Ngày đăng: 28/09/2021 10:55
- Khái quát đôi nét về huyện Quế Phong
Huyện Quế Phong được thành lập theo Quyết định số 52/CP ngày 19 tháng 4 năm 1963 của Hội đồng Chính Phủ ( nay là Chính Phủ) do chia tách từ huyện Qùy Châu (cũ) thành 3 huyện: Qùy Châu, Qùy Hợp, Quế Phong. Có tọa độ nằm trong khoảng 19026’ đến 200 vĩ Bắc, 104030’ đến 105010’ kinh Đông.
Địa giới hành chính của huyện trải rộng trên 13 xã và 01 thị trấn, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp huyện Tương Dương, phía Đông giáp huyện Qùy Châu, phía Tây giáp huyện Sầm Tớ tỉnh Hủa Phăn Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Quế Phong cách thành phố Vinh 180km, có 15km đường quốc lộ 48 chạy qua huyện, giao thông trên địa bàn nội huyện và giao lưu phát triển kinh tế bên ngoài còn khó khăn. Là huyện nằm trong vùng kinh tế Tây Nghệ An đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, và là huyện có vị trí quan trọng, chiến lược về an ninh quốc phòng.
Quế Phong có địa hình đặc trưng bị chia cắt bởi các dãy núi cao và hệ thống sông suối khá dày đặc, điển hình là dãy núi cao Trường Sơn từ 1.600 đến 1.828m, núi Chóp Chát 1.705m, núi Pả Môn 1.197m, núi Canh Cỏ 1.123m, núi Mong 1.071m, đỉnh cao nhất là Phù Hoạt 2.452m. Địa hình tương đối cao, thường có độ dốc, thảm thực vật chủ yếu là rừng cây tự nhiên, cũng là vùng thượng lưu của hai con sông lớn là sông Chu và sông Hiếu. Hiện nay trên dịa bàn huyện có các dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Khơ mú, Thổ, Thổ, Chứt cùng sinh sống trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số toàn huyện.
- Kết quả khai quật khảo cổ học Hang Mẹ Mòn
Năm 2017 Bảo tàng tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (nay là Viện nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành điều tra, khảo sát một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Tại huyện Quế Phong đoàn đã khảo sát 3 xã gồm: Quang Phong, Cắm Muộn, Tiền Phong. Riêng xã Quang Phong đoàn đã khảo sát các hang: Mẹ Mòn, Thăm Chán, Hang Dơi và đã phát hiện dấu tích cư trú của người nguyên thủy tại Hang Mẹ Mòn[1].
Tháng 10 năm 2019 thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-BVHTTSL ngày 03 tháng 6 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép Bảo tàng tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Viện khảo cổ học khai quật Hang Mẹ Mòn thuộc bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Hang Mẹ Mòn[2] có tọa độ19030’54’’ vĩ độ Bắc, 104052’12’’ kinh độ Đông, cao khoảng 411m so với mực nước biển, nằm trong một dãy núi đá vôi lớn sát nơi cư trú hiện nay của người dân bản Chiếng.
Ảnh:Hang Mẹ Mòn (cửa chính)
Hang có 2 cửa: cửa chính quay về hướng Đông bắc có mái đá rộng và cao che mưa nắng, đường vào hang từ bản Chiếng đi lên khá thuận lợi. Cửa phụ quay về hướng Tây không có lối đi vào do cửa hang là vách núi thẳng đứng, tuy nhiên cửa hang này rộng thuận lợi cho việc tiếp nhận đón ánh sáng cũng như hứng gió vào lòng hang phía trong.
Phía trước mặt hang là một thung lũng rộng lớn, khá bằng phẳng với dòng sông Quang chảy qua. Đây chính là nơi cung cấp nước ngọt, nguồn lợi thủy sản và nguyên liệu đá chế tác công cụ của người nguyên thủy. Hiện tại là khu vực canh tác nông nghiệp của một số bản trong xã Quang Phong.
Tổng diện tích khai quật 30m2 được chia làm 3 hố, gồm 2 hố ở cửa hang chính đông bắc và 1 hố ở cửa phụ phía tây. Bề mặt Hang Mẹ Mòn trước đó được người dân sử dụng làm nơi khai thác đất và phân dơi nên đã bị đào phá khá nhiều. Địa tầng của Hố khai quật có 4 lớp:
+ Lớp 1: dày từ 5-9cm, đất sét màu nâu vàng, khô, kết cấu rắn chắc, lẫn nhiều đá và rễ cây nhỏ, vỏ nhuyễn thể. Hiện vật thu được gồm đồ đá, đồng, gốm và xương răng động vật.
+ Lớp 2: dày từ 20-28cm, đất sét khô màu nâu vàng hơi ngả xám, rắn chắc, trong đất lẫn nhiều đá, than tro và rất nhiều võ nhuyễn thể. Hiện vật thu được gồm đồ đá, gốm và xương răng động vật.
+ Lớp 3: dày từ 10-18cm, mỏng hơn ở giữa và có xu hướng dày lên về phía 2 bên. Đất sét khô, xốp xám màu đen, lẫn nhiều rễ cây và một số lượng nhỏ vỏ nhuyễn thể. Hiện vật xuất lộ vẫn là gốm, đá và xương động vật.
+ Lớp 4: dày từ 10-25cm, mỏng hơn ở phía đông bắc và dày lên ở phía tây nam. Đất sét khô, màu xám trắng lẫn nâu vàng. Hiện vật thu được rất ít chỉ một vài mảnh gốm.
Ảnh:Cấu tạo địa tầng của 1 hố khai quật
Tại hố khai quật ở cửa hang chính phát hiện một khoảng đất cháy gần vách đông nam, bề mặt xuất lộ dạng hình bán nguyệt, khá phẳng, có kích thước dài 57cm, rộng 30 cm, là loại đất sét vôi kết chặt màu xám đen, xung quanh xuất lộ một số cục than tro nhỏ. Phía dưới vùng đất cháy phát triển ra cả toàn bộ chiều rộng khu vực của hố, đất sét màu nâu đỏ sẫm, rắn chắc và kết chặt do chịu tác động của nhiệt độ cao, trong đất lẫn nhiều than tro và vỏ nhuyễn thể. Những người tiến hành khai quật bước đầu xác định đây có thể là khu vực bếp nấu của cư dân cổ hang Mẹ Mòn.
Ảnh:Nơi đặt bếp nấu của cư dân cổ hang Mẹ Mòn
Cuộc khai quật đã phát hiện ra được nhiều di vật thuộc nhiều chất liệu và loại hình khác nhau như: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, hiện vật xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể. Trong tổng số phát hiện được 429 hiện vật trong đó tại hố khai quật 1(gọi là H1) có 266 hiện vật, tại hố 2 ( gọi là H2) thu được 81 hiện vật, tại hố 3 ( gọi là H3) ở khu vực cửa phụ thu được ít nhất với 14 hiện vật, còn lại 68 hiện vật thu được trên nền hang và các hố đào do người dân để lại. Về chất liệu đồ gốm có số lượng lớn nhất với 278 tiêu bản, tiếp đến là đồ đá với 94 tiêu bản, còn lại là xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể, đồ đồng.
- Đồ đá
Tổng cộng cuộc khai quật phát hiện được 94 hiện vật bằng đá, trong đó hố H1 thu được 71 hiện vật, hố H2 thu được 6 hiện vật, hố H3 có 1 hiện vật và 16 hiện vật sưu tầm được.
Trong số 94 hiện vật đá phát hiện được trong đợt khai quật có 05 công cụ ghè đẽo, 01 chày nghiền, 03 hòn ghè, 20 mảnh tước, 36 mảnh cuội, 24 hòn cuội sông và một số hòn mài.
Ảnh:Hòn ghè
Ảnh:Chày nghiền
Ảnh:Một số mảnh tước
Ảnh:Một số công cụ ghè đẽo
Trong các công cụ ghè đẽo xác định được có một công cụ rìa hai rìu lưỡi, một công cụ hình đĩa, và 3 công cụ không định hình. Tất cả các hiện vật này đều ở trong tình trạng bị mòn sâu, lớp patin bám dày nên khó xác định được dấu vết kỹ thuật. Tuy nhiên có thể nhận thấy những di vật này mang dáng dấp cũng như những kỹ thuật xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình và hậu Hòa Bình.
Chiếc Chày nghiền duy nhất được phát hiện tại hố khai quật H1 được chế tác từ một viên cuội màu xanh rêu, một đầu lớn hơn và nhỏ dần về đầu còn lại (mặt cắt dọc gần giống hình nón cụt). Hai đầu của Chày nghiền có dấu nghiền rất rõ. Đây cũng là một công cụ đá đặc trưng của giai đoạn hậu kỳ Đá mới- sơ kỳ Kim khí phát hiện được rất nhiều ở nước ta.
Trong 03 chiếc hòn ghè phát hiện được, có 02 chiếc đã bị vỡ và 01 chiếc còn nguyên. Tất cả có dấu vết mòn được tạo ra trong lúc sử dụng rất rõ.
Cuộc khai quật cũng phát hiện được 03 hiện vật có thể là hòn mài, tất cả đều được làm từ đá sa thạch lẫn thạch anh, do điều kiện không được bảo quản và nằm sâu trong lớp sét vôi nên các dấu vết mài còn lại khá mờ.
- Đồ gốm
Gốm là chất liệu phát hiện được có số lượng lớn nhất trong cuộc khai quật lần này với tổng sô 287 tiêu bản, trong đó tại hố H1 có 155 tiêu bản, H2 có 69 tiêu bản, H3 có 13 tiêu bản và 50 tiêu bản sưu tầm được trong qúa trình tiến hành khai quật. Trong tổng số 287 tiêu bản gốm được phát hiện có 02 hiện vật nguyên là công cụ lao động còn lại 285 mảnh vỡ từ đồ dùng sinh hoạt.
Ở loại hình công cụ lao động có 02 cục chì lưới được phát hiện ở hố khai quật H1 còn nguyên vẹn, có hình quả nhót, ở giữa to và nhỏ dần về hai đầu, đều được đục lỗ để buộc lưới. Chì lưới có màu xám đen lẫn màu nâu nhạt, mặt ngoài khá nhẵn (cũng có ý kiến cho rằng đây là 2 hạt chuỗi bằng đất nung)?.
Đồ dùng sinh hoạt phát hiện được tại đây hầu hét là các mảnh nồi, bát bồng và bình trong tình trạng vỡ nát, trong đó có 41 mảnh miệng, 229 mảnh thân và 15 mảnh đáy/ chân đế.
Ảnh:Mảnh miệng đồ gốm
Ảnh: Mảnh thân đồ gốm
Ảnh: Mảnh chân đế đồ gốm
Trong số 41 mảnh miệng được phát hiện có 16 mảnh được trang trí hoa văn, chủ yếu là loại hoa văn khắc vạch khuông nhạc hình sóng nước, được trang trí ở cổ hoặc sát vai đồ gốm. Ngoài ra còn có hoa văn khắc vạch các đường chỉ chìm thẳng, hoa văn in chấm, hoa văn khắc vạch trên nền in chấm, hoặc hoa văn đắp nổi kết hợp với hoa văn khắc vạch và in chấm. Một sô mảnh gốm có hiện tượng miết loáng và tô thổ hoàng.
Mảnh thân có số lượng lớn nhất, gồm 229 mảnh trong đó 197 mảnh có hoa văn. Hoa văn trên mảnh thân chủ yếu là văn thừng gồm 160 mảnh, văn khắc vạch 3 mảnh, văn khắc vạch trên nền thừng 10 mảnh, văn khắc vạch trên nền in chấm 5 mảnh, văn miết láng trên nền thừng 17 mảnh, văn miết láng trên nền in chấm 1 mảnh và hoa văn kết hợp 1 mảnh.
Loại hình mảnh đáy/ chân đế có số lượng ít nhất với 15 mảnh, trong đó có 4 mảnh được trang trí hoa văn. Hoa văn được phát hiện trên chân đế đồ gốm chủ yếu là hoa văn khắc vạch, đặc biệt là loại hoa văn trỗ lỗ hình tam giác cân trền nền hoa văn in chấm và khắc vạch tại địa điểm hang Mẹ Mòn.
Gốm phát hiện được ở đây khá chắc, có màu nâu đỏ hoặc xám đen, một số mảnh được miết láng rất kỹ hoặc có hiện tượng tô thổ hoàng. Xương gốm dày từ 0,2 cm- 1,0cm có màu đen sẫm lẫn nhiều cát mịn hoặc thô.
- Đồ đồng
Tại cuộc khai quật lần này cũng phát hiện được 01 đồng tiền xu tại hố 1. Hiện vật trong tình trạng bị oxy hóa khá nặng không còn nhìn rõ chữ, có màu xanh gỉ đồng, đường kính 2,5cm, lỗ vuông bên trong có cạnh 0,6cm.
Ảnh:Đồng tiền xu thu được từ hố khai quật H1
Đây là một hiện vật có niên đại cách xa với đồ đá và đồ gốm nói trên, vì thế có thể thấy hang Mẹ Mòn được sử dụng trong nhiều thời kỳ khác nhau.
- Hiện vật xương răng động vật và võ nhuyễn thể
Ngoài những hiện vật ở trên, tại lần khai quật này còn phát hiện được khá nhiều mảnh xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể.
Ảnh: Mảnh xương và vỏ nhuyễn thể
Ảnh:Mảnh công cụ/ xương có vết chế tác
Hiện vật xương và răng động vật phát hiện lần này có 28 mảnh xương và 01 chiếc răng vẫn còn nguyên chân răng. Trong 28 mảnh xương có 3 mảnh là công cụ mũi nhọn, 3 mảnh có dấu vết chế tác như mài, cưa; còn lại là các mảnh xương sườn, xương chi, xương khớp đã bị gãy và đang trong quá trình mủn hóa.
Trên nền hang và trong tầng văn hóa các hố khai quật phát hiện được nhiều vỏ nhuyễn thể, chủ yếu là các loại ốc suối màu trắng bạc đều đã được đập đít để lấy ruột.
III. Một vài nhận xét sau quá trình khai quật
Sau khi tiến hành khai quật Hang Mẹ Mòn thuộc bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đặc biệt là từ những hiện vật thu được chúng ta nhận thấy đời sống vật chất của cư dân cổ hang Mẹ Mòn là kiểu sống cộng đồng săn bắt hái lượm, khai thác các nguồn lợi có sẵn trong tự nhiên. Bằng chứng thu được là có rất nhiều mảnh xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể được phát hiện trên nền hang cũng như trong địa tầng của các hố khai quật. Với việc phát hiện những cục Chì lưới trong tầng văn hóa, có thể nhận định người cổ hang Mẹ Mòn đã biết đến và biết phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản bằng lưới mà địa điểm gần nhất là sông Quang, ngay cạnh chân núi đá vôi. Ngoài ra có thể họ đã biết đến trồng trọt, chăn nuôi bởi thung lũng phía dưới chân núi là khu vực lý tưởng để các cư dân cổ ở đây thực hiện điều này.
Về đời sống tinh thần, ngoài các đồ đá, đồ xương các cư dân cổ hang Mẹ Mòn còn là những người nghệ nhân làm gốm với những loại hình độc đáo và sáng tạo. Hoa văn trang trí trên đồ gốm cũng như việc phát hiện ra các cục thổ hoàng và gốm được tô thổ hoàng cũng đã phản ánh tư duy cũng như nhãn quan thẩm mỹ của các cư dân cổ ở đây.
Qua kết quả khai quật có thể xác định hang Mẹ Mòn là một Di chỉ cư trú, so sánh đồ gốm từ các tư liệu đã được nghiên cứu của các nhà khảo cổ học với các địa điểm khảo cổ học khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An ( đặc biệt là về hoa văn và chất liệu). Có thể nhận định rằng địa điểm này thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới- sơ kỳ Kim khí có niên đại khoảng 4.500 – 3.500 năm cách ngày nay.
Đinh Thị Ánh Tuyết
Phòng NCST – Bảo tàng Nghệ An
Chú thích:
[1] Viện Nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng tỉnh Nghệ An, 2017: Báo cáo điều tra, điền dã, khảo sát hệ thống di chỉ khảo cổ học hang động ở huyện Quế Phong và Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An năm 2017.
[2] Hang Mẹ Mòn: theo nhân dân địa phương còn hay gọi là Hang Con Tằm.
[DISPLAY_ULTIMATE_SOCIAL_ICONS]