Ngày đăng: 14/06/2021 15:01
Sưu tầm là một trong sáu khâu công tác chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng, là khâu quan trọng để có các hiện vật gốc và sưu tập hiện vật gốc mang giá trị lịch sử, khoa học trong Bảo tàng. Công tác sưu tầm được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động Nghiên cứu- khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, hướng dẫn tham quan, giáo dục khoa học trên cơ sở hiện vật gốc. Vì vậy sưu tầm được coi là nền tảng cho toàn bộ các khâu công tác khác, quyết định mọi hoạt động của bảo tàng; là điều kiện, nền tảng quyết định cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của một Bảo tàng.
Bảo tàng Nghệ An là nơi trưng bày giới thiệu toàn bộ về con người, lịch sử, văn hoá và các hoạt động, sự kiện tiêu biểu của nhân dân Nghệ An từ xưa đến nay. Được thành lập năm 1979, mở cửa trưng bày đón khách tham quan vào tháng 12 năm 2019 với 5 chủ đề trưng bày, chủ đề I: Nghệ an- Thiên nhiên và con người; chủ đề II: Nghệ An từ thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước; chủ đề III: Nghệ An trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ( từ thế kỷ I đến năm 1945); chủ đề IV: Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc ( từ năm 1946 đến năm 1975); chủ đề V: Nghệ An ngày nay ( từ năm 1975 đến nay).
Tính từ năm 1979 cho đến nay, Bảo tàng Nghệ An đã tổ chức hàng trăm đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật trên địa bàn tỉnh, thu thập về cho kho cơ sở hàng ngàn trang tư liệu, hình ảnh có giá trị, hàng trăm hiện vật, cổ vật quý hiếm. Hiện đang lưu giữu, bảo quản hơn 31.000 đơn vị tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, hàng chục bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, có 3 bảo vật quốc gia được nhà nước công nhận. Đó là sự hiện diện của hàng trăm hiện vật, cổ vật trong 5 chủ đề trưng bày nhà trưng bày cũng như các bộ sưu tập quý hiếm ở trong kho cơ sở như: Bộ sưu tập Trống đồng, Tiền cổ, công cụ sản xuất, đồ trang sức văn hóa Đông Sơn, gốm thời Lý Trần… và nhiều bộ sưu tập khác là minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng Nghệ An, đặc biệt là những cán bộ làm công tác sưu tầm.
Qua 42 năm hình thành và hoạt động (1979-2021), Bảo tàng Nghệ An luôn quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật có giá trị, mang tính lịch sử – văn hóa đặc trưng của vùng đất địa phương. Cùng với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục…công tác sưu tầm những năm qua đã được định hình và thực hiện bằng nhiều phương thức, biện pháp một cách chuyên sâu và đa dạng.
Phòng Nghiên cứu- sưu tầm thường xuyên lên kế hoạch tổ chức các đợt khảo sát, sưu tầm có định hướng trên khắp địa bàn của thành phố, các huyện của tỉnh, đi đến các cơ quan, ban ngành, gặp gỡ các chứng nhân lịch sử, các nhà sưu tập cổ vật tại địa phương, các cá nhân lưu giữ hiện vật, các vị lão thành cách mạng..và đã sưu tầm để bổ sung tài liệu, hiện vật cho kho cơ sở, đồng thời xây dựng được nhiều bộ sưu tập có giá trị mang nét đặc trưng riêng về văn hóa, lịch sử của tỉnh Nghệ An cũng như phục vụ cho công tác trưng bày, tuyên truyền, giáo dục đối với du khách tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng. Qua công tác sưu tầm hiện vật góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập đã có, nhưng quan trọng nhất là cho phép Bảo tàng có được sự lựa chọn tối ưu trong trưng bày cũng như luôn thay đổi nội dung trưng bày để hấp dẫn khách tham quan. Chính vì xác định định hướng như vậy nên hiện nay Bảo tàng tỉnh Nghệ An cơ bản đã hoàn thiện được nhiều bộ sưu tập có giá trị, các bộ sưu tập về Khảo cổ, Lịch sử cách mạng, hiện vật về Văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…Phòng luôn chú trọng sưu tầm những tài liệu, hiện vật có chọn lọc, đáp ứng được những tiêu chí đổi mới và nâng cao giá trị lịch sử, thẩm mỹ phục vụ cho khách tham quan.
Một hướng nửa mà công tác nghiên cứu sưu tầm luôn được quan tâm khai thác là sưu tầm kho tư liệu khoa học phụ: băng ghi hình, ghi âm của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, các phim tư liệu, tài liệu về đất nước, con người Nghệ An, những lời kể, hồi ức của nhân vật gắn liền với lịch sử địa phương, đây cũng là hướng sưu tầm mới mà phòng nghiên cứu sưu tầm đã chủ động thực hiện và tranh thủ chạy đua với thời gian nếu không muốn mất đi nguồn tư liệu quí hiếm.
Công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng đòi hỏi sự nghiêm túc về tổng hợp thông tin, phân tích, đối chiếu các nguồn sử liệu khác để có được những đánh giá chính xác và khoa học đòi hỏi những người làm công tác sưu tầm, phải là người có tâm huyết, có trình độ nhất định, tạo niềm tin, sự nhiệt tình hợp tác từ phía chủ hiện vật khi hiến tặng hoặc sang nhượng cho Bảo tàng và luôn trau dồi kiến thức để thực hiện công tác sưu tầm đạt kết quả tốt. Trong những năm qua, những cán bộ làm công tác sưu tầm đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đi đến các bản làng xa xôi hẻo lánh vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với hệ thống đường giao thông hết sức khó khăn, gian khổ, nhất là vào mùa mưa đường sá lầy lội để sưu tầm được những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, hiện vật ngành nghề truyền thống cũng như những hiện vật kháng chiến cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chi bộ, Ban giám đốc, có thể nói công tác nghiên cứu sưu tầm tại Bảo tàng Nghệ An đến nay đã cho thấy được hướng đi đúng trong phương pháp và biện pháp tiếp cận, điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng của hiện vật trưng bày, ở nội dung của các bộ sưu tập. Trong vài năm trở lại đây, công tác nghiên cứu sưu tầm đã đạt được nhiều kết quả, hàng trăm tư liệu và hiện vật gốc đã được sưu tầm, xây dựng và bổ sung cho các bộ sưu tập, trong đó có nhiều hiện vật giá trị, mang nội dung sâu sắc và có tính thẩm mỹ cao. Điều đó đã được thể hiện rõ trong các chủ đề trưng bày của Bảo tàng Nghệ An thông qua những hiện vật, cổ vật quý hiếm.
Công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật luôn được Bảo tàng Nghệ An chú trọng triển khai thực hiện coi đó là hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài . Tuy nhiên, về khách quan nhìn nhận qua các đợt sưu tầm, thu thập, bổ sung tư liệu, hiện vật trong những năm gần đây cũng còn một số những bất cập, khó khăn. Còn thiếu những hiện vật mang tính điển hình gắn với các sự kiện và những nhân vật lịch sử, văn hóa quan trọng của địa phương để tạo điểm nhấn và gây ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan.
Nguồn kinh phí hàng năm còn nhiều hạn chế, đây chính là mấu chốt của những khó khăn trong công tác sưu tầm, kinh phí dành cho sưu tầm và sang nhượng hiện vật còn hạn hẹp, hầu như chủ yếu sưu tầm những hiện vật nhỏ, lẻ ít tiền, chưa đủ kinh phí để sưu tầm thành một bộ sưu tập, những hiện vật có giá trị cao. Đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác chuyên môn được đào tạo về chuyên ngành bảo tàng mỏng, cán bộ làm công tác sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao khả năng nghiệp vụ, từ đó trong quá trình triển khai công tác sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó còn có những quy định khác của nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học và cá nhân đều được thực hiện việc sưu tầm, thu thập tư liệu hiện vật quý, hiếm làm tư liệu cho cá nhân để sử dụng nghiên cứu cho các đề tài, các công trình khoa học của bản thân, các hội chơi cổ vật đều sẵn sàng thu mua hiện vật, cổ vật quý hiếm với giá cao mà không cần phải chờ đợi khâu thủ tục hồ sơ rất lâu theo quy định của Nhà nước. Một trong những trở ngại lớn đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sưu tầm tư nhân trong và ngoài nước với Bảo tàng công lập để sở hữu hiện vật.
Mặt khác hiện nay các nhân chứng sống cũng không còn nhiều, bên cạnh đó những nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao, điều đó đồng nghĩa với tình trạng ngày càng mất đi cơ hội gặp gỡ khai thác, nếu không tiến hành sưu tầm nhanh, số lượng tài liệu, hiện vật này ngày một mất dần theo năm tháng. Một thực tế khác là hiện nay hầu hết tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong nhân dân đều chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học mà hoàn toàn bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên dẫn đến nhiều hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một, hư hỏng.
Thêm vào đó là nhận thức của chủ sở hữu về ý nghĩa của hiện vật. Đôi khi cán bộ bảo tàng đi sưu tầm hiện vật lại bị tưởng lầm là người mua bán cổ vật nên hét giá lên cao một cách không hợp lý. Công tác vận động quần chúng hiến tặng, đóng góp hiện vật cho bảo tàng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế thị trường đã tạo ra cho người giữ hiện vật quan tâm đến lợi ích kinh tế hơn là ý nghĩa lịch sử của chính bản thân hiện vật, từ đó viên chức bảo tàng không dễ vận động thuyết phục để họ hiến tặng mà không có chế độ, chính sách bồi dưỡng thích đáng đối với công sức người lưu giữ hiện vật. Vì vậy bên cạnh công tác sưu tầm, cán bộ bảo tàng cũng nhiều lần cũng làm công tác truyên truyền vận động, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về truyền thống, về lòng tự hào đối với di sản văn hóa dân tộc để chủ nhân hiện vật hiểu mà hiến tặng hoặc sang nhượng cho bảo tàng qua đó lưu giữ được những hiện vật có giá trị không để thất thoát khỏi địa phương.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Bảo tàng Nghệ An trong 42 năm qua, đặc biệt là công tác Nghiên cứu- sưu tầm tài liệu, hiện vật, có thể tự hào vì những gì Bảo tàng Nghệ An đã đạt được, khối lượng hiện vật được sưu tầm về đã và đang tạo ra tiền đề và định hình vững chắc cho Bảo tàng Nghệ An khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương và cả nước.
Với lòng yêu nghề các cán bộ viên chức Bảo tàng nói chung và cán bộ làm công tác sưu tầm nói riêng luôn tìm tòi nghiên cứu và hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện tốt công việc chuyên môn, không ngừng sưu tầm và bổ sung nhiều hơn nữa các bộ sưu tập hiện vật, tư liệu, hình ảnh… để qua đó nâng tầm và lưu giữ những giá trị về lịch sử, những bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh nhà, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, thương người, quý trọng, gìn gữ di sản cho các thế hệ mai sau nhằm bảo quản và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đinh Thị Ánh Tuyết
PTP. Nghiên cứu – Sưu tầm
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]