Ngày đăng: 20/10/2024 08:15
Di tich khảo cổ học Làng Vạc nằm ở xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An). Di tích Làng Vạc được phát hiện năm 1972 do việc xây dựng công trình thủy lợi nhỏ đập nước Đại Vạn thuộc hợp tác xã Đại Châu, xã Nghĩa Hòa huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong khi đào đất đắp đập Đại Vạn nhân dân đã phát hiện được một số hiện vật bằng đồng như dao găm, bao chân, bao tay… vòng tai thủy tinh và nhiều hiện vật khác.
Từ khi phát hiện vào năm 1972 đến năm 1990 Viện Khảo cổ học Hà Nội, kết hợp với chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản và Ty Văn hóa Nghệ An (sau này là Bảo tàng Nghệ Tĩnh) đã tiến hành 3 cuộc khai quật vào các năm 1973, 1980-1981 và năm 1990. Trong 3 lần khai quật đã phát hiện được 339 ngôi mộ với rất nhiều loại hình hiện vật như: vòng ống tay, ống chân, hoa tài, chuỗi hạt, dao găm, lãy nỏ, mũi tên, lao, giáo, nồi, thạp, thố, bát. Các hiện vật này đã được đưa về Bảo tàng Nghệ An và được bảo tàng xây dựng thành các bộ sưu tập hiện vật để thuận lợi cho việc tra cứu, bảo quản và trưng bày. Trong các sưu tập đó, đáng chú ý hơn cả là sưu tập dao găm cán tượng người và động vật.
Chiếc thứ nhất: Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi có số hiệu BTNA 1264/ Kl.273. Toàn thể dao găm dài 12,3cm, gồm có hai phần: lưỡi và chuôi. Phần lưỡi dao mỏng, dài: 5,5cm có hình gần giống hình tam giác. Mũi dao nhọn, hai đầu chắn tay cán dao có hình râu bướm. Phần chuôi dao dài: 6,8cm. Đặc biệt là phần chuôi có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau. Một con có mào và một con không có mào. Miệng rắn mở to, có đôi mắt lồi. Hai con rắn đang há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Voi đang trong tư thế đứng, hai chân trước của voi làm thành một trụ và hai chân sau cũng nhập lại thành một trụ khác. Voi được mô tả có vòi dài, trên lưng voi có hình một chiếc bành rộng, có dây chằng ra cổ và đuôi voi. Trên bành voi có đặt một hình trụ tròn, hơi thắt ở đoạn giữa. Có lẽ đây là hình chiếc trống đồng. Chiếc dao găm này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.
Hình ảnh 1: Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi ( Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Nghệ An)
Chiếc thứ 2: Dao găm cán tượng người phụ nữ có số hiệu BTNA 1263/KL.272. được khai quật năm 1973. Dao có chiều dài 17,5cm, chuôi dao là tượng người phụ nữ dài 7,6cm. Dao có lưỡi mỏng, không có sống, mũi dao nhọn, hai đầu của chắn tay có hình râu bướm. Tượng người đàn bà có tóc chải bồng, một dải khăn chít ở ngang trán. Mắt to, lông mày dài, mũi hơi nhỏ, mồm được thể hiện bằng một nét gạch chìm. Tai dài, đeo hai vòng tai trễ xuống tận vai. Cổ người đàn bà đeo ba chuỗi hạt. Hai tay khuỳnh chống nạnh, những ngón tay được thể hiện rõ. Ở cổ tay có những đường khắc vạch chìm, ở ngang hông có một dải trang trí hoa văn hình chữ V nằm ngang nối nhau. Liền đó là hai dải khăn thả múi dài đến sát bàn chân, ở dưới dải khăn đằng trước có trang trí hai hình chữ V nằm ngang.
Chiếc thứ 3: Dao găm cán tượng người phụ nữ có số hiệu BTNA 1365/ KL. 374, cũng được tìm thấy ở Làng Vạc, năm 1973. Dao có chiều dài 24,6cm. riêng phần chuôi dao có tượng dài 11,6cm, lưỡi dao mỏng, không có sống, chắn tay của dao có hình râu bướm ở hai đầu.
Chuôi dao là tượng người đàn bà, tóc vấn tròn trên đầu, ở trán có một dải có lẽ là khăn. Mặt dài, mắt mở to có cả hình con ngươi. Lông mày dài, trên lông mày có những vạch lõm nhỏ. Tai dài, đeo mỗi bên một chiếc vòng tai to. Mũi được thể hiện hơi nhô lên, mồm lõm sâu xuống. Ở cổ treo bốn chuỗi hạt. Tay khuỳnh chống nạnh, bàn tay trông rõ các ngón, ở cổ tay có những đường khắc vạch chìm. Chân dài, bàn chân trông rõ các ngón chân. Thắt lưng của người đàn bà là một dãi có trang trí những hình chữ V nằm ngang nối nhau, liền với thắt lưng là hai dải khăn thả múi dài hai phía đến sát bàn chân. Đầu hai dải khăn có trang trí hoa văn những hình chữ V nằm ngang nối nhau như ở thắt lưng.
Chiếc thứ 4: Dao găm cán tượng động vật có số hiệu BTNA 1364/ KL 373, được khai quật vào năm 1981. Dao có chiều dài 27,5 cm, riêng phần chuôi dao có tượng dài 19,5cm. Lưỡi dao mỏng, không có sống, chắn tay của dao có hình râu bướm ở hai đầu.
Chuôi dao là tượng hai con hổ đang ở tư thế vồ một con voi, miệng ngặm vào chân và đuôi voi. Ngực hai con hổ dính sát nhau, mình hổ hơi cách điệu với thế vươn dài, trên thân có các chấm nhỏ, 4 chân sau hổ dài có móng sắc đính vào chắn tay cầm. Mình voi nhỏ, thon có các đường chấm nhỏ và bành voi có ngà. Các chi tiết mặt, miệng vòi của con voi cũng như mắt, tai và vuốt của hổ được miêu tả rất rõ.
Chiếc thứ 5: Dao găm cán tượng người đàn ông có số hiệu BTNA 1366/ KL. 375, khai quật vào năm 1981. Dao dài 21,2cm, tượng dài 9cm. Về cấu tạo lưỡi và chắn tay cầm của chiếc dao găm này không khác những chiếc dao găm đã nêu ở trên. Nhưng cán dao là tượng người đàn ông lực lưỡng cởi trần, đội khăn, đóng khố. Hai tay chống nạnh, tai và tay đeo vòng. Khăn và khố trang trí những đường vạch ngắn song song và các chấm nhỏ. Đặc biệt là hai chiếc vòng tai rất to và nặng kéo tai người đeo trịu xuống. Tư thế người đàn ông đứng chống nạnh cả hai tay. Chân to, nổi rõ cả bàn và ngón.
Hình ảnh 2: Sưu tập dao găm cán tượng người và động vật khai quật tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc
Như vậy, cho đến nay, tại Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ 04 dao găm cán tượng người, trong đó một dao cán tượng người đàn ông không khác gì những cán tượng cùng loại ở nơi khác, dao găm cán tượng người phụ nữ có trang phục, đầu tóc tương đối khác với chiếc kiếm cán tượng phụ nữ tìm thấy ở núi Nưa (Thanh Hóa). Nhìn những tượng phụ nữ Làng Vạc ăn mặc, trang sức lộng lẫy ta không thể không liên hệ tới những đồ trang sức cầu kỳ, tinh xảo được phát hiện trong những ngôi mộ táng.
Bên cạnh đó, những chiếc dao găm cán tượng động vật cũng rất độc đáo. Theo các nhà nghiên cứu thì đến nay hầu như chưa phát hiện được ở đâu ngoài Làng Vạc những chiếc dao găm cán tượng động vật. Phần lưỡi hoàn toàn giống với những chiếc dao găm Đông Sơn khác, nhưng phần cán là những tượng thú như: voi, hổ, rắn. Chúng là những con vật hung dữ nhưng đều được thể hiện với phong cách rất hiền hòa. Hơn nữa con voi ở đây là những con voi đã được thuần dưỡng dùng để chuyên chở hàng hóa, vì trên lưng voi còn có cả bành và một chiếc trống đồng. Những chiếc dao găm này là những tác phẩm nghệ thuật có một không hai của người Đông Sơn ở Làng Vạc. Nó là minh chứng cho sự khéo léo, tài tình, sắc sảo của bàn tay, khối óc người nghệ nhân. Nghệ nhân Đông Sơn đã kết hợp một cách tài tình giữa trang trí và thực dụng, đã biến một loại vũ khí thường dùng thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Dao găm cán tượng Hổ ngậm chân Voi
Đầu năm 2024, Bảo tàng Nghệ An đã mời chuyên gia đầu ngành và là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia như Tiến sỹ Phạm Quốc Quân; Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến; Tiến sỹ Trương Đắc Chiến vào khảo sát, thẩm định giá trị để lựa chọn một số hiện vật tiêu biểu xây dựng hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia. Các chuyên gia đánh giá rất cao sưu tập dao găm cán tượng người và động vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Vì vậy, Bảo tàng Nghệ An đang từng bước nghiên cứu để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bộ sưu tập dao găm này là bảo vật quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị.
Hoàng Thị Minh
PTP Nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]