Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng XVNT đang dần thu hút nhiều bạn trẻ ghé thăm và trải nghệm. Ành: Thu Vân
Từ đầu năm tới nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (XVNT) và Bảo tàng Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh tỉnh nhà. Các chương trình trải nghiệm mang tính “chơi mà học” với nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, hào hứng, cuốn hút các em học sinh tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực, bổ ích.
Vui ngày hội Xuân
Đây là chương trình trải nghiệm được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ An đã và đang thu hút rất nhiều trường học trên địa bàn thành phố Vinh tham gia. Được tham gia một buổi trải nghiệm cùng các bạn nhỏ của Trường Tiểu học Nghi Ân vào ngày 19/02, tôi thực sự vui lây cùng các cháu. Chương trình gồm các hoạt động: Tham quan chuyên đề trưng bày “Thanh âm của núi rừng”, tham gia trải nghiệm “Dập khuôn và trang trí tranh dân gian Đông Hồ”, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Tất cả các cháu tham gia chương trình đều là thành viên của Câu lạc bộ Mĩ thuật của trường nên cháu nào cũng háo hức và thích thú. Cháu Hoài Thương – Lớp 3E mải mê ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng và những con thú đáng yêu trong gian trưng bày, vui vẻ nói với tôi: Cháu thích lắm ạ. Cháu muốn được đến đây nhiều lần nữa. Chị Nguyễn Thị Thắm (mẹ của cháu Lương Minh Đức – Lớp 3D) cũng phấn khởi chia sẻ: “Hoạt động này với các con thật bổ ích. Đưa con đến đây, thấy các con vui, mẹ cũng vui lây”. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng – Giáo viên chủ nhiệm lớp 3D cho biết: “Các em học ở trường cũng căng thẳng, mệt mỏi, được đi trải nghiệm như này thật bổ ích. Tại đây, các em được tận mắt nhìn thấy những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở miền núi, các hang động kỳ vĩ, các lễ hội,… giúp cho các em thêm yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, với các em trong CLB Mĩ thuật của trường, hôm nay được làm quen với kỹ thuật in tranh dân gian truyền thống lại càng thiết thực hơn. Các em được in tranh, được tô màu, phát triển sức sáng tạo; tăng cường khả năng cảm thụ tranh dân gian”.
Các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn
Tìm hiểu về hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại Bảo tàng Nghệ An, chị Lê Quỳnh Hoa – Phụ trách Phòng Trưng bày, Tuyên truyền và Giáo dục của Bảo tàng cho hay, chương trình trải nghiệm “Vui ngày hội Xuân” được Bảo tàng Nghệ An tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới với mong muốn giới thiệunét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc. Trong tháng 2, đã có rất nhiều trường học trên địa bàn TP.Vinh đưa học sinh đến đây trải nghiệm, như: Trường THCS Quang Trung, Trường Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng, Trường THCS làng trẻ SOS, Trường THCS Cửa Nam, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh,…Ngoài các nhà trường, nhiều cơ quan, đơn vị như: Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Báo Nghệ An, các phòng thuộc Công an tỉnh, Ban Quản lý di tích, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh & Tượng đài Bác Hồ và nhiều nhóm gia đình cũng tổ chức cho con, em đến đây tham quan, trải nghiệm. Năm 2023, chương trình trải nghiệm là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Bảo tàng và sẽ được tổ chức hàng tháng. Hoạt động trải nghiệm cũng linh hoạt thay đổi nội dung cho phù hợp từng thời điểm, tạo sự phong phú, hấp dẫn, như: trải nghiệm thêu dệt, làm gốm sứ, làm quạt giấy, nặn tò he, làm đèn ông sao, thu hoạch và phân loại nông sản, làm tranh bằng hạt,… Các hoạt động trải nghiệm sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng khéo léo, nhanh nhẹn, óc sáng tạo. Đồng thời giúp các em có thêm hiểu biết, quý trọng những giá trị di sản văn hóa của quê hương – chị Hoa cho biết thêm.
Tìm về mạch nguồn Xô viết Nghệ Tĩnh
Học sinh tham quan, học tập tại Bảo tàng XVNT. Ảnh: Anh Tuấn
Chương trình trải nghiệm này do Bảo tàng XVNT phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên (Tỉnh đoàn Nghệ An) tổ chức tại Bảo tàng XVNT cho hơn 500 học sinh các trường THCS: Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn; Hùng Mỹ, huyện Diễn Châu và Đặng Thai Mai, TP. Vinh. Tham gia chương trình, sau khi vào dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh, tham quan Bảo tàng, các em được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn và rất ý nghĩa, đó là: Gián hình lên cờ và thuyết minh hình ảnh; ghép tranh Xô viết; đi tìm truyền đơn, tài liệu và cắm cờ Đảng. Các hoạt động trải nghiệm đều liên quan đến các sự kiện, diễn biến của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai trải nghiệm ghép tranh XVNT. Ảnh: Anh Tuấn
Chứng kiến buổi trải nghiệm của hơn 200 học sinh khối 9, Trường THCS Đặng Thai Mai mới thấy các hoạt động thực sự bổ ích và lý thú. Các em được chia thành 9 đội để tham gia các hoạt động. Ngay từ trò chơi đầu tiên, với 1 lá cờ và các mảnh giấy đủ màu sắc, các đội đã nhanh chóng tạo được cờ Đảng, cờ Tổ quốc; các con số liên quan đến các phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và thuyết minh ý nghĩ của từng chi tiết trên lá cờ của đội mình (ngôi sao vàng 5 cánh, búa, liềm, màu sắc, con số) một cách rất xuất sắc. Ở nội dung ghép tranh Xô viết Nghệ Tĩnh, việc nhảy bao bố đi một quãng khá xa để tìm các mảnh ghép của bức tranh đưa về cho đội là khá mệt và khó nhưng đội nào cũng tham gia một cách vui vẻ, hào hứng và hoàn thành đúng các bức tranh đã được giới thiệu khi tham quan bảo tàng.
Nội dung trải nghiệm đi tìm truyền đơn tài liệu cũng hào hứng không kém. Mỗi đội cử ra 12 thành viên thay nhau gánh truyền đơn đi qua cầu khỉ, mỗi lượt gánh qua thành công sẽ được lấy 01 từ ngẫu nhiên ở trong thùng, sau đó dán lên bảng để có dòng chữ “Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu đỏ”. Mỗi khi có đội nào đang gánh truyền đơn mà bị rơi khỏi cầu khỉ là tất cả lại được một trận cười sảng khoái. Trải nghiệm cắm cờ Đảng, mỗi đội được phát 5 cán cờ có kích thước bằng nhau, 01 lá cờ Đảng, 08 đoạn dây và 5 mốc sự kiện. Chỉ sau 10 phút chuẩn bị, các đội đều đưa được lá cờ Đảng lên cao cùng với gắn mốc sự kiện đúng theo 5 cán cờ. 3 nội dung trải nghiệm được tổ chức ở 3 trạm cho các đội luân phiên tham gia. Trạm nào cũng vậy, bạn chơi thì háo hức, bạn đứng ngoài thì reo hò cổ vũ thật tưng bừng náo nhiệt. Em Thanh Sơn – Lớp 9C chia sẻ: “Cháu tham gia hết các trò chơi, riêng nhảy bao bố có mệt tý nhưng mà rất vui”. Em Hoàng Minh Khuê – Lớp 9A thì: “Ở lớp, học sử, chúng cháu chỉ tiếp xúc với trang giấy, con số khô khan. Đến đây, được tận mắt nhìn thấy các hiện vật, hình ảnh sinh động, được nghe thuyết minh về phong trào cách mạng 1930-1931, cháu càng thấy khâm phục và tự hào về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ta. Đây là hoạt động rất bổ ích và ý nghĩa đối với chúng cháu”. Còn em Nguyễn Thị Mai Thúy – Lớp 9D lại cho biết: “Các trò chơi đều liên quan đến các sự kiện, mốc thời gian của phong trào XVNT 1930-1931, giúp cháu nhớ lâu hơn kiến thức đã được học ở lớp”. Vui vẻ, sảng khoái, củng cố và nhớ lâu kiến thức lịch sử đã học ở trường,… là những cảm nhận mà các em Nguyễn Phan Hà Anh – Lớp 9A; Hoàng Ngọc Trung Đô, Nguyễn Khánh Minh – Lớp 9B và rất nhiều học sinh khác đã chia sẻ về buổi trải nghiệm này. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hoài – Giáo viên lịch sử của trường khẳng định: “Tham quan bảo tàng và chương trình trải nghiệm “Tìm về mạch nguồn Xô viết Nghệ Tĩnh” không chỉ giúp học sinh củng cố, nhớ lâu các kiến thức đã học mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và nhiều kỹ năng khác. Tin rằng, sau buổi trải nghiệm này, các em hứng thú hơn khi học lịch sử địa phương”.
Em Hoàng Minh Khuê – Học sinh lớp 9A, Trường THCS Đặng Thai Mai: “…cháu càng thấy khâm phục và tự hào về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ta. Đây là hoạt động rất bổ ích và ý nghĩa đối với chúng cháu”. Ảnh: Anh Tuấn
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ hàng trăm tài liệu, hiện vật phong phú, quý giávềphong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.Ẩn sau những tài liệu, hiện vật rất bình dị, gần gũi là những câu chuyện xúc động minh chứng cho quá trình đấu tranh với chân trần chí thép của các bậc tiền bối cách mạng. Việc tổ chức chương trình trải nghiệm tại Bảo tàng là nhằm giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, qua đó các em tự hào hơn về truyền thống cách mạng oai hùng của cha ông, về mảnh đất mà mình đang sinh sống, đồng thời, giúp các em rèn luyện thêm thể chất, các kỹ năng vận động và tư duy sáng tạo. Chương trình sẽ tiếp tục được Bảo tàng duy trì cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 này, bà Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc Bảo tàng XVNT cho hay. Ngoài chương trình trải nghiệm, Bảo tàng XVNT còn là địa chỉ đỏ để các trường học đến tham quan, thực hiện chương trình “Dạy học tại di sản” của môn học Lịch sử lớp 9. Các buổi tham quan học tập tại Bảo tàng XVNT đã đưa các em được trở về với một giai đoạn lịch sử hào hùng của cha ông trên mảnh đất xô viết anh hùng.
Sản phẩm sau buổi trải nghiệm in và tô màu tranh Đông Hồ của các bé
Thiết nghĩ, việc tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh tại các bảo tàng là thực sự cần thiết, vừa phát huy được giá trị của các công trình, vừa bồi dưỡng, giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Đồng thời, rèn luyện được thể chất, tính tích cực, tư duy sáng tạo và các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm; kỹ năng khéo léo, nhanh nhẹn… cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Nguồn Văn hóa nghệ an