Bảo tàng Nghệ An

Bảo tàng Nghệ An ra đời năm 1979 với tên gọi là Bảo tàng Nghệ Tĩnh, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển từ những ngày đầu thành lập nhiều gian khó với những mái nhà cấp 4 thô sơ, nhỏ bé dưới những rặng phi lao trong khu vực thành Vinh cổ kính, các cán bộ viên chức không ngại khó khăn, vất vả đã cùng nhau đi khắp mọi vùng quê xứ Nghệ để sưu tầm tài liệu hiện vật, tổ chức nhiều buổi trưng bày lưu động để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong giai đoạn từ năm 1992 – 2002 trước khi Ban quản lý Di tích ra đời, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An với chức năng, nhiệm vụ vừa làm công tác nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày lưu động, hướng dẫn xây dựng nhà truyền thống cơ sở, vừa làm công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, nghiên cứu xây dựng kịch bản đón bằng, kịch bản tổ chức, phục hồi lễ hội truyền thống góp phần to lớn trong công tác bảo vệ, giữ gìn những bản sắc văn hóa của mọi vùng quê xứ Nghệ.

Cho đến hôm nay, Bảo tàng Nghệ An là nơi lưu giữ số lượng lớn các tài liệu hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu với 31.327 đơn vị hiện vật, hàng chục bộ sưu tập hiện vật quý hiếm và 3 bảo vật Quốc gia được Nhà nước công nhận năm 2017. Về cơ sở vật chất bảo tàng có tổng diện tích 13.300m2 trong đó nhà kho bảo quản hiện vật 2 tầng có diện tích 720m2. Nhà trưng bày với quy mô 3 tầng với tổng diện tích 3000m2. Năm 2005 UBND Tỉnh đã phê duyệt Đề cương trưng bày bảo tàng Nghệ An. Trong đó gồm 5 chủ đề chính:

Chủ đề 1: Nghệ An thiên nhiên và con người.

Chủ đề 2: Nghệ An thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước

Chủ đề 3: Nghệ An trong lịch sử đầu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc (từ thế kỷ 1 – 1945)

Chủ đề 4: Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (1945 – 1975)

Chủ đề 5: Nghệ An từ năm 1976 đến nay trong sự nghiệp đổi mới.

Với sự đầu tư trưng bày đổi mới, hài hòa nhiều chủ đề, nội dung hấp dẫn đầy lôi cuốn, Bảo tàng Nghệ An là bức tranh sống động mô tả lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nghệ An từ thời nguyên thủy cho đến thời hiện đại với thiên nhiên phong phú đa dạng, các dân tộc sinh sống hòa bình, giàu bản sắc, với nhiều hiện vật gốc giàu ý nghĩa…. Đây sẽ trở thành chốn giáo dục truyền thống, nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời là điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn trong “hành trình di sản văn hóa miền Trung”.

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BẢO TÀNG NGHỆ AN

I. Vị trí, chức năng.

1. Bảo tàng Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng nghiên cứu khoa học; sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, giáo dục truyền thống và các hoạt động dịch vụ khác của Bảo tàng theo quy định của pháp luật.
2. Bảo tàng Nghệ An có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện trực tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Trụ sở của Bảo tàng Nghệ An: Số 07, đường Đào Tấn, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

II. Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học:
a) Hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng được thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.
Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để phục vụ công chúng và góp phần phát triển lý luận bảo tàng học.
b) Bảo tàng được liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể.
a) Sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể ở trong và ngoài nước phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng.
b) Tổ chức việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể thông qua các phương thức sau đây:
– Khảo sát điền dã sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể;
– Khai quật khảo cổ;
– Tiếp nhận tài liệu, hiện vật do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng:
– Mua trao đổi tài liệu, hiện vật với tổ chức, cá nhân. Việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
c) Tài liệu, hiện vật của bảo tàng được chuyển giao, thanh lý, hủy trong các trường hợp sau:
– Không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng;
– Bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi;
– Được xác định gây hại cho con người và môi trường;
– Được xác định không chính xác về lịch sử, văn hóa, khoa học;
– Được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;
– Được xác định nguồn gốc bất hợp pháp.
Căn cứ ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học của Bảo tàng và quy định pháp luật có liên quan, Giám đốc Bảo tàng đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp của bảo tàng quyết định việc chuyển giao thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật.
3. Hoạt động kiểm kê.

a) Tổ chức kiểm kê tài liệu, hiện vật theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.
b) Hồ sơ kiểm kê tài liệu, hiện vật được lập, quản lý ổn định, lâu dài; được lưu trữ bằng công nghệ thông tin.
4. Hoạt động bảo quản
a) Hoạt động bảo quản tài liệu, hiện vật bao gồm:
– Sắp xếp tài liệu, hiện vật và tổ chức kho để bảo quản;
– Lập hồ sơ về hiện trạng tài liệu, hiện vật và môi trường bảo quản;
– Tổ chức việc bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, phòng chống tai họa, rủi ro cho tài liệu hiện vật.
b) Việc bảo quản phải được thực hiện với mọi tài liệu, hiện vật khi trưng bày, khi lưu giữ trong kho và khi đưa ra ngoài bảo tàng.
c) Việc bảo quản tài liệu, hiện vật phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến tài liệu hiện vật.
5. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
a) Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:
– Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng;
– Trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước;
– Tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
b) Trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm:
– Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng;
– Chú trọng trưng bày tài liệu, hiện vật gốc;
– Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
– Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham quan;
– Bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng;
– Thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh, an toàn cho tài liệu hiện vật, khách tham quan;
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội.
6. Hoạt động giáo dục.
a) Hoạt động giáo dục của bảo tàng gồm:
– Hướng dẫn tham quan;
– Tổ chức chương trình giáo dục;
– Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề;
– Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.
b) Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng.
c) Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
7. Hoạt động truyền thông
a) Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:
– Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng;
– Tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa hoạt động của bảo tàng;
– Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động bảo tàng;
– Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong và ngoài nước.
b) Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
8. Hoạt động dịch vụ
a) Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:
– Tổ chức dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác;
– Tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng;
– Tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch;
– Cung cấp thông tin, tư liệu;
– Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;
– Giám định, thẩm định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
– Bảo quản, phục hồi, làm bản sao tài liệu, hiện vật;
– Hợp tác khai quật khảo cổ;
– Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng.
b) Bảo tàng được liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ quy định tại điểm a khoản 8 Điều này phù hợp với quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa và các quy định khác có liên quan nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

III. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và biên chế.

1. Lãnh đạo Bảo tàng gồm: Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
a) Giám đốc là người đứng đầu Bảo tàng, chịu trách nhiệm trước pháp luật; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về toàn bộ hoạt động của Bảo tàng.
b) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc; chỉ đạo thực hiện một số mặt công tác khi được Giám đốc phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc về các nhiệm vụ được phân công.
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, từ chức, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo tàng thực hiện theo quy định của Pháp luật và phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện hành.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Hành chính – Tổng hợp;
b) Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm;
c) Phòng Kiểm kê – Bảo quản;
d) Phòng Trưng bày – Tuyên truyền và Giáo dục;
3. Biên chế:
a) Biên chế, số lượng người làm việc (kể cả hợp đồng lao động) của Bảo tàng Nghệ An được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu chức danh, vị trí việc làm theo quy định và tình hình điều kiện thực tế về khả năng ngân sách của đơn vị.
b) Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động của Bảo tàng thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.

Bảo tàng văn minh

Bảo tàng Nghệ An hoạt động vì nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày các tài liệu, hiện vật tiêu biểu về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của tỉnh Nghệ An

Những hiện vật đặc sắc

team

a3

Guồng nước và đồ dùng dân tộc Thái

team

a5

Tượng Lý Nhật Quang

team

a6

Vũ khi kháng chiến

Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn."

Hồ Chí Minh

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial