Những kỷ vật quý của các liệt sĩ TNXP hy sinh tại Truông Bồn

Ngày đăng: 28/10/2022 09:05

Kỷ vật kháng chiến là một phần của cuộc chiến tranh, chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, rất đỗi thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhân kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, Bảo tàng Nghệ An xin điểm lại một số kỷ vật quý liên quan đến các liệt sĩ tiểu đội 2, đại đội 317- thanh niên xung phong Nghệ An hy sinh tại “ tọa độ lửa” Truông Bồn ngày 31-10-1968.

Tìm về những kỉ vật của các liệt sỹ TNXP Truông Bồn, mấy chục năm qua, cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Nghệ An cũng đã rong ruổi khắp các miền quê của liệt sĩ từ các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương để mong tìm lại được kỷ vật thiêng liêng để gìn giữ nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thời gian, bom đạn, cuộc sống khó khăn khiến cho hiện vật vốn đã ít ỏi lại bị tản mát và hư hỏng rất nhiều. Đáng kể nhất là hồ sơ lý lịch của liệt sỹ Hà Thị Đang mà Bảo tàng đã sưu tầm được từ năm 1993, tại nhà anh Hà Văn Phú- anh trai của liệt sỹ ở xã Phúc Thành huyện Yên Thành. Hồ sơ bao gồm sơ yếu lý lịch, giấy báo tử và sơ đồ mộ của đơn vị C317-TNXP Nghệ An gửi cho gia đình ông Hà Văn Điệng- bố liệt sỹ, ngày 3 tháng 11 năm 1968.

Rạng sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, sau tiếng bom long trời lở óc, bầu trời Mỹ Sơn chìm trong biển khói. Ngớt tiếng bom cả đại đội 317, bộ đội và nhân dân Mỹ Sơn ào ra hiện trường đào bới nhưng chỉ tìm được đồng chí là tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thông còn sống và thi thể đồng chí Cao Ngọc Hòa. Sau 2 ngày cật lực tìm kiếm, chỉ tìm thêm được 5 đồng chí là: Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh. Còn lại 7 đồng chí nữa, thân thể các anh, các chị đã mãi mãi  hòa vào cát bụi Mỹ Sơn, trong nấm mồ chôn chung cạnh con đường 15 A mà các anh chị đã ngày đêm canh giữ. Mộ của chị Hà Thị Đang  sau đó đã được đưa về an táng tại nghĩa trang huyện Yên Thành để gia đình tiện hương khói.

Sơ yếu lý lịch đoàn viên của liệt sĩ Trần thị Doãn

Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An san lấp hố bom, sửa đường tại trọng điểm Truông Bồn

Năm 2008, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn, như một cơ duyên, ông Nguyễn Tâm Cớn – Hội trưởng Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành đã sưu tầm được một di vật quý của liệt sĩ và trao lại cho Bảo tàng. Đó bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Phúc gửi  anh Mai Văn Thân – người bạn trai đồng hương quê lúa Yên Thành. Lá thư nhỏ với những nét chữ mềm mại viết trên mảnh giấy nâu tưởng như còn vương mùi mồ hôi và bụi đường của chị.

Thư chị viết năm 1966, khi đơn vị C317 còn ở chiến đấu ở Cầu Gang, Thanh Chương. Thời điểm đó, Cầu Gang, ác liệt lắm là con đường độc đạo nối huyện Thanh Chương với Nam Đàn nên máy bay địch gầm rú, cày xới ngày đêm nhằm chặt đứt con đường chi viện. Dẫu phải vất vả vô cùng  để sửa đường, phá bom, thông tuyến vậy mà trong thư tuyệt nhiên không một lời phàn nàn về sự vất vả, thiếu thốn. Và chị rất vui khi hay tin bạn mình được kết nạp Đảng. Đọc thư để thấy được rằng: được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản, nguyện lấy máu mình tô thắm cho màu cờ của Tổ quốc là lý tưởng, là khát khao cháy bỏng của thế hệ thanh niên Việt Nam trong suốt những năm tháng chống Mỹ.

Thông qua những lá thư thời chiến, chúng ta hiểu hơn về tâm tư tình cảm của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh với những trái tim đầy nhiệt huyết, có lý tưởng sống cao đẹp. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước để chúng ta có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.

Thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Phúc viết tại Cầu Gang, huyện Thanh Chương năm 1966 gửi anh Mai Văn Thân

Trong số những hiện vật liên quan đến Đại đội C317- TNXP chiến đấu tại tọa độ lửaTruông Bồn, Bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ chiếc bi đông của đồng chí tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Chiếc bi đông nhỏ đã theo chị ra hiện trường san đường, phá bom trên các trọng điểm từ Khe Thần, Cầu Cấm, Cầu Gang rồi  chuyền tay nhau từng ngụm nước nhỏ vơi cơn khát giữa trưa nắng như đổ lửa ở Truông Bồn.

54 năm ngày 13 liệt sĩ thanh niên xung phong đại đội 317 đi xa nhưng sự cống hiến, hy sinh của các anh các chị nói riêng, của lực lượng TNXP Nghệ An nói chung trong 2 cuộc kháng chiến sẽ còn sống mãi trong lòng thế hệ trẻ hôm nay.

 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial