Đôi nét về sưu tập hiện vật đồ dùng sinh hoạt thời tiền sơ sử tại Bảo tàng Nghệ An

Ngày đăng: 28/05/2021 10:06

Sưu tập hiện vật là linh hồn, là trung tâm tạo nên sự hấp dẫn đối với khách tham quan, nghiên cứu. Công tác xây dựng sưu tập chiếm vị trí quan trọng trong các khâu hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Quá trình lựa chọn hiện vật đưa vào sưu tập, bổ sung thông tin sẽ góp phần nâng cao chất lượng khoa học của các hoạt động nghiệp vụ kho.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó nên trong những năm qua, Bảo tàng Nghệ An đã xây dựng được 12 bộ sưu tập như: Sưu tập trống đồng, tiền cổ, con dấu thời phong kiến, đồ trang sức văn hóa Đông Sơn, sưu tập đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…Trong đó, đáng chú ý là sưu tập đồ dùng sinh hoạt thời tiền sử với nhiều hiện vật quý, có giá trị. Đặc biệt là một chiếc môi đồng đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Sưu tập gồm 212 hiện vật bằng chất liệu: đá, đồng và gốm là đồ dùng sinh hoạt của người Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An từ thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước. Sưu tập không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình với những bộ bàn- chày nghiền, nồi, âu, thố, thạp, bình, bát, muôi, chõ đồ xôi… có nhiều giá trị về văn hóa, kỹ – mỹ thuật, là bằng chứng sinh động phản ánh đời sống kinh tế, xã hội  của tổ tiên chúng ta từ hàng ngàn năm trước.

Hơn 80 % hiện vật trong sưu tập này bảo tàng Nghệ An có được qua các cuộc điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại di chỉ Làng Vạc ( xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn- nay thuộc Thị xã Thái Hòa); Di chỉ hang Thẩm Hoi (Con Cuông); Di chỉ Hang Chùa (Tân Kỳ), hang Đồng Trương ( Anh Sơn), các di chỉ thuộc văn hóa Quỳnh Văn… Số còn lại do bảo tàng sưu tầm, do công an bàn giao sau khi bắt giữ từ các vụ buôn bán cổ vật trái phép và do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó đồ dùng sinh hoạt thuộc văn hóa Đông Sơn có số lượng nhiều nhất với 128 hiện vật, có những cổ vật được chế tác tinh xảo, đặc biệt có giá trị. Điển hình là những chiếc muôi đồng có kiểu dáng độc đáo, lạ mắt.

Muôi thứ nhất thu được tại di chỉ làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn trong lần khai quật năm 1981.Muôi có hai phần: phần để múc và phần cán. Phần để múc sâu lòng, đường kính 7,8cm. Trong lòng muôi bị thủng một lỗ đã được người xưa hàn đồng lại. Phần cán muôi dẹt dài 11,5 cm, rộng 4,6cm phía trên cùng của đầu cán có đúc tượng voi, trên lưng voi và cán có khắc hoa văn gân lá rất đẹp. Lưng voi và đầu voi đúc cong hình cung làm chỗ tay cầm rất thuận tiện, gần đầu cán nhô ra hai mấu nhọn hình tam giác. Độ dày của cán và phần để múc 0,3cm. Dưới con mắt tài hoa của nghệ sĩ tạo hình Làng Vạc tượng voi được bố trí nằm ngang ở phần cán không chỉ làm cho dáng muôi trở nên cân đối, hài hòa, vững chãi, mà còn tao nên sự  đối trọng hợp lý, không dồn sức nặng về phía lòng muôi mà còn khiến tính thẩm mỹ của tác phẩm tăng lên gấp bội.

Chiếc thứ hai cũng thu được tại Làng Vạc, trong đợt khai quật đầu tiên năm 1973, muôi dài 20cm, đường kính miệng 5cm. Đây là chiếc muôi có hình dáng đặc biệt, mang dáng dấp, kích thước tương đương với chiếc tẩu thuốc hiện đại. Thân muôi  vừa giống hình ảnh chiếc thạp đồng lật ngửa, được cắt vát miệng, cán muôi thon tròn được uốn cong nhẹ nhàng, thanh thoát. Muôi khá dày và nặng. Với cách tạo hình lạ mắt, người thợ đúc đồng Đông Sơn đã biến một vật dụng hết sức quen thuộc trong đời sống thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, thẩm định cổ vật hàng đầu của nước ta như Giáo sư Trịnh Sinh, tiến sĩ Phạm Quốc Quân… thì hai chiếc muôi Làng Vạc có  kiểu dáng độc đáo, độc bản, có giá trị đặc biệt quý hiếm phản ánh tài hoa và trình độ đã đạt đến đỉnh cao của người nghệ nhân đúc đồng Làng Vạc.

Sưu tập đồ dùng sinh hoạt của người tiền- sơ sử là nguồn sử liệu quý giá, đáng tin cậy không chỉ giúp chúng ta  nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống kinh tế, xã hội, tư duy thẩm mỹ của người Việt cổ sinh sống trên đất Nghệ An nói riêng, mà còn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề của lịch sử dân tộc nói chung.

Những năm tới, Bảo tàng Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng các bộ sưu tập mới trên cơ sở hệ thống hiện vật có trong kho và những hiện vật mới được sưu tầm về để hệ thống hóa, bổ sung thông tin nhằm làm tăng giá trị của hiện vật phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trưng bày.

                                                                                                                                            Hoàng Thị Minh

PTP. Trưng bày – Tuyên truyền – Giáo dục

Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial