Ngày đăng: 04/07/2025 15:29
Tân Kỳ là một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An được bao bọc bởi những dãy núi đá trùng điệp, xuất hiện nhiều thung lũng với các cánh đồng nhỏ chạy dọc theo núi tạo nên một thế phòng thủ kín đáo, vững chắc.
Hang Mó (Hang Mó tiếng Thái là Hợ Trung có nghĩa là thung lũng) nằm trong địa phận thuộc bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Nơi đây là vùng đất cổ, có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Năm 2017, Bảo tàng Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành khảo sát 06 hang động của huyện Tân Kỳ, phát hiện dấu tích cư trú của người nguyên thủy tại Hang Mó (hang Hợ Trung) thuộc bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ.

Ảnh: Đoàn khảo sát hang Mó (hang Hợ Trung) năm 2017
Hang Mó (hang Hợ Trung) có cửa rộng, với vòm mái đá cao, phía trước có nhiều tảng đá lớn che chắn. Cửa hang quay hướng Đông Nam, hướng về một thung lũng rộng lớn, hiện được trồng lúa nước và là địa phận cư trú của nhân nhân bản Thái Minh. Đường liên tỉnh đoạn qua xã Tiên Kỳ đã cắt qua thung lũng này. Nền cửa hang rộng, cũng ngổn ngang những tảng đá lớn, xen kẽ giữa những tảng đá là đất văn hóa với sự xuất lộ dày đặc vỏ nhuyễn thể và mảnh gốm vỡ.
Từ nền cửa hang, sâu xuống khoảng 1m là lòng hang ngoài. Lòng hang ngoài khá rộng và bằng phẳng, có dấu vết đào phá ở sát vách hang phía Tây. Vỏ ốc và mảnh gốm vỡ bị xới lên từ lớp văn hóa, xuất lộ dày đặc trên mặt nền hang.
Từ hang ngoài có hai ngách phía Đông và phía Tây nối vào hang trong, do nhũ đá từ trần hang nối liền xuống đáy hang và những khối đá lớn rơi từ trên xuống chắn ngang. Nền hang trong thấp hơn nền hang ngoài khảng hơn 1m, lòng hang rộng, phẳng nối liền với hai cửa hang. Lòng hang không có dấu hiệu bị đào phá, nhưng trên mặt cũng nhặt được nhiều mảnh gốm.
Qua những hố đào thám sát có thể quan sát được tầng văn hóa dày 40 – 50cm, cấu tạo từ đất sét vôi, kết cấu rắn chắc, chứa nhiều vỏ nhuyễn thể, đồ gốm, đồ đá và đồ đồng. Hiện vật thu được đều trên mặt nền hang hoặc những chỗ bị đào khám phá. Tổng số hiện vật thu được 654 hiện vật: bao gồm 13 đồ đá, 639 đồ gốm, 1 đồ đồng, 1 răng động vật và nhiều vỏ nhuyễn thể. Cụ thể:
- Đồ đá: Thu được 13 hiện vật, trong đó có 1 rìu, 1mảnh tước, 2 chày nghiền và 9 viên đá cuội.
- Đồ gốm: Với 639 hiện vật, trong đó có 12 hiện vật nguyên hoặc còn đủ dáng, còn lại là mảnh vỡ. Dọi xe chỉ được làm bằng đất nung, xương thô, màu xám đen, áo ngoài màu nâu hoặc màu nâu đất, được nặn bằng tay, giữa thân có lỗ luồn sợi xe, thuộc 02 loại hình: hình nón cụt hoặc gần hình thoi.
Bên cạnh đó có rất nhiều mảnh gốm vỡ thu được trên hang cao, cao hơn mặt nền 2 khoảng 2,5 – 3m, phần lớn không trang trí hoa văn nhưng chất liệu, độ nung cho thấy chúng có niên đại muộn.
- Xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể: Ở loại hình Xương răng động vật thu được 2 xương răng hươu, nai và rất nhiều vỏ nhuyễn thể.


Ảnh: Hòn ghè Ảnh: Công cụ ghè đẽo


Ảnh: Dọi xe chỉ hình nón cụt Ảnh: Mảnh miệng gốm bị vỡ
Sưu tập hiện vật thu được trong đợt khảo sát này tuy có số lượng không nhiều, nhưng khá phong phú về chất liệu, loại hình, chức năng. Bao gồm: đồ đá (công cụ cuội ghè, mảnh tước, đá nguyên liệu), đồ gốm (dọi xe chỉ, các loại hình mảnh gốm đa dạng về kiểu dáng miệng, chân đế, đặc biệt là hoa văn trang trí đặc trưng gốm hậu kỳ Đá mới và sơ kỳ Kim khí), đồ đồng (mảnh vòng tay), vỏ ốc bán hoá thạch, răng hươu nai và khối lượng lớn vỏ ốc núi và ốc suối các loại.
Đến năm 2018 Bảo tàng Nghệ An tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tại hang Mó. Theo báo cáo kết quả khai quật thu được:

Ảnh: Địa tầng khai quật hang Mó năm 2018
Xương, răng, vỏ nhuyễn thể: có tổng số 57 mảnh xương răng, vỏ nhuyễn thể trong đó có răng của lợn, hươu nai và trâu bò. Số lượng mảnh xương so với mảnh răng khá ít. Ngoài xương răng động vật, di chỉ còn có các mảnh vỏ của một số loại ốc, trai có kích thước lớn.


Ảnh: Răng nanh lợn rừng có vết chế tác Ảnh: Ốc Melo melo
- Về Mộ táng: Trong hố khai quật đã phát hiện được một di tích mộ táng ở độ sâu từ 20 – 50cm so với bề mặt nền hang. Đây là mộ đất, đất trong hố có màu sắc khác với đất xung quanh, căn cứ theo phân bố của đồ tùy táng thì sọ di cốt hướng Đông Bắc, chân hướng Đông Nam, phía trên phần xương sọ và một phần xương ngực đặt một tảng đá, có kích thước: dài 55cm, rộng 50cm, cao 30 – 40cm; từ đáy tảng đá có lớp đất dày 10 – 15cm thì đến bề mặt đồ tùy táng. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ học đây là hiện tượng đá đánh dấu mộ.
Ảnh: Di tích mộ táng ở địa điểm hang Mó
Đồ tùy táng chôn theo được đặt hai bên xương sọ và xương bả vai, xương tay phải, tay trái xuống đến phần xương chậu, gồm các loại sau: Xương và vỏ nhuyễn thể 61 hiện vật; đồ gốm 598 mảnh; dọi xe chỉ 103 hiện vật; chất liệu đá gồm có Vòng đá xanh, Hạt chuỗi đá, Hạt cườm, Mảnh ngọc và kim loại như Vòng đồng, Mảnh đồng, Lưỡi gà đồng, trang sức đồng có 26 hiện vật.
Ngoài những đồ tùy táng trên, chủ nhân của ngôi mộ này còn được chôn theo 57 mảnh xương răng, vỏ nhuyễn thể. Trong đó có răng của lợn, hươu nai và trâu bò, số lượng mảnh xương so với mảnh răng khá ít, 11 mảnh xương vụn không còn đủ đặc điểm giải phẫu để phân loại nhưng cũng là xương của các loại thú móng guốc trên, điều này khác biệt với những di chỉ cư trú của người cổ trong hang động thường có rất nhiều mảnh xương vụn của nhiều loài động vật.
- Về đồ đá: Cuộc khai quật thu được một số rìu, hòn nghiền, hòn đá cuội có kích thước khá lớn, có dấu vết sử dụng được mài nhẵn và tạo rìa lưỡi sắc.
- Đồ gốm và đồ đất nung: qua đợt khai quật thu được 166 mảnh, gồm mảnh miệng, cổ, thân, đáy, chân đế và 135 chiếc dọi xe chỉ.
Đồ gốm chủ yếu là đồ tùy táng, phát hiện được khoảng 50 mảnh vỡ các loại, gồm: mảnh miệng, thân, chân đế.
Đồ đất nung gồm có 01 Thỏi đất nung hiện vật còn nguyên vẹn, bên ngoài màu vàng xám, xương gốm màu đen. Dọi xe chỉ thu được qua cuộc khai quật có xương thô, mặt ngoài xám đen, áo ngoài màu nâu hoặc màu nâu đất, được nặn bằng tay, giữa thân có lỗ luồn sợi xe, thuộc loại hình nón cụt .
Từ những hiện vật, di vật thu được qua các đợt khảo sát, khai quật tại di chỉ Hang Mó chúng ta thấy được dấu tích cư trú và minh chứng cho sự tồn tại của người Việt cổ nơi đây. Họ là những cư dân sử dụng phương thức săn bắt, hái lượm để phục vụ đời sống. Bên cạnh việc trồng trọt cây lương thực thực phẩm họ có thể còn trồng các loại cây lấy sợi, như cây sui, cây đay, cây gai… để làm vải vỏ cây. Với nền kinh tế ổn định và phát triển đã làm đẹp cho cuộc sống của mình, mà bằng chứng đã phát hiện được rất nhiều dọi xe chỉ, cũng như đồ trang sức (hạt cườm, hạt chuỗi, vòng, xương, răng động vật, đồ đồng). Ngoài đồ đá, đồ xương, đồ đồng người Việt cổ ở nơi đây còn là những nghệ nhân làm gốm với những loại hình độc đáo và sáng tạo. Hoa văn trang trí trên đồ gốm, đồ đất nung đã phản ánh tư duy của họ về đời sống tinh thần. Và thể hiện rõ hơn ở quan niệm về tập tục mai táng người chết. Tuy nhiên, số lượng mộ táng ở địa điểm này phát hiện được không nhiều, nhưng thông qua đồ tùy táng của ngôi mộ đã phát hiện cho thấy tổ chức xã hội lúc bấy giờ đã có sự phân công lao động hay phân tầng xã hội giàu/ nghèo hoặc có sự đối xử khác nhau giữa từng lứa tuổi, thì ngôi mộ này mới có số lượng đồ tùy táng nhiều như vậy.
Ở địa điểm di chỉ khảo cổ hang Mó di cốt được phát hiện được chôn ở tư thế nằm ngửa qua đó có thể thấy được xã hội ở đó lúc bấy giờ có tổ chức khá chặt chẽ. Bằng chứng là việc chôn cất có tổ chức, cùng với sự chăm sóc cẩn thận mộ táng như đặt hòn đá đánh dấu mộ hay là đặt đồ tùy táng xung quanh di cốt. Sự phân bố số lượng đồ tùy táng ít/nhiều cũng như các loại hình hiện vật chôn theo quý giá hay bình dân đã thể hiện rõ sự phân hóa giàu/nghèo trong tầng lớp xã hội. Điều này càng chứng tỏ xã hội người cổ sống ở hang Hợ Trung lúc đó rất phát triển.
Qua kết quả trên chúng ta thấy về phần mộ táng tuy chưa có phân tích niên đại bằng phương pháp khoa học tự nhiên như: Cacbon phóng xạ C14, AMS, nhưng qua so sánh với đồ gốm ở các địa điểm khảo cổ học khác, cho thấy rằng địa điểm này thuộc văn hóa Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 – 2300 năm. Diện tích khai quật tuy không lớn, nhưng những hiện vật, di vật thu được cho chúng ta thấy giá trị rất lớn về lịch sử – văn hóa của nó, góp phần làm phong phú thêm hệ thống các di tích Tiền sơ sử trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
* Một số hiện vật, di vật thu được qua đợt khai quật:







[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]