng hái bông, hái lá cây để nhuộm vải…  Lớn hơn chút nữa  khi bàn tay đã bớt vụng về, cầm gọn cây kim thì được mẹ chỉ cho những đường  thêu đầu tiên… Học thêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Bởi một cô gái Thái có thể còn vụng về trong công việc nội trợ, nhưng không thể không biết làm thổ cẩm và khăn Piêu.

Cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng,  khăn Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của phụ nữ Thái. Những chiếc khăn tinh tế, rực rỡ sắc màu không chỉ làm tôn vóc dáng khỏe khoắn, duyên dáng của người phụ nữmà còn thể hiện tâm hồn, tình cảm, sự khéo léo của phụ nữ Thái. Vào những lễ hội như Xăng khan, mừng cơm mới … tham gia vào các vòng múa xòe, trên vai các bà, các chị và các cô gái Thái không thể thiếu những chiếc khăn Piêu.

Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. ( Nong tằm mẹ anh đã chín/ Ước có em về kén kéo tơ/ Kéo tơ, em lên khung dệt/ Dệt chăn bông hoa đỏ/ Dệt khăn piêu màu hồng/ Sống bên nhau/ Xây dựng cửa nhà).  Khăn piêu cũng trở thành vật đính ước, thành vật gửi gắm yêu thương của những cô gái khi nhận lời ai đó như lời bài hát“…Á ơi có phải thắm thiết duyên nhau, chiếc khăn để làm mối nối duyên nhau, thời tôi chờ. ..” Có lẽ bởi chiếc khăn piêu ẩn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp mà nó có sức sống bền bỉ, vượt thời gian, trở thành  một nét riêng, đặc sắc trong văn hóa Thái,  góp phần tạo nên sự đa dạng trong vườn hoa muôn sắc của 54 dân tộc anh em.

                                                                                                                                                                                 Phan Thị Hà Long

Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial