Ngày đăng: 15/07/2024 15:40
Đình Trung Cần được xây dựng trên giải đất cao ráo, phong quang, nơi trung tâm của làng Trung Cần, xã Nam Trung, nay thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đình được xây dựng vào cuối triều Lê. Hai đường thượng trong đình có khắc ghi niên đại: “Tân Sửu hạ kính thủy. Nhâm Dần xuân hoàn thành” (Mùa hạ năm Tân Sửu – 1781 khởi công; mùa xuân năm Nhâm Dần – 1782 hoàn thành). Đình là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật, bề thế, nguy nga, cổ kính, tinh tế, điêu luyện… biểu hiện nhận thức thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật cao của người thợ và nhân dân làng xã trong vùng.
Theo ý nguyện của dòng họ Nguyễn Trọng Trung Cần, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trọng Đường, đã đề xuất, khởi xướng, vận động nhân dân trong làng xây dựng nên đình Trung Cần. Bài vè làm đình Trung Cần có câu:
Được ba ông quan mới,
Xã mừng hơi hởi
Xã cất đình lên…
Ba ông quan mới đây là ba Tiến sĩ họ Nguyễn Trọng sinh ra ở đất Trung Cần: TS. Nguyễn Trọng Thường đậu khoa Nhâm Thìn (1712); TS. Nguyễn Trọng Đương, con Trọng Thường đậu khoa Kỷ Sửu (1769); và TS. Nguyễn Trọng Đường, cháu nội Trọng Thường, gọi Trọng Đương là chú, đậu khoa Kỷ Hợi (1779). Dòng họ Nguyễn Trọng vừa chủ xướng, vừa có đóng góp quan trọng cả về tinh thần và vật chất cho việc xây dựng đình, với ý tưởng làm đình phải có quy mô to đẹp và tương xứng với cả vùng.
Đình Trung Cần và lăng mộ Tiến sĩ Tống Tất Thẳng đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp Bằng công nhận là Di tích Kiến trúc – Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định ký ngày 12/1/1996). Tống Tất Thắng, quê ở Trung Cần, đậu Tiến sĩ khoa Ất Sửu – niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505), làm quan đến Hành khiển, Thượng thư, khai đại khoa cho làng Trung Cần.
Đình Trung Cần là một công trình kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ và đất nước. Qua kết cấu, bài trí, các họa tiết hoa văn, các bức tranh chạm trổ trong đình đã nói lên tài hoa, tư tưởng thời đại của tác giả khởi xướng và những người tham gia xây dựng đình. Đặc biệt có các bức họa là biểu tượng, điển tích liên quan đến truyền thống ngoại giao, đi sứ của các nhân vật dòng họ Nguyễn Trọng vốn nổi tiếng nhiều đời.
Tam quan (cổng đình) có hai cột nanh cao vút, trên đầu là hai “con nghê” bằng gốm đất nung đối diện nhìn nhau, với hình dáng, văn vây, móng vuốt chi tiết mềm mại, tinh tế, mang đặc thù của linh vật Việt thời Lê Trung hưng. Mặt ngoài và trong tam quan có các đại tự, câu đối, tiêu biểu như:
– Càn khai khôn cáp (Trời mở toang, đất khép kín)
– Nhật chiếu nguyệt lâm (Mặt trời chiếu rạng, mặt trăng soi trong)
– Vân hành vụ thí (Mây lùa bay, mưa rơi xuống)
– Hải án hà thanh (Biển lặng, sông trong)
Cột cửa nanh có các đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp, địa khí linh thiêng một vùng, tiêu biểu như:
Nhất phương hùng trấn địa duy ngũ hoa anh tú;
Tứ vọng ngật kình thiên trụ tam khí chung linh.
Tạm dịch:
Hùng trấn một phương bên đất Ngũ Hoa anh tú;
Cao vời bốn phía trụ trời ba khí linh thiêng.
Các đại tự, câu đối này là biểu tượng cho linh khí trời đất quê hương, đất nước; cho tư tưởng muốn bay cao, vươn xa của con người nơi đây, mà tiêu biểu là con người dòng họ Nguyễn Trọng đại diện cho nhân dân vùng này luôn hướng tới/thể hiện trong sự nghiệp khoa danh, đi sứ của mình.
Ngôi đình oai nghiêm, guột mái cong. Trên nóc có mô hình “Lưỡng long triều nguyệt” (hai rồng chầu mặt trăng). Cũng như những con rồng đúc đất nung, những con nghê, sấu “kỳ lân” đa dạng chạy dài trên các đường lưng chừng, các góc mái đến tận mái, nối tiếp là những “chim phượng” cất cánh như chực bay lên trời. “Long, ly, quy, phượng” là những mô hình tượng trưng bốn con vật linh thiếng, tất cả bằng đất nung, đường nét chi li, tinh tế, mang thần sắc sống động, linh hoạt tôn nghiêm cổ kính. Đình gồm 5 gian, 3 gian chính, 2 gian phụ, chiều dài đến 30m, chiều ngang 16m. Sáu vì gồm 24 cột lim, kết cấu kiểu tứ trụ, mỗi cột cao tới 8m, với chu vi 1,5m.
Nối tiếp sau đình là một hậu cung nhỏ hơn, có biển khắc trạm lộng ba chữ Hán “Đại Thánh miếu” (Miếu thờ Khổng Tử), hay nơi thờ Đạo Nho (Đạo Học). Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà hoạt động chính trị, người mở đầu cho học phái Nho gia cuối đời Xuân Thu, tên là Khâu, tự Trọng Ni (551-479 TCN), người ở Trâu Ấp, nước Lỗ (nay là Khúc Phụ, Sơn Đông). Ông từ bỏ chức quan triều đình, theo nghề dạy học, từng có 3.000 đệ tử, có 72 người thành đạt. Ông từng san định các sách: Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu… tác phẩm Luận Ngữ của ông còn lưu lại đến ngày nay và ông được xưng tụng là Thánh Nhân. Sách của Khổng Tử là các bộ giáo khoa thư dạy và học, đào tạo nên các nhà khoa bảng, phục vụ cho triều đình tuyển chọn nhân tài và quan lại quản lý đất nước.
Tất cả 12 kèo trước sau và hồi đều được trạm trổ tinh tế; Trên nách bốn bề dưới mái đình có 24 bức tranh khắc gỗ nổi (cỡ 80 x 60cm), là những kỳ công của điêu khắc cổ. Những mô hình điển tích Trung Hoa được chạm khắc các cảnh“Vua Thuấn đi cày ở núi Lịch Sơn”, “Vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn ở Hoàng cung”, cảnh “vượt biển bằng thuyền trong giông bão” v.v… Những cảnh sinh hoạt dân gian rất sinh động như: “Tiến sĩ về làng”, “Người đánh đàn”, “Trẻ chăn trâu thổi sáo”, “Mẹ cho con bú”, “Trai gái giã gạo”, vui đùa hồn nhiên, “Tranh người đánh cờ”, cảnh “Đọc sách ngâm thơ”, “Phi ngựa chiến qua làng…
Một số bức chạm nổi bật tại vì,kèo Đền Trung Cần
Trong 24 bức chạm và ở các cột bồng nhỏ, các đấu ở xà nách đều chạm nhiều cảnh sinh hoạt, hoa văn tứ quý, tứ linh, như “vinh quy bái tổ”, long, ly, voi, ngựa, sen, rùa… Tiêu biểu: 8 ổ rồng 10 con, 3 hóa phượng; 1 lưỡng long triều nguyệt; 6 lèo lá hóa phượng; 2 rồng ở 2 kẻ giữa phía sau; 4 đầu rồng phía sau quân đầu; 1 đầu rồng, 3 long hóa phía phải 4 quân đầu; 3 rồng, 1 rùa ở 4 đầu quân phía trước; 4 xà thượng đều chạm rồng hóa… Toàn bộ các họa tiết hoa văn chạm khắc ở đình Trung Cần gợi lên một quang cảnh làng xã xa xưa, một làng có văn hóa, văn minh, vừa cổ kính, vừa dân dã, gần gũi, thân thiết, được bố cục hài hòa, đường nét điêu luyện, ý cảnh, thần sắc thực và ảo nói lên tài nghệ, tâm hồn nghệ nhân làng xã thuở xa xưa. Kết cấu kiến trúc và các họa tiết hoa văn ở đình mang đậm nét triết lý văn hóa dân gian sâu sắc của thời đại thế kỷ XVII – XVIII; có giao thoa trộn lẫn tư tưởng Nho – Phật – Lão (Tam giáo đồng nguyên). Đình Trung Cần, một công trình văn hóa nghệ thuật bề thế, điêu luyện, một tác phẩm kiến trúc tuyệt xảo nhất vùng, cùng cụm đình Hoành Sơn, Dương Liễu đã có tiếng vang trong xứ Nghệ. Qua đây có thể thấy được năng lực giỏi của người khởi xướng xây dựng đình Trung Cần – Tiến sĩ Nguyễn Trong Đường còn là một kiến trúc sư đại tài, tác giả của các ý tưởng uyên thâm, độc đáo, vượt lên thời đại. Các tích truyện họa khắc ở đình Trung Cần đã phần nào phản ánh đúng gia thế họ Nguyễn Trọng với các danh nhân đậu Tiến sĩ, làm sứ thần, đã được vua chúa tin dùng, trọng dụng.
Đình Trung Cần với kiến trúc độc đáo, với hệ thống các hoa văn, các bức họa chạm khắc mỹ thuật tinh tế, điêu luyện, là một công trình di sản văn hóa nghệ thuật quý còn lưu lại đến nay. Nó xứng danh là một trong những ngôi đình to đẹp nhất xứ Nghệ, cần được thường xuyên tu dưỡng bảo vệ, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống con em các thế hệ trẻ của địa phương và đất nước.
Thu Vân
__________________________
Sách và tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ Di tích đình Trung Cần… Bảo tàng tỉnh Nghệ An;
- Nguyễn Tôn Nhan. Bách khoa thư Văn hóa cổ điển Trung Quốc.- H., Văn hóa Thông tin, 2000.- 1.521 tr., 16 x 24cm.
- Nguyễn Văn Huân – Bùi Huy Tuấn. Thành ngữ và điển cố Trung Hoa. NXB Hải Phòng, 2008.- 587 tr., 20,5cm.
- Đào Tam Tỉnh. Khoa bảng Nghệ An (1075-1919).- NXB Nghệ An, 2005.-
- Câu đối xứ Nghệ. T.1-T.2./ BS: Cảnh Nguyên, Nguyễn Thanh Hải, Đào Tam Tỉnh.- NXB Nghệ An, 2005.
- Thực địa tại đình Trung Cần và một số tài liệu khác…
- Hình ảnh: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thanh Hùng
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]