Ngày đăng: 21/10/2024 08:22
Ngày 18/10/2024, Bảo tàng Nghệ An tổ chức họp Hội đồng khoa học thẩm định tài liệu, hiện vật khảo sát năm 2024 do đồng chí Nguyễn Trọng Cường – Giám đốc Bảo tàng Nghệ An – Chủ tịch Hội đồng chủ trì.
Tham dự cuộc họp có 2 chuyên gia ngành dân tộc học Tiến sĩ: Võ Thị Mai Phương – Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, phim Dân tộc học – Bảo tàng dân tộc học Việt Nam và Thạc sĩ: Phạm Kim Ngân – Phó giám đốc Bảo tàng Tố Hữu cùng các đồng chí thành viên thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính.
Cuộc họp nhằm thẩm định, xác minh làm rõ tên gọi, niên đại, công dụng, giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị kinh tế của của 247 hiện vật được cán bộ Bảo tàng Nghệ An khảo sát tại 02 huyện Tân Kỳ và Tương Dương phục vụ dự án trưng bày bảo tàng văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An. Các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến đánh giá xác đáng, đưa ra khỏi danh mục những hiện vật tiềm ẩn nguy cơ mối mọt, khó bảo quản lâu dài đồng thời tư vấn hướng khai thác, bổ sung thông tin để hoàn thiện hồ sơ hiện vật.
Tiến sĩ Võ Thị Mai Phương cũng đề nghị cán bộ sưu tầm cần phải nghiên cứu kỹ về nội dung, đặt ra mục tiêu sưu tầm và tìm giải pháp dân vận để đạt được hiệu quả cao nhất như bám vào các già làng trưởng bản, nhưng người có uy tín trong cộng đồng vì những người này ngoài việc lưu giữ nhiều tri thức dân gian, thông tin về bản làng còn hỗ trợ nhiều trong việc thuyết phục người dân chuyển nhượng hiện vật cho bảo tàng. Nghiên cứu sưu tầm để đề xuất lựa chọn phương án trưng bày phù hợp thực tiễn ví dụ như căn cứ vào số lượng, chất lượng và thông tin của hiện vật, câu chuyện hấp hẫn hay không để đề xuất trưng bày tái tạo không gian lễ nghi, phong tục tập quán, còn nếu hiện vật đơn lẻ thì không sưu tầm mà sẽ chuyển sang phương án thu thập tư liệu để dựng phim.
ThS: Phạm Kim Ngân: Trong quá trình đi khảo sát những hiện vật mây, tre, nứa cần thỏa thuận để đồng bào xử lý hiện vật xong ( gác bếp) trước khi đưa về kho bảo tàng. Về trang phục nếu đặt mới thì nên đặt theo số đo của chủ hiện vật vì hiện vật chỉ có giá trị khi gắn với câu chuyện của chủ thể.
Cuộc họp cũng thông qua hơn 300 hình ảnh phản ánh đặc trưng văn hóa của 05 dân tộc Thái, Thổ, Khơ mú, Ơ đu và Mông. Đa số các bức ảnh đều đảm bảo chất lượng, đẹp, xử lý kỹ thuật tốt. Tuy nhiên Hội đồng yêu cầu các tác giả bổ sung thông tin đầy đủ về địa điểm, bối cảnh, thời gian, nội dung chụp; lược bỏ bớt các bức ảnh có tính sắp đặt, chưa phản ảnh chân thực cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc.
Tại cuộc họp đồng chí Nguyễn Trọng Cường – Chủ tịch Hội đồng khoa học ghi nhận cũng như tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia và thành viên để làm tốt hơn công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong thời gian tới nhằm bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định hiện vật phục vụ trưng bày Bảo tàng văn hóa các dân tộc Miền tây Nghệ An
Các thành viên Hội đồng thẩm định đang nghiên cứu hồ sơ
Đ/c Nguyễn Trọng Cường – Giám đốc Bảo tàng Nghệ An – Chủ tịch Hội đồng khoa học
TS: Võ Thị Mai Phương – Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, phim Dân tộc học
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trao đổi về dân vận trong sưu tầm hiện vật
ThS: Phạm Kim Ngân – Phó giám đốc Bảo tàng Tố Hữu chia sẻ về cách khai thác thông tin tài liệu, hiện vật
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Chuyên viên phòng Quản lý Di Sản Văn hóa,
Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu định hướng công tác sưu tầm của bảo tàng,
Nguyễn Thị Thành Lê
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Kiểm kê – Bảo quản
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]