Ngày đăng: 15/06/2021 10:07
Có thể nói rằng, từ xa xưa áo tơi đã là một vật dụng quá đỗi thân thuộc đối với người Việt. Theo thời gian, nó vẫn âm thầm tồn tại như một chứng tích của thời đại, mang theo hơi thở của cuộc sống lao động. Dọc theo chiều dài đất nước từ đồng bằng Bắc Bộ đến duyên hải miền Trung, ở đâu người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc áo tơi cần mẫn trên cách đồng làng. Nhìn vào chiếc áo tơi, ta như thấy lại cả cuộc đời lam lũ, chấp chới như cách cò, cách vạc của mẹ, của chị. Thân thuộc đến độ nó đã đi vào tận trong câu ca, điệu ví: “ Cơm ăn trong bụng nỏ sớm thì trưa/ Áo tơi ra đồng không mưa thì nắng”, ” Trời mưa thì mặc trời mưa / Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi”…
Chiếc áo tơi bình dị, không chỉ giúp người nông dân che mưa, che nắng mà còn góp thêm với chiếc áo mỏng che tấm lưng gầy trong những ngày đông tháng giá. Mỗi một vùng quê đều có những cách chằm, may áo tơi khác nhau. Nhưng có lẽ không ở đâu chiếc áo tơi được làm kỹ như ở xứ Nghệ. Áo tơi được làm từ lá cọ khô- thứ lá người xưa dùng để lợp nhà – rất sẵn ở vùng trung miền núi. Những chiếc lá này được chọn kỹ và khâu chồng thành lớp gối lên nhau, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng. Cũng có nơi chằm tơi bằng lá nón nhưng nhìn chung thì cách làm khá giống nhau.
Nếu áo tơi của người Việt nói chung thường không có mũ, áo được quây tròn lại và buộc dây thì áo tơi của người dân tộc Ơ Đu ở mà Bảo tàng Nghệ An đang trưng bày lại có hình dáng khá lạ mắt. Đó là chiếc áo tơi hình mai rùa, sưu tầm của gia đình ông Lo Văn Nghệ ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Đồng bào gọi chiếc tơi này là “ ngúp” có nghĩa là đắp, che. Áo dài 1,5m, rộng 37 cm.
Áo liền mũ, khum hình mai rùa, có 3 lớp. Lớp trong và ngoài cùng được đan bằng cật tre hoặc nứa để tạo khung, ở giữa đồng bào lót một lớp lá cọ với độ dày vừa phải nhưng chắc chắn, kín đáo. Bên trong, có hai quai đeo để đeo vào vai và dây vải buộc vào bụng. Đặc biệt đồng bào còn sáng tạo khi đan một hình hộp chữ nhật bằng nứa gắn vào mặt trong của tơi, ở vị trí lưng người đeo để vừa cố định áo, vừa giúp thoát mồ hôi dễ dàng tạo cảm giác mát mẻ, thoải mái khi lao động.
Khó có thể che mưa kín như áo tơi của người miền xuôi vì nó chỉ che được phần đầu và phần lưng nhưng bù lại người mặc lại dễ dàng làm nương, phát rẫy.
Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của nước ta thì tộc người Ơ Đu chỉ cư trú duy nhất ở Nghệ An. Đồng bào sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Tính đến cuối năm 2015, người Ơ Đu ở Nghệ An có khoảng gần 200 hộ, có đời sống kinh tế- xã hội khó khăn. Hiện nay, họ cư trú tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ thuộc xã Nga My, huyện Tương Dương. Do số lượng dân số ít lại sống xen kẽ với các dân tộc khác nên đồng bào hầu như không còn giữ được các đặc trưng riêng của dân tộc mình, nhất là tiếng nói và chữ viết. Vậy nên, chiếc áo tơi độc đáo này là vật dụng hiếm hoi mà đồng bào vẫn còn lưu giữ được để sử dụng trong cuộc sống lao động hàng ngày.
Như vậy có thể thấy rằng, dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù dáng cánh cò hay dáng mai ba ba, mai rùa… nhưng ở đâu có lao động sản xuất thì ở đó có hơi ấm của những chiếc áo tơi: “ Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng, để trời đổ nắng chang chang vẫn quàng…”
Hy vọng rằng khi Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định soos 3829/QĐ-UBND vào tháng 8/2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng ( ngân sách TW 90 % và ngân sách đối ứng địa phương 10%) triển khai hiệu quả thì đời sống kinh tế của bà con được nâng lên, từ đó những yếu tố văn hóa truyền thống sẽ có cơ hội được bảo tồn, hồi sinh mạnh mẽ, nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào sẽ được tổ chức vào một ngày không xa để du khách gần xa có cơ hội tìm hiểu về đặc trưng văn hóa của đồng bào Ơ Đu tại Nghệ An.
Phan Thị Hà Long
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]