KỶ VẬT KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA QUÂN VÀ DÂN NGHỆ AN TẠI BẢO TÀNG NGHỆ AN – TỪ SƯU TẦM, BẢO TỒN ĐẾN PHÁT HUY GIÁ TRỊ.

Ngày đăng: 24/06/2024 16:11

  1. Mở đầu

Là một địa phương có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng qua các cuộc kháng chiến, Nghệ An có hơn 596.000 người tham gia vào lực lượng quân đội; khoảng 37.000 người tham gia vào lực lượng TNXP; hơn 15.000 người đi dân công hỏa tuyến. Tỉnh có gần 45.000 người được công nhận liệt sỹ;  hơn 42.000 người được công nhận thương binh; 17.000 người được công nhận bệnh binh; hơn 1000 Bà mẹ được tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Chiến tranh đã đi qua nhưng có rất nhiều câu chuyện sinh động của quân và dân Nghệ An được ghi lại trong những kỷ vật kháng chiến đang được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích nói chung, Bảo tàng Nghệ An nói riêng. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, là minh chứng cho lòng quả cảm, cho chiến công của các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến và nhân dân Nghệ An trong các cuộc chiến. Kỷ vật kháng chiến đã trở thành di sản quý giá, rất đáng tự hào, luôn được các thế hệ người Việt Nam trân trọng, gìn giữ. Việc sưu tầm, trưng bày, phát huy giá trị những kỷ vật kháng chiến là hết sức quan trọng, cần thiết.

  1. Kết quả công tác sưu tầm, bảo quản tài liệu hiện vật về kháng chiến chống Pháp

Với trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc bảo tồn, gìn giữ những kỷ vật kháng chiến thiêng liêng của cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, bao thế hệ cán bộ Bảo tàng Nghệ An đã âm thầm rong ruổi khắp các huyện, thành, thị của tỉnh để điền dã sưu tầm, thu thập thông tin những hiện vật kháng chiến đang còn nằm tản mát trong từng cá nhân, gia đình, từng địa phương nơi diễn ra các trận chiến ác liệt. Đến nay, Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ hơn một trăm hình ảnh tư liệu và 144 hiện vật có giá trị phản ánh những đóng góp của quân và dân Nghệ An trong kháng chiến chống Pháp. Hiện vật chủ yếu là các kỷ vật của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân gia đình liệt sĩ đã từng tham gia phục vụ và chiến đấu tại các chiến trường.

 Hiện vật chống Pháp chủ yếu là quân tư trang, đồ dùng cá nhân, chiến lợi phẩm của bộ đội, TNXP sử dụng trong kháng chiến chống Pháp từ 1946-1954, thuộc các nhóm chất liệu chính như: vải, giấy, kim loại. Kỷ vật sau khi trở thành hiện vật bảo tàng được vào sổ đăng ký, làm hộ chiếu, lý lịch, vào phần mềm quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hóa, được bảo quản thường xuyên để kéo dài tuổi thọ của hiện vật và trưng bày phát huy giá trị. Hơn 70 tư liệu, hiện vật được chọn lọc đưa ra trưng bày tại hệ thống trưng bày thường trực ở chủ đề 4: Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc ( từ năm 1945-1975) như chiếc gậy của ông Ngô Sĩ Tấn, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu sử dụng trong chiến dịch Hòa Bình 1951-1952; Áo trấn thủ của ông Nguyễn Sĩ Khuyến, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, được cấp năm 1954, ông đã mặc và tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay đôi dép mòn vẹt đế của ông Phan Văn Thành, xóm 6, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn đã rong ruổi khắp các địa danh Cò Nòi, Hát Lót, Suối Rút… để phục vụ cung cấp lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Học sinh tham quan các kỷ vật kháng chiến trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An

  • Thuận lợi:

Việc sưu tầm tài liệu, hiện vật kháng chiến chống Pháp có thuận lợi do Nghệ An có lực lượng tham gia phục vụ và chiến đấu các chiến trường đông, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Bên cạch đó, các cựu chiến binh và thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ đều sẵn lòng hiến tặng, chuyển giao hiện vật cho bảo tàng để phục vụ trưng bày, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

1.2 Khó khăn:

Trong kế hoạch khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật hàng năm để bổ sung kho cơ sở, hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật, Bảo tàng Nghệ An chú trọng và ưu tiên hàng đầu việc sưu tầm tư liệu, hiện vật về các cuộc kháng chiến. Tuy nhiên việc sưu tầm kỷ vật kháng chiến, nhất là kỷ vật kháng chiến chống Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các cựu binh lớn tuổi người còn, người mất. Người còn thì tuổi cao, sức khỏe giảm sút, trí tuệ không còn đủ minh mẫn để nhớ và kể lại những kỷ niệm sâu sắc, quí giá mà chính họ đã trải qua, đã chứng kiến.

Mặt khác, cuộc sống thay đổi, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm mất dần nhiều dấu tích quan trọng ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta trên các chiến trường… Rồi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cũng đã và đang làm cho các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày được thay thế, nhiều kỷ vật kháng chiến có nguy cơ bị quên lãng, mất mát. Có những kỷ vật còn lại trải qua thời gian rất khó bảo quản để lưu giữ lâu dài. Vì vậy có những chuyến khảo sát sưu tầm, dù công phu nhưng cán bộ bảo tàng không thể thu nhận được gì từ nhân chứng.

Một khó khăn phải kể đến đó là kinh phí sưu tầm hàng năm được cấp cho các bảo tàng để sưu tầm tài liệu hiện vật không nhiều. Tầm 70 – 80 triệu/ năm. Để sưu tầm được hiện vật phải trải qua 7 bước theo Thông tư 11/2013/TT- BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sưu tầm tài liệu hiện vật của bảo tàng công lập nên tốn không ít thời gian và kinh phí. Có nhiều trường hợp sau khi hoàn tất các thủ tục, cán bộ sưu tầm quay trở lại địa phương thì hiện vật đã mất mát, hư hỏng, không thể phục hồi.

  1. Công tác giáo dục di sản để phát huy giá trị tài liệu, hiện vật về kháng chiến chống Pháp

Những kỷ vật kháng chiến hiện có tại Bảo tàng Nghệ An, các bảo tàng Trung ương và địa phương khác trong cả nước là biểu hiện sinh động, phong phú, có sức thuyết phục mạnh mẽ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là những kỷ vật gắn với chiến tranh mà còn là tài sản vô giá của văn hóa Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Nhận thức sâu sắc điều này, từ các tư liệu, hiện vật hiện có, Bảo tàng Nghệ An đã xây dựng thành các sưu tập phục vụ trưng bày tại hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng và xây dựng các trưng bày chuyên đề để đi trưng bày lưu động tại các địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị như: “ Nghệ An trong các cuộc kháng chiến”, “ Đóng góp của Quân và dân Nghệ An trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, “ Ký ức Thời hoa lửa”, “ Ngọn lửa tri ân”,…

 

Kỷ vật kháng chiến được giới thiệu trong chuyên đề “ Ký ức thời hoa lửa”

Sinh viên được gặp gỡ, giao lưu với CCB đại tá- phi công Trần Văn Đông tại Bảo tàng

Bảo tàng cũng tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, mời các nhân chứng lịch sử, các chủ hiện vật, thân nhân gia đình liệt sĩ đến để trò chuyện với thế hệ trẻ.

Cùng với trưng bày, giáo dục vừa là chức năng chính, vừa là kênh kết nối hiệu quả nhất để giới thiệu, quảng bá giá trị các tài liệu, hiện vật tới đông đảo công chúng, trong đó thế hệ trẻ vừa là công chúng mục tiêu vừa là công chúng tiềm năng của Bảo tàng Nghệ An. Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên đa dạng hóa các chương trình giáo dục di sản với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Năm 2019, lần đầu tiến Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức sinh hoạt CLB “ Em yêu lịch sử”  cho các em học sinh THCS tại thành phố Vinh. Học sinh ngoài việc được tìm hiểu về lịch sử thông qua các kỷ vật kháng chiến, được hóa thân thành bộ đội, còn được trải nghiệm nếm thử thức ăn thời chiến để hiểu thêm phần được cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của bộ đội trong chiến tranh.

Dưới góc độ Bảo tàng học hiện đại, hoạt động trải nghiệm trong các chương trình giáo dục không chỉ trở thành một xu thế được nhiều bảo tàng hướng tới. Chính vì vậy, bảo tàng Nghệ An đã xây dựng không gian tương tác, trải nghiệm dành cho tuổi trẻ và thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng.

Trải nghiệm: “ Em vẽ kỷ vật kháng chiến” thu hút nhiều “ họa sĩ nhí” tham gia

Năm 2024,  thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Nghệ An đã phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia tổ chức Câu lạc bộ “ Em yêu lịch sử” với chủ đề:  Hào khí Điện Biên tại trường THCS Hoàng Tá Tốn, huyện Yên Thành, trường THCS Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc…với các hoạt động bổ ích. Trong đó có hoạt động trải nghiệm “Vận chuyển lương thực vào trận địa” để giúp các em học sinh có thể hình dung và hiểu hơn gian khổ của những người dân công trong quá trình vận chuyển lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia hoạt động này, các em học sinh được hóa thân thành các cô, chú dân công, sử dụng xe đạp thồ – một phương tiện hiệu quả nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ để vận chuyển những bao lương thực, vượt qua chướng ngại vật mang vào trận địa để phục vụ chiến dịch. Hoạt động này giúp các em hiểu hơn về sự sáng tạo, dũng cảm, tinh thần vượt khó khăn, gian khổ “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời rèn luyện kỹ năng khéo léo, tinh thần đồng đội, khả năng linh hoạt và tính sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị khối di sản tư liệu liên quan đến kỷ vật kháng chiến nói chung, chống Pháp nói chung cũng gặp những khó khăn ngay từ chính nội tại của bảo tàng từ cách tư duy, quan điểm và cách tiếp cận của cán bộ bảo tàng còn chưa theo kịp với sự thay đổi của thời đại, chưa thích ứng nhanh với sự thay đổi nhu cầu học tập, thưởng lãm văn hóa của công chúng.

          Bảo tàng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc dạy và học ngoài nhà trường, việc sử dụng di sản văn hoá trong dạy và học còn chưa sâu rộng. Bảo tàng và nhà trường chưa có nhiều chương trình phối hợp giáo dục lịch sử, văn hoá cho học sinh. Việc tham quan, học tập tại bảo tàng của các nhà trường còn ồ ạt, chưa chú trọng xây dựng được chương trình tham quan chủ điểm cho học sinh các cấp.

  1. Một số giải pháp và kiến nghị đề xuất

Hiện nay, vai trò giáo dục truyền thống cách mạng của bảo tàng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để hoạt động giáo dục di sản của Bảo tàng Nghệ An trong thời gian tới ngày một nâng cao về số lượng và chất lượng, việc đầu tiên đó là phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng chuyên môn từ chính đội ngũ cán bộ bảo tàng. Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn giúp cho họ có nhiều cách tiếp cận cũng như có khả năng chủ động trong các hoạt động nghiệp vụ, nhất là  giáo dục trải nghiệm bảo tàng.

– Đối với các chương trình giáo dục truyền thống cần bám sát nội dung kiến thức môn học lịch sử và giáo dục địa phương ở nhà trường kết hợp với nội dung, hiện vật trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng để nghiên cứu, lựa chọn chủ đề, xây dựng hoạt động trải nghiệm phù hợp.

– Tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và sự phối hợp giữa các bảo tàng, khu di tích; đẩy mạnh hoạt động tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống về sự kiện, về nhân vật lịch sử tại các nhà trường, các cơ quan, địa phương.

Ngoài ra, để làm tốt các hoạt động bảo tàng nói chung, hoạt động giáo dục di sản nói riêng rất cần sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cấp các ngành, sự tạo điều kiện về nhân lực, vật lực, tài chính cho công tác đổi mới hệ thống trưng bày cố định và nâng cao chất lượng hiệu quả của các cuộc trưng bày chuyên đề.

Ths. Phan Thị Hà Long

Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial