Đôi nét về Văn hóa Quỳnh Văn trong thời đại đá mới và hiện vật thu được qua các đợt khai quật

Ngày đăng: 13/07/2021 16:46

  1. Khái quát đôi nét về đặc điểm văn hóa Quỳnh Văn

Văn hóa Quỳnh Văn thuộc hậu kỳ thời đại đá mới niên đại mở đầu vào khoảng 6.000 năm và kết thúc vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu ở đồng bằng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh; thuộc loại hình di tích cồn sò điệp, có độ dày 5-6m, diện tích rộng, cách biển khoảng 1km-10km.

Mở đầu là phát hiện và khai quật một số địa điểm cồn sò điệp ở khu vực Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào những năm 1930- 1932 bởi các học giả người Pháp. Qua đợt khai quật của các nhà khảo cổ học vào năm 1963-1964 phát hiện thêm 5 địa điểm cồn sò điệp xung quanh di tích Quỳnh Văn. Sau đó vào năm 1976 Khoa sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 1979 Viện khảo cổ học trong quá trình thám sát đã phát hiện thêm 15 địa điểm mới thuộc văn hóa Quỳnh Văn, trong đó có 2 địa điểm được khai quật là Cồn Đất, Gò Lạp Bắc (ở Nghệ An).

Cho đến nay đã phát hiện được 21 địa điểm văn hóa Quỳnh Văn. Trừ địa điểm phía nam của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, 20 địa điểm cồn sò điệp văn hóa Quỳnh Văn phân bố trên một địa bàn hẹp, theo hai nhóm địa hình khác nhau: phía tây và phía đông đồng bằng huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một đồng bằng hẹp, kẹp giữa một bên là những dãy đồi núi thấp, một bên là biển Đông. Thấp thoáng trong đồng bằng là những cồn sò điệp, cồn đất hoặc cồn cát. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trên những cồn này là di tích cư trú của cư dân văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Thạch Lạc.

Đồng bằng Quỳnh Lưu có cảnh quan và địa hình tương đối đa dạng với những đồi núi thấp xen kẽ núi đá vôi nhỏ ở phía tây, tây bắc, phía bắc nằm giữa đồng bằng và sát bờ biển. Len lỏi vào các đồng bằng là sông Quèn và các nhánh của nó. Sông Quèn chạy từ bắc xuống nam, chia đồng bằng thành hai nửa không đều nhau: nửa phía tây hẹp hơn, cao hơn và nhiều núi hơn phía đông. Phía đông sông Quèn là phần trũng nhất, một số nơi hiện đang chịu ảnh hưởng của nước lợ, nước mặn của biển xâm nhập.

Theo nghiên cứu và đánh giá của các nhà khảo cổ qua các đợt thám sát cho thấy đồng bằng Quỳnh Lưu còn lưu giữ những chứng tích của một vịnh biển cổ, bằng chứng được thể hiện qua vạch nước ngấm trên vách đá vôi, vết tích vỏ sò điệp kẹt trong các khe đá ở độ cao 18-20m, hoặc nằm dưới đồng bằng hiện tại trong độ sâu 0,5-1m. Đồng bằng ven biển Quỳnh Lưu xưa có tương đối nhiều loại hải sản, nhất là điệp; phía tây vịnh biển là đồi núi, rừng cây với các quần thể động thực vật cạn. Đó là môi trường hoạt động khai thác thuận lợi của cư dân văn hóa Quỳnh Văn.

Di chỉ văn hóa Quỳnh Văn được phân bố chia theo hai nhóm địa hình: phía tây và phía đông. Nhóm phía tây gồm có 8 di chỉ: Cồn Hang Thờ, Gò Lẹp, Cồn Rườm, Rú Cửa Gan, Quỳnh Văn, Cồn Dền, Đông Hà Nam và Đông Hà Bắc. Các di tích thuộc nhóm này phân bố xa sông, gần núi, có phần rải rác hơn. Nhóm phía đông có 12 di chỉ gồm: Gò Nhồi, Gọ Trạm Xá, Cồn Lò Gạch, Cồn Đất, Cồn Nghĩa Trang, Gò Lạp Nam, Gò Lạp Bắc, Gò Tùng Điệp, Gò Ông Lựu, Cồn Chợ Mới, Gò Lăng, Trạm Máy Kéo. Các nhóm di tích này được phân bố ở phía trong doi cát cổ và phía Đông sông Quèn, tập trung trên một trục gần như thẳng hướng Bắc- Nam.

                                              Các lớp vỏ sò, vỏ điệp trong khu di chỉ.

Tầng văn hóa của các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn có đặc điểm “ lộ thiên”, cấu tạo là vỏ, xác các loài nhuyễn thể biển như: sò, điệp, hàu, ốc, hà, cua, cá, di cốt các động vật trên cạn, di vật đá, gốm cùng than, tro, mùn, cát và các vết tích hoạt động của người cổ xưa. Tầng văn hóa nơi dày nhất 5-7m, nơi mỏng 2-4m nằm trên sinh thổ, vốn là cát biển màu vàng hoặc trắng, thành phần chủ yếu là vỏ điệp được xếp theo tầng với độ dày mỏng khác nhau. Các di tích cồn sò điệp Quỳnh Văn có quy mô lớn (1.000-10.000 m2) phổ biến ở độ cao 2-4m, cá biệt có nơi 10m, có hình dáng khác nhau và có quan hệ chặt chẽ với các địa hình và môi trường xung quanh.

 Có thể thấy rằng các di chỉ Văn hóa Quỳnh Văn có quy mô lớn, tầng văn hóa dày nhưng số lượng di vật đá và gốm ít, thưa thớt, có những thay đổi nhất định theo địa tầng.

  1. Kết quả khai quật văn hóa Quỳnh Văn và hiện vật thu được tại Bảo tàng Nghệ An.

Qua quá trình thám sát và tiến hành khai quật, theo tài liệu của các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học kết quả ghi nhận ở các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn có các dấu tích bếp, hố đất; mộ và di cốt người; các di vật đồ đá, mảnh tước, công cụ; đồ xương, võ nhuyễn thể và gốm.

Cụ thể ở dấu tích bếp và hố đất, các nhà khảo cổ tìm thấy có 3 dạng bếp phổ biến trong địa tầng văn hóa Quỳnh Văn: bếp là vùng than tro đen; bếp với than tro, vỏ điệp bị đốt mỏng lẫn vài mảnh gốm, đồ đá và xương động vật; bếp với tầng than tro có vỏ điệp đốt cháy dày, nhiều xương động vật, tập trung nhiều cuội. Nhìn chung, bếp có quy mô, kích thước khác nhau và được sử dụng trong một thời gian ngắn, tạm thời. Theo báo cáo của các nhà khảo cổ ở di tích Cồn Đất đã gặp 30 bếp, trong đó có khu bếp 36 viên cuội cụm thành nhóm, mỗi nhóm 3 đến 5 viên, nửa phía trong cuội để lại vết ám khói. Ở di chỉ Quỳnh Văn có 30 bếp được phân bố khác nhau theo địa tầng, đáng chú ý là dưới lớp than tro của bếp bắt gặp các hố đào hình phễu có đường kính 10-20cm, độ sâu 20-30cm.

Với các hố đất tại di chỉ Quỳnh Văn bắt gặp 11 hố, trừ một hố có miệng hình chữ nhật còn lại các hố đều có miệng gần tròn, có đường kính trung bình 0,5-0,7m, độ sâu 0,2-0,4m. Trong các hố này thường bắt gặp các mảnh gốm, mảnh tước, xương động vật, có khi gặp được hòn kê, chày đá và rìu mài lưỡi. Theo các nhà khảo cổ nhận định đây có thể là những cái hố được dùng cất dấu thực phẩm và công cụ?.

Loại hình Mộ và di cốt người chúng ta thấy trong văn hóa Quỳnh Văn có 32 mộ (địa điểm Quỳnh Văn có 31 mộ và di chỉ phía nam Hà Tĩnh 01 mộ), qua khai quật các mộ này thuộc loại huyệt đất, đa số miệng khá tròn, có đường kính 0,6-0,7m, vách và đáy mộ có nhiều vỏ điệp trắng. Di cốt người đa số bị mủn nát, có 2 sọ người được tìm thấy ở di chỉ Quỳnh Văn, qua giám định là của 1 nam và 1 nữ thuộc 2 chủng Australo-Negroid và có một số nét Mongoloid.

Bắt gặp nhiều nhất ở đây là các di vật đồ đá có 799 tiêu bản gồm 215 mảnh tước và 584 công cụ đá. Những mảnh tước có đặc điểm chung đa số có kích thước vừa và lớn, chủ yếu là mảnh tước thứ diện, ghè phẳng không tu sửa diện ghè, góc ghè xiên, có một số mảnh tước mỏng, dài, hai rìa gần song song. Các công cụ đá được chia thành công cụ ghè đẽo, công cụ mảnh tước tu chỉnh, công cụ mài, công cụ không gia công. Công cụ đá Quỳnh Văn được làm từ đá cuội và đá gốc; kỹ thuật ghè đẽo và mài là hai kỹ thuật chính chủ đạo, trong đó ghè đẽo là chính, kỹ thuật mài rất ít, ở đây cũng chưa thấy xuất hiện dấu vết của khoan, cưa. Thủ pháp ghè cơ bản là trực tiếp, hướng tâm, xung quanh hoặc một đoạn của viên đá được dùng làm rìa, tập trung một đầu tạo mũi nhọn và được ghè một mặt.

Ở loại hình đồ xương và võ nhuyễn thể được chia thành công cụ xương và đồ trang sức bằng vỏ ốc. Công cụ xương có 13 tiêu bản trong đó mũi nhọn có 9 tiêu bản, còn lại Đục 3 tiêu bản và Dao 1. Chúng được làm từ một đoạn xương ống, răng hoặc sừng có vết gè đẽo. Với đồ trang sức bằng vỏ ốc có 5 tiêu bản, có vết mài tạo lỗ để xâu dây đeo.

Gốm tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Quỳnh Văn với số lượng khác nhau cụ thể: tại di chỉ Quỳnh Văn phát hiện được 193 mảnh, di chỉ Gò Lạp Bắc 6.013 mảnh, di chỉ Cồn Đất 5.139 mảnh. Các loại gốm trong văn hóa Quỳnh Văn được chia thành 4 loại: gốm in văn đập nan rá đáy tròn: là loại đồ đựng lớn, xương thô, miệng loe, cổ thắt, đáy tròn, văn in đập kiểu nan rá; gốm văn chải hai mặt đáy nhọn: là loại nồi đun nấu có kích thước lớn, xương cứng chắc, thành dày, thân hình nón, đáy nhọn, văn chải mặt trong và ngoài; gốm văn thừng mặt ngoài, văn chải mặt trong đáy tròn: là dạng nồi gốm thành mỏng, chất liệu thô, đáy tròn, hoa văn chải mặt trong, thừng mặt ngoài; loại gốm văn thừng đáy tròn là những nồi đun nấu, miệng loe, cổ thắt, bụng phình, đáy tròn, trang trí văn thừng mặt ngoài từ vai trở xuống. Các loại gốm Quỳnh Văn được làm bằng kỹ thuật giải cuộn, được tạo hình bằng tay kết hợp với bàn đập hòn kê, chải, miết nhẵn. Có đặc điểm xương gốm thô, thành gốm mỏng, hoa văn trang trí mang tính kỹ thuật; hầu hết đồ gốm là đồ đun nấu và gốm văn chải hai mặt đáy nhọn là loại hình tiêu biểu đặc trưng nhất cho đồ gốm văn hóa Quỳnh Văn.

Tại Bảo tàng Nghệ An đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản hiện vật thu được chủ yếu qua đợt khai quật tại di chỉ Gò Lạp Bắc xã Quỳnh Minh vào tháng 4 năm 1979 với số lượng loại hình hòn kê đập: 52, bàn nghiền: 01, chày: 04, rùi có vai: 02 hiện vật; tại di chỉ Cồn Đất ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu vào năm 1980 thu được vỏ sò: 02, mảnh xương các loại: 06, gốm: 01 hiện vật và rất nhiều mảnh sò, mảnh gốm nhỏ. Một số hiện vật thu được tại các di chỉ này đã được bảo tàng  Nghệ An xếp vào sưu tập: “Đồ dùng sinh hoạt thời tiền sơ sử” phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày chuyên đề và trưng bày thường trực phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập.

Đồ đá và gốm thuộc di chỉ Quỳnh Văn ( Nguồn: Báo cáo khai quật)

 

Một số hiện vật công cụ đá thuộc văn hóa Quỳnh Văn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An

  1. Văn hóa Quỳnh Văn trong thời đại đá mới.

Văn hóa Hòa Bình nằm trong bước chuyển từ thời đại đá cũ sang đá mới, phân bố rộng ở các nước Đông Nam Á, nhưng tập trung nhất là ở Việt Nam. Các di tích Hòa Bình hang động ở lục địa Đông Nam Á thường có niên đại vào khoảng 12.000-10.000 năm. Các di tích Hòa Bình cồn sò điệp ven biển miền tây Malasia, Indonesia có niên đại muộn hơn khoảng 6.200- 4.800 năm cách ngày nay.

Sau văn hóa Hòa Bình, dọc đồng bằng ven biển Việt Nam từ Quảng Ninh đến tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã xuất hiện 4 trung tâm đá mới tương đối độc lập: Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn và Bàu Dũ. Trong đó Đa Bút và Quỳnh Văn là hai nền văn hóa khảo cổ, là những trung tâm gốm sớm ở Việt Nam, có những giai đoạn phát triển tiếp nối rõ rệt, riêng văn hóa Quỳnh Văn có khối lượng di chỉ nhiều nhất ( 21 di chỉ) và thuộc loại hình di tích cồn sò điệp điển hình nhất ở nước ta. Văn hóa Quỳnh Văn phân biệt khá rõ và có mối quan hệ nhất định với các di tích Cái Bèo, Bàu Dũ và văn hóa Đa Bút trong bình tuyến đá mới sau hòa bình ở Việt Nam.

Các di tích thuộc bình tuyến đá mới Việt Nam có đặc điểm chung là đều bảo lưu truyền thống văn hóa Hòa Bình trong chế tác công cụ, nảy sinh những loại công cụ mới, sáng tạo ra gốm trong đồng bằng ven biển. Tuy nhiên ở mỗi nơi lại phụ thuộc vào môi trường cụ thể mà có những đặc điểm phát triển kinh tế, văn hóa khác nhau. Có thể xem đó là đại diện cho các khuynh hướng phát triển của thời đại đá mới Việt Nam sau Hòa Bình.

Văn hóa Quỳnh Văn có thể có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình thể hiện ở không gian phân bố, thời gian tồn tại, và đặc biệt là sự bảo lưu kỹ thuật chế tác công cụ đá. Có nhiều khả năng nhóm di tích Hòa Bình ở Nghệ An và Thanh Hóa tham gia vào việc tạo dựng văn hóa Quỳnh Văn.

Nếu như vấn đề nguồn gốc văn hóa Quỳnh Văn các nhà khảo cổ nghiên cứu còn đặt ra nhiều giả thiết, thì sự phát triển từ Quỳnh Văn đến văn hóa Bàu Tró lại được khẳng định. Sự chuyển biến từ Quỳnh Văn sang Bàu Tró là quá trình thay đổi loại hình di tích từ cồn sò điệp sang cồn đất và cồn cát, gắn liền với sựu hình thành của đồng bằng ven biển miền Trung; sự thay đổi từ gốm đáy nhọn sang gốm văn thừng đáy tròn, từ hoa văn mang tính kỹ thuật sang gốm tô màu mang tính mỹ thuật, từ công cụ đá ghè đẽo sang công cụ mài toàn thân.

Văn hóa Quỳnh Văn có một vị trí quan trọng trong dòng phát triển văn hóa tiền sử miền Trung, nối liền từ Hòa Bình đến Bàu Tró và Sa Huỳnh sau này. Văn hóa Quỳnh Văn thực sự đại diện cho một khuynh hướng phát triển văn hóa, một quá trình “ đá mới hóa” ở địa bàn đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ. Mở đầu cho chuỗi phát triển liên tục Quỳnh Văn- Bàu Tró- Sa Huỳnh, từ thời đại đá mới sang thời đại kim khí, từ giai đoạn hoang sơ đến giai đoạn văn minh.

Đinh Thị Ánh Tuyết – PTP Nghiên cứu- Sưu tầm

Tài liệu tham khảo:

 – Hán Văn Khẩn (2008). Cơ sở khảo cổ học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

– Hà Văn Tấn (1987). Địa hình những di tích thời đại kim khí Việt Nam, Tài liệu khảo cổ học, Hà Nội.

– Nguyễn Trung Chiến (1991). Nghiên cứu đồ đá Quỳnh Văn trong mối liên hệ với đồ đá Hòa Bình, Những phát hiện mới về Khảo cổ học 1991, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

– Nguyễn Trung Chiến (1992). Đồ xương và vỏ nhuyễn thể văn hóa Quỳnh Văn, Những phát hiện mới về Khảo cổ học 1992, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial