Khảo sát phục vụ xây dựng phòng Mỹ Thuật Nghệ An xưa và nay

Ngày đăng: 17/06/2022 11:52

Thực hiện Quyết định số: 3776/QĐ- SVHTT, ngày 31/12/2021 của Giám đốc Sở VH&TT, về việc giao kế hoạch công tác năm 2022 cho Bảo tàng Nghệ An, trong đó có chỉ tiêu Khảo sát, sưu tầm và thu hồi tài liệu, hiện vật; Đồng thời để phục vụ xây dựng phòng Mỹ Thuật Nghệ An xưa và nay.

Từ ngày 02 đến ngày 16 tháng 6 năm 2022 cán bộ phòng Nghiên cứu- Sưu tầm, Bảo tàng Nghệ An đã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức khảo sát, làm việc với Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, phòng Mỹ Thuật của Hội, gặp gỡ làm việc với các họa sỹ của Nghệ An, lập danh mục các tác giả, tác phẩm hội họa, điêu khắc đạt giải: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Khu vực Bắc miền Trung, Toàn Quốc…như hoạ sỹ: Trần Minh Châu, Nguyễn Trọng Hiệp, Hoàng Hải Thọ, Nguyễn Bá Siếu, Nguyễn Thị Lợi, Hồ Thiết Trinh, Tiêu Cao Sơn, Nguyễn Đình Truyền, Trần Nghiên, Thái Văn An…

 Qua trao đổi nắm bắt thông tin các họa sỹ có tâm tư nguyện vọng muốn tỉnh Nghệ An thực hiện nơi trưng bày về hiện vật và các tác phẩm Mỹ thuật từ thời Tiền sử cho đến ngày nay, nhất là các tác phẩm đã đạt giải qua các cuộc thi.

Bước chân vào ngôi nhà nhỏ bình dị xóm Khánh Hậu, xã Hưng Hòa (TP Vinh) của hoạ sỹ – nhà điêu khắc Trần Minh Châu, chúng tôi như lạc vào không gian của một Bảo tàng nghệ thuật mi ni. Hàng loạt bức tranh được treo trên tường và những bức tượng lớn, bé được ông xếp đặt tỉ mẩn từ sân, vườn vào tận phòng khách. Ông tự hào giới thiệu cho chúng tôi về những tác phẩm điêu khắc đã giành được các giải thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam như: “Tình biên giới”;  “ Hát xẩm”, “ Chiến tranh để lại”, “Tần tảo”, “Kêu cứu”, “ Vui bên bác”…

Còn hoạ sỹ Nguyễn Đình Truyền – thế hệ họa sỹ kế cận, hiện là Trưởng ban Mỹ thuật, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, người được đánh giá là tác giả của những tác phẩm khắc gỗ, trổ giấy với sự tươi mới, khoáng đạt từ đường nét, hình khối. Tài sản của hơn 30 năm cầm cọ vẽ của ông là hơn 70 bức vẽ nhiều thể loại. Những tác phẩm nghệ thuật của ông đã để lại dấu ấn đặc biệt như bức tranh “Chiều về bản” đạt giải C của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (năm 2002) hay bức “Trung thu”    tranh khắc gỗ giải C Triễn lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2009, tác phẩm “ Hoa rừng” tranh trổ giấy, giải B Triễn lãm khu vực Bắc miền Trung 2016.

Ở không gian ngôi nhà nhỏ của họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp trên đường Đinh Công Tráng các tác phẩm tranh vẽ của ông ngoài treo trên tường còn lại được xếp chồng lên nhau. Ông hào hứng giới thiệu kể cho chúng tôi nghe về các tác phẩm đạt giải như: “Nông trường bò” (50x70cm) chất liệu bột màu Triễn lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng Nguyễn Du, “ Nhà máy phốt phát 3.2” (50x70cm) chất liệu khắc gỗ Triễn lãm mỹ thuật toàn quốc, giải thưởng Hồ Xuân Hương và nhiều tác phẩm ông đã tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng quân sự Việt Nam.

Với họa sỹ Hồ Thiết Trinh ông có rất nhiều tác phẩm đạt giải thưởng Triển lãm mỹ thuật khu vực IV như: “ Trục lúa đêm trăng” năm 2006, “ Khát Vọng làng lòi” năm 2007, “ Công dân mới của Trường Sa” năm 2013, “ Một chiều dòng lam” năm 2014, “ Ước mơ của người lính đảo” năm 2018, “ Bão lũ- nỗi ám ảnh” năm 2019…

Họa sỹ Hoàng Hải Thọ các tác phẩm lại mang một phong cách riêng, các tác phẩm đạt giải B Triễn lãm khu vực Bắc miền Trung như “ Đi nhủi” được làm bằng chất liệu giấy gió (60x80cm). Tác phẩm “ Về đi voi ơi” chất liệu khắc gỗ ( 80 x 80cm) giải A Triễn lãm khu vực Bắc miền Trung; “Ký ức mùa lũ” chất liệu khắc đồng (50x50cm) giải thưởng Triễn lãm mỹ thuật toàn quốc.

Hầu hết những hoạ sỹ tên tuổi ấy là hội viên tích cực tham gia các hoạt động mỹ thuật của tỉnh; họ góp mặt trong các cuộc triển lãm thường niên và gặt hái những giải thưởng, bằng khen, tặng thưởng mỹ thuật cao quý. Thế hệ hoạ sỹ ấy đã góp phần không nhỏ trong việc đưa mỹ thuật tỉnh nhà tạo dấu ấn riêng trên “bản đồ” mỹ thuật của cả nước.

                                                                                                                                     Đinh Thị Ánh Tuyết

                                                                                                              PTP. Nghiên cứu – Sưu tâm, Bảo tàng Nghệ An

 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial