Di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở miền Tây Nghệ An. Thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị”

Ngày đăng: 07/04/2021 09:16

I. Đặt vấn đề:

        Nói đến miền Tây Nghệ An là nói đến vùng  đất “non xanh, nước biếc” là miền “Thượng đạo”của Nghệ An, là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ nổi tiếng trong nước và thế giới. Là mảnh đất ghi nhiều dấu ấn mở cõi của triều đại nhà Lý, nhà Trần trong những thế kỷ XI- XIII, là đất “ Đứng chân” trong quá trình lịch sử chống quân Minh xâm lược của Bình định vương Lê Lợi – Nguyễn Trãi và Nghĩa quân LamSơn vào những năm đầu của thế kỷ XV. Ngày nay, miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị: huyện Thanh Chương , Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Tân Kỳ, Qùy Châu và Huyện Quế Phong. Mười một (11) huyện, Thị xã nêu trên có tổng diện tich gần 1,4 triệu ha,  chiếm 84% diện tích của tỉnh Nghệ An.Có 217 đơn vị hành hính cấp xã và tương đương. Dân số 1.136.383 người, chiếm 36/6% dân số cả tỉnh. Trong đó dân tộc thiểu số 38,9%. Miền Tây Nghệ An nơi có điều kiện tự nhiên, xã hội vô cùng phong phú và đa dạng. Về điều kiện tự nhiên, nơi đây khí hậu nhiệt đới, ẩm, thích hợp cho sự phát triển của các loài sinh vật.. có Vườn Quốc gia Pù Mát với diện tích 91.000 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia là Pù Hoạt có diện tích  43000 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Huống, có diện tich 40.000ha. Cả Vườn Quốc gia Pù Mát và hai Khu bảo tồn thiên nhiên nêu trên đều  đã được tổ chức Giao dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO)  công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới

       Về điều kiện xã hội, miền Tây Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử – văn hóa. Cách ngày nay hàng chục vạn năm, hàng ngàn năm trên vùng đât này các nhà Khảo cổ học đã phát hiện dấu tích người Vượn ( HoMo sa Pens) như hang Thẩm Ôm xã Châu thuận huyện Qùy châu.v.v..; người Việt cổ sinh sống, như di chỉ Khảo cổ Làng Vạc Thị xã Thái hòa..v.v.. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển, ngày nay miền Tây Nghệ An là địa bàn cư trú, tụ hội, chung lưng đấu cật cùng nhau tạo lập cuộc sống của của 6 dân tộc, bao gồm: dân tộc Kinh, KhMú, HMông, Thái, Thổ và Ơđu.

       Chính sự phong phú và đa dạng về điều kiện tự nhiên, sự thông minh,lao động cần cù sáng tạo của cộng đồng các dân tộc nên vùng đất miền Tây Nghệ An đã bồi trúc,lắng đọng, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, mà chúng ta thường gọi là di sản văn hóa.( Trong đó có di vật, cổ vật và bảo vật)

       Vậy thực trạng về công tác bảo tồn  các giá trị di sản văn hóa hiện nay ở miền Tây Nghệ An ra sao? Cần có những  giải pháp như thế nào để phát huy các giá trị di sản văn hóa của miền Tây Nghệ An?

       Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng: Lĩnh vực  văn hóa nói chung và công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn nói riêng là một lĩnh vực cực kỳ khó khăn, phức tạp. khó khăn từ nhận thức của xã hội nói chung, của các cấp quản lý nói riêng và của chính ngay những người làm công tác văn hóá,làm công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản.

        Để giải quyết hai vấn đề lớn nêu trên về di sản văn hóa, thiết nghĩ chúng ta cần hiểu và nhận thức trúng, nhận thức đúng về di sản văn hóa, về di vật, cổ vật và bảo vật Quốc gia .Theo cuốn: “Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan- thuật ngữ và định nghĩa chung” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và công nghệ công bố, cho rằng:

       “Di sản văn hóa ( Cultural heritage) là Sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di sản văn hóa bao gồm:  di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể ”.

       – Di vật là gì? “Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học” (Luật sử đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa, Chương I, Điều 4, khoản 5 – 2009).

       – Cổ vật là gì? “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại,có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học,có từ 100 năm tuổi trở lên”.( Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa, chương I, Điều 4,khoản 6 năm 2009).

       – Bảo vật quốc gia là gì? “ Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt, quý, hiếm tiêu biểu của đất nước về Lịch sử văn hóa,khoa học”  (Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa, Chương I, Điều 4, khoản 7- 2009).

II. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị Di vật, Cổ vật,Bảo vật ở miền Tây Nghệ An .

        Như trên đã trình bày, do có nhiều điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật và khoáng sản. đã tạo cho cư dân vùng “ Non xanh ,nước biếc” nhiều thuận lợi để tạo lập và  phát triển cuộc sống. Trải qua hàng vạn năm, hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tồn, cư dân miền Tây đã lao động sáng tạo và để lại cho chúng ta ngày nay nhiều di sản văn hóa vật thể quý giá phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu.Có thể nêu lên một số loại hình Hiện vật = di vật, kỷ vật, cổ vật, bảo vật về Dân tộc học như đồ dùng, cất,dấu,nấu,đựng , công cụ lao động săn bắt, ngành nghề truyền thống, đồ tế khí, thờ tự..v.v.v..Các loại Di vật, Cổ vật Bảo vật miền Tây Nghệ An hiện nay được phân bố  trong 4 khu vực như sau:

  1. Di vật, cổ vật … ở trong các di tích LSVH: đình ,đền, chùa,miếu. nhà thờ dòng họ:

Theo số liệu thống kê ( đến tháng  01 năm 2018- theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 về việc phê duyệt Danh mục Kiểm kê di tích ,danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) cho biết: hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền Tây Nghệ An  có: 802/ 2602 di tích bất động sản( đình ,đền,chùa miếu,nhà thờ dòng họ,danh thắng,hang động, di chỉ khảo cổ)  chiếm 31% di tích toàn tỉnh. Trong đó di tích đã được xếp hạng: 88/457  chiếm 19% di tích xếp hạng của cả tỉnh.

         Hiện nay, chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ chính xác về số lượng Di vật, cổ vật được lưu giữ trong các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như Đình, Đền, chùa, miếu, nhà thờ dòng họ…  trên địa bàn 11 huyện ,thị miền Tây Nghệ An. Nhưng một điều chắc chắn rằng số lượng  di vật,cổ vật.. trong 802 di tích bất động sản là rất lớn.

  1. Di vật, cổ vật… ở trong dân đa số là hiện vật ( di vật,cổ vật)phản ánh về dân tộc học, trang phục,ngành nghề truyền thống ….hết sức phong phú và đa dạng.Tiêu biểu và nổi bật đó là số di vật, cổ vật của nhà Sưu tập tư nhân Vi Văn Phúc ở Thị trấn huyện Con Cuông, hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 1000 đơn vị di vật, cổ vật ; Anh Nguyễn văn Huấn thị trấn huyện Anh Sơn đang lưu giữ khoảng 600 di vật ,cổ vật; Anh nguyễn Hồng Hiền thị trấn Con Cuông đang lưu giữ bộ sưu tập tiền cổ hơn 10 kg; Bộ sưu tập gồm 150 cây đèn cổ của anh Nguyễn Quang Trung thuộc khối Đồng tâm 1 phường Hoa Hiếu ở Thị xã Thái Hòa; bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của thầy giáo Nguyễn Thanh Phúc tại khối 7 thị trấn Dùng, Thanh chương…..v.v.v
  2. Di vật cổ vật trong các thiết chế văn hóa như nhà ( phòng) truyền thống các huyện,Nông lâm trường, trường học… Theo số liệu thống kê hiện nay Miền Tây Nghệ an có các nhà, phòng truyền thống đang trưng bày lưu giữ các di vật, cổ vật…như sau: Nhà truyền thống huyện Anh Sơn, Lâm trường Con Cuông; Thanh Chương;Tương dương; Qùy Hợp; Tân kỳ, Nhà trưng bày Đường Trường Sơn; phòng trưng bày bổ sung di tích Đền thờ Làng Vạc Thị xã Thái hòa; Trường PTTH Anh sơn 1 và Bảo tàng Qùy Châu. Theo số liệu thống kê 9/11 huyện miền Tây Nghệ An và một số cơ quan, đơn vị  đã có phòng, nhà truyền thống với số lượng , tài liệu hiện vật khoảng hơn 1700 đơn vị. Riêng Bảo tàng Qùy châu có khoảng trên 900 đơn vị tài liệu hiện vật, mỗi năm đón khoảng 5.000 lượt khách tham quan.
  3. Di vật, cổ vật,bảo vật trong số các di chỉ khảo cổ miền Tây Nghệ An ,như Di chỉ Làng Vạc thị xã Thái Hòa; di chỉ Đồng Trương huyện Anh Sơn,Di chỉ Thẩm Ôm huyện Qùy Châu, Di chỉ Hang Hợ Trung huyệnTân Kỳ v.v.v trữ lượng số lượng di vật, cổ vật còn rất nhiều mà chúng ta chưa có điều kiện khai quật để thu nhận. Hiện nay chỉ riêng di chỉ khảo cổ thời đại đố đá ở Thẩm ồm Qùy châu; Thời đại kim khí tại di chỉ Đồng trương huyện Anh sơn, Di chỉ hang Hợ Trung ở Tân kỳ và đặc biệt di chỉ làng Vạc thị xã Thái hòa trải qua 4 lần khai quật đã thu được hàng ngàn di vật, cổ vật. Đặc biệt trong đó có nhiều cổ vật là trống đồng,dao găm đồng… có giá trị về lịch sử văn hóa có niên đại cách ngày nay khoảng 3000- 2500 năm.
  4. Ngoài số lượng di vật, cổ vật miền Tây Nghệ An hiện đang được phân bố,lưu giữ trong 4 khu vực như đã nêu trên, hiện nay,tại Kho bảo quản của Bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ 25 ngàn đơn vị hiện vật là di vật, cổ vật được trong đó có hơn 10 ngàn di vật ,cổ vật, bảo vật được sưu tầm, khai quật tại miền Tây Nghệ An qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trong số hàng ngàn di vật, cổ của miền Tây Nghệ An được lưu giữ tại bảo tàng đã có 2 hiện vật của di chỉ khảo cổ làng Vạc được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đó là hiện vật: “Dao Găm rắn ngậm chân voi” có ký hiệu (BTNA/1264/KL.273) và hiện vật “Muôi đúc tượng voi” có ký hiệu (BTNA/1326/KL.335) tại Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài 2 bảo vật Quốc gia nêu trên, bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập di vật ,cổ vật có giá trị như:  Sưu tập dụng cụ sinh hoạt, sản xuất thời kỳ tiền sử; Sưu tập công cụ thời kỳ đồ đá; Sưu tập công cụ sản xuất bằng chất liệu Đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Sưu tập vũ khí thời kỳ văn hóa Đông Sơn….v.v đặc biệt có giá trị đó là Sưu tập Trống đồng- đỉnh cao của kỹ- nghệt đúc đồng  nền văn hóa Đông sơn.

         Với khối lượng di vật, cổ vật.., đang được bảo tồn( cất giữ) hết sức phong phú và đa dạng về các loại hình như Lịch sử, khảo cổ, dân tộc học… của Miền Tây Nghệ An như đã nêu trên là điều hết sức trân trọng và vô cùng quý giá, nhưng vấn đề thực trạng nghiên cứu ,sưu tầm,bảo quản, đặc biệt là làm như thế nào để phát huy giá trị là điều mà giới nghiên cưu chuyên môn và xã hội hết sức quan tâm. Có thể nói rằng việc nghiên cứu sưu tầm, bảo quản và phát huy các giá trị di sản nói chung, các di vật cổ vật, bảo vật nói riêng vô cùng phức tạp, tỷ mỷ công phu, đồng thời rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế -xã hội nói chung và phát triển kinh tế Du lịch nói riêng. Có thể nói, hiện nay thực trạng nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, phât huy giá trị các di sản văn hóa tại các thiết chế văn hóa là nhà, phòng truyền thống và đặc biệt tại các Bảo tàng trên địa bàn Nghệ An hết sức bất cập… nguồn lực cho công tác bảo tồn phs huy chưa tương xứng với tiềm năng di sản và sự kỳ vọng cũng như nhu cầu của xã hội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 Bảo tàng, đó là Bảo Tàng Nghệ An; Bảo tàng Xô Viêt và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc thiểu số ở huyện Qùy châu. Trước hết nói về thực trạng công tác cán bộ nghiên cứu sưu tầm, Kiểm kê, bảo quản và trưng bày tuyên truyền.tính trung bình mỗi Bảo tàng chưa có đủ 10 cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành Bảo tồn bảo tàng. Bên cạnh đó cán bộ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp cũng trái ngành, trái nghề. Vì vậy có thể nói nguồn nhân lực – con người làm chuyên môn là điều đáng báo động và cần được đào tạo lại trong hệ thống các bảo tàng, nhà ,phòng truyền thống.

       Hiện nay, thực trạng hệ thống Bảo tàng Nghệ An và các nhà ,phòng truyền thống nói chung và các nhà sưu tập tư nhân nói riêng đang “tồn tại” chứ không phải đang “sống”. Bảo tàng tỉnh Nghệ An ra đời 40 năm nhưng chưa mở cửa phục vụ công chúng và đón khách tham quan; Bảo tàng Xô viết tuy có tuổi đời gần 60 năm, Bảo tàng Qùy châu ra đời hơn 40 năm nhưng thực trạng hoạt động nghiên cứu ,sưu tầm bảo quản, phát huy giá trị cũng  trong tình trạng chung  “đóí” khách tham quan chưa thể làm được Kinh tế di sản. Việc đầu tư kinh phí hàng năm cho các Dự án, Đề án và  hoạt động thường xuyên cho công tác nghiên cứu sưu tầm… trưng bày phát huy tại các Bảo tàng hết sức bất cập. Kinh phi cho công tác sưu tầm, kho bảo quản hiện vật, công tác trưng bày tuyên truyền.. hàng năm của 3 Bảo tàng nói trên cộng lại trung bình chưa đến 30 triệu /tháng. Đó là chưa kể việc đầu tư cho các hoạt động của hệ thống Nhà, phòng truyền thống cũng hết sức bấp bênh, khó xử “bỏ thì thương vương thì nặng” và trong tình trạng ‘tồn tại cất giữ” chứ không phải bảo quản và “trưng bày,sống động” phục vụ, thu hút  khách tham quan.

         Vậy để khắc phục thực trạng về công tác bảo tồn phát huy các di vật,cổ vật,bảo vật ở miền Tây Nghệ An nói chung và trong các Bảo tàng Nghệ An nói riêng, để bảo tàng thực sự là nơi kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử.. phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công chúng, là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. dưới góc độ chuyên môn tôi thấy cần thực hiện một số giải pháp như sau.

III. Giải pháp phát huy giá trị di vật , cổ vật, bảo vật miền Tây Nghệ An

       + Trước hết đó là giải pháp vê nhận thức. Chúng ta cần phải có nhận thức một cách trúng, đúng vị trí, tầm quan trọng của di sản văn hóa nói chung và vai trò chức năng của bảo tàng nói riêng, trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và ngay trong đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác bảo tồn phát huy di sản.

        Từ chỗ nhận thức chưa trúng, chưa đúng nên dẫn đến thiếu sự đầu tư nguồn lực ( con người + kinh phí).Vì vậy cần có giải pháp về nguồn lực con người chuyên nghiệp, chuyên gia về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản. Đặc biệt nâng cao nhận thức trách nhiệm, tâm huyết cho phát triển kinh tế – xã hội miền Tây nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

        + Thứ hai cần phải có sự nghiên cứu quy hoạch liên thông, đồng bộ, hài hòa  giữa công tác bảo tồn phát huy di sản và phát triển du lịch,giữa phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa xã hội, giữa nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần, đồng thời nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng… Trên cơ sở phát huy thế mạnh của điều kiện tự nhiên- xã hội miền  Tây nghệ An để hình thành một Bảo tàng sinh thái Nghệ An có quy mô ngay trên miền Tây Nghệ An. Hiện tại Nghệ An có 3 Bảo tàng, đó là Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết và Bảo tàng Qùy Châu, nên chăng sáp nhập Bảo tàng Nghệ An và bảo tàng XôViết làm một, thành BẢO TÀNG NGHỆ AN. Riêng bảo tàng Qùy châu  (nên di chuyển địa điểm) tiến hành quy hoạch chọn một địa điểm, nơi tiếp giáp gần nhất giữa đường 48 và đường 7, để xây dựng một thiết chế văn hóa có tên là BẢO TÀNG  SINH THÁI MIỀN TÂY NGHỆ AN tạo nên một không gian văn hóa  nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và di sản văn hóa nhằm bảo tồn phát huy di sản văn hóa  tạo nên một điểm nhấn tham quan du lịch và thu hút khách tham quan. Tại đây sẽ có các  tổ hợp trưng bày về các sưu tập hiện vật là di vật,cổ vật,bảo vật ; tổ hợp hiện vật thể khối về kiến trúc nhà ở ( nhà  dân tộc Thái,dân tộc Mông, dân tộc KhơMú… có người chính các dân tộc sinh hoạt…ngành nghề truyền thống như dệt Thổ cẩm ,đan lát….; Tổ hợp sinh vật cảnh cây, con phản ánh sự đa dạng sinh vật học; Tổ hợp nhà nghỉ, ăn, uống, giải khát… phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái, du lịchvăn hóa ẩm thực….;điểm bán hàng luu niệm; Khu vực khám phá trải nghiệm cho khách tham quan, hoạt động tương tác học mà chơi, chơi mà học cho học sinh trong các chương trình ngoại khóa; Khu vực phục dựng không gian diễn xướng,trình diễn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Dân ca ví dặm, Lễ hội Xăng khan…trò chơi dân gian…; Khu vực tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao, các hoạt động văn hóa vừa mang tính bảo tồn, vừa mang tính giải trí  vừa mang tính dịch vụ thương mại… Thực tế hoạt động bảo tồn  di sản văn hóa trên thế giới nói chung hoạt động bảo tàng hiện đại nói riêng, thu hút được công chúng   khách tham quan là nhờ có những không gian đặc thù với nhiều hoạt động dịch vụ phong phú đa dạng như tổ chức các dịch vụ văn hóa ẩm thực, nghỉ ngơi, giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, giáo dục, tổ chức bảo tồn ngành nghề truyền thống, phát triển sản phẩm du lịch, lưu niệm, tổ chức Hội chợ cổ vật,thẩm định,đấu giá cổ vật… hội chợ nông – lâm sản miền Tây nghệ An.v.v.v. Muốn bảo tồn và phát huy  các giá trị di sản nói chung và các di vật, cổ vật… miền Tây cần phải xây dựng một thiết chế văn hóa tầm cỡ đó là BẢO TÀNG SINH THÁI miền  Tây Nghệ An. Một Bảo tàng được xem là năng động và hoạt động có hiểu quả thì không thể không có các không gian đặc thù nêu trên.Hy vọng trong tương lai gần việc quy hoạch lại hệ thống bảo tàng, cụ thể là hợp nhất 2 bảo tàng Nghệ An và bảo tàng Xô Viết làm một, và xây dựng bảo tàng Sinh thái miền Tây Nghệ An trên cơ sở di chuyển Bảo tàng Qùy châu và tích hợp  các nhà truyền thống cấp huyện. Khi đó Nghệ An sẽ chỉ tồn tại 2 Bảo tàng, đó là Bảo tàng tỉnh  Nghệ An và Bảo tàng sinh thái miền Tây Nghệ An.Làm được như vậy Bảo tàng sẽ có đủ điều kiện bổ sung các không gian ngoại thất đặc thù vào cơ cấu chung của không gian trưng bày.Khi đó phần trưng bày thường trực nội thất chỉ tồn tại với tư cách là một  trung tâm thông tin giới thiệu về những giá trị tiêu biểu của điều kiện tự nhiên,xã hội  Nghệ An và miền Tây Nghệ An. Còn phần trưng bày được cho là sống động nhất, mà tại đó công chúng được khám phá trải nghiệm, được tham gia vào các hoạt động sáng tạo,hưởng thụ, giải trí thưởng ngoạn các giá trị di sản văn hóa (bao gồm di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Đó chính là không gian đặc thù  trưng baỳ ngoại thất của Bảo tàng.Trong tương lai, Bảo tàng tỉnh Nghệ An và Bảo tàng sinh thái miền Tây Nghệ An sẽ là 2 Trung tâm bảo tồn và phát huy các di vật cổ vật, bảo vật nói riêng và di sản văn hóa nói chung của quê hương đất nước, đồng thời sẽ là những điểm kết nối, là điểm sáng tham quan du lịch  trong “hành trình di sản văn hóa miền Trung” và của cả nước.

       Hiện nay xu hướng phát triển loại hình Bảo tàng sinh thái, và phát triển các không gian ngoại thất đặc thù của Bảo tàng đang còn mới lạ về phương diện lý luận và thực tiễn .Nhưng trải qua thực tế ra đời, tồn tại và hoạt động trên 250 năm của bảo tàng trên toàn thế giói nói chung và hơn 60 năm của hệ thống bảo tàng Việt Nam nói riêng, cho thấy: Đã đến lúc Bảo tàng cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá về nhận thức, về cách làm cũng như kiến trúc, không gian,nội dung và hình thức trưng bày. Hy vọng với những giải pháp và điều kiện nêu trên, trong tương lai Bảo tàng tỉnh Nghệ An và Bảo tàng Sinh thái miền Tây Nghệ An sẽ là 2 Bảo tàng hiện đại, có không gian rộng, đa dạng phong phú về nội dung hình thức trưng bày. Các hoạt động của Bảo tàng được tổ chức ngay trên các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên-  Thiên nhiên là ngôi nhà của văn hóa, vừa kết hợp việc khai thác vừa bảo tồn các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, vừa phát triển du lịch,góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Nghệ An.

         Ngày nay trong xu thế của sự phát triển và toàn cầu hóa về mọi mặt kinh tế – xã hội, nhân loại đang đứng trược một mâu thuẫn lớn của thời đại, cần chung tay giải quyết. Đó là mối quan hệ giữa truyền thống dân tộc và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, mà hệ lụy của nó là nguy cơ về “ sự nhất thể hóa về văn hóa”. Ngày nay sự phát triển của khoa học công nghệ góp phần làm giàu về kinh tế -vật chất, nhưng có thể đã ,đang và sẽ làm nghèo nàn, phai nhạt sắc thái văn hóa.

        Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn phát huy các di vật cổ vật.. nói riêng và di sản văn hóa nói chung, đồng thời cùng với việc sáp nhập bảo tàng Xô Viết với Bảo tàng Nghệ An và xây dựng Bảo tàng Sinh thái miền Tây Nghệ An, là đảm bảo “sự sống” cho các Bảo tàng trong tương lai, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, An ninh, và đối ngoại của  miền Tây Nghệ An nói riêng và Việt Nam  nói chung ./.

         Tài liệu tham khảo:

  • Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật di sản văn hóa- 18/6/2009.
  • Nghị quyêt số 26/ NQ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ chính trị về phương hướng ,nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020
  • Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
  • Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020.
  • Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19 NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thức 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
  • Căn cứ nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18 NQ/TW ngày 25/10/2017cuả Hội nghị làn thứ 6 Ban chấp hành Trng ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,hoạt động hiệu lực hiệu quả
  • Quyết định 156/QĐ- TTg ngày 23 tháng 5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt.Nam đến năm 2020.
  • Thông tư số 18/2010/TT/BVHTTDL ngày 31 tháng 3 năm 2010của Bộ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức hoạt động của Bảo tàng
  • Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “ Đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch”
  • Kỷ yếu Hội thảo: “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020,tầm nhìn 2030”                                                                                                                                                                                                                   Nguyễn Đức Kiếm                                                                                                                                                                             Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial