MỘT SỐ GIÁ TRỊ TRONG SƯU TẬP HIỆN VẬT NGHỀ RÈN DÂN TỘC MÔNG TẠI BẢO TÀNG NGHỆ AN

Ngày đăng: 23/10/2024 10:33

Ở Nghệ An, đồng bào Mông sinh sống nhiều ở một số xã của huyện Kỳ Sơn như Mường Lống, Nậm Cắn, Huồi Tụ…; xã Tri Lễ của huyện Quế Phong; các xã Lưu Kiền, Nhôn Mai của huyện Tương Dương. Đồng bào sinh sống bằng sản xuất nương rẫy là chủ yếu. Người Mông có nhiều nghề thủ công, nổi bật hơn cả là nghề rèn.

Nếu đồng bào dân tộc Thái nổi tiếng với những bức thổ cẩm rực rỡ thì đồng bào dân tộc Mông được nhiều người biết đến với nghề rèn truyền thống. Các sản phẩm rèn của người Mông nổi tiếng bởi độ bền, sắc, được bà con ưa dùng.

“Sưu tập hiện vật nghề rèn của dân tộc Mông tại Bảo tàng Nghệ An” có 30 hiện vật gồm các loại hình: Bệ thụt lò rèn, bệ đựng than, lưỡi búa, lưỡi dao quắm, lưỡi cuốc, súng kíp, kìm, liềm, đột… Các hiện vật trong sưu tập được xem là cơ sở giúp chúng ta có thêm nhiều thông tin về giá trị văn hóa, giá trị sử dụng, giá trị kỹ thuật, giá trị kinh tế. Từ đó có cái nhìn khái quát hơn về nghề rèn để hoàn thiện nghiên cứu, đề xuất phương án bảo quản cho từng nhóm chất liệu, tìm giải pháp trưng bày phát huy giá trị bộ sưu tập hiện vật nghề rèn của dân tộc Mông tại Bảo tàng Nghệ An”.

  1. Giá trị văn hóa

Nghề rèn của đồng bào Mông có từ lâu đời gắn liền với hoạt động sống và canh tác ở vùng cao. Nghề rèn truyền thống của người Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người và những kinh nghiệm được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cao hơn nữa là sự kiên trì và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông. Thế nên chỉ cần nhắc đến nghề rèn người ta đã nghĩ ngay đến người Mông.

Theo truyền thống, trước đây mỗi dòng họ phải có một lò rèn, đến mùa sản xuất tập trung rèn để phục vụ lao động. Các sản phẩm đều được làm thủ công nên chất lượng tốt, đảm bảo, được nhiều người tin dùng

Ông Hờ Rua Xử, bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đang thực hiện công đoạn làm vỏ dao

  1. Giá trị sử dụng

“Sưu tập hiện vật nghề rèn của dân tộc Mông tại Bảo tàng Nghệ An” có 30 hiện vật thuộc nhiều loại hình: Bệ thụt lò rèn, Bệ đựng than, lưỡi búa, lưỡi dao quắm, lưỡi cuốc, kìm, liềm, đột, súng kíp… phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày. Dựa vào các loại hình đó chúng tôi chia làm 3 nhóm như sau:

– Nhóm hiện vật phục vụ nghề thủ công gồm có các dụng cụ: Bệ thụt lò rèn, bệ đựng than, đột, xẻng xúc than, dụng cụ làm khuy, kìm, búa. Mỗi loại hiện vật đều có một chức năng riêng. Bệ thụt lò rèn dùng để thổi hơi.

Bệ thụt hơi – bộ phận cung cấp hơi của lò rèn thủ công truyền thống nhà ông Hờ Rua Xử, bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

Bệ đựng than là một bộ phận có cấu tạo hình chữ nhật, xung quanh và đáy được ghép bằng các tấm gỗ, phía trong đắp đất sét tạo khoảng lõm ở giữa để bỏ than vào trong quá trình rèn.

Bệ đựng than – bộ phận trong bộ lò rèn của đồng bào dân tộc Mông

Ngoài hai bộ phận quan trọng nêu trên thì để làm được một sản phầm hoàn chỉnh còn cần dùng búa, kìm, đột và dụng cụ làm khuy.

Dụng cụ nghề rèn truyền thống của người Mông

Nhóm hiện vật phục vụ sản xuất nương rẫy gồm có các dụng cụ: Xẻng, liềm, cuốc, lưỡi cuốc bướm, dao, lưỡi dao quắm.

Người Mông thường sinh sống ở địa hình vùng núi cao nên các loại nông cụ đều được làm làm từ thép với nhiều kiểu dáng khác nhau rất bền, sắc phù hợp cho sử dụng ở vùng đất dốc.

Nhóm hiện vật phục vụ săn bắn gồm: Súng kíp.

Nghề săn bắn, hái lượm từ lâu đã trở thành một nghề phụ rất phổ biến của nam giới người Mông từ tuổi trưởng thành. Nên người Mông biết làm cả nòng súng kíp để dùng.

  1. Giá trị kỹ thuật

Trong sưu tập “Hiện vật nghề rèn của dân tộc Mông tại Bảo tàng Nghệ An” gồm có nhiều loại hình phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày. Mỗi loại hình đều có một quy trình sản xuất riêng. Để tạo ra các sản phẩm tinh xảo như vậy yêu cầu đầu tiên là phải có lò rèn.

Lò rèn thủ công của người Mông không cầu kỳ thường tự chế, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Cái bễ là quan trọng nhất. Nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được làm từ thân cây dài khoảng 1 – 1,2m, đường kính khoảng 15 – 20cm được khoét rỗng lòng, sau đó chế pít tông kéo ra, đẩy vào tạo thành gió. Pít tông được làm bằng một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà xung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức. Khi thợ chính ngồi vào lò rèn là phải có thợ phụ ngồi bên cạnh để đẩy gió cho lò than cháy bùng. Tuy nhiên, hiện nay đã có thợ rèn sử dụng thiết bị điện để quạt thổi lò, máy mài để cải thiện thời gian làm nông cụ.

Để làm ra các sản phẩm như: dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao đồng bào Mông phải trải qua các công đoạn rèn, đúc như sau:

Bước thứ nhất là chọn vật liệu. Để rèn được một sản phẩm tốt, trước tiên phải chọn được nguyên liệu tốt. Trước đây người Mông thường chọn nguyên liệu để chế tác các sản phẩm rèn đó là: nhíp ô tô, lò xo, mảnh bom và nhất là nhíp của ô tô sản xuất cách đây vài chục năm. Những nguyên liệu này qua bàn tay tài hoa của thợ rèn người Mông bỗng chốc trở thành những công cụ hết sức hữu dụng. Đây cũng là những nguyên liệu đảm bảo độ bền dẻo cao, lưỡi dao sắc bén mà khi sử dụng không bị sứt mẻ, biến dạng nên rất phù hợp với việc lao động, sản xuất.

Bước thứ hai là cắt sắt, thép tạo hình sản phẩm. Tùy vào từng loại mà cắt kích cỡ cho phù hợp. Để cắt được người ta sẽ lấy một con dao (thường là dao phát) to, lưỡi dầy đã qua sử dung, hoặc rèn riêng để cắt sắt, khi đã có được dụng cụ cắt, người ta sẽ nung thanh sắt định cắt đó cho thật đỏ rồi lấy ra cắt, vừa cắt người thợ vừa nhúng lưỡi dao cắt đó vào chậu nước để cái lưỡng đủ độ cứng thì mới cắt được thanh sắt đó thành một miếng nhỏ theo hình dáng ban đầu con dao định rèn đó.

Bước thứ ba là cách rèn sản phẩm. Đây là một khâu rất quan trọng. Sau khi cắt, thép được nung đỏ rất kỹ trước khi quai búa để rèn. Nung càng đỏ thì chất sắt càng mềm dễ đánh mà không tốn nhiều công sức, nhưng không được nung quá lâu vì như vậy chất sắc sẽ nung chảy. Đây là công đoạn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, khả năng quan sát và kinh nghiệm cách rèn. Theo cách rèn thông thường khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi.

Bước thứ tư là tôi sản phẩm. Kỹ thuật tôi là khâu quan trọng nhất của nghề rèn truyền thống. Sau khi tạo xong dáng của sản phẩm thì tiến hành tôi. Người Mông có nhiều cách tôi khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có bỏ một lượng muối vừa phải; có loại thì tôi bằng thân cây chuối rừng và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người Mông cho rằng, phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gãy. Những người thợ rèn giỏi chỉ cần gõ nhẹ vào sản phẩm là đã biết tốt hay xấu.

Bước thứ năm là mài sản phẩm. Đây là một khâu không thể thiếu để tạo nên sản phẩm tốt, nhìn qua ta thấy khá đơn giản nhưng để mài được một lưỡi dao sắc thì đòi hỏi phải biết cách mài. Trước tiên, người ta không mài vào lưỡi ngay mà phải mài từ ngoài bằng đá thô vào trong lưỡi, khi nhìn thấy lưỡi mỏng người ta mới bắt đầu mài phần lưỡi bằng đá mịn. Trong lúc mài phải chú ý đổ nước liên tục tránh mài đá khô hay ít nước, vì mài như vậy lưỡi dao sẽ nóng lên ảnh hưởng đến độ sắc của lưỡi.

Ngày trước, 100% các công đoạn này đều bằng thủ công nhưng ngày nay một số công đoạn làm rèn đã sử dụng máy móc như quạt điện thổi lò, máy mài. Nhờ máy móc hiện đại, thợ rèn người Mông có thể làm nhanh, làm đẹp. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, sản phẩm làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian.

Bí quyết để làm ra những con dao có độ sắc và độ bền chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà kinh nghiệm ấy lại rất khó để diễn tả bằng lời. Ngoài việc chọn loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép trong khi làm. Ngoài kỹ thuật tôi thép, còn có rất nhiều bí quyết khác như việc chọn loại thép tốt, phù hợp với từng sản phẩm. Không phải cứ có thép là làm được chiếc dao sắc bén.

Thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng có người thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi, đây là cách rèn hay được áp dụng nhiều nhất. Người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Than đốt lò để rèn cũng rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi của cây rừng. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay bễ phải đều tay.

Các đồng chí cán bộ Bảo tàng Nghệ An đang khảo sát nghề rèn

tại nhà ông Vừ Chư Chênh, bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

  1. Giá trị kinh tế

Nghề rèn của người Mông ngoài sản xuất nông cụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt thường ngày, mà còn bán ra thị trường trong tỉnh. Sản phẩm chủ yếu là dao, cuốc, xẻng, búa, liềm và các loại nông cụ khác. Giá 1 chiếc dao tốt được bán ở Mường Lống, huyện Kỳ Sơn từ 400.000 – 500.000 đồng.

Trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống là một việc làm hết sức cấp bách, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc.

                                                       Thành Lê

                                                    Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Kiểm kê – Bảo quản

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial