Đôi nét về đời sống văn hóa người H’Mông ở Nghệ An

Ngày đăng: 08/07/2021 15:08

Ở Việt Nam, người H’Mông cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Nghệ An được coi là địa bàn cư trú xa nhất của họ trong quá trình di cư từ Bắc vào Nam. Người H’Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, với nhiều tên gọi khác nhau như: Mèo, Mẹo, Miếu Hạ, Mán trắng. Người H’Mông ở Nghệ An có hai ngành: H’Mông trắng và H’Mông đen với dân số khoảng 29.000 người, chiếm 7% dân số dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm 3,6% người Mông trong cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 huyện là: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, trong đó huyện tập trung đông nhất là Kỳ Sơn với hơn 25.000 người.
-Về đời sống vật chất
Người H’Mông ở Nghệ An sinh sống hằng ngày chủ yếu bằng nghề nương rẫy. Trên loại nương này đồng bào trồng các loại hoa màu, cây thuốc chữa bệnh, cây lấy sợi dệt vải… Trước đây, khi chưa được khai hóa, người Mông trồng thuốc phiện khá nhiều. Ngày nay, do được tuyên truyền sâu rộng, nên người H’Mông đã bỏ dần tập quán này, chuyển đổi dần sang việc trồng rừng mang lại kinh tế cao. Nhờ chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của chính phủ, người H’Mông cũng đã và đang tiến tới mô hình kinh tế vườn ao chuồng (VAC) hoặc làm kinh tế trang trại, do vậy cuộc sống đã có những thay đổi đáng kể. Một số nghề thủ công khá phát triển như nghề rèn, làm giấy, mộc, đan lát,… Trong đó nghề rèn tương đối phát triển với sản phẩm đa dạng như con dao, cái rìu, lưỡi cày,… phục vụ cho nhu cầu sản xuất của đồng bào.


Nhà ở
Người H’Mông định cư theo dòng họ. Mỗi dòng họ thường ở theo một cụm và dựng nhà san sát nhau ở lưng chừng núi. Hầu hết những ngôi nhà ở đây đều có kiến trúc khá giống nhau. Kiến trúc ngôi nhà người H’Mông dù to hay nhỏ nhưng đều phải có đủ 3 gian được sắp xếp theo thứ tự gian đầu, gian giữa và gian cuối. Các tấm lợp và mái nhà hầu hết được sử dụng bằng loại gỗ có dầu như sa mu, pơ mu nhằm giữ nhiệt. Ở gian giữa là bàn thờ tổ tiên được bài trí với các tấm giấy tự làm của người H’Mông và chiếc “xử ca” (một loại giấy linh thiêng theo quan niệm của đồng bào). Nếu người Khơ mú đặt bàn thờ nơi bếp thiêng, người Thái có thể đặt ở nhiều vị trí thì bàn thờ người H’Mông luôn đặt hướng cửa chính vào thẳng. Lúc dựng nhà, người H’Mông luôn lấy một chiếc cột, to hay nhỏ không quan trọng nằm ở gian chính để làm cột cái. Khách ở ngoài vào không được đụng vào cột cái. Đây là điều kiêng kỵ nhất của người H’Mông, dòng họ nào cũng. Vì vậy, bất kể ai là người ngoài nếu đập vào cột cái nhà hay chiếc xử ca đều phải chịu sự trừng phạt theo sự quy định của gia đình và dòng họ. Các phòng ngủ của bố mẹ và con cái đã lập gia đình phải ở tách biệt với nhau. Bố chồng hoặc con dâu không bao giờ được bước chân vào phòng ngủ của nhau.
Ngày nay, những gia đình có kinh tế khá giả đã xây những ngôi nhà kiên cố nhưng nhà trần, ống, hay những nhà cấp bốn được bài trí theo lối hiện đại và nhiều nội thất đắt tiền khác nhưng người H’Mông vẫn giữ được những nét gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi nhà của cộng đồng mình. Đó là một điều đáng trân quý trong văn hóa của dân tộc này.
Trang phục
Trang phục là yếu tố nổi bật trong đời sống văn hóa vật thể của đồng bào H’Mông ở Nghệ An. Đồng bào trước đây quan niệm, người phụ nữ giàu có là người có nhiều váy áo đẹp và nhiều trang sức, chính vì vậy mà trang phục của phụ nữ dân tộc H’Mông luôn rất sặc sỡ, độc đáo khác thường. Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc H’Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay; váy, yếm được thêu bằng tay. Bộ trang phục được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Chính vì lẽ đó, giá của một bộ trang phục của phụ nữ đồng bào H’Mông cũng không hề nhỏ. Có những bộ váy của phụ nữ người H’Mông có giá hơn 30 triệu đồng.


Tổ chức xã hội
Tổ chức xã hội của người Mông theo mô hình làng bản. Các gia đình thường sống gần nhau, quây tụ khoảng từ vài ba chục nóc nhà thì lập thành làng. Đứng đầu làng là trưởng làng, người điều hành mọi công việc trong làng. Bên cạnh vai trò của trường làng thì trưởng họ đối với người Mông cũng rất quan trọng. Người trưởng họ sẽ là người đứng ra giải quyết những mẫu thuẫn, những xung đột hay những chuyện hệ trọng xảy ra trong các gia đình, trong dòng họ của mình. Người H’Mông có “cái lý” của người H’Mông vừa biểu hiện yếu tố thẳng thắn, trung thực những có lúc cũng thể hiện năng lực ngụy biện cực đoan khá rõ.
– Về đời sống tinh thần
Người H’Mông ở Nghệ An quan niệm có rất nhiều loại ma: Ma trâu (Nhìu dáng), ma nhà (Xử ca), ma cửa (Xìa mình), ma lợn (Bùa dáng), ma bếp (Hú sinh), ma lò (Khơ trù) v.v… Đồng bào quan niệm mọi vật đều có hồn (Pli). Người chết hồn lìa khỏi xác và biến thành ma. Người ta có 3 hồn: 1 hồn ở đỉnh đầu, 2 hồn ở tay; có lẽ vì vậy nên người ta kiêng xoa đầu trẻ em và kiêng trẻ em vỗ tay vì sợ hồn đi mất. Tuy nhiên, trong đời sống tín ngưỡng người H’Mông đặc biệt chú trọng lễ cúng ma làng (đa zồng), là thần bản mệnh của làng, người phù hộ độ trì cho dân làng mạnh khỏe, tránh bệnh tật, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt,… Vì thế, vào tháng giêng hàng năm, đồng bào tổ chức lễ cúng ma làng linh đình, đông vui.
Đồng bào người H’Mông ở Nghệ An ngày nay vẫn lưu giữ được những phong tục đặc trưng riêng về cưới xin, ma chay. Mặc dù tục bắt vợ của người H’Mông ở nhiều nơi đã bị biến tướng nhưng ở miền Tây Nghệ An, phong tục này vẫn được đồng bào ở đây lưu giữ, như một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Theo quan niệm của người H’Mông, con gái phải được bắt về nhà con trai thì mới có giá. Đây cũng là cách để các chàng trai thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của mình. Khi chàng trai yêu cô gái và được cô gái đáp lại tình cảm, việc tiến tới hôn nhân là chuyện được cả hai bàn tới. Tuy nhiên, việc “bắt vợ” sẽ được chàng trai dấu kín, âm thầm lên kế hoạch thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các bạn mình.
Với nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc, dân tộc H’Mông có nền văn hóa nghệ thuật khá giàu có, đặc biệt là kho tàng truyện cổ dân gian rất phong phú. Nổi bật trong kho tàng truyện kể của đồng bào là tác phẩm “Tiếng khèn của Gia Ba Sử”, “Vừ Lin Thoong và Lỳ Ta Xa”, “Truyện Vừ Lông Pốc”…Kho tàng dân ca cũng rất đặc sắc bao gồm nhiều loại: Loại kể chuyện cổ tích, loại kể chuyện tình yêu trai gái, loại giáo dục chàng rể cô dâu mới, loại dùng để cúng ma…Đồng bào có thể kể chuyện bằng văn vần hoặc hát (khúa kê) hoặc thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc như khèn, kèn lá, đàn môi hoặc sáo như: Tra kênh (khèn bè), Trà plải (một loại sáo ngang), Lìa dầu (một loại sáo dọc), Trà đà (đàn môi – nhạc cụ tự thân vang), Trà kò (nhị – nhạc cụ dây, chi cung kéo)… Âm nhạc của người Mông cũng khá phát triển với các điệu hát nổi tiếng, đóng dấu như là “thương hiệu” riêng của họ như là: điệu Cử xia, lù tẩu, vàng hủa, lệ lệ lệ tù lệ, xến, xằng lề… là những câu hát mang đầy tâm tình được thổ lộ của các cặp trai gái trong những đêm trăng.
Văn hóa của người H’Mông ở Nghệ An hiện nay là sự đan xen giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn không chỉ bám rễ trong sinh hoạt văn hóa truyền thống mà còn ảnh hưởng, thâm nhập vào đời sống văn hóa mới, tạo nên sự phong phú, bổ ích cho sinh hoạt văn hóa hiện nay của đồng bào. Bản sắc văn hoá độc đáo của họ đã đóng góp và làm phong phú cho nền văn hoá Việt Nam.
Đào Thị Thu Vân
Phòng Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial