ĐỘC ĐÁO NGHỀ LÀM GIẤY THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC MÔNG NGHỆ AN

Ngày đăng: 20/10/2024 08:16

     Người Mông ở Nghệ An cư trú chủ yếu ở các vùng núi cao tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Đồng bào có nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, trong đó, phải kể đến nghề làm giấy. Đó là một nghề truyền thống đã được cha truyền con nối có từ rất sớm và khá phát triển. Giấy được làm ra không dùng để viết hay mua bán mà sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng. Ngoài ra còn để trang trí, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong không gian ngôi nhà của người Mông.

      Đồng bào dân tộc Mông vốn sinh sống trên những sườn đồi vùng núi cao, họ luôn biết tận dụng những vật liệu sẵn có của thiên nhiên để phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Nghề làm giấy được bà con duy trì, bởi sản phẩm của nghề luôn gắn với cuộc sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Cứ mỗi năm vào dịp tháng 8, 9, 10 âm lịch bà con dân bản vào rừng lấy  cây giang để về làm giấy, họ chọn cây có đốt nửa già, nửa non chặt về bỏ vỏ cật chỉ dùng ruột, chẻ mỏng thành mảnh nhỏ, xếp vào chảo hoặc nồi. Để chống cháy người ta thường bỏ dưới đáy chảo một ít tro bếp, đổ nước vào chảo nấu khoảng 3 – 4 tiếng, sau đó vớt số nguyên liệu đó ra rửa sạch tro bếp rồi bỏ vào một vật dụng ủ, thời gian ủ khoảng 1- 2 ngày (nếu nấu mềm rồi thì không phải ủ nữa), sau đó mang nguyên liệu ra bỏ lên một cái thớt bằng gỗ, dùng gậy đập nát, bỏ vào thùng nước, dùng tay bóp cho nguyên liệu nát ra, dùng que khấy đều theo một chiều cho bã quấn vào que, vớt hết bã ra để được thứ tinh bột.

 

      Khuôn làm giấy được làm từ một khung bằng tre, nứa dài 2m, rộng khoảng 1,5m. Buộc cố định khung lại cho đều. Làm xong khung người ta buộc một tấm vải rồi căng đều lên khung, như vậy đã tạo thành được khuôn. Khi đã có khuôn, đặt nằm trên mặt đất ở chỗ bằng phẳng, khô ráo, có nắng gió. Dùng bát múc tinh bột đã được lọc đổ lên khuôn, vừa đổ vừa dát mỏng khi đã kín khuôn người ta dùng chiếc ống đã được rửa sạch lăn cho đều. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo từ bàn tay đến kỹ thuật của người phụ nữ Mông. Nếu gặp trời nắng, sau 2 đến 3 tiếng bột giấy sẽ khô, chỉ cần nhẹ nhàng bóc ra.

      Theo kinh nghiệm của người Mông để làm được giấy vừa trắng, vừa dai là phải biết chọn đúng mùa cây giang không non quá cũng không già quá. Quá trình làm cũng phải thật cẩn thận và khéo léo, phơi đủ nắng và bảo quản không để gặp mưa, sương mù

      Người Mông đã thu được những tờ giấy truyền thống có kích thước tùy thích và gấp lại để sử dụng vào việc trọng đại của gia đình. Sản phẩm giấy làm ra chất lượng còn thấp, dày mỏng không đều. giấy có màu trắng ngà rất đẹp…

       Giấy không dùng để mua bán mà chủ yếu dùng vào các nghi lễ trong gia đình như dùng đốt để cúng, thờ tổ tiên, dùng trong tang lễ, dán lên công cụ, nhà cửa để làm vía. Khi trong nhà có việc cần sử dụng đến thì đưa ra cắt thành những hình vuông, hình tròn đốt, đây được quan niệm là những thông điệp của người Mông gửi cho tổ tiên, thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, mùa vụ tốt tươi, xua đi cái xấu… Theo quan niệm của đồng bào thì con người sinh ra ai cũng có hồn, có vía và cần phải có giấy để cúng vía  và nếu muốn những lời cầu khấn thành kính mau linh nghiệm, tốt nhất là dùng giấy truyền thống do chính tay mình làm. Vì thế phụ nữ Mông, hầu như ai cũng biết làm giấy thờ người Mông. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Mông ở miền Tây xứ Nghệ.

        Hiện nay các bản người Mông ở các xã Nhôn Mai, Lưu Kiền, Tam Hợp… (Tương Dương); Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Na Ngoi….(Kỳ Sơn) vẫn còn nhiều gia đình đang duy trì nghề làm giấy thủ công truyền thống để phục vụ cuộc sống tâm linh, trong gia đình mỗi khi có việc lấy ra cắt đốt làm lễ, cúng tổ tiên, dán trước bàn thờ, cột nhà, trước cửa nhà…

         A Xồng Bá Nỏ – Chủ tịch mặt trận xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay xã Tam Hợp có 2 bản người Mông là bản Huồi Sơn và bản Phà Lõm, cả 2 bản này vẫn còn nhiều hộ gia đình đang làm nghề giấy thủ công truyền thống và hiện tại gia đình anh cũng làm nghề giấy này.

       Tại bản Lưu Thông xã Lưu Kiền, nghề làm giấy thủ công đang được bà con duy trì. A Xồng Bá Thái – phó bản Lưu Thông cho biết: Đây là khoảng thời gian bà con đang cập rập để làm giấy, vì mỗi năm chỉ có vài ba tháng thích hợp để làm giấy; Hiện nay, không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy nhưng trong tất các bản đều vẫn duy trì nghề này bởi sản phẩm giấy đã đi vào cuộc sống tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên.

        Nếu như nghề rèn của người Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo, sự sáng tạo của người thợ rèn thì nghề làm giấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông để cho ra những sản phẩm có giá trị về mặt tín ngưỡng.

        Nghề làm giấy của người Mông không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công mà còn chứa đựng tri thức dân gian đặc sắc cùng nhiều giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc. Mỗi tấm giấy được làm ra đều mang trong mình dấu ấn của sự kiên trì và bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, đồng thời nó phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngày nay, dù công nghệ sản xuất giấy công nghiệp đã phát triển, nghề làm giấy truyền thống của người Mông ở Nghệ An vẫn được gìn giữ như một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.

 Nguyễn Thị Thanh

Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Kiểm kê bảo quản

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial