MIG-21 VÀ SÂN BAY DỪA – CÁNH “ÉN BẠC” TRONG LỊCH SỬ KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

Ngày đăng: 26/04/2025 16:33

Sân bay Dừa còn được biết đến với tên gọi Sân bay Anh Sơn tọa lạc tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ  An, bắt đầu được xây dựng từ 1964 và hoạt động đến 1972 với vai trò chính là góp phần chi viện cho miền Nam và bảo vệ không phận miền Bắc. Nằm trong vùng đất miền núi của Nghệ An, vị trí của sân bay Dừa cho phép kiểm soát không phận trên nhiều địa bàn chiến lược như Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Trị Thiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch đánh chặn và bảo vệ không phận. Nơi đây từng là căn cứ xuất kích của những chiếc MiG-21 “Én bạc”, góp phần vào chiến công huyền thoại: đánh trúng B.52 – niềm tự hào của Không quân Mỹ.

Là một trong những sân bay bí mật của Không quân Nhân dân Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Với địa thế kín đáo, sân bay Dừa là nơi tập kết chiến đấu cơ, huấn luyện phi công, triển khai các chiến dịch không chiến mà không bị phát hiện bởi máy bay trinh sát Mỹ. Các phi công tại sân bay Dừa được rèn luyện trong môi trường cực kỳ gian khổ: Huấn luyện bay đêm, bay thấp, bay trong điều kiện thời tiết xấu để né tránh radar của Mỹ. Luyện tập chiến thuật tiếp cận B.52 từ các góc tấn công bất ngờ, giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống dẫn đường mặt đất, đảm bảo tiếp cận mục tiêu chính xác. Chính từ nơi đây, những phi công như Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn và đồng đội đã bước vào trận chiến lịch sử với B.52.

Anh hùng LLVTND-  Đại tá  phi công Nguyễn Văn Nghĩa , đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ trước lối vào

cửa hầm Sân Bay Dừa năm xưa (Nguồn: VIAGS)

Đường vào cửa hầm được bộ đội công binh đào xuyên qua núi,      

cất giữ được 4 máy bay tiêm kích MiG 21 (Nguồn: VIAGS)

Sở Chỉ huy Không quân mang mật danh B3 được thành lập vào tháng 10 năm 1971, đặt tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, do Tư lệnh Không quân, Đại tá Đào Đình Luyện, trực tiếp chỉ huy. Cùng thời gian này, Sở Chỉ huy tiền phương mang mật danh B8 được đặt tại thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, do Phó Tư lệnh Không quân, Thượng tá Trần Mạnh và Trung tá Trần Hanh chỉ huy. Việc thành lập hai sở chỉ huy này nhằm mục đích nghiên cứu và triển khai chiến thuật đối phó với máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ, đặc biệt trong khu vực Khu 4, nơi Mỹ tăng cường bắn phá hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. ​

Dưới sự lãnh đạo của Đại tá Đào Đình Luyện tại Sở Chỉ huy B3, các sĩ quan dẫn đường như Lê Thành Chơn và Hoàng Kế Thiện đã đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và dẫn đường cho các phi công tiêm kích MiG-21 thực hiện nhiệm vụ đánh chặn B-52. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở chỉ huy và phi công đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vùng trời miền Bắc và tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn.​

Những chiếc MiG – 21 từng xuất kích tại Sân bay Dừa là một trong những máy bay tiêm kích siêu thanh thành công nhất trong lịch sử, do Liên Xô thiết kế, sản xuất và viện trợ cho Việt Nam từ năm 1965. Với tốc độ tối đa lên đến Mach 2.05 (khoảng 2.100 km/h), MiG-21 có khả năng cơ động nhanh, leo cao tốt, trở thành một trong những vũ khí lợi hại nhất và là tiêm kích đáng gờm của Không quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. MiG được ví như những cánh chim bạc trên bầu trời Việt Nam với các đặc điểm nổi bật của gồm: Tốc độ siêu thanh có thể đạt Mach 2 giúp tiếp cận mục tiêu nhanh chóng; Thiết kế nhỏ gọn, cơ động cao, thích hợp cho các trận không chiến tốc độ cao. MiG 21 được trang bị tên lửa không đối không K-13, có thể hạ gục mục tiêu từ cự ly xa; thích nghi với mọi điều kiện chiến đấu, kể cả trong đêm tối và thời tiết xấu. Sự kết hợp giữa máy bay hiện đại, chiến thuật linh hoạt và tinh thần quả cảm của các phi công đã biến MiG-21 thành một biểu tượng huyền thoại trong lịch sử không quân Việt Nam.

Những cánh én bạc trong lịch sử Quân sự Việt Nam

MiG – 21 đối đầu B.52 là một cuộc chiến không cân sức trên bâu trời Việt Nam lúc bấy giờ. Máy bay ném bom chiến lược B.52 Stratofortress của Mỹ được mệnh danh là “pháo đài bay bất khả xâm phạm”, với khả năng mang hàng chục tấn bom, bay ở độ cao 10-12km, ngoài tầm với của hầu hết hệ thống phòng không thời bấy giờ. Không quân Mỹ tin rằng MiG-21 không thể chạm tới B.52, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Với chiến thuật sáng tạo, các phi công Việt Nam đã tận dụng tốc độ, kỹ năng bay thấp, luồn lách qua hệ thống radar, áp sát B.52 ở cự ly gần và tung đòn quyết định. Thành công đầu tiên của chiến thuật này chính là trận đánh xuất kích từ sân bay Dừa năm 1971.

Máy bay B-52 ném bom trong Chiến tranh Việt Nam, ngày 5/11/1965. Nguồn: Printerest.

Trận không chiến lịch sử: MiG-21 từ sân bay Dừa đối đầu B.52. 20 giờ 40 phút ngày 20/11/1971, từ Sở Chỉ huy B3, lệnh xuất kích được phát đi. Phi công Vũ Đình Rạng, điều khiển MiG-21 từ sân bay Dừa, nhận nhiệm vụ chặn đánh biên đội B.52 đang hướng về miền Trung. Sau khi cất cánh, Vũ Đình Rạng bay thấp theo địa hình núi Đại Huệ để tránh radar Mỹ. Khi tiếp cận mục tiêu, anh nhanh chóng tăng tốc, áp sát đội hình 3 chiếc B.52. Ở cự ly gần, Vũ Đình Rạng khai hỏa tên lửa K-13, đánh trúng động cơ một chiếc B.52. Chiếc máy bay khổng lồ rung chuyển dữ dội, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhon Phanom (Thái Lan) và sau đó bị loại khỏi biên chế. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, một chiếc MiG-21 có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến B.52, chứng minh rằng pháo đài bay của Mỹ không phải là bất khả chiến bại. Sau trận chiến, phi công Vũ Đình Rạng rút ra bài học quan trọng: Nếu bắn hai quả tên lửa liên tiếp, khả năng hạ gục B.52 ngay trên không sẽ cao hơn. Chính từ kinh nghiệm này, đến năm 1972, trong chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân đã áp dụng chiến thuật bắn liên tiếp hai tên lửa, chính thức hạ gục B.52 trên bầu trời Hà Nội, ghi dấu vào lịch sử không chiến thế giới. Sau này, khi có cơ hội về thăm lại sân bay Dừa vào năm 2015, đại tá Vũ Đình Rạng đã chia sẻ: “Là phi công chiến đấu với hàng nghìn lần cất cánh và hạ cánh, hàng trăm lần xuất kích, gắn bó với hàng chục sân bay nhưng tôi không thể quên trận xuất kích đêm 20/11/1971 ở sân bay Dừa. Với tôi, vùng trời Nghệ An luôn là những kỷ niệm đẹp”

Từ sân bay Dừa giữa mưa bom bão đạn, những “Én bạc” MiG-21 đã cất cánh, viết nên những trang sử hào hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cánh chim thép ấy vẫn tiếp tục bay lên trong tâm trí của bao thế hệ yêu nước hôm nay, như một biểu tượng bất diệt của lòng dũng cảm, trí tuệ và tinh thần quật cường của dân tộc.

Năm 2025, đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – dấu mốc thiêng liêng khắc sâu trong lịch sử đấu tranh giành độc lập. Nhìn lại chặng đường đã qua, những chiến công của Không quân Nhân dân Việt Nam, với hình tượng những chiếc MiG-21 và những phi công anh hùng, vẫn vẹn nguyên giá trị như một lời nhắc nhở về ý chí kiên cường, lòng yêu nước và tinh thần sáng tạo không ngừng của cha ông. Trải qua bao thăng trầm, chiến tranh khép lại nhưng những chiến công oanh liệt vẫn còn vang vọng. Một trong những chứng nhân lịch sử tiêu biểu của thời kỳ hào hùng ấy chính là chiếc MiG-21 mang số hiệu 6104, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An. Ngày 22/8/1985, hiện vật này được đơn vị Bộ đội Phòng không – Không quân C43F370 bàn giao cho Bảo tàng, trở thành một minh chứng sống động về những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng vinh quang của Không quân Việt Nam.

 

Hiện vật Máy bay MiG 21 số hiệu 6104 đang được phát huy tại Bảo tàng Nghệ An

Ngày nay, giữa thời bình, chiếc MiG-21 số hiệu 6104 không chỉ là một hiện vật, mà còn là một câu chuyện lịch sử chân thực giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh, lòng quả cảm và bản lĩnh phi thường của cha ông ta. Khi các em học sinh, sinh viên đứng trước chiếc MiG-21 ấy, lắng nghe những câu chuyện về các trận xuất kích để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc, các em không chỉ thấy một ký ức chiến tranh, mà còn cảm nhận một di sản tinh thần bất diệt – nơi hun đúc lòng yêu nước, nuôi dưỡng khát vọng hòa bình và thắp sáng ý chí vươn lên để dựng xây quê hương. Từ những cánh “Én bạc” MiG-21 kiêu hãnh năm xưa, đến khát vọng bay cao, bay xa của thế hệ trẻ hôm nay, tinh thần chiến thắng của dân tộc Việt Nam vẫn mãi trường tồn, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ trên hành trình xây dựng một đất nước ngày càng vững mạnh, hòa bình và thịnh vượng!

Thu Vân 

Phòng Trưng bày, Tuyên truyền và Giáo dục

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial