Ngày đăng: 23/07/2021 15:04
Đồng chí Lê Hồng Phong, người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, một trong những học trò gần gũi và xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Tổng Bí thư thứ hai của Đảng ta sau đồng chí Trần Phú.
Cuộc đời hoạt động và hy sinh dũng cảm của đồng chí là tấm gương sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, luôn khắc ghi trong tâm khảm của thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng chí Lê Hồng phong sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở làng Thông Lãng, tổng Phù Long, (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên) tỉnh Nghệ An. Cha là Lê Huy Quán, một người có học nhưng lận đận trong thi cử. Mẹ là Phạm Thị San, là người nết na, trung hậu, hết lòng vì chồng con. Ông bà sinh được 5 người con, Lê Hồng Phong là con thứ 4.
Nhà lưu niệm- nơi sinh ra và lớn lên của Lê Hồng Phong
Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, tại làng Thông Lãng (nay là xóm 10 xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Sau khi học xong sơ học yếu lược, cha qua đời, cảnh nhà khốn khó, anh phải nghỉ học, xin làm thư ký cho một hiệu buôn người Hoa, rồi làm công nhân nhà máy Diêm- Bến Thủy. Anh và Phạm Thành Khôi tích cực tuyên truyền, vận động công nhân đấu tranh với giới chủ. Bị chủ đuổi việc. Đôi bạn tâm giao trở về quê và bàn việc xuất dương tìm đường cứu nước.
Tháng 2 năm 1924 Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi với tên mới là Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái vượt Trường Sơn sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan. Mùa hè năm 1924, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái cùng 6 thanh niên khác sang Quảng Châu, Trung Quốc, được kết nạp vào Tâm Tâm xã. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu mở lớp huấn luyện cho hội viên. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác- Lê Nin và cách mạng vô sản. Hè năm 1925, Lê Hồng Phong vào học tại trường Quân sự Hoàng Phố, một năm sau được cử sang học trường Không Quân Quảng Châu. Tháng 2/1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 8 năm 1927, Lê Hồng Phong được cử sang học trường Không quân số 2 ở Liên Xô. Từ năm 1928 -1931, đồng chí đã học và tốt nghiệp trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông.
Cuối năm 1931 đồng chí về Trung Quốc hoạt động. Năm 1932, đồng chí tham gia soạn thảo Chương trình hành động của Đảng. Tháng 3/1934, tại Ma Cao, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập do Lê Hồng Phong làm Bí thư. Tháng 3/1935, Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao ( Lê Hồng Phong vắng mặt do dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản) nhưng vẫn được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 7/1937, Lê Hồng Phong trở về Sài Gòn hoạt động. Tháng 3/1938, đồng chí dự Hội nghị BCH TW Đảng tại Hóc Môn, Gia Định.
Ảnh Lê Hồng Phong trong thẻ dự Đại hội Quốc tế Cộng sản VII
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ nhất, bị kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc tại quê nhà. Năm 1940, Lê Hồng Phong bị thực dân dân Pháp bắt lần 2, bị Tòa án Sài Gòn kết án 05 năm và đày ra Côn Đảo.
Ngày 6/9/1942, Đồng chí anh dũng hy sinh tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Trong kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, bọn gác ngục đã nhiều lần cho đập phá mộ của đồng chí Lê Hồng Phong để hạ uy thế của tù chính trị. Sau mỗi lần đập phá, tù chính trị đều dựng lại bia mộ cho đồng chí. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mộ đồng chí được xây cất đàng hoàng để các thế hệ đến dâng hương tưởng niệm người anh hùng quả cảm có nhiều cóng hiến hy sinh cho nền độc lập tự do của tổ quốc.
Mộ Lê Hồng Phong được bạn tù sửa sang sau ngày giải phong Côn Đảo năm 1975
Đồng chí Lê Hồng Phong và người đồng chí, người bạn đời Nguyễn Thị Minh Khai là những chiến sỹ cộng sản kiên cường đã có nhiều cống hiến, hy sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại một tấm gương sáng về nhiều mặt. Trước hết là tấm gương về tinh thần ham học, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh tầm cao tri thức. Từ 1924-1931, liên tục trải qua các trường chính trị, quân sự từ Quảng Châu đến Matxcơva, đồng chí đã trang bị cho mình một hệ thống tri thức lý luận Mác- Lê Nin và khoa học quân sự cách mạng, giỏi tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Thái, biết một ít tiếng Pháp. Đồng chí đã trở thành một nhà cách mạng ưu tú, có học vấn cao của Đảng ta, đủ sức nắm bắt và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng đặt ra cho cách mạng Việt Nam.
Ghi nhớ công lao to lớn của Tổng bí thư Lê Hồng Phong với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Nghệ An trong những năm qua đã có những hoạt động thiết thực tri ân tưởng nhớ và học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An viếng mộ đồng chí Lê Hồng Phong tháng 7 năm 2012
Cùng với tên tuổi của đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu… và biết bao đồng bào, đồng chí khác – tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi sáng chói trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá:“Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.”
Phan Thị Hà Long – Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]