Ngày đăng: 13/07/2021 16:48
Ngày 3/4/2021 tại đường Đàm Văn Lễ khối 17, phường Trường Thi, Thành phố Vinh. Gia đình ông Nguyễn Văn Huân 64 tuổi trong quá trình đào móng xây nhà cho con trai đã phát hiện được 01 khối sắt bị vùi ở độ sâu 2m.
Nơi phát hiện được khối sắt cẩu đưa lên ngay bên lề đường
Khối sắt đã được những người thợ đào móng cẩu đưa lên khỏi mặt đất, theo quan sát sơ bộ nhận định ban đầu đây là một bánh xe lửa có chiều dài 1,2m, ở giữa là một trục sắt, hai đầu là 02 vành sắt đúc có đường kính 74cm, nặng hơn 100 kg.
Theo ông Phạm Xuân Cần – Nguyên Phó giám đốc Sở khoa học công nghệ Nghệ An cho rằng theo tài liệu lịch sử năm 1904 thực dân Pháp cho xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi tại phường Trường Thi, lúc cao điểm có hàng nghìn công nhân tiến hành xây dựng. Công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi cùng một số công nhân các nhà máy khác ở các công xưởng đã thành lập các chi bộ cộng sản cùng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Sau đó vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp các nhà máy ở Thành phố Vinh đã bị bom mìn phá hủy một phần, phần còn lại họ sơ tán về vùng núi để tiếp tục sản xuất. Khu vực phát hiện bánh xe lửa trùng với địa điểm năm 1904 thực dân Pháp cho xây dựng nhà máy xe lửa Trường Thi lớn nhất Đông Dương.
Sau khi được tin ông Nguyễn Văn Huân phát hiện được bánh xe lửa cán bộ của Bảo tàng Quân khu IV đã đến làm việc, cũng nhận định đây là bánh xe lửa của nhà máy xe lửa Trường Thi và muốn gia đình ông Huân chuyển nhượng cho Bảo tàng. Tuy nhiên, gia đình ông Huân chưa đồng ý và hiện đang đưa về lưu giữ tại số nhà 56 đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi.
Khối sắt được gia đình đưa về xích ngay trước nhà (số 56 Trần Quang Diệu, phường Trường Thi)
Nhận được tin, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Nghệ An đã đến khảo sát, nắm bắt thông tin và đặt vấn đề với gia đình ông Nguyễn Văn Huân về việc chuyển nhượng khối sắt lại cho Bảo tàng làm hiện vật lưu giữ và trưng bày. Hiện nay, bảo tàng vẫn đang trong quá trình thương thảo vì gia đình có nguyện vọng lưu giữ để trưng bày làm kỷ niệm về dấu tích của nhà máy xe lửa Trường Thi thời Pháp thuộc.
Đinh Thị Ánh Tuyết – P.TP Nghiên cứu- Sưu tầm
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]