Ngày đăng: 08/03/2022 08:29
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ. Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910, Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ Đức đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để kỷ niệm những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới với những khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em. Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc. Phụ nữ Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, có tiềm năng to lớn, là động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển Kinh tế – xã hội. Phụ nữ là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng, điều kiện lao động, trình độ văn hoá, vị trí xã hội, đời sống vật chất tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của thế hệ tương lai.
Vì vậy, phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu, là nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời Bác Hồ đã từng dạy: Khi nào chưa giải phóng được cho phụ nữ thì khi đó công cuộc cách mạng giải phóng con người vẫn phải còn.
Nhân kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), 1982 năm khởi nghĩa Hai bà Trưng và chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 – 2027). Bảo tàng Nghệ An xin gửi tới các chị em phụ nữ tình cảm thân thương quý trọng cùng lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các chị em mãi luôn khoẻ mạnh, nhiều niềm vui và tràn đầy hạnh phúc.
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]