Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng  của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ anh hùng quê hương Xô Viết

Ngày đăng: 23/02/2023 17:37

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 (có tài liệu viết sinh ngày 01/11/1910 ) trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An – một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Thân phụ là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc (Nhân Chính, Hà Nội), làm công chức hỏa xa ở Vinh từ năm 1907, thường gọi là Hàn Bình. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ, là một phụ nữ đảm đang, tần tảo, yêu chồng thương con. Trước năm 1940, gia đình bà sống tại 132 phố Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung), thành phố Vinh. Về sau, gia đình bà về sống ở quê mẹ là xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

   

      Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)

Lúc 9 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai được cha mẹ cho đi học chữ quốc ngữ tại trường nữ sinh Nguyễn Trường Tộ của thành phố Vinh. Học hết lớp Nhì trường nữ sinh, năm 1924, Nguyễn Thị Vịnh chuyển sang học lớp Nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, một số chí sĩ nho học Trung Kỳ đã thành lập Hội phục Việt) [1], tập hợp, đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ làm cách mạng, đánh Pháp, đuổi giặc và bè lũ vua quan bán nước. Công tác vận động học sinh tham gia hoạt động cách mạng tại các trường ở Vinh như: Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ được chú trọng, nhằm tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc. Thời gian học tập tại trường, chị được thầy giáo Trần Phú (người sau nay là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương) dạy học và giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của Tổ nữ sinh yêu nước, tổ chức “Thanh niên học sinh cách mạng”

Năm 1926, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ.

Ở tuổi 17, năm 1927 Nguyễn Thị Vịnh đã được chính thức kết nạp vào tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng (tên gọi mới của Hội Phục Việt). Để giữ bí mật, chị đã đổi tên Nguyễn Thị Vịnh thành Nguyễn Thị Minh Khai – cái tên đã theo chị đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Cuối năm 1927, đầu năm 1928, ở khu vực Vinh – Bến Thủy phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh – Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương. Đồng chí tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm cho công nhân, xuống các làng xã xung quanh thành phố Vinh (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu) tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động thành lập Nông hội. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng đảng và sau nay họ trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng. Số lượng chị em tham gia phong trào cách mạng ngày một gia tăng, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh – Bến Thủy ngày càng sôi nổi hơn.

Từ thực tiễn hoạt động đấu tranh cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai đã nhanh chóng trở thành một cán bộ cốt cán trong phong trào cách mạng: Bí thư Phụ nữ đoàn và tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy Tân Việt tỉnh Nghệ An (1929), thành viên tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929). Đồng chí đã luôn năng động, tích cực, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn của phong trào công nhân ở Vinh và công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Chính vì vậy, đến năm 1928 “phụ nữ đoàn” phát triển thêm được 50 người; đặc biệt, số chị em phụ nữ tham gia các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ ngày càng đông, góp phần thúc đẩy quá trình hợp nhất các tổ chức Đảng, thành một chính Đảng duy nhất để tập hợp lực lượng.

Cách mạng Việt Nam trong những năm 1931-1933 ở thời kỳ thoái trào, cơ quan của Đảng từ Trung ương đến cơ sở ở trong nước gần như không hoạt động được do kẻ thù khủng bố gắt gao. Cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong những năm cách mạng gặp vô vàn khó khăn.

Ảnh: Vợ chồng chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. (Ảnh tư liệu).

Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Kông) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thống nhất lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện: chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trở thành đảng viên của Đảng, Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục đảm trách công tác tuyên truyền, vận động, huấn luyện phụ nữ, đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy (Nghệ An), tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng và tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt trong Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Trong điều kiện thực dân Pháp và bọn mật thám tăng cường các hoạt động truy lùng, vây bắt nhằm đàn áp phong trào cách mạng, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không hề run sợ. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và tài trí thông minh, giỏi ứng biến, đồng chí luôn đi đầu trong công tác vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng.

Thực hiện sự phân công của tổ chức Đảng, tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai rời quê hương sang Hồng Kông (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Đến Hương Cảng (Hồng Kông), Trung Quốc, đồng chí đổi tên thành Duy (Ả Duy, Ả Vầy), hoạt động trong Văn phòng Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản, cùng các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu. Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật, nhận nhiệm vụ làm giao thông liên lạc với Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời gian ở Trung Quốc (3/1930 đến cuối năm 1934), đồng chí luôn thể hiện rõ ý chí kiên trung, kiên định với sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó có người phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Giữa năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị đặc vụ Quốc dân Đảng Trung Quốc ở Hồng Kông bắt giam. Nhờ vào sự vận động, can thiệp và đấu tranh của Quốc tế Cứu tế Đỏ, Đồng chí được trao trả tự do sau hơn hai năm bị tra tấn dã man của kẻ thù. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm cách liên lạc với Đảng và hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đến giữa năm 1935, Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vinh dự là một trong 6 đại biểu [2]đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tổ chức ở Mátxcơva (Liên Xô).

Ảnh: Thẻ đại biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935 (Ảnh tư liệu).

Tại diễn đàn Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 40, ngày 16/8/1935, Nguyễn Thị Minh Khai với bí danh Phan Lan đã có tham luận với nội dung lên án, tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã thi hành chính sách tàn bạo, dã man đối với nhân dân Đông Dương, nhất là đối với phụ nữ; nêu bật vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Tham luận đã khẳng định: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho sự thành lập mặt trận thống nhất chống bọn gây chiến” [3].

Tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản (tháng 9 đến tháng 10-1935), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có bài tham luận về tình hình, hoạt động và những nhiệm vụ trước mắt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã nêu khái quát về tình hình thanh niên Đông Dương, những khó khăn và hạn chế của họ và đề ra những nhiệm vụ trước mắt gồm: thanh niên phải thâm nhập vào các nhà máy, đồn điền, làng xã, trường học; phải thành lập các câu lạc bộ thanh niên; phải dẫn dắt, giáo dục thanh niên theo tinh thần đấu tranh cách mạng; phải thiết lập mối quan hệ giữa thanh niên Đông Dương với các tổ chức thanh niên quốc tế và đặc biệt phải chú ý đến quần chúng nữ thanh niên.

Thông qua những hoạt động tại các hội nghị quốc tế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nêu bật được tình cảnh ở thuộc địa, bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc; vai trò của phụ nữ và thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc; khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Đông Dương phải được khơi dậy bằng truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc, phải phát huy được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, lấy công – nông làm gốc và do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đầu năm 1936, Lê Hồng Phong được phái về nước hoạt động, còn Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tiếp một năm nữa. Năm 1937, đồng chí về nước lấy bí danh là “Bảy Khai”, “Năm Bắc”, được bầu vào Xứ Ủy Nam Kỳ và là nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1938-1939 ở Sài Gòn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng đồng chí vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ. Đồng chí đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, công nhân Công ty Hỏa Xa Sài Gòn, của công nhân và phụ nữ Hóc Môn, Gia Định; mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ ở thành phố và các lớp huấn luyện cho cán bộ nữ ở các tỉnh Nam Bộ; viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề chống phản động thuộc địa, chống phong kiến và vận động phụ nữ tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Đồng chí là diễn giả xuất sắc của nhiều buổi mít tinh lớn ở các rạp hát trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đấu tranh với các luận điệu của bọn Tờ-rốt-xkít, bảo vệ quan điểm của Đảng. Những luận điểm sắc sảo, lý luận chặt chẽ trong các bài viết của đồng chí như: “Nếu mỗi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực mà bỏ công việc xã hội thì công việc giải phóng phụ nữ không biết đến đời nào sẽ thực hiện được? Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mọi người [4]  đã trực tiếp chống lại thuyết “Phụ nữ hồi gia”, vạch rõ nhiệm vụ quan trọng của giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng nam nữ, từng bước nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động cách mạng cho chị em phụ nữ. Từ đó, số lượng phụ nữ hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào cách mạng do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai khởi xướng ngày càng đông. Các bà, các chị không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, đã tích cực góp sức người, sức của cho các phong trào học chữ quốc ngữ, nâng cao trình độ,thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Nam Kỳ ngày càng phát triển.

Trong khi Nguyễn Thị Minh Khai đang hoạt động sôi nổi thì nhận được tin Lê Hồng Phong bị bắt. Mặc dù rất thương chồng nhưng để đảm bảo bí mật Nguyễn Thị Minh Khai không thể vào thăm chồng được mà chỉ nhờ người đem quà vào. Lúc này Nguyễn Thị Minh Khai đang mang thai. Mùa Xuân 1940, Nguyễn Thị Minh Khai sinh cháu gái đầu lòng, đặt tên cháu là Lê Nguyễn Hồng Minh là tên ghép của Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Hạnh phúc của buổi đầu làm mẹ, như bao người phụ nữ, người mẹ Việt Nam khác, đồng chí rất yêu thương và muốn được trực tiếp chăm sóc con. Tuy nhiên, do yêu cầu của thực tiễn cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai chỉ kịp ở với con một tháng đã phải nén lòng, hy sinh tình mẫu tử thiêng liêng, gửi con gái còn đỏ hỏn cho cơ sở cách mạng – gia đình ông bà Dương Bạch Mai nuôi, rồi lại tiếp tục đi hoạt động cách mạng. Đồng chí đã hy sinh tình riêng để đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo 

phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11 năm 1940 (Ảnh tư liệu).

Giữa năm 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn – Gia Định và các vùng nông thôn Nam Kỳ. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tiến hành một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 30/7/1940, cơ sở Đảng bị lộ, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt tại Ngã Sáu, Bình Đông sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ. Trong Báo cáo chính trị tháng 8/1940 của Thống đốc Nam Kỳ, hồ sơ IIA45/204[5] , Phủ Thống đốc Nam Kỳ đã viết về Nguyễn Thị Minh Khai “là kẻ chủ mưu trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có việc tổ chức chiến dịch chống quân phiệt, chuẩn bị phong trào khởi nghĩa vũ trang và phá hoại…”.

Biết Nguyễn Thị Minh Khai là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, giữ vai trò quan trọng trong Xứ ủy Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn Sài Gòn và dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man như: dí điện vào người, treo ngược chân lên xà nhà, đóng đinh vào đầu ngón tay… Nhưng đồng chí vẫn nghiến răng chịu đựng, cương quyết không khai ra tổ chức và đồng chí của mình. Nhận thấy đòn roi không khuất phục được, bọn giặc sau khi biết Minh Khai và Lê Hồng Phong là vợ chồng, chúng đã dùng thủ đoạn đưa hai người về giam chung nhằm lung lạc tinh thần. Song kẻ địch đã thất bại trước một gia đình cộng sản kiên trung. Tất cả những gì thực dân Pháp nhận được chỉ là câu trả lời đanh thép: “Tôi không biết người này”. Đồng chí đã lấy máu mình viết lên cánh cửa xà lim ở khám Catina những dòng bất khuất:

“Dù đánh, dù treo, càng cương quyết

 Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời

Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi”

Biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tranh thủ mọi điều kiện để học tập nâng cao trình độ từ các đồng chí bạn tù, đồng thời ra sức tuyên truyền cách mạng đối với những người lầm đường lạc lối trở về với gia đình, dân tộc và tìm theo cách mạng.

Mặc dù bị cầm tù trong nhà lao đế quốc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với tư cách là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn tìm mọi cách liên lạc với anh em đồng chí của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ. Trong Thông tư số 7709-S của Chánh liêm phóng P.Arnoux năm 1940 gửi Thống đốc Nam Kỳ, Tổng thanh tra Liêm phóng đã đề cập đến “ …Lục soát khi chuyển Nguyễn Thị Minh Khai thì phát hiện được trong quần áo của thị có 2 tài liệu viết tay. Bản thứ nhất là lời kêu gọi binh sĩ, thợ thuyền và nông dân Đông Dương hãy đoàn kết lại để phát động cách mạng và đấu tranh để được giải phóng với sự ủng hộ của Liên Xô. Bản thứ 2 là một bức thư ký tên Hồ Thị Duc tù nhân chính trị gửi cho các đồng chí, có đoạn ý ngầm yêu cầu những người đọc hãy tăng cường tuyên truyền cộng sản. Việc bức thư này bị phát hiện trong tay Nguyễn Thị Minh Khai chứng tỏ rằng chiến sỹ này phải phụ trách liên lạc với bên ngoài nhà tù…[6]  .

Không khuất phục được Nguyễn Thị Minh Khai, thực dân Pháp đưa đồng chí ra tòa án thực dân xét xử. Trải qua 4 phiên tòa (2 phiên tòa dân sự và 2 phiên tòa quân sự), chính quyền thực dân Pháp kết án đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai 7 lần, trong đó có 2 án tử hình do tòa án binh xử với tội danh chúng gán cho là “xúi giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ chính phủ”. Đồng chí vẫn bình thản trước âm mưu tàn bạo của kẻ thù. Trong phiên tòa của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không những không khuất phục mà còn dõng dạc tra vấn lại những bất công, phi lý của tòa án thực dân bằng những lời lẽ đanh thép: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước mà không có tội sao?” [7]. và khẳng định: “Chúng mày sẽ không thể nào giết hết được những người cách mạng Việt Nam, cũng không tài nào dập tắt được cách mạng Việt Nam… Cách mạng Việt Nam sẽ thắng” [8]..

Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đi xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi bị xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy” [9].

Trước lúc hy sinh, chị đã gửi lời vĩnh biệt chồng, lời cảm ơn những người nuôi con mình và tước vải quần áo nhà tù đan gối gửi về tặng mẹ. Ngày 28/8/1941, trước khi ra pháp trường chị đã nhắn nhủ:

“Vững chí bền gan ai hỡi ai

  Kiên tâm giữ dạ mới anh tài

 Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ

 Con đường cách mạng vẫn chông gai”.

Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.

Cuộc đời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tuy ngắn ngủi (31 tuổi) nhưng đã thể hiện tấm gương kiên trung của người phụ nữ Việt Nam, một nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, của cách mạng Việt Nam, người Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, gian nguy thử thách để đi theo và kiên định lý tưởng cao cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Đồng thời, hoạt động và cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã thể hiện rõ tấm gương đạo đức cao cả theo người thầy vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Đồng chí đã đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết, hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh tình riêng, tình mẫu tử vì sự nghiệp lớn lao của dân tộc.

Ảnh: Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại phường Quang Trung, thành phố Vinh.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng tình yêu quê hương, đất nước của con người Xứ Nghệ đã hình thành tính cách và tâm hồn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một nữ chiến sỹ cộng sản yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân.

Năm 2012 nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khánh thành, tọa lạc trên đường Quang Trung, phường Quang Trung, Thành phố Vinh.

 Nhà lưu niệm nằm trong khuôn viên rộng 2.400 m2 xây trên chính mảnh đất gia đình đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai từng sinh sống. Từ ngoài đi vào du khách sẽ bắt gặp tượng đài đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cao 4,5m. Tượng làm theo ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại với những đường nét, mảng khối chắc khỏe; gương mặt được tả thật theo diện mạo của đồng chí. Tư thế tượng được thể hiện rất sinh động dáng dấp người phụ nữ hiên ngang.

Phía sau tượng đài là nhà tưởng niệm mang kiến trúc truyền thống. Khung nhà làm bằng bê tông giả gỗ, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch. Nhà tưởng niệm bao gồm nhà trưng bày cùng với một gian thờ ấm cúng và linh thiêng được xây liền khối. Nội thất tại đây được thiết kế, trang trí, mỹ thuật khá đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách bài trí truyền thống với nghệ thuật trưng bày hiện đại với 3 chủ đề: Quê hương gia đình; Sự nghiệp cách mạng; Đất nước, quê hương tri ân và tôn vinh. Tại đây người xem sẽ thấy nhiều tư liệu hình ảnh quý về thời ấu thơ, tuổi trẻ và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với nhiều tư liệu hiện vật lịch sử quý hiếm thực sự là một địa chỉ đỏ để đông đảo du khách và nhân dân ghé thăm. Đồng chí là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nữ chiến sĩ cộng sản đã chiến đấu và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi gương, tiếp bước.

Đinh Thị Ánh Tuyết

Phòng NCST – Bảo tàng Nghệ An

Chú thích:

[1] Hội Phục Việt ra đời ngày 14/7/1925. Trong quá trình tồn tại Hội đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau: Hưng Nam (3/1926), Việt Nam Cách mạng Đảng (hè 1926); Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội (7/1927 ); Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt, 14/7/1928)

[2] 6 đại biểu gồm: Lê Hồng Phong (Lítvinốp), Nguyễn Thị Minh Khai (Thị Vai), Hoàng Văn Nọn (Cao Bằng) và ba đại biểu nữa (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.5, tr.203)

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđdt.5, tr.346-347.

[4] Bài viết Đàn bà con gái nhà Nam đăng trên tuần báo Đọc báo Dân chúng (số ra ngày 14/9/1938 và 24/9/1938)

[5] Nghệ An – Những tấm gương Cộng sản, NXB Nghệ An, 1998, tr.86

[6] Tài liệu lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Bộ Công an

[7] Dẫn theo Nguyễn Thế Kỷ: Nguyễn Thị Minh Khai người con ưu tú của quê hương Nghệ An, in trong sách: Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2015, tr.26.

[8] Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam – Ban Tuyên huấn Trung ương: Nữ chiến sĩ cách mạng chị Minh Khai, H, 1951, tr.16.

[9] Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An, 1998, tr.90

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial