Độc đáo – Nhạc cụ truyền thống các dân tộc ít người tỉnh Nghệ An

Ngày đăng: 06/06/2021 10:17

Âm nhạc của cộng đồng các dân tộc luôn góp phần đáng kể làm cho văn hóa Việt Nam thêm đậm đà, giàu bản sắc hơn. Đặc biệt là kho tàng nhạc cụ dân tộc với sự phong phú về thể loại, chức năng cũng như về chất liệu và kiểu dáng càng làm tăng thêm tính hấp dẫn, độc đáo riêng. Về miền Tây xứ Nghệ, nơi cộng đồng cư dân Thái, Thổ, H’mông, KHơ Mú và Ơ đu bao đời sống quần tụ, sẽ thấy được đời sống âm nhạc phong phú của bà con nơi đây. Từ chiếc lá cây, cọng rạ, đến ống tre, gióng nứa, đoạn gỗ, tấm da hay kim loại v.v. đều có thể biến thành một thứ nhạc cụ nào đó. Ngay cả chiếc sừng trâu, sừng dê hay mỏ chim cũng có thể chế tác thành tù và.

Nhìn chung nhạc cụ của các dân tộc ít người tỉnh Nghệ An phần lớn đều  được chế tác từ các loại chất liệu của núi rừng như tre, nứa, gỗ, vỏ bầu, sừng, da động vật…song khá phong phú, đa dạng và độc đáo do bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân bản địa sáng tạo ra và được trao truyền kỹ năng từ đời này sang đời khác để phục vụ đời sống tinh thần và các lễ nghi tôn giáo của các dân tộc. Có rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau song cơ bản thuộc về các bộ gồm : Bộ hơi : đây là loại phong phú nhất của cộng đồng các dân tộc ít người Nghệ An với rất nhiều nhạc cụ, tiêu biểu là các loại sáo, các loại khèn ( chất liệu tre, trúc, nứa), Tù và (sừng động vật), kèn lá… ; Bộ gõ : tiêu biểu là cồng chiêng. khắc luống, đàn, trống các loại…( Khác với các dân tộc ở vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên, Tây Bắc nơi các nhạc cụ bộ gõ chiếm đa số với các sưu tập cồng chiêng, trống, đàn đá, đàn Tơ rưng…) và bộ dây với các loại đàn, nhị…

 Người Thái ở vùng Phủ Quỳ nổi tiếng với khèn bè, kèn đám ma, sáo nhuôn và sáo lăng ( Thái-Hàng Tổng), sáo “khíu”, “khắp” và sáo “tờ li ọi” thổi đi rẫy (nhóm Man Thanh), bộ cồng chiêng 4 âm đánh theo lối “liệp nậm” thong thả như nước chảy, bộ khắc gỗ chày trên cối…Người Mông có khèn, khèn môi, kèn lá, sáo, nhị… Rồi người Khơ mú ở bảo Thắng, Keng Đu ( Kỳ Sơn) lại được biết đến nhiều hơn bởi những bộ cồng chiêng, tù và, đào đào và  sáo đệm cho điệu “ tơm”, “re ré” rất độc đáo. Mỗi nhạc cụ đều có những cấu tạo và mang sắc thái riêng. Có những loại chỉ sử dụng ở lễ hội, lễ thức cộng đồng, có loại chỉ đánh trên nương rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi thú rừng…

Trong kho tàng nhạc cụ đó, có thể nói, nhạc cụ thân thuộc, gắn bó với bà con là cây khèn. Cả người Mông và người Thái đều có khèn, nhưng cấu tạo thì rất khác nhau

Khèn người Mông có 2 phần ghép lại: Một phần là thân gỗ ghép dài khoảng 60 cm, rỗng ruột; Phần còn lại là 6 ống trúc dài khoảng từ 60 –, 80 cm khoét lỗ làm nốt nhạc. Khèn Mông chỉ có 6 ống ngang nhưng thổi được 7 nốt trên khuông nhạc. Ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất có vai trò giữ nhịp. Các ống còn lại tùy theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh khi trầm khi bổng, khi réo rắt lúc dồn dập, lúc xuống thấp, lúc cao vút. Sở dĩ khèn người Mông có cấu tạo đặc biệt như vậy là bởi khèn khi thổi thường kết hợp các vũ điệu múa khèn như đan chân, nhẩy giật lùi, nhào lộn, vặn người…

Còn khèn bè của người Thái được cấu tạo ống chẵn từ 12 đến 14 ống nứa, là loại nứa tép tẻ, nhỏ, mỏng và được xếp thành 2 lớp, từ thấp đến cao. Bầu khèn làm bằng gỗ, rỗng ruột, một đầu khoét lỗ để thổi, một đầu được bịt kín bằng sáp ong. Đô dài của khèn phụ thuộc vào nghệ nhân làm khèn. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng, gắn vào bên trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có các lỗ để làm nốt nhạc. Những lăm của người Thái không thể thiếu tiếng đệm của khèn bè, dìu dặt, trầm bổng vô cùng.

Qua thực tế khi suu tầm dân tộc học ở các bản làng và quan sát tại các liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng của  tỉnh Nghệ An cho thấy nhạc cụ truyền thống vẫn được bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị thực tiễn trong đời sống với sự tham gia của mọi lứa tuổi. Hiện nay, đến bất cứ bản làng nào ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương hay Kỳ Sơn… phần lớn các dân tộc đều lưu giữ và sử dụng thường xuyên, thuần thục vài loại nhạc cụ  trong  sinh hoạt gia đình và cộng đồng.

Từ nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những cây cỏ bình dị thực sự trở thành những nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các dân tộc Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng chính là những di sản văn hóa độc đáo vừa mang đậm yếu tố văn hóa dân tộc Vùng, Miền vừa mang tính nghệ thuật đặc sắc trong vườn hoa đa dân tộc.

                                                                                                                                                                       Phan Thị Hà Long

Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An

 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial