Ngày đăng: 24/06/2024 17:04
Ăn trầu là tập tục có từ lâu đời ở một số quốc gia Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam tục ăn trầu có từ hàng ngàn năm qua và đã trở thành nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Để phục vụ cho việc ăn trầu ngoài nguyên liệu chính trầu, cau, vôi, chay và thuốc lào thì phải có các vật dụng cần thiết như dao bổ cau, hộp quả, chìa lấy vôi, khay, cơi, ống nhổ, cối, chày và đặc biệt không thể thiếu đó là bình đựng vôi giữ vai trò quan trọng trong việc ăn trầu.
Hiện tại, Bảo tàng Nghệ An đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản hàng nghìn tài liệu, hiện vật từ cổ tới kim. Trong đó, có tới 78 hiện vật về dụng cụ ăn trầu thì bình vôi có số lượng lớn nhất là 58 hiện vật của các cá nhân, cộng tác viên và cán bộ bảo tàng đã sưu tầm, hiến tặng và chuyển giao.
Nét đặc sắc của bộ sưu tập này được thể hiện qua cách trang trí trên chủ thể từng hiện vật với các đề tài về: Rồng mây, Trầu cau, Chim muông, Hoa lá hay hổ phù…. Nhìn vào cách trang trí hoa văn, màu men và xương gốm thì các chuyên gia có thể nhận biết được bình vôi đó thuộc vào thời kỳ nào.
Trong số hiện vật được trang trí theo các đề tài như trên thì bình vôi mang số hiệu BTNA 4920/SS. 877 có niên đại thời Lê Sơ rất đặc biệt quai bình được tạo tác bởi hai đô vật đang lừa miếng nhau rất sinh động.
Bình có thân tráng men trắng đục, quai bình được tạo tác sinh động bằng 02 đô vật đang ở tư thế lừa miếng, chân quỳ, một tay kẹp cổ, một tay ôm chân đối phương rất chân thực, gay cấn. Phần quai và đỉnh bình được phủ men nâu chảy tràn xuống thân, một bên thân khoét lỗ tròn.
Nét tác tạo hình người rất duyên,vừa tả, vừa gợi, từ khuôn mặt đến cơ thể đều thể hiện sự thần thái, tính chất gay cấn của trận đấu…Từ thời dựng nước, môn võ vật đã xuất hiện, qua các vương triều Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Nguyễn… môn vật luôn là bộ môn quan trọng để binh sĩ và người dân rèn luyện thể lực. Ở thời bình thì đấu vật là môn giải trí ở các mùa lễ hội. Qua thời chiến, đấu vật là một trong những cách tuyển chọn người tài xung quân, gìn giữ non sông. Chỉ với đường nét thô mộc, chấm men giản đơn, vậy mà lột tả được nhiều ngữ cảnh, không khí gay cấn, sôi động của võ vật, của sự rèn luyện binh nghiệp, của mùa vui hội làng trên sới mỗi độ xuân về.
Bình vôi mang số hiệu BTNA: 4918/SS. 875 có niên đại thời Lê Trung Hưng.
Bình cao, đẹp, hình cầu, có đế. Thân bình tráng men rạn màu trắng ngà, một bên trên thân bình khoét một lỗ tròn dùng để bỏ vôi vào và lấy vôi ra. Bầu đựng vôi tượng trưng cho tảng đá, quai bình chính là cây cau, và các chi tiết trang trí trên quai bình tượng trưng cho dây trầu.
Bình vôi mang số hiệu: BTNA. 3579/ SS.820 niên đại thời Lê Trung Hưng.
Bình vôi tròn, có quai xách hình dây cau, khoét lỗ một bên để bỏ vôi vào, tráng men màu xanh và màu ngà. Bình rất đẹp, độc đáo, đế cao.
Bình vôi mang mã số: BTNA. 3580 /SS.821. Có niên đại thời Lê Trung Hưng.
Bình tròn, có quai xách hình dây cau, có khoét lỗ 1 bên, tráng men rạn màu ngà và màu xanh. Đế cao, miệng bình còn dính vôi.
Bình vôi mang mã số: BTNA. 4933 /SS.890. Có niên hiệu thời Nguyễn.
Bình loại vừa, đẹp, hình cầu có đế, thân bình tráng men màu trắng ngà, một bên thân bình khoét lỗ miệng tròn (có tác dụng bỏ vôi vào lấy vôi ra). Quai cao, mập, mặt trên có khía hai rãnh dọc, 4 bên góc quai đắp nổi 4 chữ Hán (mặt trước hai chữ Qúy, mặt sau hai chữ Phú), Hai bên cạnh quai có 5 hàng rễ cau phủ xuống thân bình, đế cao, có gờ.
Bộ bình vôi này trang trí theo đề tài trầu cau. Đây là để tài trang trí phổ biến nhất trong các dụng cụ ăn trầu. Cây cau là biểu tượng cho dương khí luôn vươn lên cao, hướng lên mặt trời. Vôi là biểu tượng cho âm khí là một tảng đá, đất. Dây trầu là biểu tượng của sự trung gian giữa âm – dương kết hợp khi mọc lên từ đất, quấn lấy thân cau, hướng lên trời. Trầu cau còn là biểu tượng của tình yêu, hôn nhân mặn nồng, biểu tượng cho sự gắn bó son sắc giữa vợ và chồng.
Bên cạnh chủ đề về trầu cau thì chủ đề về các loại chim và hoa lá khá phổ biến. Các loại chim thường thấy nhất là chim phượng, chim khách đang bay. Bằng bút lông với đường nét phóng bút, người thợ gốm đã vẽ nên những con vật thật sống động, duyên dáng, nhẹ nhàng.
Hoa lá chủ yếu là các hoa quen thuộc trong đời sống hàng ngày như hoa chanh, hoa thị, bông lúa, hoa sen…Đây là những loài hoa tượng trưng cho sự no đủ, sung túc, hạnh phúc sum vầy và phát triển. Những đồ án hoa lá này thường đóng vai trò trang trí phụ làm nổi bật các đồ án trang trí chính.
Ống nhổ mang mã số: BTNA. 3543 /SS.784. Có niên hiệu thời Nguyễn
Ống nhổ tráng men màu hoa lam, miệng loe có bít kim loại, cổ eo, thân phình, đế lõm. Trang trí đề tài Cúc – Điệp (Hoa Bướm).
Ống nhổ mang mã số: BTNA. 3576 /SS.817. Có niên hiệu thời Nguyễn
Ống nhổ bằng sứ tráng men hoa lam, miệng loe, cổ eo, thân phình, đế thấp, mặt ngoài trang trí nhà, cây cỏ, núi, thuyền, biển và chim chóc.
Bình vôi mang mã số: BTNA. 4938 /SS.895. Có niên hiệu thời Nguyễn
Bình loại vừa, hình cầu, đế cao, loe, bình phủ men xanh lục lốm đốm xám, đế bằng, một bên thân bình phía trên có lỗ miệng tròn. Quai xách tạo dáng hình vòng cung, hai bên tạo lá sen, dày, to bản, đỉnh đắp nổi gương sen.
Với đề tài rồng mây, hổ phù thì sưu tập này có Khay đựng trầu và Bình vôi.
Bình vôi mang ký hiệu: BTNA. 4939/ SS.896 bình loại to, tráng men màu trắng ngà, trang trí hoa văn: Rồng ôm chữ Thọ, hai bên quai mỗi bên có trang trí 2 quả cau và 6 hàng rễ phủ xuống thân bình. Giữa đỉnh đắp nổi chữ Thọ viết theo kiểu chữ tròn, quai bình được uốn hình vòng tròn, to bản. Đế bình làm kiểu chân tiện, cao, loe đáy lõm.
Khay đựng trầu: BTNA 2714/ KL.765. Khay hình tròn, có 4 chân, mặt ngoài chạm tứ quý (Long, Ly, Quy, Phượng).
Khay mang số hiệu BTNA. 3126/ KL.1010. Khay hình vuông, có 4 chân, xung quanh được đúc chạm lộng nhiều hoa văn rồng chầu mặt trời, phía dưới chân đúc lọng mặt hổ phù và rồng, lá. Khay đẹp chạm trổ công phu và tinh xảo.
Như vậy, sự đa dạng và phong phú ở kiểu dáng, chủng loại, kỹ thuật tạo hình, đề tài trang trí hoa văn trên các dụng cụ ăn trầu ở các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là làm cho hiện vật đẹp hơn, mà còn là sự gửi gắm tâm tư, tình cảm, chuyển tải giá trị văn hóa của cha ông ta qua từng thời kỳ lịch sử. Chúng là những “thông điệp” chân thực về lịch sử, xã hội đương thời, là lời nhắn nhủ, là tiếng nói của tâm hồn, là khát vọng của người dân về một xã hội thịnh vượng. Góp phần tuyên truyền quảng bá và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa mà các thế hệ trước đây để lại, đồng thời có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ An nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung.
Hoàng Thị Nguyệt
Phòng Nghiên cứu sưu tầm – kiểm kê bảo quản
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]