Ngày đăng: 07/08/2023 16:23
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023) và kỷ niệm 118 năm khởi phát phong trào Đông Du (1905 – 2023); Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức chuyên đề lưu động “Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu – bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” tại Khu di tích Lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu (số 119, đường Phan Bội Châu, phường Trường An, TP. Huế).
Dự Lễ khai mạc có đồng chí Phan Thanh Hải – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ, các sở, ban ngành cấp tỉnh; thầy cô giáo Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế; lãnh đạo các phòng và đơn vị chuyên môn thuộc Sở Văn hoá & Thể thao Thừa Thiên Huế; các tổ chức, cá nh ân có liên quan và con cháu trong dòng họ cụ Phan Bội Châu cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và Bảo tàng tỉnh Nghệ An, các đơn vị thông tấn báo chí trên địa bàn TP. Huế đến đưa tin.
Trước giờ khai mạc, các đại biểu và du khách đã làm lễ dâng hương tại khu mộ chí sĩ Phan Bội Châu.
Lãnh đạo và cán bộ viên chức Bảo tàng Nghệ An dâng hương trước khu mộ chí sĩ Phan Bội Châu
Với 67 hình ảnh, tư liệu quý, Trưng bày góp phần tôn vinh, khẳng định những cống hiến quan trọng của danh nhân Phan Bội Châu cho cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX đồng thời củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Chuyên đề được trưng bày theo 2 chủ đề:
Chủ đề 1: Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro trong phong trào Đông Du.
Chủ đề 2: Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An phát biểu tại lễ khai mạc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An nhấn mạnh: Tưởng nhớ danh nhân Phan Bội Châu, bác sĩ Asaba Sakitaro chúng ta càng tự hào và trân quý những di sản văn hoá mà các tiền nhân để lại. Tất cả những di sản văn hoá của các vị đã trở thành di sản văn hoá quốc gia nói chung, góp phần quan trọng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển.
Các đại biểu đã cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề.
Trưng bày chuyên đề lưu động “Tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu – bác sĩ Asaba Sakitaro và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” được tổ chức tại Khu di tích danh nhân Phan Bội Châu là hoạt động để tưởng nhớ và tri ân chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, người con ưu tú sinh ra và lớn lên tại quê hương xứ Nghệ nhưng đã có những năm tháng cuối đời gắn bó và yên nghỉ tại mảnh đất xứ Huế với danh xưng giản dị “Ông già Bến Ngự”. Đồng thời qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế.
Các đại biểu và du khách nghe thuyết minh giới thiệu về nội dung trưng bày chuyên đề.
Phong trào Đông Du do Hội Duy Tân mà linh hồn là Phan Bội Châu khởi xướng từ những năm 1905-1909 nhằm tuyển chọn thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học để về cứu nước. Đến giữa năm 1908 số du học sinh đã lên đến 200 người. Họ được sự giúp đỡ của các chính khách, nhân sĩ, trí thức tiến bộ Nhật Bản sắp xếp vào học trong các trường văn hóa, chính trị, quân sự ở Nhật Bản như trường Chấn Võ (Shinbu Gakko), trường Đông Kinh Đồng Văn thư viện (Tokyo Dobun Shoin School). Tại các ngôi trường này, các du học sinh được đào tạo để trở thành những chiến sĩ cách mạng có trình độ văn hoá và quân sự để phục vụ cho công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp xây dựng đất nước Việt Nam sau này.
Phong trào Đông Du đang hoạt động có hiệu quả, thì thực dân Pháp cấu kết với chính phủ Nhật ra lệnh đàn áp, giải tán và đến tháng 3/1909 toàn bộ lưu học sinh Việt Nam và các lãnh tụ Phan Bội Châu, Kỳ ngoại hầu Cường Để bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Phong trào Đông du rơi vào giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử hình thành. Những ngày cuối cùng trên đất Nhật, Phan Bội Châu và các lưu học sinh rơi vào cảnh cạn kiệt tiền và phải sống rất cơ cực. Trong hoàn cảnh khốn quẫn đó, bác sĩ Asaba Sakitaro đã kịp chi viện cho Phan Bội Châu một số tiền lớn với tấm lòng hào hiệp vô tư vì đại nghĩa như trước đó ông đã từng cứu giúp nhiều lưu học sinh Việt Nam. Vì thế, sau hơn 10 năm rời khỏi Nhật Bản, Phan Bội Châu đã tìm về tận quê hương của bác sĩ Asaba Sakitaro (lúc này đã qua đời) để dựng bia kỉ niệm cho đại ân nhân của mình tại Umenyama, thôn Higashiasaba, tỉnh Shizuoka. Tấm bia “báo ân” được dựng lên vào thời điểm này (năm 1918) là một tấm bia lớn tại khuôn viên chùa Yorin Umeyama. Nhưng để hoàn công thì lại cũng nhờ phần lớn công sức, tiền bạc của nhân dân Higashiasaba đóng góp. Chính vì vậy mà Phan Bội Châu trong bản “tự thuật” đã ghi lại mối cảm tình thâm hậu đó: “Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết đến nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế này mãi mãi”.
Sau nhiều thập kỷ, câu chuyện về tình bạn cao đẹp giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro vẫn không ngừng làm xúc động trái tim của nhân dân hai nước. Có thể khẳng định, dẫu không cận kề về địa lý nhưng chính những mối liên hệ lịch sử đó là chiếc cầu nối gắn kết, tạo nên chiều sâu của mối quan hệ bang giao Việt Nam – Nhật Bản.
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]