TRỐNG ĐỒNG TAM HỢP VÀ HOA VĂN HÌNH RỒNG

Ngày đăng: 04/07/2024 09:04

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng. Tại Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ một chiếc trống đồng có hoa văn hình tượng Rồng hết sức đặc biệt.

Năm 1972, thầy giáo Lò Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An dẫn học sinh đi thực tập tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã thấy ở nhà ông Trương Văn Uý có một chiếc trống đồng. Đây là một hiện vật quý hiếm thấy nên thầy Minh đã mua về để làm hiện vật giáo cụ trực quan của trường. Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã sưu tầm về làm hiện vật trưng bày (từ tháng 6/1999). Vì trống được tìm thấy ở xã Tam Hợp nên gọi tên  là Trống đồng Tam Hợp.

Trống có đường kính mặt 50cm, cao 32cm, đường kính chân 46cm, chờm khỏi tang 2,1cm. Trống có 3 phần: Mặt trống, lưng trống và chân trống; mặt trồng hơi vồng lên hình chóp tròn. Trống bị oxi hóa, ngả màu sẫm đen. Mặt và chân trống thủng nhiều lỗ. Kỹ thuật đúc trống là kĩ thuật đúc phổ biến của cư dân Đông Sơn lúc bấy giờ sử dụng khuôn 03 mang với một mang mặt và hai mang thân.

Trống đồng Tam Hợp hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An

Mặt trống có các lớp hoa văn với nhiều họa tiết: Chính giữa mặt trống là hình mặt trời 8 tia. Tính từ trong ra ngoài có 9 vòng lớp hoa văn. Vòng 1: Trang trí hoa văn ba hình lục giác lồng vào nhau liên tiếp có trong là hoa cúc. Vòng 2, 4, 6 và 8: là những đường tròn đồng tâm nối liên tiếp. Vòng 3: là những bông hoa cúc. Vòng 5: là những dải mây lửa. Vòng 7: là hình những bông lúa kết thành hình tròn nối tiếp nhau. Vòng 9: là 28 con rồng giun nối đuôi nhau liên tiếp, trên vòng 9 còn có hai khối tượng cóc (mất 1 khối tượng cóc).

Tang và chân trống đồng Tam Hợp có 6 vành hoa văn: vành 1 là những bông hoa năm cánh; vành 2 là những hình lá đề; vành 3 là những dải mây lửa; vành 4 là những hình ô trám lồng nhau tâm là hình thoi; xung quanh hình thoi là bốn bông hoa; vành 5 là những bông hoa cúc; vành 6 là hình người cách điệu.

Hình tượng rồng xuất hiện trên trống đồng Tam Hợp là loại rồng không có vảy được trang trí trên vòng hoa văn thứ chín tính từ tâm trống. Rồng có 10 11 khúc, thân  rắn; mình trơn; độ uốn khúc đều đặn. Đầu có bờm vươn về phía sau; chân có 3 móng. Số rồng trang trí trên trống là số chẵn với 28 con nối đuôi nhau chạy vòng liên tiếp.

Bản dập hoa văn hình tượng rồng trên trống đồng Tam Hợp

Nghệ nhân trang trí khung cảnh các con rồng rất vui nhộn, con sau ngậm đuôi con trước chạy quanh một vòng tròn như trò rồng rắn lên mây mang những đặc điểm rồng của thời Lý. Chân rồng có ba móng hình móng chim. Thân rồng hình giun, đầu rồng không có sừng, chỉ có mào (bờm) sau gáy uốn lượn giống thân. Đuôi rồng nhọn giống đuôi rắn. Rồng trên mặt trống đồng Tam Hợp và một số trống đồng ở địa phương khác có hình tượng khá giống với rồng trên bệ đá chùa Phật Tích, năm 1057 và rồng trang trí trên tháp Chương Sơn, năm 1108 1117.

Hình tượng con rồng xuất hiện khá muộn trên trống đồng. Ở trống loại I và trong tập hợp của Heger chưa có, Heger coi hình rồng là một đặc trưng trang trí trên trống loại IV.

Bản dập hoa văn mặt trống đồng Đông Hợp

Nếu ở thời kì Đông Sơn thì trống đồng là biểu tượng của thần quyền, thì đến thời kì phong kiến nó là biểu tượng của vương quyền, biểu tượng của dân tộc. Những hình rồng trang trí trên mặt trống đồng Tam Hợp nói riêng và một số trống đồng ở các địa phương khác nói chung, có thể là mô tả ở trên biểu hiện quyền lực của nhà vua nó tượng trưng cho vua ở các bản làng của người Mường. Đồng thời, nó cũng biểu hiện quyền lực của những thổ lang. Nó là minh chứng quyền lực cai quản cộng đồng họ tộc, thể hiện mối quan hệ chính trị của người Việt – Mường. Bên cạnh đó hình tượng rồng  còn đại diện cho uy lực, sức mạnh của thiên nhiên: Dông tố, gió, bão, mây mưa… Do đó, hoa văn hình tượng rồng còn mang ý nghĩa mong ước được thần Rồng trợ giúp con người tạo ra mưa để có nước tưới cho đồng ruộng, để cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu mỗi khi họ tổ chức làm lễ cầu mưa.

Theo một số nhà khoa học, chiếc trống đồng Tam Hợp được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An còn bảo lưu nhiều yếu tố Đông Sơn đậm nét. Ở trên mặt trống, có trang trí nhiều vòng tròn đồng tâm. Ở tang trống có hoa văn hình người nhảy múa. Còn những chiếc trống khác không có những hoa văn này. Hơn thế nữa, chỉ số D/H của trống là 1,6 gần với trống muộn Đông Sơn.

Có thể nói rằng, từ khối tư liệu hiện vật nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại mảnh đất Nghệ An đã là minh chứng cho sự phát triển của người xưa dựa trên nền tảng vững chắc của cư dân nông nghiệp lúa nước và luyện kim khí đồng thau. Đặc biệt những hình tượng rồng trên trống đồng Tam Hợp như một sự giao thoa văn hoóa của các tộc người sinh sống trên mảnh đất xứ nghệ. Khẳng định lòng tự hào, tự tôn về nguồn gốc cao quý con cháu Rng Tiên, là con cháu của các Vua Hùng.

                                                                                                                                         Đào Thị Thu Vân

                                                                                                                                      Phòng Trưng bày- Tuyên truyền – Giáo dục

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial