Danh nhân Nguyễn Xí (1397-1465) – Người có công hai lần Khai quốc dưới triều Lê sơ

Ngày đăng: 15/02/2023 07:57

Trong cuốn An – Tĩnh xưa, của Le BreTon có ghi rằng: “Lịch sử của bộ tộc Nguyễn ở Thượng Xá ngày nay cần được chú ý những đền, đài xây dựng để thờ những tổ tiên ngày trước và sự mô tả những nơi đặc biệt trong lãnh địa của họ”. Nhân vật lịch sử đặc biệt, tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Công thần Xứ Nghệ,  có công lao hai lần “Khai quốc”, đó là Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

  1. Danh tướng Nguyễn Xí- Người  có công “Bình Ngô khai quốc”.

 Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397)  con trai thứ hai của ông bà Nguyễn Hội và Vũ thị Hạch làm nghề nấu muối, ở xã Thượng Xá, Huyện Chân phúc, phủ Đức Quang, nay thuộc xã Khánh Hợp huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An.(1)  Nguyễn Xí mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc mới chín tuổi. Nguyễn Xí theo anh trai là Nguyễn Biện (1394) lặn lội làm nghề bán muối ở vùng rừng núi Thanh Hóa,về sau cả hai anh em đều làm gia nô cho Lê Lợi ở Lam Sơn,Thọ Xuân , Thanh hóa . Căm thù ách đô hộ của nhà Minh, tháng 2 năm Bính Thân (1416) Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai cùng với các hào kiệt cùng nhau tế cáo trời, đất, thề sát cánh bên nhau đánh giặc Minh cứu nước. Lúc này anh em Nguyễn Biện,Nguyễn Xí đã trở thành người nhà của Lê Lợi, ( có lẽ vì thế nên sử sách không ghi chép có mặt trong 19 người của Hội thề Lũng Nhai (1416).(2)

Năm Mậu Tuất (1418), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, lúc này Nguyễn Xí ngoài 20 tuổi được Lê Lợi tin tưởng giao cùng với Đinh Lễ chỉ huy đội quân Thiết đột bảo vệ Bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.  Kể từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Xí đã trải qua gần 10 năm “nếm mật nằm gai”, chiến đấu bao phen trận mạc, từ núi rừng Thanh Hóa, Nghệ An đến những trận đánh Tốt Động, Chúc Động, diệt viện Chi Lăng, trận chiến Xương Giang, bao vây hạ thành Đông Quan và kết thúc cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh thắng lợi bằng Hội thề Đông Quan (3) vào ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427). Hơn 30 tuôi đời, với 10 năm xông pha trận mạc cùng chủ tướng Lê Lợi, Nguyễn Xí từ một chiến binh của đội quân Thiết đột trở thành Thượng tướng – Danh tướng của Nghĩa quân Lam Sơn, góp công to lớn trong sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm, giải phóng  đất nước.

Đất nước sạch bóng xâm lăng, thiên hạ đại định, năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ. Nguyễn Xí lúc này cũng như bao danh tướng từng trải qua mười năm “nếm mật nằm gai”  trở thành những bậc “ Khai quốc công thần”, quan chức dưới vương triều Lê Thái Tổ. Trong buổi đầu dưới vương triều Lê sơ ông được giao nhiệm vụ bên ngạch quan Võ, là: “Long Hổ Thượng tướng quân” (1428) với danh hiệu là “ Suy trung bảo chính công thần”. Năm 1429 trong lần khắc biển ngạch công thần có công Khai quốc, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5 trong trong biển ngạch công thần và phong tước Huyện Hầu. Trong những năm đầu, đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình, Nguyễn Xí, với vai trò quan chức – võ tướng, đã đóng góp nhiều công lao, ổn định, xây dựng nền thái bình thịnh trị của quốc gia quân chủ Đại Việt trong những năm đầu của thế kỷ XV.

  1. Đại thần Nguyễn Xí – Người có công “Tĩnh nạn Trung hưng Khai quốc”

 Giai đoạn từ 1928 cho đến những năm cuối đời 1465, với hơn 37 năm làm quan chức,võ tướng cao cấp dưới triều Lê Sơ, Nguyễn Xí được tin tưởng giao nhiều chức vụ,chức tước quan trọng, phò tá, trung thành, tận tụy 4 đời vua Lê. Lê Thái Tổ (1428-1433); Năm Qúy Sửu (1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ 6 vua Lê Thái Tổ băng hà có Di chiếu để lại cho Nguyễn Xí “Phụ nhiếp triều chính” (4) giúp vua còn nhỏ tuổi, coi sóc việc nhà nước.  Vua Lê Thái Tông (1434-1442); Vua Lê Nhân Tông (1443-1459); Vua Lê Thánh Tông (1460-1497)

Đặc biệt dưới thời vua Lê Nhân Tông, ông đã cùng con trai trưởng là Nguyễn Sư Hồi, cùng với Lê Liệt, Lê Lăng,Lê Nhân Thuận Nguyễn Đức Trung…. khởi xướng làm cuộc phản  “đảo chính” giết kẻ nghịch thần Phạm Đồn,Phan Ban, phế truất  Lạng sơn vương Nghi Dân, rước Gia Vương Tư Thành lên ngôi vua – Hoàng Đế  Lê Thánh Tông – niên hiệu Quang Thuận (1460).Nguyễn Xí với  công lao Khai quốc lần thứ hai, ngay sau khi vừa lên ngôi vua Lê Thánh Tông đã phong cho ông làm: “Khai quốc Trung hưng, dương võ minh nghĩa, Phụ quốc tá lý, Tĩnh nạn Trung hưng công thần; Thái Nguyên Trấn; Phiêu kỵ Thượng tướng quân; Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty nhập nội, Kiểm hiệu tá phụ Hữu tướng quốc; Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, Á quận hầu”,(5) đồng thời  đã viết bài chế ca ngợi Nguyễn Xí :

Trẫm nghĩ: Xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn ngươi đã có công như công yên được nhà Hán (1) lấy ngôi thượng công mà bàn phong thưởng, ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong … ban cho sắc mệnh rực rỡ. Xét Nguyễn Xí đây, khí chứa cứng cỏi to tát; tính vốn trầm hùng. Giup Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan. Giúp tiên khảo lúc thủ thành một lòng phò tá; Trong ngoài hết chức phận tướng văn, tướng võ, trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên  ngọc không lộ sáng. Nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái; Bốn biển ngưỡng vọng uy thanh. Tiên đế mất trong lúc đi tuần phương Nam, ngươi ân cần nhận chiếu ký thác. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc, ngươi bầy tỏ hết mưu mô giúp rập. Tôn miếu, xã tắc được yên vững; Trung châu man di đều thuần phục. Vì trong nước thừa binh đã lâu ngày; nên việc võ bị dần dần sinh trễ nãi. Giặc cướp phạm vào trong cung cấm ; Lúc nước có biến phi thường; Chỉ ngươi mưu lo cứu vãn; Cha con ngươi một nhà, cùng một lòng đánh kẻ có tội; vua tôi nghìn thuở ,ôm mặt trời mà đẩy lên cao. Công kém gì đình thần nhà Hán, việc hơn cả các quan nhà  Đường.Ba giường mối gần đứt lại được nối ;hai vầng trời, trăng đã tối lại sáng ra. Nay cho ngươi vinh hiển, được mở phủ lại kiêm chức trọng bình chương. Để cho mọi việc được sáng tỏ; để giúp đỡ mình ta.

Than ôi. Bình nạn bên trong, chỉnh ngôi vua, công cao hơn cả trong đời. Thay việc trời giúp đỡ vua, phải nên hết lòng vì nhà nước. Ngươi thực là bề tôi trung ái của ta, không cần phải bảo nhiều. (6) .

 Năm Quang Thuận thứ 3 (1462) Nguyễn Xí được phong Thái Bảo, Năm sau đó 1463 là Thái Phó nhập nội hữu tướng quốc. Tháng 12 năm Qúy mùi niên hiệu Quang Thận năm thứ tư 1463, vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ Nguyễn Xí rằng: “Tông miếu xã tắc an hay nguy là ở mấy người các khanh thôi. Các khanh nên nghĩ cho kỹ, tính cho chín, tâu việc trị nước cho trẫm biết . Trẫm sẽ cố gắng quyết đoán bên trong, các khanh sẽ thừa hành bên ngoài” (7)

Tháng 11 năm Gíap Thân (Quang Thuận năm thứ 5 (1464) Thái phó Nguyễn Xí ốm, Vua Lê Thánh Tông dụ rằng: “Ngày xưa trẫm làm phiên vương, nhởn nhơ chốn cửa son, không có ý lên ngôi báu, vì bọn khanh đồng lòng suy tôn, diệt bọn phản nghịch, đưa trẫm lên ngôi báu đến nay đã được năm năm. Thú vui con hát , vũ nữ thì khanh không bằng họ Thạch họ Cao nhà Tống, mà lo lắng đến héo ruột khô tim thì khanh hơn hẳn họ Phòng, họ Đỗ nhà Đường, Công lao đó trẫm chưa báo đền, bệnh của khanh sao đà trầm trọng. Nếu khanh nghĩ đến nước thì cơm cháo phải cố mà ăn, nếu khanh lo cho ta thì thuốc thang phải cố mà uống”(8).

Nhưng tiếc thay : “Hạn người sinh, tử đến tuần . Sáu mươi chín tuổi Quân,Thần giã nhau”. Đúng giờ Thân ngày 30/10 năm Ât Dậu (1465 ) niện hiệu Quang Thuận thứ 6, triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi. Thi hài của ông được quàn tại điện Kính Thiên,(9) vua Lê Thánh Tông bỏ vắng ba ngày không ngự triều và than rằng: “ Từ khi Khai quốc đến nay, chẳng ai được như ngươi”. và truy tặng Nguyễn Xí hàm Thái sư, Thụy là Nghĩa Vũ. Một ngày trước khi đưa Linh cữu Nguyễn Xí về quê an táng, tại điện Kính Thiên, Vua Lê Thánh Tông, các quan Đại Thần và  tất thảy các văn ,võ bá quan triều đình tập trung viếng tế ông, và quyết định  lấy ngày 13 tháng 12 năm Binh Tuất (1466) là ngày an táng.

Năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận thứ 7 vua  Lê Thánh Tông, ban Sắc “Quốc tế – Quốc tạo” và câp 100 quan tiền và miễn phu phen tạp dịch cho cả huyện Chân Phúc để xây dựng đền thờ Nguyễn Xí  ngay tại chính quê hương ông. Tiếp đó ngày 16 tháng 10 năm Quang Thuận thứ 8 (1468) Hoàng Đế Lê Thánh Tông sai  Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ Nguyễn Trực (10) phụng soạn văn bia “Thái sư Cương quốc công bi ký” ca ngợi công lao,tài, đức của Nguyễn Xí, để muôn đời sau được biết .

Ngày nay đền thờ Thai sư cương quốc công Nguyễn Xí, tại Xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, đã được nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hai lần cấp Bằng  xếp hạng. Lần thứ nhất vào năm 1990 là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Lần thứ hai, vào năm 2020, di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí được nâng lên thành Di tích  QUỐC GIA ĐẶC BIỆT./.

                                                                                    Nguyễn Đức Kiếm

                                                                            Giám đốc Bảo tàng Nghệ An.

Chú thích:

1.Văn bia “Di huấn tiên tổ” Người dịch Phó chánh Quản tộc Nguyễn Đình Điệp. hiện nay Bia đá đang còn lưu giữ tại đền thờ. Văn bia được soạn ngày 12/5 năm Quang Thuận thứ 3(1462) Người phụng chép Tòng sự xá  nhân chưởng Nguyễn Minh Đức.

  1. Hội thề Lũng Nhai- Tài liệu Hội thảo khoa học “ Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn’ ngày 20/7/2013- Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Họi khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Hội thề Lũng Nhai (14160 diễn ra tại làng Lũng Mi ( còn có tên gọi là làng Mé thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân ,tỉnh Thanh Hóa.
  2. Hội thề Đông Quan (10/12/1427) là sự kiện Ngoai giao chưa từng có trước đó của nước ta. Tại đây Bình định Vương Lê Lợi và Vương Thông, thay mặt Nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh cam kết, kết thúc chiến tranh. Vương Thông rút toàn quân về nước. Lê Lợi tạo mọi điều kiện.. để quân Minh về nước an toàn.
  3. Văn bia “Di huấn tiên tổ” đã dẫn ở trên.

5.6 Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí – Nhân vật Chí.

7.8 Ngô Sỹ Liên – Đại Việt sử ký toàn thư tập III trang 627.632

9.Điện Kính Thiên: Theo Đại Việt sử ký toàn thư được xây dựng 1428 là nơi Lê Lợi tuyên bố lên ngôi là Lê Thái Tổ, về sau trở thành nơi tiến hành các nghi lễ long trọng của triều Lê sơ. Điện Kính thiên được hoàn thiện dưới thời vua Lê Thánh Tông. Dưới triều Nguyễn được đổi tên là điện Long Thiên, và làm hành cung cho các vua chúa triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Hiện nay Điện Kính thiên chỉ còn lại nền điên, bậc thềm và 2 con rồng đá (ở trong khu thành cổ Hà nội)

10.Nguyễn Trực:Sinh ngày 31/5 năm Đinh Dậu (tức ngày 16/5/1417). Hiệu là Hu Liêu, tự Nguyễn Công Dĩnh, quê ở huyện Thanh Oai, Phủ ứng thiên nay là làng Bối Khê xã Tam Hưng huyện Thanh Oai – Hà Nội.Ông  đậu Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ khoa thi Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3 triều vua Lê Thái Tông, ( cùng khoa vớiquan Ngự sử Ngô Sỹ Liên)

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial