Ngày đăng: 23/02/2023 17:12
Khu di tích Tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) tiến hành khai quật đợt I vào tháng 9 năm 1985 và đợt II vào tháng 3 năm 1986.
Vị trí khai quật Tháp Nhạn tại sân kho của Hợp tác xã Hồng Long,huyện Nam Đàn, năm 1985 (Nguồn: Viện Khảo cổ học Việt Nam)
Theo truyền thuyết do nhân dân kể lại: Tháp Nhạn xưa rất cao lớn. Ngôi tháp được xây trên một ngọn núi có hình dạng giống con chim Nhạn (có người lại cho rằng tháp được xây vào chính mắt của chim Nhạn) nên mới có tên gọi là Tháp Nhạn. Kể từ đó làng cũng đổi tên thành làng Nhạn Tháp.
Cũng lại có ý kiến cho rằng khi ngọn tháp cao lớn được xây dựng xong thì có một con chim Nhạn đến đậu ở trên đỉnh tháp nên mới có tên gọi là Nhạn Tháp và từ đó làng mới có tên gọi như vậy.
Di tích Tháp Nhạn thuộc địa phận xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, xưa kia được xây dựng trên một quả núi đất cao, gần sông Lam nên giao thông rất thuận tiện. Toàn bộ phần phế tích móng tháp khá sâu, gần 4m, căn cứ vào chất liệu, tính chất của hệ thống di tích có thể chia thành hai phần. Thứ tự từ dưới lên như sau:
- Mộ táng
Mộ ở đây là một cây gỗ khoét rỗng lòng, chôn đứng ở chính giữa lòng tháp từ độ sâu từ 3,75m – 2,35m. Trong lòng cây gỗ chứa đầy than tro. Từ 0,90 m (tính từ dưới lên) có một hộp kim loại hình chữ nhật, gồm hai lớp bên ngoài bằng đồng, bên trong là hộp bằng vàng. Trong hộp chứa xá lị.
- Phế tích kiến trúc chân móng tháp
Từ 2,5m trở lên đến 0m là phần có gạch quây bao quanh tạo nên chân móng Tháp. Chân móng tháp Nhạn có kiến trúc hình gần vuông, mỗi chiều của các vách gần bằng nhau (9,6m x 9m). Kiểu chân móng và tầng đế tháp có qui mô hình vuông là kiểu kiến trúc khá phổ biến ở Việt Nam, với khoảng niên đại kéo dài từ thế kỷ 7.
– Về số lượng hiện vật được phát hiện tại di tích không nhiều, có thể chia theo các chất liệu:
- Hộp đựng xá lị
Hộp đựng xá lị có màu vàng, dài 8cm, rộng 5 cm, cao 5,5cm. Hộp gồm hai phần là nắp hộp và thân hộp.
a. Nắp hộp
Có hình chữ nhật, dài 8cm, rộng 5cm, cao 1,5cm. Ở bốn rìa cạnh của nắp hộp hơi lõm xuống, nhìn nghiêng nghiêng tựa như mái nhà. Phía trên có băng trang trí hoa văn – hoa cúc trong có 6 cánh nhỏ.
b.Thân hộp
Có hình chữ nhật, dài 8cm, rộng 5cm, cao 4cm. Ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao. Bốn xung quanh thân hộp có băng hoa văn cánh sen cách điệu, nhìn xa tựa như con nhện nước. Nối liền giữa nắp hộp và thân hộp là một đường gờ mỏng được tán nhỏ, dài rồi uốn theo gờ trong của thân hộp.
Hộp đựng xá lị, niên đại thế kỷ VII được tìm thấy trong lòng Tháp Nhạn (Nguồn: Bảo tàng Nghệ An)
2. Đồ đồng
Đồ đồng chủ yếu tìm thấy trong lòng tháp gồm hai nhóm ở hai độ sâu khác nhau:
+ Nhóm a: Nhóm một hộp đồng với 30 mảnh khác nhau.
– Hộp đồng nhỏ có hình vuông, kích thước 5,5cm x 5,5cm, khi lắc nghe thấy tiếng kêu có nghĩa là trong ruột rỗng. Ở phía ngoài tròn khít không có dấu để mở.
+ Nhóm b: Nhóm tượng đồng gồm có tới gần 30 mảnh, to nhỏ khác nhau.
Các nhà khảo cổ học đã thử ghép các mảnh đồng lại và cho rằng có thể đây là mảnh của một pho tượng đồng được thờ trên bệ thờ. Sau đó vì lý do gì đó mà bị ngã nhào xuống dưới nền tầng một của tháp và bị vùi lấp tại đó.
Mảnh đồng ( Nguồn: Bảo tàng Nghệ An)
3.Đồ đá
Hai viên gồm:
-Một viên cuội có đường kính 21cm, dày 5cm, tìm thấy trên nền của tầng một.
-Một viên hình tam giác, đá màu trắng mốc, ở một mặt mài nhẵn, kích thước 23cm x 23cm x 22cm, dày 4cm
Viên cuội tìm thấy tại Tháp Nhạn ( Nguồn: Bảo tàng Nghệ An)
4. Đồ sứ
Đồ sứ nhặt được 8 mảnh, chủ yếu trong lòng tháp. Tất cả đều vỡ vụn với kích thước nhỏ nên khó phục hồi. Trong 8 mảnh có một mảnh chai đế, một mảnh đáy, bốn mảnh miệng, một mảnh có gờ miệng ở bên trong và một mảnh gồm có in văn ca rô.
Các mảnh này đều được làm từ đất cao lanh khá mịn, xương sứ hơi dày, men phủ bên ngoài là lớp men tro, có màu xanh nhạt.
- Gỗ
Gỗ là thành phần cơ bản tạo dựng lên ngôi mộ chôn đứng giữa lòng tháp. Đó là một cây gỗ khoét rỗng lòng, cao 1,4cm, rộng 55cm. Cây gỗ chôn đứng gồm hai nửa thân cây úp vào nhau. Ở phía dưới có hai lỗ đục vuông vắn để chốt hai thanh ngang theo trục Bắc Nam.
- Đất nung
Gạch, ngói là phần vật liệu cơ bản cấu thành nên chân móng và tầng đế tháp. Gạch có nhiều loại hình phong phú như hình chữ nhật, múi bưởi, hình rẻ quạt, gạch trang trí mặt người, hổ phù… Các đề tài trang trí trên gạch ở Tháp Nhạn đều được làm từ khuôn nên khó đồng nhất. Song có điều đáng lưu ý các đề tài trang trí ở đây chưa thấy có rồng phượng như các tháp ở thời Lý – Trần
Tất cả các viên gạch ở đây đều có một mặt trơn hoặc trang trí còn mặt dưới thường có đầu dập văn thừng thô để tăng độ ma sát lúc ghép xây dựng. Đây là sự khác biệt khá lớn giữa vật liệu xây dựng Tháp Nhạn so với vật liệu xây dựng các tháp ở vào thời kỳ Lý – Trần.
Gạch trang trí tượng Phật ( Nguồn Bảo tàng Nghệ An)
Gạch trang trí tượng Phật có kích thước trung bình là 33cm x 15cm x 4cm. Một mặt của viên gạch có trang trí hình ảnh ba vị Phật ngồi trên tòa sen. Các vị Phật được trang trí chìm trong một vòm cuốn nhỏ, kích thước 12cm x 9cm x 1cm.
Tượng Phật được đặc tả dưới dạng phù điêu với tư thế ngồi xếp bằng trong trên một toà sen cách điệu, hai bàn tay lồng nhau để ngửa trước bụng. Thân tượng khoác y phục, hai mép áo bắt chéo trước ngực tạo thành hình chữ X. Khuôn mặt tượng đầy đặn với vòng hào quang đang tỏa chiếu trên đầu. Phía trên trán tượng có dấu chấm tròn.
Qua các di vật được tìm thấy ở di tích Tháp Nhạn cho thấy ngôi tháp này là trung tâm của quần thể kiến trúc Phật giáo Việt Nam thời đó, có chức năng thờ Phật song đồng thời cũng lại là ngôi mộ. Tháp là nơi thờ Phật, là ngôi mộ, hai chức năng này hoà quyện với nhau tạo thành thánh địa thần thiêng để mọi người đến chiêm ngưỡng, rồi từ chiêm ngưỡng tới tín ngưỡng. Đó là quá trình du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam ở 10 thế kỷ đầu sau công nguyên.
Phan Thị Hà Long
Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]