Qúa trình phát hiện, nghiên cứu, khai quật & giải pháp, ý tưởng Bảo tồn, Tôn tạo phát huy di tích Khảo cổ học Làng Vạc.

Ngày đăng: 24/03/2021 09:21

                    Qúa trình phát hiện, nghiên cứu, khai quật &

giải pháp, ý tưởng Bảo tồn, Tôn tạo phát huy di tích Khảo cổ học Làng Vạc.

                                                                                                                                                                       Nguyễn Đức Kiếm

Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

  1. Đặt vấn đề:

      Nói đến miền Tây Nghệ An là nói đến vùng “non xanh, nước biếc” là vùng “Thượng đạo” của Nghệ An, vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ học nổi tiềng trong nước và thế giới. Là vùng đất ghi nhiều dấu ấn “mở cõi” của triều đại nhà Lý, nhà Trần trong khoảng thế kỷ XI – XIII, là đất “đứng chân” trong quá trình chống quân Minh xâm lược của Bình định vương Lê Lợi – Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn vào những năm đầu của thế kỷ XV. Ngày nay miền Tây Nghệ An có sự đa dạng về  điều kiện tự  nhiên, phong phú, đa dạng về thảm thực vật, sự thông minh, cần cù lao động sáng tạo của cộng đồng cư dân các dân tộc trải qua hàng vạn, hàng triệu, hàng ngàn năm, đã bồi trúc lắng đọng chứa đựng dưới, trên, trong vùng đất này nhiều trầm tích văn hóa mà tiêu biểu nhất đó là di chỉ Khảo cổ học Làng Vạc , thuộc xã Nghĩa Hòa, thị Thái Hòa – nơi ghi dấu, lưu giữ di sản văn hóa của cư dân thuộc nền văn hóa Đông sơn, cách ngày nay khoảng 3000-2500 năm.

II . Vị trí địa lý và Truyền thuyết về Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc.

  1. Vị trí địa lý: Di chỉ khảo cổ Làng Vạc – tên một địa danh (bao gồm xóm Đình – Khu cư trú và xóm Làng – Khu mộ táng) là một vùng đồi núi thuộc xã Nghĩa Hòa huyện Nghĩa Đàn, nay là xã Nghĩa Hòa ,Thị xã Thái Hòa. Khu di chỉ Làng Vạc, cách dòng sông Hiếu khoảng 500m; cáchThị xã Thái Hòa khoảng 5km; Cách thành phố Vinh gần 100km và cách Thủ đô Hà Nội 300km. Di chỉ Làng Vạc nằm cuối xã Nghĩa Hòa trước kia thuộc hợp tác xã Đại Vạn. Bao quanh di chỉ Làng Vạc về phía Đông Bắc là núi Hòn Sường,. Phía Tây bắc và phía Đông Nam là những vạt đồi thấp dần ra bờ sông Hiếu- một chi nhánh của sông Cả. Khu di chỉ Làng vạc bao gồm cả một vùng rộng lớn khỏang chừng 3km2 có độ cao so với mặt biển chừng 45- 50 m. Trước đây vùng đất phía Đông nam của di chỉ Làng Vạc đã từng được Nông trường Đông Hiếu cải tạo có tên gọi là Lô 12 để trồng Cam, Cà phê. Chính tại nơi đây trong quá trình sản xuất công nhân Nông trường Đông Hiếu đã nhặt được nhiều di vật bằng chất liệu Gốm, Kim khí.. Đặc biệt vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX công nhân Nông trường Đông Hiếu đã phát hiện mặt trống của một chiếc trống đồng cỡ lớn thuộc nền văn hóa Đông Sơn hay các nhà khảo cổ học thường gọi là mặt trống đồng Đông Hiếu (1).Trên thực tế Khu di chỉ Làng Vạc rộng lớn hơn cả khu cư trú xóm đình và Khu mộ táng xóm Làng.

     b.Truyền thuyết về Khu di chỉ Làng Vạc.

     Làng Vạc – tên của một địa danh được gắn liền với đời sống văn hóa dân gian của cư dân nơi đây từ bao đời nay, không ai biết có tự bao giờ. Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian cho biết: Làng Vạc gắn liền với sự tích “Cái Vạc tám quai” có thể luộc được cả một con trâu hay nấu cơm đủ cho hàng trăm người ăn.

Chuyện kể rằng thời xa xưa, vào một năm, mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt người dân được mùa lớn, dân làng xóm Đình nghĩ rằng nên tổ chức Lễ Hội để bái tạ trời đất, tổ tiên. Vị già làng đêm, ngày trăn trở, ngày mai tổ chức Lễ hội không biết lấy vật dụng gì để có thể nấu đủ cho cả dân làng ăn. Vào một đêm trước ngày diễn ra Lễ hội, có một cụ già đến báo mộng với già làng rằng: Sáng ngày mai, hãy ra ngoài đầm phía trước làng thắp hương khấn nguyện sẽ có đồ cho dân làng sử dụng, nhưng sử dụng xong thì phải đem giả lại đầm… Sáng hôm sau già làng ra đầm và thắp hướng khấn vái, bỗng nhiên có cái Vạc tám quai nổi lên mặt nước,  người dân cùng nhau khiêng Vạc về Làng và tổ chức lễ hội. Lễ hội xong dân làng lại khiêng Vạc tám quai ra đầm giả, Vạc từ từ chìm xuống đầm. Cứ như vậy, năm này qua năm khác cứ trước ngày diển ra Lễ Hội, Vạc tám quai lại nổi lên để dân làng rước về sử dụng… từ đó có tên là đầm Vạc, Làng Vạc. Ngày nay theo truyền thuyết trên, người dân trong vùng vẫn tin và lưu truyền cho nhau rằng:  Cái Vạc tám quai vẫn còn nằm sâu dười lòng hồ đập Đại Vạn, (2) cách khu xóm Đình, xóm Làng – khu di chỉ làng Vạc khoảng chừng 300m.

     III. Qúa trình phát hiện, nghiên cứu Khai quật di chỉ khảo cổ Làng Vạc.

  1. Qúa trình phát hiện, nghiên cứu:

          Ngày 26/3/ năm 1972 trong quá trình đào đất để xây dựng đập nước hồ Đại vạn nhân dân địa phương đã phát hiện ra địa điểm khảo cổ học này. Tại đây nhiều di vật có chất liệu bằng đồng như: trống, dao găm, thạp , rìu, bao tay, bao chân; vòng tay, vòng chân, khuyên đeo tai… sau đó các di vật này được đưa về cất giữ tại trụ sở huyện Đoàn, Đoàn thanh niên lao động huyện Nghĩa Đàn.

           Ngay sau khi nhận được thông tin phát hiện các di vật nêu trên, Ty văn hóa Nghệ An mà trưc tiếp là phòng Bảo tàng- tiền thân Bảo tàng Nghệ An ngày nay, đã cử cán bộ có mặt tại địa phương,hiện trường để nghiên cứu và xác định niên đại.. các di vật, đồng thời đào sâu xuống mặt đất 7 hố thám sát thăm dò.Tiếp theo Viện Khảo cổ Việt Nam đã cử cán bộ vào,phối hợp Phòng Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa hóa Nghệ An đào “chữa cháy” thêm một số hố thăm dò… với tổng diện tích 137m2. Trên cơ sở đó Phòng Bảo tàng Ty văn hóa Nghệ An đã  xây dựng: “ Báo cáo kết quả thám sát di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An”. Báo cáo trên được gửi UBND tỉnh Nghệ An; Viện Khảo cổ học Việt Nam.(3)

           Có thể nói việc phát hiện di chỉ khảo cổ Làng Vạc và sự phối hợp nghiên cứu bước đầu giữa Ty Văn hóa Nghệ An và Viện khảo cổ học Việt Nam  đã mở ra một trang mới của Lịch Việt Nam – Nghệ An nói chung và lịch sử khảo cổ học Việt nam nói riêng. Đồng thời mở đầu một kế hoạch nghiên cứu, khai quật và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa..

  1. Qúa trình Khai quật di chỉ Khảo cổ Làng Vạc.
  2. Khai quật lần thứ nhất 15/3/1973.

           Di chỉ khảo cổ Làng Vạc sau khi được nhân dân phát hiện một cách vô tình vào ngày 26/3/1972 đã thu hút sự chú ý của xã hội nói chung và giới khoa học chuyên ngành Khảo cổ học, Sử học miền Bắc Việt Nam nói riêng lúc bấy giờ. Được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, và được sự đồng ý của Bộ văn hóa, trong tháng 3/1973, Ty văn hóa Nghệ An và Viện Khảo cổ học Việt Nam, đã phối hợp tổ chức khai quật, mở đầu cho quá trình nghiên cứu khai quật di chỉ khảo cổ Làng Vạc một cách quy mô và khoa học.

          Tham gia trực tiếp đợt khai quật lần thứ nhất di chỉ khảo cổ Làng Vạc,có sự  góp mặt của các chuyên gia đầu ngành Khảo cổ học miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ, bao gồm các ông:

          Lê Xuân Diệm; Nguyễn Thành Trai; Trịnh Minh Hiên; Đào Côn; Nguyễn Quốc Hùng (thuộc Viện Khảo cổ học) và ông Hồ Ngọc Thuyết cán bộ Phòng Bảo tàng Ty văn hóa Nghệ An.

      Trong đợt khai quật lần thứ nhất này, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật 4 hố với tổng diện tích 480m2,. Nếu tính cả diện tích  (187m2) gồm 07hố đào thám sát thăm dò mang tính chất khẩn cấp “chữa cháy” đầu năm 1972 cho đến đợt khai quật lần nayd (tháng 3/1973) là: 137m2+ 480m2 = 617 m2.

     Có thể nói cho đến thời điểm lúc bấy giờ, chưa có một di chỉ khảo cổ nào thuộc nền văn hóa Đông Sơn ở miền rừng núi được khai quật với quy mô thời gian  diện tích và kết quả thu được hiện vật nhiều như vậy.

     – Kết quả hiện vật thu được: Trong đợt khai quật lần này, hiện vật thu được hết sức phong phú về loại hình,kiểu dáng, đa dạng về chất liệu,kỹ thuật chế tác và công năng sử dụng… Bao gồm các loại hiện vật có chất liệu: Đá, Gốm, Thủy tinh và đặc biệt đồ Đồng chiếm số lượng lớn hơn cả. Cụ thể như sau:

     – Công cụ sản xuất: có Xẻng, Thuổng; Rìu;

     – Đồ dùng sinh hoạt phục vụ ăn uống, cất, dấu nấu, đựng như: Bát, chén, thạp Thố ,Nồi,Âu, Chõ, Chạc, Vò,Khay, Muôi, Khóa thắt lưng

     – Đồ dùng sinh hoạt văn hóa tâm linh , nhạc khí, gồm có:, Trống đồng, Chuông; Bao tay, Bao chân có gắn Lục lạc; Tượng voi….

     – Vũ khí đánh gần, đánh xa như: các loại Gíao, dao Găm, Mũi tên , mũi nhọn

 (Dui)..;

     – Đồ trang sức như Xà tích; Khuyên tai, Vòng, hạt chuỗi, bùa đeo, vòng tay vòng chân…;

     – Đồ ngành nghề truyền thống như dọi xe chỉ, khuôn đúc dao găm; Khuôn đúc Rìu v.v.v.

     Kết quả  khai quật lần này chủ yếu ở khu vực Xóm Làng – khu mộ cổ, đã phát hiện 103 ngôi mộ cổ; 256 Hiện vật chất liệu đồ đồng; 78 hiện vật chất liệu đồ đá; 88 hiện vật chất liệu Thủy tinh và rất nhiều đồ Gốm, mảnh Gốm. Đặc biệt trong đợt khai quật lần này đã  phát hiện mẫu than,tro ở ngôi mộ cổ thuộc hố khai quật số II. Qua xét nghiệm bằng phương pháp Cacbon phóng xạ, cho biết niên đại của ngôi mộ cổ này là 1990   + 85 năm cách ngày nay, tức 40+ 85 năm sau Công nguyên.

  1. Khai quật lần thứ hai (15/12/1980 đến 8/4/1981)

     Với kết quả “vang dội” thu được trong lần khai quật lần thứ nhất 1973, tên gọi di chỉ khảo cố học Làng Vạc đã trở thành tên gọi quen thuộc trong giới Khảo cổ học và sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Tầm quan trọng của di chỉ khảo cổ học Làng Vạc được xác định bằng sự quan tâm cụ thể: Đập nước Đại Vạn có quy mô lớn phục vụ sản xuất đi qua Khu di chỉ đã được đình chỉ, nhằm mục đích bảo vệ di sản văn hóa. Đồng thời Ban nghiên cứu đồ Đồng, đồ Sắt của Viện khảo cổ học Việt Nam đã đưa danh mục di chỉ khảo cổ học Làng Vạc làm trọng tâm nghiên cứu. Do nhu cầu của công tác thủy lợi phục vụ sản xuất, giữa năm 1980 UBND huyện Nghĩa Đàn đã có công văn đề nghị Viện Khảo cổ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, khai quật, nhằm giải phóng mặt bằng để tiếp tục hoàn thành công tác thủy lợi phục vụ sản xuất. Sau khi Viện khảo cổ cử cán bộ vào điều tra khảo sát tổng thể khu di chỉ, có Công văn đề nghị và được cấp Giấy phép phối hợp Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh tổ chức khai quật Làng Vạc lần thứ hai.Lực lượng khai quật lần hai này bao gồm các nhà nghiên cứu,chuyên môn, kỹ thuật thuộc Viện Khảo cổ học , gồm có:Phạm Minh Huyền;Nguyễn Thành Trai; Ngô Sỹ Hồng; Nguyễn Giang Hải; Võ Thanh Hưởng; Phạm Sỹ Hảo. Về phía tỉnh Nghệ Tĩnh có Võ Văn Tuyển- Bảo tàng Nghệ Tĩnh. Đợt khai quật lần thứ 2 này.

     – Địa điểm và diện tích khai quật: Do nhu cầu cần giải phóng mặt bằng phục vụ cho công tác đắp đập thủy lợi phục vụ sản xuát, nên đợt khai quật lần II, chủ yếu vẫn tập trung khu vực xóm Làng – Khu mộ cổ. Đợt khai quật này tổng số có diện tích 363m2 bao gồm 5 hố. Hố I có S: 50m2 ( 5×10); Hố II có S:50m2(5×10); Hố III có S:100m2( 10×10); Hố IV có S:100m2 (10×10) và Hố thứ V có S: 63m2(6×7). Trong đợt khai quật lần này các nhà khảo ổ không chỉ khảo sát nghiên cứu khai quật những mộ cổ nằm ở trắc diện sườn đồi mà đã mở rộng bình diện xuồng phía dưới sườn dốc đồi, nơi tiếp giáp với những khoảnh ruộng.

     – Kết quả khai quật:

Trong tổng số 5 hố khai quật lần này các nhà khảo cổ đã phát hiện 4 hố có tổng cộng 142 ngôi mộ cổ. Cụ thể: Hố số II có 23 mộ; Hố số  III có 43 mộ; Hố số IV có 49 mộ; và Hố số V có 27 mộ.

     – Các Loại hình mộ táng; Trên cơ sở nhận dạng cấu trúc trên, dưới và đi sâu vào  phân tích các chất liệu trong tổng số 142 mộ cổ, các nhà khảo cổ học tạm phân loại gồm có 4 loại mộ như sau: Mộ Phủ Đá; Mộ phủ Đất;  Mộ rải Gốm, và đặc biệt loại mộ Vò chiếm số lượng lớn, sau mộ Đất. Trong các loại mộ nêu tren các nhà khảo cổ cho rằng loại mộ Vò là một táng thức độc đáo của cư dân Việt cổ Làng Vạc, vì chưa phát hiện ở đâu có kiểu mộ Vò này.Tất cả có 35 mộ Vò. Kích cỡ Vò tương đối lớn: cao từ 0,80m-0,85m; Rộng 0,60m-0,65m. Tư thế của các Vò nằm nghiêng, được chèn đá  và các Vò dược up miệng bằng các nồi Gốm. Có khi hai Vò chôn đấu  miệng vào nhau,. Cá biệt có mộ đến 3 Vò, chiếc Vò nằm giữa bị đục thủng đáy, kết nối với miệng Vò hai chiếc nằm ngoài.

     – Hiện vật thu được: Trong đợt khai quật lần II này, cũng phát hiện được rất nhiều hiện vật, phóng phú đa dạng về loại hình, chất  liệu( có Đá, Gốm,Đồng Thủy tinhvà kiểu dáng cũng như kỹ thuật chế tác và công năng sử dụng.trong đó hiện vật chất liệu bằng Đồng chiếm phần lớn. Các hiện vật chủ yếu là đồ tùy táng được phát hiện trong các ngôi mộ cổ, và được phân ra các nhóm như sau:

     – Nhóm Hiện vật là công cụ sản xuất gồm có : Rìu 69 cái ( có Rìu lưỡi xòe, Rìu lưỡi xéo, Rìu có đốc);  Xẻng 25 cái, Thuổng, Mai, Đục, Dùi. Móc; Thuổng 07 cái; Mai 03 cái; Đục 01 cái; Móc ( lưỡi câu không có ngạnh) 4 cái.

     – Nhóm hiện vật là dụng cụ sinh hoạt (cất, dấu, nấu, đựng, ăn, uống..) gồm có Thạp 03 cái; Thố 03 cái; Bát 01 cái; Muôi 02 cái.

     – Nhóm hiện vật là vũ khí: (đánh gần, đánh xa), gồm có: Dao găm có đốc hình củ hành; 33 cái, Dao Găm có cán hình chữ T10 cái, Dao Găm cán tượng người: 02 cái, dao Găm có tượng  động vật voi, hổ :01 cái; Dao Găm chắn tay thẳng : 03 cái; Kiếm ngắn: 02 cái; Giáo: 04 cái; Lao: 03 cái; Lẫy Nỏ : 01 cái.

     – Nhóm hiện vật đồ trang sức, nhạc khí: Đồ trang sức Làng Vạc không chỉ nhiều về số lượng đa dạng về chất liệu loại hình mà có những đồ trang sức không tìm tháy ở nơi khác thuộc nền văn hóa ĐôngSơn và các nền văn hóa khác. Đó là những chiếc Nhẫn Đồng; Những chiếc vòng tay vòng chân  có gắn Lục Lạc, chuông. Hạt cườm. Cụ thể : Vòng tay: 69 cái; Vòng chân :07 cái; Chuông có 11 cái; Khuyên tai 17 cái; Trống Đồng 07 cái. Trong đó có 2 trống Minh khí.

  1. Đợt khai quật lần III ( từ 26/10đến 26/12/1990)

Căn cứ kết quả 2 lần khai quật, trên cơ sở các hiện vật, các nhà khoa học đã có đầy đủ cơ sở để xác định về tầm vóc quy mô cũng như niên đại giá trị văn hóa của di chỉ khảo cổ học Làng vạc. Lúc này tên gọi địa danh Làng Vạc đã vang xa, thu hút sự chú ý của giới khảo cổ  trong khu vực Đông Nam Á và cả châu Á. Tháng 7/1987 việc các nhà Khảo cổ học Việt Nam được Nhật bản mời Gặp gỡ Tọa đàm về thời đại Kim khi ở Việt Nam và Nhật Bản tổ chức tại TOKYO là một minh chứng, về tầm vóc quy mô giá trị và sự lan tỏa của di sản văn hóa Làng Vạc. Đồng thời đánh dấu mở đầu cho thời kỳ hợp tác nghiên cứu Khảo cổ Đông Á và Đông Nam Á giữa Việt Nam- Nhật Bản.Tiếp đó, tháng 4/1990 phía Nhật Bản tiếp tục cử Ngài H. Ha Ka Ri, Gíao sư Đại học SoPhia TOKYO- Chủ Tịch Hội Khảo cổ học Đông Nam Á tiếp tục sang khảo sát khảo cổ vê thời đại Kim khí tại Việt Nam. Sau khi khảo sát thực dịa, đồng thời xem xét nghiên cứu kết quả các cuộc khai quật trước đó, các nhà khoa học Nhật Bản đã quyêt định và đề nghị phía Việt Nam cho phép chọn địa điểm Khảo cổ học Làng Vạc,mở đầu cho sự hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ giữa Việt Nam &Nhật Bản. Ngày 05 /10/1990 Hội đồng Bộ trưởng đã cấp Giay phép số 3254/HĐBT về việc cho phép phía Nhật Bản vào Việt Nam. Tiếp dó Bộ Văn hóa Thông tinThê thao và Du lịch đã cấp Giay phép khai quật số 1156/QĐ ngày 17/10/1990 về việc đồng ý phía Nhạt Bản phối hợp Viện Khảo học Việt Nam tổ chức khai quật di chỉ khảo cổ học Làng Vạc.

     *Thành phần tham gia khai quật bao gồm :

     – Về phía đoàn Nhật Bản: có 5 người:

  1. Ngài Hirositau Ha Ka Ri – Gíao sư Đai học SoPhia – ToKio Trưởng đoàn.
  2. Ngài Isu.Mura-Phó giáo sư Đại học ToKyo
  3. Ngài Koichirô Uno- Phó giáo sư đại học ToKyo- Trường Cao học Kcole..

     Và 2 sinh viên sau Đại học – Nghiên cứu sinh của Trường Đại học ToKyo.

    – Về phía đoàn Việt Nam gồm có:

  1. Giáo sư Hà Văn Tấn – Trưởng đoàn- Người Lãnh đạo chung chương trình Hợp tác khoa học Việt Nam Nhật Bản về “Thời đại kim khí Việt Nam”.
  2. Phó giáo sư Chử Văn Tần- Trực tiếp phụ trách cuộc khai quật.
  3. Phạm Minh Huyền- Phó trưởng phòng nghiên cứu thời đại Kim khí.- Thành viên.
  4. Phó Tiến sỹ Trịnh Sinh- Thành viên;5.Ngô Sỹ Hồng- Nghiên cứu viên –Thành viên; 6.Nguyễn Trường Kỷ – NCV-Thành viên; 7 Nguyễn Giang Hải- NCV- Thành viên; 8 Bùi Văn Liêm NCV- Thành viên; 9 Trần Qúy Thịnh NCV-Thành viên; 10.Phạm Ngọc Long Kỹ thuật viên- Thành viên; 11Nguyễn Hữu Thiết- KTV- Thành viên; 12 Phan Đình Nguyên- KTV-Thành viên; 13 Nguyễn Đình Bưởng- KTV- Thành viên; 14 Vox Thanh Hường- KTV-Thành viên.

     Về phía tỉnh Nghệ Tĩnh gồm có Ông Trần Hồng Dần cán bộ Khảo cổ thuộc Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh. Đồng thời có sự tham gia của cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Nghĩa Đàn.

Kết quả khai quật: Trong lần khai quật này, với sự hợp tác của các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tiến hành khảo sát thực địa theo trục Tây- Đông,xác định phạm vi di tích và quyết định khai quật tại  khu xóm Làng – khu mộ cổ phía Tây. Và khu xóm Đình ở phía Đông. Hai khu địa táng xóm Làng và khu xóm Đình đối diện nhau qua một thung lũng rộng 200m. Chính tại thung lũng này trước năm 1972 được cải tạo thành con mương dẫn nước từ đập Đại Vạn xuyên qua khu mộ táng chia Khu mộ này thành 2 khu Đông và Tây. Tổng số diện tích trong đợt này có 178 m2 thu được 278 hiện vật.( bao gồm các loại chất liệu Đá, Gốm, Đồng, Thủy tinh. Đặc biệt khai quật lần này phái hiện thêm hiện vật Tiền đồng, cuốc Chim; Về loại hình, nhóm hiện vật gồm có: Công cụ sản xuất; đồ dùng sinh hoạt; Vũ khí; đồ trang sức; đồ ngành nghề..

  1. Khai quật lần thứ tư năm 1991.

      Trong đợt khai quật này các nhà khảo cổ chủ yếu tập trung nghiên cứu khai quật  Khu cư trú xóm Đình. Với diện tích khai quật 88m2, kế quả hiện vật thu được không đáng kể,chủ yếu là các mảnh Gốm. Đặc biệt trong lần khai quật này các nhà khảo cổ đã phát hiện vết tích vùng đất bị nung cháy đỏ có kích thước: dài 1m; Rộng 0,8m; có độ dày 0,60m, có một lỗ thủng ở giữa. Bước đầu đoán định các nhà khảo cổ cho rằng có thể đây là một Lò nấu đúc Đồng của   cư dân Làng Vạc cổ đại.

     Tóm lại:  Kể từ khi phát hiện 1972, di chỉ khảo cổ học Làng Vạc trải qua 04 lần khai quật các nhà khảo cổ đã khai quật 994 m2 nếu tính cả cá hố đào thám sát thăm dò thì có tổng diện tích các hố khai quật là 1021m2,phát hiện 339 ngôi mộ cổ và thu được  1.289 đơn vị hiện vật và hàng ngàn mảnh Gốm.

Với phạm vi, quy mô, số lượng hiện vật, chất liệu hiện vật, loại hình, nhóm hiện vật, niên đại tương đối của khu di chỉ,của từng hiện vật = giá trị Lịch sử -Văn hóa của di chỉ Khảo cổ học Làng Vạc qua 4 lần khai quật, giới Khoa học Khảo cổ trong nước và quốc tế đã làm sáng tỏ một số vấn đề sau:

  • Bổ sung “nguồn vốn” về nền văn hóa Đông Sơn nói riêng,về sự giao thoa, giao lưu và ranh giới của người Việt cổ từ buổi đầu bình minh dựng nước và giữ nước.
  • Bổ sung và làm phong phú thêm đặc trưng của nền văn hóa Đông sơn nói chung và văn hóa Đông Sơn miền rừng núi nói riêng.
  • Bổ sung và làm sáng tỏ thêm mối quan hệ trước – sau, sự tương đồng, khác biệt giữa di sản văn hóa Đông Sơn – Thanh Hóa và di sản văn hóa Đông Sơn – Làng Vạc – Nghệ An.
  • Bổ sung và làm phong phú thêm mối quan hệ giữa văn hóa Hán, văn hóa Việt, góp phần làm sáng tỏ mức độ ảnh hưởng, tính bản địa, độc lập,liên tục của nền văn hóa Việt cổ.

Với những giá trị ý nghĩa Lịch sử -Văn hóa nêu trên, năm 2000,Di chỉ Khảo cổ Làng Vạc đã được công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp quốc gia.

  1. Một số giải pháp, Ý tưởng Bảo tồn Phát huy giá trị di tích Lịch sử- Văn hóa di chỉ Khảo cổ Làng Vạc.

     Xứ Nghệ nói chung, Nghệ An và miền Tây Nghệ An nói riêng là vùng đất giàu có về nguồn tài nguyên – Di sản văn hóa. Đó là niềm vinh dự tự hào mà thiên nhiên,và các thế hệ tiền nhân ban tặng,để lại. Đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức vinh quang và nặng nề đối với quá, khứ hiện tại và tương lai.

Vì vậy, để bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa nói chung và di tích Khảo cổ học Làng vạc nói riêng, để di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thực sự trở thành nơi kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; Là điểm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần của công chúng; Là điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, dưới góc độ chuyên môn chúng ta cần có một số giải pháp như sau.

  1. Công tác tuyên truyền, quảng bá về chủ trương chính sách của Đảng nhà nước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa nói chung và giá trị di tích Khảo cổ học Làng Vạc nói riêng trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đặc biệt, nếu không có sự nhận thức trúng, đúng về vai trò, vị trí, ý nghía giá trị của di sản văn hóa mang tính chất đột phá,trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nói chung và đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực di sản nói riêng, thì niềm vinh dự, tự hào về sự giàu có di sản sẽ trở thành gánh nặng, làm nghèo nền KT-XH nói chung. Bởi vì, một khi nhận thức chưa trúng, chưa đúng, chưa mang tính đột phá trong lĩnh vực bảo tồn phát huy di sản văn hóa, chắc chắn dẫn đến sự quan tâm đầu tư nguồn lực (con người- Kinh phí) cho bảo tồn phát huy di sản sẽ không đúng , không trúng, sẽ kéo theo hệ lụy làm mất giá trị di sản văn hóa. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha từ đời này qua đời khác dày công tạo dựng..Cái gì cũng có thể xây dựng được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được… tuyệt đối không phá hủy làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộcvì vậy di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào sự phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm cho di sản hồi sinh, tồn tại có ích.. để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản, và người dân phải được hưởng lợi từ di sản…để  đảm bảo rằng văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết,tăng thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.( Bài phát biểu tại hội nghị Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững- 27/7/2018)
  2. Thứ hai cần phải có sự nghiên cứu Quy hoạch di sản nói chung và di chỉ khảo cổ học nói riêng, có sự liên thông đồng bộ, hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển, giữa phát triển văn hóa xã hội với phát triển kinh tế – môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là kinh tế di sản và kinh tế du lịch miền Tây Nghệ An nói chung.
  3. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định 2355-QĐ/TTg ngày 04/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt : “Đề án phát triển kinh tế- xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An”, có đề ra 4 mục tiêu ; 6 giải pháp và 7 nhiệm vụ về kinh tế xã hội- môi trường, trong đó nhiệm vụ thứ 4 ghi rõ; “ Phát triển làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, nhất là làng nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, đá mỹ nghệ. Gắn hoạt hoạt động kinh tế làng nghề ví hoạt động dịch vụ diu lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống.” Vì vậy sự cần thiết Quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội miền Tây Nghệ An nói chung,cần có sự quan tâm đầu tư mang tính đột phá trong việc nghiên cứu quy hoạch bảo vệ và tôn tạo nhằm phát huy giá trị di sản Khảo cổ học Làng Vạc. Trước hết cần có sự thẩm định đánh giá,giá trị ý nghĩa Lịch sử văn hóa cũng như phạm vi quy mô không gian của di chỉ Khảo cổ học. Trên cơ sở đó lập Hồ sơ trình Thủ tướng công nhận di tích Khảo cổ học làng Vạc là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đặc biệt. Trên cơ sở đó Xây dựng Dự án Baỏ vệ Tôn tạo và phát huy, đề ra nhiệm vụ cụ thể, khu vực cụ thể cần Bảo vệ; Khu vực cụ thể, nhiệm vụ cụ thể cần Tôn tạo và các hình thức phát huy giá trị Lịch sử văn hóa của di chỉ Khảo cổ học Làng Vạc. Có như vậy Di tích Khảo cổ học Làng Vạc mới được khẳng định, tôn vinh là một trong những trung tâm văn hóa của người Việt cổ thời đại Hùng Vương, đã đang và sẽ được bảo tồn,tôn tạo trở thành một Trung tâm văn hóa – Một Bảo Tàng sinh thái- Một điểm hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch của miền Tây Nghệ An, nói riêng,Việt Nam nói chung trong thời đại Hồ Chí Minh. Hạt nhân trọng điểm của Trung tâm văn hóa – Bảo tàng Sinh thái miền Tây sẽ là khu di chỉ Làng vạc + Đền thờ vua Hùng Nhà trưng bày bổ sung di tích .Ngoài vũng lõi của di sản sẽ là các tổ hợp không gian kiến trúc, đời sống kinh tế, bản sắc văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An.; Tổ hợp sinh vật cảnh,,, phản ánh sự đa dạng về sinh vật học; Là không gian diễn xướng giới thiệu trình diễn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đồng bào các dân tộc v.v… vừa mang tính bảo tồn vừa mang tính giải trí trải nghiệm và mang tính thương mại; Là tổ hợp nhà nghỉ, ăn uống, giải khát, sân gôn, điểm bán hàng lưu niệm sản phẩm du lịch; là khu vực khám phá trải nghiệm cho khách tham quan du lịch, hoạt động truyền thông giáo dục học mà chơi, chơi mà học trong các chương trình: Em yêu lịch sử, đưa di sản vào trường học, học sinh với di sản văn hóa và cội nguồn…

     Thực tế, xu thế hoạt động bảo tồn, Bảo tàng di sản văn hóa hiện nay là xu hướng “Công viên hóa di tích”, “bảo tàng tại chỗ” “ Bảo tàng sống”trong trạng thái động, mà tại đó công chúng được sáng tạo được hưởng thụ, trải nghiệm và được hưởng lợi từ các giá trị văn hóa.

     Ngày nay trong xu thế của sự phát triển và  toàn cầu hóa về mọi mạt kinh tế xã hội, nhân loại đang đứng trước một mẫu thuẫn lớn của thời đại, đó là mỗi quan hệ giữa truyền thống dân tộc và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, mà hệ lụy của nó là nguy cơ về “ Sự nhất thể hóa về văn hóa”.Hiện tại, sự phát triển của khoa học công nghệ góp phần làm giàu về kinh tế vật chất nhưng có thể đã đang và sẽ làm nghèo nàn,mai một và nhạt phai về bản sắc văn hóa…

     Vì vậy việc tổ chức hội thảo khoa học : “ Di tích khảo cổ học Làng Vạc –  giá trị Lịch sử -Văn hóa” là một dịp để chúng ta đánh giá, tôn vinh đồng thời góp phần bảo vệ tôn tạo phát huy, ‘làm sống” giá trị di sản văn hóa Làng Vạc nói riêng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh của miền Tây Nghệ An.

Tài liệu tham khảo:

         – Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa -18/6/2009.

        – Nghị quyết Hội nghị lần thứ  5 BCHTW khóa VIII, về xây dựng và phát triển  nền văn hóa Việt Namtiên tiến đậm đà bản săn văn hóa dân tộc.

        – Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghi BCH TW lần thứ 9 khóa  XI về Xây dựng  và phát triểnvăn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

     -Kết luận 76- KL-TW/2020 của Bộ chính trị về Tiếp tục thực hiện nghị quyết 33-NQ/TW/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

        -Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương   hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

       – Nghi quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX.

       -Quyết định 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020.

       -Kỷ yếu Hội thảo: “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tầm nhìn 2030”

     – Kỷ yếu Hội thảo” Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể miền Tây Nghệ An góp phần phát triển kinh tế xã hội.”

    – Kỷ yếu Hội thảo: Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn phát huy di sản.

   – Kỷ yếu Hội nghị: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoáViệt Nam vì sự phát triển bền vững”

  – Bài phát biểu Kết luận của Đ/c Thủ tướng Nguyển Xuân Phúc, tại Hội nghị: “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.

-Báo cáo Khai quật di chỉ Khảo cổ học Làng Vạc ,lần I, lần II; lần III; lần IV.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial