Ngày đăng: 07/10/2021 14:56
Ngày nay nhờ vào kết qủa nghiên cứu khảo cổ học, đặc biệt là dựa vào khối di vật phát lộ lên từ lòng đất đã giúp chúng ta hình dung được phần nào về nghề dệt và trang phục của người Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An cách đây hàng ngàn năm trước.
Từ thủa Hùng Vương dựng nước, người Việt cổ trên đất Nghệ An đã có nghề dệt khá phát triển, từ đó họ tạo nên những trang phục giàu tính thẩm mỹ. Bằng việc tìm thấy nhiều dọi xe chỉ bằng đất nung trong các đợt khai quật tại Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An do Viện Khảo cổ học và Ty văn hóa Nghệ An thực hiện, cùng với dấu vết vải in trên lưỡi xẻng đồng, mảnh vải trong mộ, cũng như tượng người phụ nữ đầy đủ váy áo, thắt lưng trên cán dao găm Làng Vạc đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Trong đợt khai quật năm 1990 ở Làng Vạc, các nhà khảo cổ học đã thu được mảnh vải thô trong mộ. Vải có màu nâu nhạt, dài khoảng 7 cm, rộng khoảng 3 cm. Diện tích mảnh vải khoảng 14 cm2. Các sợi vải dệt xít nhau làm cho miếng vải chắc và rất đanh mặt. Qua giám định cho thấy người Làng vạc đã sử dụng sợi gai để dệt vải. Có nhiều khả năng người Đông Sơn đã dệt vải bằng khung cửi tương tự như khung dệt của các dân tộc ít người hiện nay. Có lẽ, do cấu tạo bằng các vật liệu hữu cơ như tre, gỗ nên dấu vết về bộ khung cửi của nghề dệt hiện chưa được tìm thấy.
Dấu tích của nghề dệt thời kỳ này còn được biết đến thông qua các dọi xe chỉ bằng đất nung, có kích thước từ 1, cm đến 2,2cm; đường kính đế: từ 2cm đến 3cm, có cấu tạo và đặc điểm tương đối giống nhau, có lỗ tròn xuyên qua tâm, màu nâu xám, đen xám được làm từ đất sét mịn có pha cát với nhuyễn thể, một số là sét trộn bã thực vật. Dọi xe chỉ có nhiều loại như dọi xe chỉ hình bánh xe, hình chóp nón, hình thoi. Sự đa dạng của các loại dọi xe chỉ cho thấy bước chuyển biến trong kỹ thuật dệt vải khẳng định nghề thủ công này đã khá phổ biến trong đời sống của người Việt cổ.
Sự phong phú trong trang phục của cư dân Đông Sơn được ghi lại qua hoa văn khắc trên trống, thạp, dao găm và tượng đồng cũng là bằng chứng cho thấy sự phát triển của nghề dệt. Dựa vào trang phục cầu kỳ, đẹp mắt của người phụ nữ trên cán dao găm Làng Vạc, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500- 2000 năm với đầy đủ váy, áo, thắt lưng cho phép chúng ta phác thảo nên một bức tranh, chắc hẳn còn phiến diện, nhưng cũng hình dung một cách khá cụ thể trang phục của người Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An thời Hùng Vương dựng nước.
Đầu tiên là kiểu tóc, kiểu tóc quấn ngược lên đỉnh đầu tạo thành một nấm lớn, quanh chân nấm quấn một vành khăn như kiểu vấn khăn của phụ nữ nông thôn Nghệ Tĩnh sau này. Cả nam và nữ đều có thể để kiểu tóc này. Nam giới thường ở trần, đóng khố, đi chân đất. Trang phục nữ giới có áo cánh dài tay và váy dài. Phụ nữ Nghệ Tĩnh xưa cũng thường mặc áo cánh ngắn mấp mé eo lưng và bó sát người. Áo phụ nữ làng Vạc giắt gọn trong cạp váy, cổ không cài cúc lộ chiếc áo yếm kín cổ bên trong. Trong trang phục không thể thiếu dải thắt lưng, ngoài tác dụng giữ chắc chân váy, có lẽ tác dụng chính của nó là trang sức. Thắt lưng của người phụ nữ trên cán dao găm được trang trí rất cầu kỳ, với hoa văn tinh tế. Ta tưởng tưởng dải thắt lưng sẽ lòa xòa nhún nhảy ở trước váy theo từng bước đi sẽ tôn thêm nét mềm mại, nữ tính của người mang. Còn váy bó sát hông, dài trùm kín gót chân. Họ đeo nhiều đồ trang sức ở tai, cổ, tay và cả cổ chân. Với cư dân thời bấy giờ, đồ trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn để khẳng định vị trí xã hội và sự giàu sang của mình
Như vậy, qua những tài liệu hiện có, chúng ta đã phác họa nên đôi nét về nghề dệt, dẫu còn khiêm tốn nhưng cũng cho phép ta hình dung về trang phục của cư dân Việt cổ. Qua đó, có thể thấy rằng chính những người Việt cổ – chủ nhân của văn hóa Đông Sơn là những người đã đặt nền móng cho văn hóa mặc, làm nên nét đẹp truyền thống trong trang phục truyền thống Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng. Ngày nay, trước xu thế giao lưu và hội nhập, việc bảo tồn và phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống chính là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa lâu đời mà cha ông ta đã dày công tạo dựng. Trang phục dân tộc, qua thời gian luôn thay đổi để thích hợp với từng thời kỳ lịch sử đáp ứng nhu cầu làm đẹp, lao động sản xuất, giao tiếp nhưng vẫn giữ nguyên được hồn cốt văn hóa của mỗi quốc gia.
Phan Thị Hà Long – Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]