Chiếc gùi trong cuộc sống của đồng bào miền núi

Ngày đăng: 15/06/2021 10:37

Với người Kinh ở miền xuôi, hình ảnh đôi quang gánh từ lâu đã gắn bó mật thiết với người lao động, hiếm khi người phụ nữ ra khỏi nhà ( trừ đi hội hè, tang ma, đình đám…) mà thiếu đôi quanh gánh trên vai. Hình ảnh gánh gánh, gồng gồng ấy quen thuộc vô cùng và nó trở thành vật dụng không thể thiếu trong các gia đình nông thôn ở bất cứ làng quê nào ở nước ta.

Nếu quang gánh là bầu bạn của chị em miền xuôi, thì chiếc gùi lại gắn bó với phụ nữ miền núi như hình với bóng. Từ lúc lọt lòng, hình ảnh mẹ cha sáng chiều lên rẫy với chiếc gùi lúc vơi đầy, nặng nhẹ cố lẽ là hình ảnh thân thuộc nhất đối với mỗi đứa trẻ vùng cao. Lớn hơn một chút, các em được bố đan cho chiếc gùi nhỏ để tập mang, giúp cơ thể thêm cứng cáp, làm quen với cuộc sống lao động. Ðến khi trưởng thành, lại mang gùi lớn để cùng bố mẹ lên nương, lên rẫy, vào rừng kiếm củi. Cứ thế, các em lớn dần theo năm tháng cùng với chiếc gùi.

Chẳng biết chiếc gùi có mặt trong cuộc sống của đồng bào tự bao giờ chỉ biết rằng nó là vật dụng vô cùng thân thuộc, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Gùi ngoài chức năng là vật dụng để đựng, còn là phương tiện vận chuyển phổ biến  thể hiện tính thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người chế tác, tính tiện dụng thích nghi cao với cuộc sống núi rừng.

Sống trên núi, địa hình dốc, bà con không thể gánh gồng thong dong như người miền xuôi nên đồng bào đã tìm cách chuyển sang mang vác, để giải phóng đôi tay có thể vừa phát cây khi băng rừng, giữ thăng bằng khi lội suối… Chiếc gùi giúp họ có thể chở tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Từ hạt lúa, củ sắn, củ khoai, nắm rau cho đến thanh củi… tất cả đều ở trong chiếc gùi trên lưng theo chân họ đi khắp nơi. Có nhiều loại gùi với các công dụng khác nhau, gùi nhỏ cho trẻ em, gùi thưa đi lấy củi, gùi có nắp đựng váy, áo, chăn màn và tư trang, gùi kín đựng lúa… Tùy vào mục đích sử dụng mà những chiếc gùi có sự thay đổi nho nhỏ trong cách cấu tạo.

Phần lớn các bộ phận của gùi được đan bằng các loại mây. Mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: thân gùi được đan bằng mây, có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Đồng bào ở vùng cao thường chế tác thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to, còn đồng bào ở vùng thấp thì chế tác miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau, đế gùi đan bằng mây (sợi lớn). Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song… Ví dụ như chiếc gùi lúa (yăng) của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn có miệng loe rộng, vừa có dây quàng qua trán vừa có ách tỳ vào gáy người đeo để tạo cảm giác thoải mái, đỡ nặng hơn. Khác với chiếc gùi kín có nắp đậy ( plùm) dùng để đựng quần áo, chỉ có dây đeo mảnh để khoác lên vai.

 Theo kinh nghiệm đan lát của người Khơ mú ở Kỳ Sơn thì muốn làm được gùi đẹp, bền phải chú ý từ khâu chọn nguyên liệu. Đồng bào chỉ chặt tre, nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng, vì tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị hỏng. Mây phải chọn loại sợi già, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Khi chế biến nguyên liệu, người thợ phải tôn trọng nguyên tắc “tre nứa chẻ từ ngọn xuôi, song mây lóc từ gốc ngược”…. Sau đó, chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm trong bùn cho đủ độ dẻo, vót 4 trụ bằng nứa cho đúng kích thước và bằng nhau. Quan trọng nhất và công đoạn làm đế, đế có đều, đẹp và chắc chắn, gùi mới sử dụng được lâu, nguyên liệu làm đế là gỗ cây rừng. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân gùi, có thể theo hình thoi hoặc tròn. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, thường làm bằng vỏ cây rừng hoặc mây

Tùy từng loại sản phẩm, đồng bào sử dụng kỹ thuật đan lát khác nhau. Nếu đan mâm dùng kỹ thuật xâu xiên thì đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi và lóng ba… Đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng đan gùi lúa phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới “ăn nên làm ra”.

Dẫu có đôi chút khác nhau về hình dáng, kích thước thì chiếc gùi – trong đời sống của đồng bào dân tộc Khơ mú, Thái, Mông… ở Nghệ An cũng chứa đựng chung nhiều giá trị, là đồ vật vượt lên ý nghĩa gia dụng chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa văn hóa. Chiếc gùi như người bạn đồng hành trong lao động sản xuất, một thành viên trong cuộc sống gia đình..

Nghề đan lát thủ công cũng là một bộ phận cấu thành văn hoá dân gian, chứa đựng nhiều yếu tố bản sắc dân tộc. Trong các sản phẩm nghề truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc rất rõ nét ở ý tưởng sản xuất chế tác, ở khả năng sử dụng nguyên liệu chất liệu thiên nhiên và kỹ xảo nghệ thuật bố cục trang trí.

                                                                             Phan Thị Hà Long

                                                                    Phó Giám đốc Bảo tàng Ngh An

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial