CHUỖI HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM 23/11/2024 TẠI BẢO TÀNG NGHỆ AN.

Ngày đăng: 02/01/2025 11:07

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại Bảo tàng Nghệ An, sáng ngày 22/11/2023 đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề: “ Phú Thọ – Nghệ An,  kết nối miền di sản”, triển lãm tranh “Nét đẹp Di sản văn hóa Huế qua góc nhìn hội họa” và trưng bày bộ sưu tập áo dài chủ đề “Áo dài và di sản” và trình diễn Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa nhằm kết nối  văn hóa giữa các vùng miền di sản, từ đó lan tỏa tình yêu và niềm tự hào đối với truyền thống lịch sử dân tộc.

Đ/c Trần Thị Mỹ Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu tại Lễ khai mạc

Với hơn 200 hiện vật, tài liệu và hình ảnh giá trị, trưng bày chuyên đề: “ Phú Thọ – Nghệ An, kết nối miền di sản” giới thiệu đến công chúng về 03 di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc của 2 tỉnh Nghệ An và Phú Thọ. Đó là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một hình thức tín ngưỡng linh thiêng, tôn vinh các vị vua Hùng, đại diện cho lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội của dân tộc ta. Với những giá trị đặc sắc và riêng biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Hát Xoan gắn liền với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, còn gọi là hát cửa đình ( Khúc môn đình, Ca môn đình). Đây là hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện tín ngưỡng, phong tục và nghi lễ thờ thần và các vị vua Hùng trong dịp đầu xuân. Hát xoan Phú Thọ được  UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.  Đây là hai Di sản văn hóa phi vật thể truyền thống độc đáo, đặc sắc biểu trưng cho triết lý nhân văn “Con người có tổ có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 Công chúng cũng có cơ hội tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình phát triển của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh qua gần 100 bức ảnh tư liệu quý để hiểu hơn về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã được UNESCO vinh danh ngày 27 tháng 11 năm 2014. Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh sinh ra từ lao động sản xuất, mang hơi thở, hồn cốt của mảnh đất và con người xứ Nghệ được lưu giữ và trao truyền cho đến tận ngày nay.

Không gian trưng bày chuyên đề: “Phú Thọ – Nghệ An, kết nối miền di sản” đón nhận sự quan tâm của nhiều du khách

Trong khuôn khổ của Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức tại tỉnh Nghệ An; Bảo tàng Mỹ thuật Huế tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm tranh “Nét đẹp Di sản văn hóa Huế qua góc nhìn hội họa” và trưng bày bộ sưu tập áo dài chủ đề “Áo dài và di sản” .

Triển lãm: “Nét đẹp di sản văn hóa Huế qua góc nhìn hội họa” giới thiệu Hơn 100 bức tranh được tuyển chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế tái hiện vẻ đẹp di sản cố đô qua các góc nhìn độc đáo của các nghệ sĩ. Từ kiến trúc, cảnh quan đến con người Huế, mỗi tác phẩm là một mảnh ghép cảm xúc, góp phần lan tỏa thông điệp giữ gìn và bảo vệ di sản. Không gian trưng bày “Áo dài và di sản” giới thiệu bộ sưu tập áo dài gồm trang phục áo dài truyền thống như: Áo Nhật Bình, sưu tập áo dài của Nhà thiết kế Viết Bảo ứng dụng sản phẩm dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Trưng bày nhằm góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, góp tiếng nói chung vào việc bảo tồn và phát huy nét đẹp chiếc áo dài truyền thống nói riêng đến công chúng, du khách trong nước và quốc tế.

Du khách tham quan không gian triển lãm của  Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Tại tầng 1, Bảo tàng Nghệ An, từ ngày 22-25/11, tác giả, nhà điêu khắc trẻ Bùi Văn tự tổ chức trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng với 02 tác phẩm: “Ký Ức Làng Sen”“Khát Vọng Việt Nam” . Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng với sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống và hiệu ứng ánh sáng đã chinh phục trái tim khán giả, mang đến cho công chúng xứ Nghệ nhiều trải nghiệm thị giác mới lạ.

Du khách chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc ánh sáng của tác giả Bùi Văn Tự

Nằm trong chuỗi hoạt động còn có một triển lãm ấn tượng là không gian nghệ thuật “Sen thư pháp” với nhiều bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh ngôn cuộc sống đầy ý nghĩa. Đây là những tác phẩm thuộc bộ sưu tập “Sen trong đời sống văn hóa Việt” của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – kỷ lục gia được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 17.4.2021 là  người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng sen và đã được triển lãm ở nhiều nơi trong nước.

Không gian nghệ thuật Sen thư pháp đã thu hút sự quan tâm lớn của những người yêu sen, yêu nghệ thuật thư pháp, yêu văn hóa Việt.

Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, Bảo tàng Nghệ An đã phối hợp với nhiều trường học, trung tâm giáo dục tổ chức các buổi tham quan, học tập chuyên đề cho học sinh. Những chuyến đi này không chỉ giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức giữ gìn di sản.

Đ/c Trần Thị Mỹ Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tặng hoa cho các tổ chức, cá nhân phối hợp trưng bày

Các hoạt động tại Bảo tàng Nghệ An là cuộc “Gặp gỡ” thú vị và đầy ý nghĩa của những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, trân trọng, bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; tiếp tục kết nối cộng đồng để từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản; góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch và kinh tế địa phương, nâng cao vị thế hình ảnh mảnh đất và con người Việt Nam.

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial