Di chỉ khảo cổ học Đền Đồi – Kết quả các cuộc khai quật và hiện vật thu được

Ngày đăng: 28/09/2021 09:06

I. Một số nét khái quát về Đền Đồi

Đền Đồi là tên gọi của một di tích khảo cổ học thuộc hệ thống các di tích khảo cổ vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam. Tên gọi Đền Đồi có nguồn gốc từ địa điểm phát hiện di tích có ngôi đền nằm trên quả Đồi Thần, hay còn gọi là đồi Đền Đồi.

Đền Đồi nằm ở tọa độ 19°9’26’’ độ vĩ Bắc và 105°39’47’’ độ kinh Đông thuộc xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Huyện Quỳnh Lưu phía Nam giáp huyện Diễn Châu, phía Tây và Tây Bắc là đồi thấp nối liền với giải núi Trường Sơn, phía Đông giáp biển, cách thị trấn Cầu Giát 2km và thành phố Vinh 60km về phía Bắc. Đền Đồi nằm trong phạm vi phân bố dày đặc các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Quỳnh Văn như: Quỳnh Văn, Đông Hà Nam, Đông Hà Bắc, Cồn Dền…Văn hóa Bàu Tró giai đoạn sớm như: Trại Ổi, Trại Múng, Lèn Hang Thờ, Rú Ta… Các di chỉ này ít nhiều có mối liên hệ với di chỉ Đền Đồi.

Đền Đồi là một gò đất nổi cao so với các thửa ruộng xung quanh hơn 10m, rộng khoảng 1000m². Bề mặt đồi bao phủ bởi cây cỏ rậm rạp, ngôi đền cũ xây dựng trên đồi này hiện giao cho chủ đất là ông Hồ Văn Lưu quản lý.

II. Kết quả các cuộc khai quật

  1. Cuộc khai quật Đền Đồi lần thứ nhất

Được thực hiện từ ngày 20/04– 15/05/1983 do cán bộ Viện khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) tiến hành. Tổng diện tích thăm dò khai quật là 49m², gồm một hố khai quật 7x7m nằm ở sườn phía Đông Nam Đền Đồi.

Về cấu tạo địa tầng, tầng văn hóa xuất hiện ngay trên lớp đất mặt. Địa tầng hố khai quật dày trung bình 2m, gồm các lớp đất sét vàng xen lẫn các giải điệp sò và vỏ nhiều loài nhuyễn thể như trai, ốc, cua… Trong tầng văn hóa xuất lộ các di tích than tro, xương động vật và và vỏ điệp nát có dấu vết nung cháy, các cụm di tích này thường tập trung nhiều mảnh đồ gốm vỡ. Sinh thổ là cát lẫn sét không lẫn vỏ nhuyễn thể. Địa tầng và sinh thổ cùng nằm theo chiều dốc của ngọn đồi, các lớp đất và vỏ nhuyễn thể trượt dốc theo địa hình, tập trung ở vùng chân đồi và mỏng dần lên đỉnh đồi.

Trong cuộc khai quật lần I đã tìm thấy ba loại hình di tích là mộ táng và di cốt người, di tích động vật và di tích bếp lửa, cụ thể:

Mộ táng:  phát hiện thuộc loại mộ vò có nắp, tìm thấy ở trong tầng văn hóa ở độ sâu 1,89m so với điểm chuẩn, thuộc phần phía Nam hố khai quật. Mộ được đặt ngửa, bên trong chứa một khối đất gắn kết với các mẩu xương trẻ sơ sinh đã mủn nát. Không phát hiện dấu vết cải táng. Di tích mộ táng vò này thuộc kiểu táng thức phổ biến dành cho trẻ em phổ biến trong các di tích tiền sơ sử khắp thế giới. Ở Việt Nam có thể liên hệ loại táng thức này với các di tích văn hóa Sa Huỳnh và di tích Quỳ Chử để đối sánh về độ tuổi quy định cho táng thức chôn bằng vò và kiểu đặt vò mộ.

Di tích bếp lửa:   trong tầng văn hóa ở độ sâu từ 1–1,2m thuộc lớp 5 và 6 xuất lộ một số vùng than tro. Những vùng than tro này tập trung chủ yếu ở góc Tây Nam hố khai quật. Những vùng than tro này là di tích bếp lửa thường được phát hiện cùng với những đống điệp nát đã bị nung cháy, mảnh gốm vỡ. Di tích bếp lửa có độ rộng từ 2–3m² tạo thành lớp than tro dày 20cm.

Di tích động vật:  tìm thấy trong tầng văn hóa gồm vỏ điệp, trai sò, ốc nước mặn chiếm tỉ lệ cao, chúng đóng vai trò chủ yếu hình thành tầng văn hóa. Ngoài ra còn có vỏ của các loài nhuyễn thể khác nằm rải trên bề mặt đất và trong tầng văn hóa xen kẽ với lớp điệp và lớp đất sét đồi. Ngoài di tích động vật nước còn có xương động vật rừng là 3 mảnh hàm dưới và mẩu sừng nai. Các di tích động vật này cùng tầng văn hóa có hiện tượng trượt theo độ dốc sườn đồi và tập trung chủ yếu ở chân đồi. Các nhà nghiên cứu kết luận trong cuộc khai quật 1983, nguồn gốc của các di tích động vật này do con người xả ra và do hoạt động tự nhiên là sóng biển xô dạt vào tạo thành.

Cuộc khai quật di chỉ Đền Đồi lần thứ nhất thu được một rìu đá tứ giác mài toàn thân cùng 1 vài hòn cuội và 15.802 mảnh gốm văn mai rùa (văn thừng thô) và văn khắc vạch. Chiếc rìu đá này giống với loại rìu tứ giác Phùng Nguyên ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Rìu có tiết diện hình chữ nhật, kích thước nhỏ, được làm từ đá cát màu xám mốc, kích thước dài 2cm, rộng 55cm, dày 0,8cm. Loại rìu đá chữ nhật ở Đền Đồi khác với loại rìu đá có vai ở các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn và văn hóa Bàu Tró xung quanh.

Đồ gốm có số lượng khá nhiều, gồm hai loại hình là gốm thô (gốm đỏ thô, gốm xám thô) và gốm mịn. Loại hình miệng gốm thu được gồm khoảng 500 mảnh gốm có miệng loe cuốn con sâu, 107 mảnh đồ gốm miệng loe vuốt, một số gốm miệng khum kiểu miệng con cá vàng, 30 mảnh miệng kiểu vò loe ngắn– vai rộng, 6 bát bồng, chục mảnh gốm có kiểu miệng loe ngắn kiểu “âu”, 37 mảnh chân đế (12 chân đế cao và 22 chân đế thấp), 1 đồ gốm hình trụ. Chất liệu gốm là đất sét pha cát. Hoa văn gồm văn mai rùa, văn thừng, văn khắc vạch, miết bóng, đánh bóng, với các đồ án hoa văn chữ S, chữ C phức tạp. Đồ gốm Đền Đồi có nhiều nét tương đồng với đồ gốm loại hình Gò Bông của văn hóa Phùng Nguyên về chủng loại và cách trang trí hoa văn. Có quan hệ với di tích Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa), một số di tích văn hóa Thạch Lạc, Rú Nghèn, Đại Nãi.

Các nhà nghiên cứu khảo cổ nhận định Đền Đồi thuộc dạng di chỉ cư trú. Đền Đồi có cấu tạo địa tầng khác với địa tầng cồn điệp sò ở các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn, các di tích ở Quỳnh Hoa, Quỳnh Hậu, di tích Gò Lạp Bắc, Cồn Đất… Do các lớp điệp sò ở Đền Đồi xen kẽ với các lớp đất, trong đó điệp sò lổn nhổn không giống kiểu thuần các lớp điệp sò ken nhau. Đền Đồi khác với các di tích thuộc hệ thống cồn điệp sò kiểu Thạch Lạc, Thạch Lâm, Thạch Dài… Tuy nhiên có nét giống với loại hình Trại Múng, Trại Ổi, Rú Ta… Thuộc văn hóa Bàu Tró do tầng văn hóa ở đây cũng thuộc kiểu cồn đất (đan xen đất sét và điệp sò phân bố trên đồi gò, tập trung ở chân gò) tuy tầng văn hóa có phần dày hơn.

Cuộc khai quật Đền Đồi năm 1983 các nhà khoa học cũng đã nhận định Đền Đồi khác với văn hóa Hạ Long, văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa) và gần với loại hình Gò Bông của văn hóa Phùng Nguyên. Sự tương đồng được thể hiện qua loại hình hiện vật rìu đá mài tứ giác và loại hình, cách trang trí hoa văn trên đồ gốm. Đền Đồi có quan hệ trực tiếp với các di tích văn hóa Thạch Lạc, có niên đại muộn hơn Thạch Lạc và có mối quan hệ với các di tích buổi đầu thời đại kim khí ở đồng bằng Sông Mã, nhất là Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa). Qua phân tích trong báo cáo khai quật lần thứ nhất đã nhận định Đền Đồi đã bước sang thời đại kim khí.

  1. Cuộc khai quật lần thứ 2

Diễn ra từ ngày 14/10 – 02/11/2019, với tổng diện tích đào 15m² gồm một hố thám sát có kích thước 3m² (3x1m), hai hố khai quật là hố khai quật có kích thước 8m² (4x2m) và hố khai quật có kích thước 4m² (4x1m) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Úc phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nghệ An tổ chức. Cả ba hố đầo đều nằm ở sườn Đông Nam ngọn đồi Thần, trong khuôn viên đồi trồng cây của gia đình ông Hồ Văn Lưu và gần với vị trí hố khai quật năm 1983.

Dựa theo quan sát địa tầng và địa hình đồi gò cũng như tàn tích nhuyễn thể và xương động vật còn lại, Đền Đồi là gò đất cao nằm trong địa hình ngập mặn ven biển, người cổ xưa ở Đền Đồi đã chọn sinh sống trước tiên ở phần cao nhất của đồi rồi mở rộng phạm vi cư trú dần xuống chân đồi. Để xử lý độ dốc tạo mặt bằng sinh sống, người cổ đã sử dụng vỏ điệp để tạo mặt bằng và lan tỏa dần khu vực sinh sống. Các lớp điệp sò đổ dốc theo địa hình, vì thế các lớp điệp sò càng về dưới chân đồi càng có niên đại muộn hơn so với các lớp điệp sò đã xuất lộ ở trên.

Bề mặt của tầng văn hóa không bằng phẳng, nguyên nhân của hiện tượng này do địa hình dốc tạo nên. Tầng văn hóa chỉ có một giai đoạn nhưng tương đối dày và độ dày không đồng đều, dao động trong khoảng từ 160 cm đến 190 cm. Tầng văn hóa là lớp đất chứa nhiều vỏ nhuyễn thể và di vật khảo cổ bằng gốm, bằng đá, tàn tích thức ăn và một số dấu vết hoạt động của con người như bếp lửa, hố cột, nền nhà.

Khi tiến hành khai quật các hố đều bắt gặp lớp đất mặt gồm lớp đất xen lẫn các lớp vỏ điệp sò mỏng nằm trực tiếp trên lớp trầm tích mùn tự nhiên. Ở các lớp phía dưới có tác động nâng cao mặt bằng của con người bằng cách sử dụng các lớp vỏ điệp rải đều làm nền cứng và sau đó trải trầm tích mùn bùn lên trên. Các lớp này có xu hướng xuôi dốc thấp dần về phía Đông Nam theo địa hình đồi.

Trong cuộc khai quật 2019, qua quan sát tầng văn hóa có thể nhận thấy tầng văn hóa gồm các lớp đất và lớp điệp sò xen kẽ nhau, trong đó loại điệp sò không phải loại vỏ trong trạng thái tự nhiên của điệp sò mà là những mảnh vỏ rời rạc bị vứt ra sau khi con người lấy lõi thịt. Lớp đất mặt gồm lớp đất xen lẫn các lớp vỏ điệp sò mỏng nằm trực tiếp trên lớp trầm tích mùn tự nhiên. Sự tạo thành tầng văn hóa do tác động nâng cao mặt bằng của con người bằng cách sử dụng các lớp vỏ điệp rải đều làm nền cứng và sau đó trải trầm tích mùn bùn lên trên. Vì vậy lớp điệp sò này được tạo thành do con người và có tác dụng như một dạng vật liệu kiến trúc.

Tại các hố khai quật phát hiện các di tích kiểu hố cột và bếp lửa; các hố đất đen, nền sinh sống bằng điệp và đất. Quan sát và cắt các lớp điệp, có thể nhận ra rằng để tạo mặt bằng sinh sống, cư dân cổ đã dùng vỏ điệp để tạo nền cứng, vững chắc, sau đó trải lớp đất mùn bùn màu vàng, là đất trầm tích khai thác tại chỗ. Các lớp điệp và đất ken chắc với nhau cho thấy có lẽ đã được đầm một cách cố ý. Bên cạnh đó cũng thu được 37 hiện vật đá và 9726 hiện vật gốm. Về đồ đá, chủ yếu gồm các loại hình công cụ đá thô sơ bàn mài, bàn nghiền, hòn đập, đá nguyên liệu, kỹ thuật gia công thô sơ và đá nguyên liệu. Đồ gốm Đền Đồi phần lớn là mảnh gốm, tai gốm, chạc gốm, cục đất nung và các mảnh gốm vỡ chưa xác định, các mảnh gốm này bước đầu cho thấy một số đặc trưng đồ gốm di chỉ Đền Đồi. Về loại hình, hiện vật thu được gồm các loại hình bát bồng, bát, bình, nồi… ngoài ra có chạc gốm và mảnh đất nung.

Hiện vật đá thu được trong cuộc khai quật lần này đa dạng hơn cuộc khai quật trước cả về loại hình và số lượng. Về công cụ sản xuất, tại hố khai quật thu được 5/22 công cụ sản xuất bằng đá gồm: 2 bàn mài, 1 đá có lỗ vũm, 1 hòn đập và 1 chày tay. Tại hố thám sát thu được 1 đá có lỗ vũm. Các hiện vật đá còn lại là đá nguyên liệu thu được ở rải rác các hố. Các tiêu bản bàn mài được chế tác từ chất liệu đá phiến và sa thạch. Cả hai mảnh bàn mài đều được sử dụng ở dạng đá tự nhiên thô không qua chế tác. Các tiêu bản đá có lỗ vũm còn khá nguyên dáng, có chất liệu sa thạch. Hình dạng và kích thước các hiện vật đá có lỗ vũm chênh lệch nhau khá lớn. Các tiêu bản đá có lỗ vũm được tìm thấy mang đặc điểm của loại hình đá có lỗ vũm văn hóa Hòa Bình. Hòn đập có chất liệu Quartzite, còn nguyên dáng. Tiêu bản chày nghiền tìm thấy trên thân hiện vật gồm nhiều vết vỡ không có chủ ý. Dấu vết sử dụng ở một mặt, là vết mài mờ. Tiêu bản chày nghiền tìm thấy ở lớp địa tầng thấp nhất của hố khai quật, bên trong lớp điệp sò.

Giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thời kỳ đồ đá mới sang sơ kỳ kim khí Việt Nam là giai đoạn chuyển tiếp về nguyên liệu chế tác công cụ lao động từ đá sang kim loại. Chế tác đá ở giai đoạn này đã là một ngành thủ công quan trọng đối với cư dân cổ. Kỹ thuật chế tác đá thể hiện trình độ tư duy, đời sống vật chất, tinh thần và một phần kinh tế của người cổ. Cư dân cổ Đền Đồi không quá chú trọng vào kỹ thuật chế tác đá, đồ đá chủ yếu còn thô sơ mang nhiều đặc điểm của nền kinh tế sản xuất gần biển.

Qua hai cuộc khai quật Đền Đồi lần I và lần II, số hiện vật đá thu được không nhiều, chưa thể đưa ra quá nhiều nhận định về kỹ thuật chế tác đá của người cổ Đền Đồi. Thông qua so sánh, đối chiếu tư liệu của cả hai lần khai quật Đền Đồi kết hợp so sánh với các di tích thuộc văn hóa hậu kỳ đá mới–sơ kỳ kim khí trong huyện Quỳnh Lưu, có thể cư dân cổ Đền Đồi đến giai đoạn này đã sử dụng các kỹ thuật chế tác đá như: Ghè, đẽo, đập, mài…

Trong 9726 mảnh gốm thu được có 7835 mảnh có hoa văn, các loại hình hoa văn bao gồm: Văn thừng thô (văn mai rùa), văn thừng vừa (văn thừng chải), văn thừng–miết bóng, chải–khắc vạch, khắc vạch, khắc vạch trên nền thừng, khắc vạch–chải– miết bóng. Hoa văn trên mảnh thân xuất hiện rất phong phú: Văn thừng thô (văn mai rùa), thừng vừa (văn thừng chải), thừng–miết bóng, đánh bóng, khắc vạch, khắc vạch trên nền thừng, khắc vạch–chải, khắc vạch–chải–miết bóng. Thu được 11 mảnh chân–đáy đế, gồm mảnh chân đế bát, chân và đáy đế bát bồng, 247 mảnh đất nung, 2 mảnh chạc gốm bị vỡ, có chất liệu gốm thô, màu đỏ gạch non, độ nung thấp, dễ vỡ, mặt ngoài mảnh thân chạc này có hoa văn thừng thô. Mảnh chạc gốm được xác định thuộc phần thân chạc gốm. Văn thừng là loại hình hoa văn có số lượng lớn nhất. Kỹ thuật tạo đồ gốm gồm có kỹ thuật in đập thừng thô, thừng chải, chải, khắc vạch, ấn lõm, miết bóng, đánh bóng. Loại hoa văn gồm hoa văn kỹ thuật và hoa văn mỹ thuật đơn giản, hoa văn mỹ thuật kết hợp trong các đồ án hoa văn gồm có: Đồ án hoa văn chải–khắc vạch–miết bóng với motip kiểu Gò Bông trong văn hóa Phùng Nguyên, khắc vạch kiểu hình học, hình lá, hình thoi, văn kết hợp thừng chải và văn khắc vạch, miết bóng trên nền thừng. Đồ gốm Đền Đồi được làm từ loại đất gốm pha thêm cát, trong đó tỉ lệ hạt cát được điều chỉnh phù hợp với từng loại hình đồ gốm muốn chế tạo. Nhóm gốm thô có kích thước hạt cát nhiều và hạt lớn, nhóm gốm mịn có kích thước hạt nhỏ hơn do được lọc kỹ hơn. Tuy nhiên đồ gốm Đền Đồi vẫn không quá tinh lọc như ở nhiều di tích hậu kỳ đá mới–sơ kỳ kim khí khác.

Đền Đồi có những nét đặc trưng của thời đại đồ đá mới; niên đại bước đầu xác định thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí. Dựa trên một số kết quả phân tích 14 mẫu than từ 1 hố thám sát và hai hố khai quật tại phòng thí nghiệm của ĐHQG Úc (xem bảng dưới) niên đại tuyệt đối được đưa ra. Có thể đoán định tích tụ văn hóa được hình thành trong một khoảng thời gian không dài lắm, khoảng vài trăm năm, niên đại khởi đầu từ 4000 nghìn đến 3800 cách ngày nay.

Đền Đồi thuộc loại di tích có diện tích không lớn, là dạng di chỉ cư trú cồn đất, chỉ có một tầng văn hóa, vị trí địa lý gần biển, gần sông ngòi cung cấp cho người cổ xưa ở nơi này nhiều thuận lợi về nguồn thức ăn và nguyên liệu chế tạo công cụ, xây nhà ở. Hiện vật tìm được tuy không phong phú nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử nước ta từ hậu kỳ đồ đá đến sơ kỳ kim khí ở khu vực sông Cả. Đồi Đền Đồi nằm ở giữa vùng đồng bằng, xung quanh bán kính vài km là các di chỉ khảo cổ văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Văn, Đông Hà Nam, Đông Hà Bắc, Cồn Dền…), văn hóa Bàu Tró giai đoạn sớm (Trại Ổi, Trại Múng, Lèn Hang Thờ, Rú Ta…).

Ảnh: Một số kết quả niên đại AMS Đền Đồi

                                                                            Đinh Thị Ánh Tuyết

                                                               Phòng NCST – Bảo tàng Nghệ An

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Vinh (1983). Khai quật Đền Đồi Nghệ Tĩnh, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
  2. Hoàng Xuân Chinh (2009). Bài viết Đền Đồi–di tích khảo cổ mở đầu thời đại đồng thau lưu vực sông Cả, Văn hóa Nghệ An.
  3. Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Philip piper ( 2019). Báo cáo Khai quật Đền Đồi, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thúy (2015). Di chỉ Thạch Lạc trong bối cảnh các di chỉ cồn điệp sò ven biển Hà Tĩnh, Luận văn thạc sĩ, Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  5. Phạm Lý Hương (1984). Đặc điểm chất liệu gốm di chỉ Đền Đồi (Nghệ Tĩnh), Tổng hợp những bài viết về di tích Đền Đồi– Nghệ Tĩnh trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, Hà Nội.
  6. Phạm Thị Ninh (1984). Về loại gốm tô màu đỏ ở di chỉ Đền Đồi (Nghệ Tĩnh). Tổng hợp những bài viết về di tích Đền Đồi–Nghệ Tĩnh trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, Hà Nội.

Một số hình ảnh cuộc khai quật Đền Đồi lần thứ 2

 Ảnh: Toàn cảnh Di tích Đền Đồi ( nhìn từ trên cao)

 Ảnh: Toàn cảnh một hố khai quật

 

 Ảnh: Một phần hố khai quật

 

Ảnh: Một số hiện vật đá Đền Đồi

Ảnh: Vỏ Điệp

Ảnh: Một số mảnh gốm

 

 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial