GẶP GỠ NHÀ ĐÀM PHÁN QUỐC TẾ NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG TẠI BẢO TÀNG NGHỆ AN

Ngày đăng: 21/10/2024 08:56

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê yên ả bên dòng Lam hiền hòa uốn lượn. Quê hương trong ký ức ông là những triền đê lộng gió, những con đường rợp bóng tre xanh, những giấc mơ thơm mùi rơm rạ, thơm mùi lúa mới, mùi của những giọt nắng vàng.

Ông Nguyễn Đình Lương quê ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1960 sau khi tốt nghiệp trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tp Vinh, ông dự thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội với mong ước trở thành kỹ sư chế tạo máy để có thể sáng chế được máy móc cho người nông dân đỡ vất vả. Nhưng số phận và bối cảnh lịch sử xã hội đương thời đã đưa ông đến với công việc của một chuyên gia về lĩnh vực thương mại, một nhà đàm phán quốc tế. Cách đây gần 30 năm, từ năm 1995 đến năm 2000, ông là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (gọi tắt là BTA). Đây là một hiệp định song phương đồ sộ, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh lớn nhất trong số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với nước ngoài. Sức nặng pháp lý BTA đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp, tiếp nhận làn gió mới của  WTO và đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Ông Bill Clinton, Cựu tổng thống Hoa Kỳ đã từng nói: “Hiệp định này là một điều nhắc nhở nữa rằng những cựu tù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải”.

Sau nhiều năm gắn bó với chốn thị thành, giờ đây ở tuổi xế chiều, người con xứ Nghệ ấy lúc nào cũng đáu đáu hướng về quê hương để hoài niệm về những ngày xưa cũ…

Lần này về quê, ông Nguyễn Đình Lương đã đến thăm Bảo tàng Nghệ An. Đứng trước không gian đổi mới của bảo tàng khiến ông vừa bất ngờ vừa hân hoan. Là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, của quê hương qua các thời kỳ hình thành, phát triển, Bảo tàng Nghệ An ngày nay đã có sự chuyển mình tích cực, đó là những không gian ứng dụng công nghệ số khiến cho những giá trị về vùng đất và con người xứ Nghệ trở nên hấp dẫn, đầy sức hút.

Hơn 60 năm sống xa quê nhà, dù đã từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới nhưng tấm lòng, trái tim của ông vẫn luôn nhớ về cội nguồn quê hương xứ Nghệ, nơi ông đã sinh ra, lớn lên, nơi nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trước những không gian trưng bày cố định của bảo tàng, vị khách đã ngoài 80 tuổi bước đi khoan thai, chậm rãi ngắm nhìn từng bức ảnh, xem kỹ từng hiện vật, trầm ngâm trước những giai đoạn lịch sử ông đã từng trải qua, đó là những năm tháng đất nước chịu nhiều đau thương do chiến tranh, biết bao thế hệ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay những chiếc tem phiếu gợi nhớ miền kí ức về một thời đất nước còn gian khó. Vẫn chất giọng miền trung thân thương ông không dấu được cảm xúc của mình: “Người Xứ Nghệ rất thông minh, người Xứ Nghệ rất kiên nhẫn, người Xứ Nghệ rất giỏi thời đại nào cũng thế, thời đại chúng tôi cũng phải như thế. Cho nên các thế hệ sau phải luôn ghi nhớ điều đó!”

Dòng cảm tưởng của người con Xứ Nghệ 

Cuốn sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng Nghệ An đã dày thêm khi có những dòng cảm xúc đặc biệt của ông, cuốn sách “Việt Nam lối rẽ của một nền kinh tế” ông trao tặng là hiện vật quý để các thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn về ông, nhà đàm phán quốc tế, người con ưu tú của xứ Nghệ.

Lê Lan Hương

Phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial