Ngày đăng: 24/03/2021 10:07
Trong số hàng trăm bức tranh thêu cổ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, có một bức về đề tài gia đình rất đẹp và độc đáo. Đó là bức tranh thêu “ Bàn đào hiến thọ”, mang số phân loại 2963/V.139, hồ sơ 504.
Bức tranh “ Bàn đào hiến thọ” hình chữ nhật, có chiều dài 160 cm, chiều rộng: 75cm, được thêu thủ công trên vải dạ hai lớp. Lớp dưới bằng vải dạ màu nâu, lớp trên bằng vải thô màu đỏ, diềm ngoài bằng vải gấm xanh không trang trí, viền trong trang trí dây hoa và các hình lục giác liên kết thành từng cụm đăng đối nhau. Phần trên bức tranh thêu bài thơ ngũ ngôn bằng chữ Hán gồm 16 câu bằng chỉ thêu màu tím, có nội dung được dịch nghĩa như sau: Mâm đào dâng lên mừng thọ
Từng đọc sách thánh hiền
Trăm nết, hiếu là đầu
Xưa, Lão Lai đã 70 tuổi còn bận áo năm màu múa cho bố mẹ vui
Công Kỷ nước Ngô mới sáu tuổi được dự tiệc đã biết lấy quà về biếu mẹ
Người xưa là như vậy
Ta nay há dửng dưng
Cha mẹ lên tuổi thọ
Chúng con “ biết tuổi” rất mừng
( Mong cho cha mẹ) như cây Tùng xanh tốt mãi
Cùng núi non không hề xói lở
Hàng ngày sáng chiều thăm hỏi
Ngon ngọt kính dâng lên
Muôn thủa mong sao được thấy
Trăm đời không thể nào quên
Cha mẹ treo gương sáng
Cả nhà sao lại không vui.
Bài thơ mừng thọ là lời tự sự nhẹ nhàng nhắc nhủ con cái hiếu nghĩa với mẹ cha, kế tục truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân đi trước, đồng thời nêu gương sáng về sau.
Phần dưới bức tranh, góc phải, phía trên thêu 2 dòng chữ Hán, phiên âm là Đinh Hợi niên đông, bàn đào hiến thọ (nghĩa là: Mùa đông năm Đinh Hợi, mâm đào dâng lên mừng thọ). Góc trái, phía dưới thêu dòng chữ Hán, phiên âm: Tử tôn hôn tế đồng bái khánh( nghĩa là: Con cháu, dâu rể cùng kính mừng). Trung tâm bức tranh tái hiện lại một không gian làng quê yên bình với hàng cau cao vút, có đào mai khoe sắc thắm, ở giữa thêu cảnh con cháu vui mừng, hớn hở đến mừng thọ ông bà. Người nghệ nhân đã thổi hồn mình vào từng đường kim tinh tế, phối màu chỉ hài hòa để từng cảnh vật, con người toát lên một vẻ sinh động đến kỳ lạ. Nét mặt con cháu đầy phấn khởi, bước chân linh hoạt, kính cẩn dâng lên ông bà mâm đào tươi ngọt. Ta cũng cảm nhận được sự mãn nguyện của ông bà qua nét mặt rạng ngời, tràn đầy hạnh phúc.
Không quá nhiều họa tiết, nhưng bằng cách phối màu chỉ hợp lý, với gam màu nóng chủ đạo như vàng, cam, xanh nổi bật trên nền vải đỏ, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh mừng thọ rất trang trọng, ấm cúng, dân giã mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu ở làng quê xứ Nghệ.
Các sinh hoạt, lễ nghi truyền thống trong gia đình từ xưa đã được chọn làm chủ đề sáng tác của các nghệ nhân dân gian trên khắp các chất liệu từ gỗ, đồng đến vải…. Có thể thấy bức tranh thêu “Bàn đào hiến thọ” cũng lấy cảm hứng từ mỹ tục mừng thọ ông bà, cha mẹ của người Việt. Qua đó để thấy được vị trí quan trọng của tình cảm gia đình thiêng liêng trong tiềm thức của người xứ Nghệ.
Bức tranh này được sưu tầm về Bảo tàng từ những năm 1970, khi đó còn là phòng Bảo tàng thuộc Ty văn hóa thông tin Nghệ An, không rõ địa điểm sưu tầm. Về niên đại của tranh, vì có chữ “ Đinh Hợi mạnh đông” cùng chất liệu vải, màu chỉ thêu mà Hội đồng thẩm định do Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quóc gia Việt Nam và Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, thành viên Hội đồng Khoa học TW chủ trì ngày 17/9/2006 đã xác định bức tranh này được thêu nào mùa đông năm Đinh hợi 1887. Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá rất cao kỹ thuật và mỹ thuật của những bức tranh thêu này, xem đây là cổ vật quý, có giá trị phản ánh trình độ và kỹ thuật thêu điêu luyện của người thợ thêu xứ Nghệ.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, kỹ thuật thêu và các sản phẩm thêu truyền thống xuất hiện khá phổ biến trong các dân tộc như Kinh, Mông, Dao, Thái, Mường,.. Song mỗi dân tộc lại có cách thể hiện, cách chọn đề tài với các loại hình hoa văn, họa tiết khác nhau tượng trưng cho nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng riêng của từng dân tộc. Ở Nghệ An, ngoài dân tộc Kinh, thì cộng đồng người Thái và Mông ở các huyện miền Tây như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông cũng có những sản phẩm thêu rất đặc sắc, chủ yếu là thêu trên trang phục như váy, áo, khăn hoặc chăn,. Nếu hoa văn trên trang phục của người Mông và Thái chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc với chủ đề là cỏ cây, hoa lá, muông thú… những khung cảnh gắn với môi trường sống của họ thì hoa văn trong tranh thêu người Việt đa dạng về loại hình với chủ đề phong phú như : tranh cúc- điểu, liên – điểu, anh hùng tương ngộ, tam đa, vinh quy, tùng hạc…
Chỉ với đường kim, mũi chỉ nhưng bằng sự sáng tạo và nhẫn nại của mình, người nghệ nhân thêu đã tạo ra những sản phẩm hết sức đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương, của dân tộc mình đồng thời mỗi bức tranh thêu là cả tâm huyết hồn dáng của người thợ.
Phan Thị Hà Long
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]