Di sản Hán Nôm tại Bảo tàng Nghệ An – Thực trạng – Giải pháp và Bảo tồn phát huy giá trị Di sản Hán Nôm trong bối cảnh hiện nay.

Ngày đăng: 31/10/2023 16:56

Hiện nay, Bảo tàng Nghệ An đang trưng bày, lưu giữ và bảo quản hàng nghìn tài liệu, hiện vật từ cổ tới kim.  Trong đó, có tới 143 tài liệu hiện vật chữ Hán bằng giấy và 18 bảng khắc kinh bằng gỗ do các cá nhân, cộng tác viên, cán bộ bảo tàng đã sưu tầm, hiến tặng và chuyển giao.

Các tài liệu hiện vật bao gồm: Đinh bạ, Điền bạ có tới 34 hiện vật chủ yếu của các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu với nội dung là kê khai danh sách nam giới từ 18 tuổi trở đi để thuế đi lính, phu phen tạp dịch (Đinh bạ). Còn Điền bạ là trình báo diện tích đất của xã qua từng năm.

Gia phả có 4 hiện vật của các dòng họ chủ yếu ghi chép về lai lịch của các dòng họ và những người đỗ đạt làm quan trong dòng tộc.

Bản khắc kinh của chùa Thiện xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, đền Nậm Sơn, Vân Diên, huyện Nam Đàn và Chùa Thiện Đàn thị trấn Yên Thành.

Sắc phong, sắc văn có tới 24 hiện vật gồm cả bản gốc và bản chép tay. Còn lại là các văn bằng, bằng chức vụ, lệnh chỉ, các bản sao kê khai sự tích các thần, một số biên bản, đặc dụ giấy vay nợ, giấy bán con, khế bán đất. Đặc biệt có cuốn sách Lục bộ điều luật bao gồm có 6 bộ trên 200 điều luật về Bộ lê, Bộ hình, Bộ lại, Bộ hộ, Bộ binh, Bộ công được soạn vào ngày 2/3/1879 (Tự Đức năm thứ 31).

Sắc phong của vua Thành Thái năm thứ 10 (1898) phong cho Chúa Ngọc Kim Hoa Công chúa ở xã Xuân Dương, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.

Bằng chức vụ của Tri huyện họ Sầm Huyện thừa họ Lương huyện Thúy Vân cấp cho Lang Văn Nguyệt quán ở Kẻ Bọn xã Đồng Lạc, tổng Đồng Lạc vào năm Thành Thái thứ 12 ngày 23 tháng 2.

Các hiện vật được ghi chép và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, ra đời trong hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau. Có những tài liệu đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng cũng có những hiện vật được chép lại trong thời gian này.Vì vậy, tình trạng ban đầu cũng rất khác nhau: có bản còn tương đối nguyên vẹn, có bản bị dán và mọt gặm nhấm, có bản bị rách , bị mất một phần, có bản bị mục nhũn do ngấm nước và mờ mất chữ. Có 1 số hiện vật đã được ép plastic, một số để nguyên bản.

Hiện vật ngoài trời bằng chữ Hán gồm có Bia đá và Khánh đá (Bức đại tự)

  1. Bia đá: Bia làng Yên Phú được dựng vào cuối thời Nguyễn với nội dung ghi chép Lý do tách từ giáp Yên Thọ thành 2 làng Yên Phú và Yên Thọ đồng thời ghi công những người tham gia việc khởi xướng lập làng. Bia bị gãy 1/3 phía trên đã được gắn lại và đem trưng bày trong khuôn viên bảo tàng.

  1. Bức đại tự: Quảng hồi Xuân Đường được đặt tại khu phố người Hoa, thị xã Vinh nay là đường Phan Đình Phùng, phường Hồng Sơn, tỉnh Nghệ An.

Về công tác bảo quản: Do hạn chế của đội ngủ nhân viên Bảo tàng như là không có chuyên môn bảo quản chuyên sâu về chất liệu giấy nói chung và bảo quản chất liệu giấy dó nói riêng nên các tài liệu này hầu như chỉ bảo quản một cách đơn giản bằng phương pháp thủ công trong một thời gian dài. Như là chỉ đem đi hong phơi ngoài gió, được ép palactic và các túi hạt hút ẩm silicagen nhằm hạn chế độ ẩm, các hiện vật chưa có tủ chuyên dụng để bảo quản, hiện vật đang xếp chồng nhau. Với phương pháp đó thì tuổi thọ hiện vật cũng phần nào cũng bị hạn chế.

Hiện vật  được bảo quản đơn giản bằng cách là ép plactic.

Hiện nay, kho cơ sở của bảo tàng đã có bước tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng các thiết bị máy móc để xử lý và bảo quản hiện vật, bảo quản lạnh như điều hòa, máy hút ẩm, máy đo nhiệt độ và thiết bị phòng chống cháy nổ.

Bên cạnh đó, các loại giấy dó, giấy bản cổ viết bằng mực mài là những chất liệu rất tốt, chúng có thể chịu được độ ẩm cao mà không bị mục và không bị mất màu chữ viết. Vì vậy, tự bản thân chúng đã có sức đề kháng để đến nay các tài liệu quý này vẫn tồn tại khá tốt tại kho Bảo tàng.

Để từng bước hoàn thiện hồ sơ nội dung của các tài liệu văn bản chữ  Hán Nôm, trong những năm gần đây, ngoài việc tăng cường công tác bảo quản, gìn giữ, bảo tàng đã chú ý tới việc nghiên cứu, xác minh nội dung của chúng. Cụ thể năm 2008 đến 2016. Bảo tàng đã mời chuyên gia của viện Hán Nôm , Công ty dịch thuật Thành Vinh, Công ty dịch thuật Thăng Long đã dịch thuật một số tài liệu chữ Hán.

Với chức năng trưng bày, tuyên truyền của một bảo tàng, được sự hợp tác giúp đỡ của các nhà chuyên môn, Bảo tàng đã khai thác, sử dụng các văn bản, tài liệu Hán Nôm bằng các giải pháp trưng bày kết hợp với các nội dung khác, giới thiệu cho quần chúng tham quan, nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên hiệu quả của công tác trưng bày giới thiệu các tài liệu chữ Hán Nôm chưa cao.

Sỡ dĩ như vậy là vì các tài liệu văn bản này mặc dù đã được lược dịch nhưng chưa cụ thể, chưa khám phá hết nội dung của chúng, làm cho việc trưng bày lúng túng, không định hướng được chủ đề để trưng bày theo chuyên đề chiều sâu, mà chỉ trưng bày hàng loạt trong tủ kính.

Còn đối với khách tham quan thì chỉ xem được hình thức bên ngoài những hiện vật này nhưng chưa thể hiểu hết giá trị của chúng. Đó là một trong những vấn đề  Bảo tàng Nghệ An hiện nay đang quan tâm và đề ra những định hướng nhằm khai thác tốt hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn những giá trị đích thực của các loại tài liệu văn bản Hán Nôm cổ. Những định hướng đó là:

– Tăng cường công tác nghiên cứu sưu tầm các loại tài liệu văn bản chữ Hán Nôm cổ nhằm thu thập, gìn giữ như một loại hiện vật bảo tàng vô giá về mặt văn hóa dân tộc. Đây là công việc quan trọng hàng đầu cho quá trình gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa.

– Về công tác kiểm kê: Công tác kiểm kê khoa học là việc tài liệu hóa khoa học, lập hồ sơ, sổ sách, phiếu phích các loại nhằm thiết lập cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, sắp xếp theo sưu tập khoa học. Tiến hành viết sưu tập về các nội dung của tài liệu hiện vật chữ Hán có tại Bảo tàng để đảm bảo cho các tài liệu hiện vật có đầy đủ điều kiện tồn tại và có giá trị văn hóa cao.

– Về công tác bảo quản: Trước hết chúng tôi áp dụng nhiều phương pháp, kể cả phương pháp truyền thống kết hợp với phương pháp hiện đại như vệ sinh bụi bẩn và bật hút ẩm vào mùa đông, bật điều hòa vào mùa hè. Mặt khác tích cực triển khai việc dịch thuật, khai thác nội dung của hiện vật để phục vụ nghiên cứu. Qua đó, xúc tiến việc nghiên cứu giá trị lịch sử, giá trị văn hóa – nghệ thuật của hiện vật. Để bảo quản phát huy lưu giữ được lâu dài thì chúng ta cần phải số hóa tất cả.

Nói tóm lại, các tài liệu, văn bản, thư tịch, sách cổ chữ Hán nôm ở Bảo tàng Nghệ An  hiện nay chưa nhiều. Song chúng là một trong những tài liệu hiện vật bảo tàng khá điển hình và quý. Từ những năm mới thành lập cho tới nay, các loại hiện vật này được bảo tàng quan tâm nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản, nhưng do hạn chế về chuyên môn nên công việc này còn hạn chế. Bảo tàng xác định rằng, các loại tài liệu và sách cổ nói chung, tài liệu chữ Hán Nôm nói riêng là một trong những đối tượng quan tâm nghiên cứu, sưu tầm và khai thác của Bảo tàng trong tương lại. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được thiết lập mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chuyên ngành trong lĩnh vực này nhằm khai thác tốt hơn giá trị của các loại tài liệu hiện vật bảo tàng, góp phần thực hiện sự nghiệp bảo tồn, phát huy tác dụng di sản văn hóa dân tộc.

                                                                               Hoàng Thị Nguyệt

                                                         Viên chức phòng NCSTKKBQ 

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial